Cả tuần qua, dư luận nóng lên việc cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang tát học sinh lớp 2 tại trường Tiểu học Quán Toan (Quận Hồng Bàng, Hải Phòng).
Ngày 10/5, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quán Toan đã ban hành Quyết định xử lý kỷ luật cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang với hình thức cảnh cáo, đình chỉ công tác giảng dạy 6 tháng và không bố trí tham gia chủ nhiệm 1 năm học.
Nhiều giáo viên bất bình vì thầy Việt Hưng bị kỉ luật |
Trong buổi thông tin với báo chí, cô Trang đã khóc, khóc thật nhiều và xin có cơ hội sửa sai.
Những tưởng với mức kỷ luật ấy sẽ đủ để cho cô Trang có cơ hội nhìn nhận lại những sai lầm của mình trong nghiệp vụ. Và thực tế, đó cũng là mức phạt cao nhất đối với hành vi của cô, đang được các văn bản pháp quy quy định.
Tuy nhiên, dưới áp lực của phụ huynh, dư luận xã hội, đến ngày 20/5, cô giáo đã không còn cơ hội sửa sai nữa, thông báo của Ủy ban nhân dân quận Hồng Bàng đã nêu rõ việc xử lý cô giáo sẽ là “buộc thôi việc”.
Giọt nước mắt, lời cầu xin của cô giáo đã không được dư luận, ngành giáo dục, phụ huynh học sinh cảm thông. (Ảnh: LT) |
Không có gì có thể lý giải cho hành động của cô giáo Trang nhưng cái thông báo xử lý kỷ luật “buộc thôi việc” sao mà xót xa.
Lời thỉnh cầu, mức kỷ luật, sự hối hận của cô giáo đã không được dư luận cảm thông. Ngành giáo dục cũng chẳng thể bênh vực được cô giáo nữa.
Còn gì xót xa hơn khi cô giáo bị đuổi khỏi trường vì mang “tội” bạo hành học sinh.
Càng xót xa hơn khi mức kỷ luật rất nặng ngày 10/5 được đưa ra nhưng phụ huynh vẫn không chấp nhận.
Và cuối cùng, cô giáo đã bị đuổi khỏi lớp, đuổi khỏi trường, đuổi khỏi ngành.
Lâu nay, xã hội vẫn tôn xưng nghề giáo là một nghề cao quý, rồi phong cho họ là những người kỹ sư tâm hồn.
Thế nhưng, vách ngăn giữa những người kỹ sư tâm hồn ấy với tương lai mầm non con trẻ đang ngày một ngăn cách rất xa.
Khi mà phụ huynh phó mặc con cái cho nhà trường dạy dỗ nhưng họ lại thiếu đi niềm tin vào giáo dục.
Niềm tin ấy đang trở thành điều xa xỉ và quá lớn lao dành cho những người làm giáo dục. Bởi bây giờ người ta nói nhiều đến tiêu cực hơn là những điều tích cực.
Khi sự việc xảy ra, trên mạng xã hội là những dòng căm phẫn, trút giận, thóa mạ vào những người làm giáo dục.
Niềm tin là thứ xa xỉ của phụ huynh dành cho cô giáo. (Ảnh minh họa DAD/thanhnien) |
Sự “cao quý” của nghề giáo không còn nữa. Bởi dư luận bây giờ quá nhanh chóng quy kết tội lỗi cho cô giáo và họ đánh giá giáo dục, đánh giá cô giáo, thầy giáo không khác gì những “ác quỷ” trong trường học.
Dư luận vẫn đặt cho nghề của thầy cô giáo theo đuổi hàng loạt những mỹ từ nhưng nó chỉ là những từ sáo rỗng và họ thiếu đi sự cảm thông với những áp lực mà các thầy cô gặp phải.
Trách sao được những vị phụ huynh ấy khi mà ngày ngày người ta chỉ chú tâm vào những chuyện đen tối của giáo dục.
Nhưng đáng lo ngại hơn khi uy quyền của giáo dục mất đi, những đứa trẻ được chiều chuộng vô điều kiện ở nhà, đến lớp chẳng nghe lời cô thầy cô, nhưng vẫn được che chở tuyệt đối.
Ở nhà, chúng được sống trong sự phục vụ của cha mẹ, ông bà như vậy đến trường chúng đủ thông minh để hiểu rằng cô giáo sẽ chẳng làm gì chúng ngay cả khi chúng không chịu nghe lời, học hành.
Khi mà những “quan tòa” online đang quyết định cả sự nghiệp của thầy, cô giáo thì có lẽ việc “uốn măng” sẽ chẳng được nữa.
Và đến bây giờ, người ta phải xót xa thừa nhận rằng, ở một góc nhìn nào đó, nghề giáo ít còn tôn sư và đang mất dần trọng đạo.
Những căn nguyên khác không những không được khắc phục mà còn đang bị xoáy sâu vào như những vết thương khó lành: Bệnh thành tích nặng, lương thấp, uy quyền của phụ huynh và học sinh đã lấn át hết thầy cô giáo…
Cũng chẳng quá khi có nhiều người cho rằng, nghề giáo bây giờ cũng được xếp vào… nghề nguy hiểm!
Nhìn những thân phận cô giáo, thầy giáo sao thấy “mỏng manh cánh chuồn đến vậy”.
Trước cô Trang, đã có rất nhiều người thầy, người cô khác bị đuổi khỏi ngành giáo dục bởi những đòn doi dành cho học trò.
Đau đớn và tủi nhục, nghề giáo đã bị dư luận thiếu niềm tin đến như vậy sao? (Ảnh: Người lao động) |
Nguyên nhân nào dẫn đến những sự việc đau lòng ấy? Có phải vì đạo đức nhà giáo xuống cấp đến mức trầm trọng vậy không? Có lẽ không phải.
Bởi có sự việc dư luận lên án đúng nhưng tuyệt nhiên không có sự việc nào có sự cảm thông từ dư luận.
Chính những người làm nghề giáo bây giờ cũng chỉ biết thở dài than thân, và im lặng để an phận thủ thường cầu mong sự việc ấy không đến với mình. Bởi chẳng ai cảm thông hay thấu hiều, tìm cách tháo gỡ cho các thầy, cô.
Họ đang cô đơn trên giảng đường!
Phụ huynh gì mà vô lễ với thầy như thế! |
Những người lớn bây giờ có dám khẳng định rằng mình đi học chưa từng chịu đòn roi, mắng nhiếc của cô thầy trong những ngày đến trường?
Bố mẹ của những người lớn ấy có hành xử như họ bây giờ không? Có kéo đến trường đòi đuổi cô giáo, thầy giáo của những người đã lớn ấy ra khỏi trường?
Sau những đòn roi ấy, họ có lớn và trưởng thành hơn?
Có bao giờ thầy, cô giáo đang bị phụ huynh đánh nhiều như hiện nay? Và có bao giờ nhiều thầy giáo, cô giáo bị đuổi khỏi lớp, khỏi trường, đuổi khỏi ngành giáo dục như hiện nay.
Thật xót xa.