LTS: Sáng kiến kinh nghiệm vốn là một điều rất tốt nhắm khuyến khích giáo viên sáng tạo trong việc giảng dạy.
Tuy nhiên, hoạt động này càng ngày càng bị giáo viên ghét. Vì sao vậy?
Câu trả lời được nhà giáo Sơn Quang Huyến tiết lộ trong bài viết sau đây.
Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên, nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng kinh nghiệm, năng lực giáo viên trong việc giảng dạy, quản lý.
Sáng kiến kinh nghiệm không chỉ mang đến những đổi mới, sáng tạo trong công tác dạy và học, mà còn giúp người dạy thoát khỏi khuôn mẫu của phương pháp đã học, thỏa sức sáng tạo trong quá trình lao động.
Sáng kiến kinh nghiệm là một trong các tiêu chí để bình xét, đánh giá thi đua nhiều năm qua vô tình tạo ra áp lực, đẩy giáo viên vào tính hình thức trong sáng tạo.
Cho điểm sáng kiến kinh nghiệm, người chấm biết cả, nhưng... |
Buộc giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy, không còn phù hợp trong điều kiện mới hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT về việc hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục vào cuối năm 2015, (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/2/2016) với nhiều điểm điều chỉnh, thay đổi rất quan trọng.
Trong đó, tiêu chí xếp loại Giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở đã không còn bắt buộc phải có Sáng kiến kinh nghiệm.
Thế nhưng, không thể bỏ sáng kiến kinh nghiệm được, vì nó đã “luật hóa” trong luật thi đua khen thưởng. Vì vậy giáo viên vẫn phải “sống chung” với sáng kiến kinh nghiệm.
Nhiều giáo viên sáng tạo, nhưng không viết sáng kiến. Tại sao vậy?
Vì họ ghét sáng kiến kinh nghiệm; những người khác viết, nhưng trong đó không ít người chỉ xào đi, nấu lại cái đã có trên mạng, không phải do tâm huyết của mình; họ cũng ghét chính sáng kiến kinh nghiệm mình “thai nghén đẻ ra”.
Ai đã làm họ ghét một điều tốt đẹp như thế? Đúng ra, đây phải là điều được trân quý, yêu thương, lan tỏa đưa lại lợi ích cho học trò!
Chụp từ một Hướng dẫn viết sáng kiến kinh nghiệm |
Thủ phạm chính là Hướng dẫn viết sáng kiến kinh nghiệm của địa phương!
Đọc, nhận ra một điều phi lý nhất trong các điều phi lý, một sáng kiến kinh nghiệm phải có dung lượng từ 15 trang A4 trở lên!
(Đây là dung lượng ít nhất trong một số hướng dẫn người viết đọc được, còn không ít hướng dẫn khác quy định 30 trang trở lên).
Trao đổi với một số “chuyên gia sáng kiến kinh nghiệm”, ai cũng lắc đầu, trước những quy định “trên trời” này.
Những giáo viên có sáng kiến thường thích ngắn gọn, súc tích; viết dài thường viết “dại”; nói cách khác, đòi hỏi dung lượng lớn trong sáng kiến kinh nghiệm chẳng khác gì “ép” giáo viên xào nấu, làm cho có, từ đó gây tâm lý ghét, coi thường sáng kiến kinh nghiệm.
Mặt khác, các giám khảo chấm sáng kiến kinh nghiệm đọc, thấu hiểu sáng kiến kinh nghiệm được không, khi chỉ một buổi hay một ngày mà chấm vài chục sáng kiến kinh nghiệm, với số trang lớn như thế?
Làm sao để giáo viên yêu sáng kiến kinh nghiệm?
1. Kiến nghị sửa luật Thi đua - Khen thưởng, không dùng sáng kiến kinh nghiệm trong tiêu chí thi đua của ngành giáo dục.
Ai có sáng kiến thì viết, không có thì không viết. Có thể thay thế sáng kiến kinh nghiệm bằng dụng cụ dạy học tự làm v.v...
2. Không quy định dung lượng của một sáng kiến phải dài bao nhiêu trang giấy; yêu cầu sáng kiến kinh nghiệm súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc.
3. Sáng kiến kinh nghiệm phải công khai lấy ý kiến đồng nghiệp trước khi chấm. Thẩm tra kết quả áp dụng của sáng kiến kinh nghiệm, tránh kết quả bị “diễn”, hư cấu.
4. Sáng kiến kinh nghiệm đạt giải, được vinh danh, phổ biến áp dụng trên địa phương. Người viết được khen thưởng xứng đáng.
5. Các trang Website của Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo công khai nội dung các sáng kiến để mọi người học tập.
Làm được như thế, tin rằng giáo viên không còn “dị ứng” với sáng kiến kinh nghiệm, từ đó có sự nỗ lực bản thân để học hỏi, trau dồi nghiệp vụ cho chính mình; rút kinh nghiệm bản thân, viết sáng kiến kinh nghiệm phổ biến cho đồng nghiệp.