Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương xuyên suốt vô cùng đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Để vận động được sức dân, thu hút được nhà đầu tư cho giáo dục, thiết nghĩ quyền sở hữu và quyền điều hành của nhà đầu tư đối với trường tư thục họ lập ra, là 2 trụ cột tối quan trọng và phải được pháp luật bảo hộ.
Trong bài viết trước, chúng tôi đã nêu ra những băn khoăn, lo lắng của một số nhà đầu tư, một số trường tư thục về quyền điều hành khi được tiếp cận với Khoản 3 Điều 56 Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, phiên bản ngày 12/4/2019.
Những người không góp xu nào có được tham gia điều hành trường tư thục? |
Ở bài viết này, chúng tôi xin tiếp tục trình bày những ưu tư của không ít nhà đầu tư, lãnh đạo trường tư thục về trụ cột thứ 2 - quyền sở hữu.
Quyền sở hữu của nhà đầu tư với trường tư thục, vốn được Luật Giáo dục hiện hành bảo hộ bằng các quy định rõ ràng để họ yên tâm đầu tư vào giáo dục, nhưng khi tiếp cận Điều 49, Điều 100 của Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bản 12/4/2019, có không ít băn khoăn.
Cùng với quyền điều hành, quyền sở hữu được bảo hộ là điều kiện sống còn của giáo dục tư thục
Đây là nội dung quan trọng sống còn đối với giáo dục tư thục, bởi chỉ khi nào quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư được luật pháp bảo hộ, thì các nhà đầu tư mới thực sự yên tâm đầu tư vào giáo dục, góp phần thực hiện thành công chính sách xã hội hóa giáo dục vô cùng sáng suốt của Đảng và Nhà nước.
Luật Giáo dục hiện hành, Điều 67. Quyền sở hữu tài sản, rút vốn và chuyển nhượng vốn, quy định:
“Tài sản, tài chính của trường dân lập thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng dân cư ở cơ sở; tài sản, tài chính của trường tư thục thuộc sở hữu của các thành viên góp vốn.
Tài sản, tài chính của trường dân lập, trường tư thục được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật.
Việc rút vốn và chuyển nhượng vốn đối với trường tư thục được thực hiện theo quy định của Chính phủ, bảo đảm sự ổn định và phát triển của nhà trường.”
Quy định như Điều 67 Luật Giáo dục hiện hành được nhiều trường tư thục nhận định là rõ ràng, chính xác, phù hợp với cam kết của Nhà nước về việc bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà đầu tư vào giáo dục cũng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.
Quy định như Điều 67 Luật Giáo dục hiện hành được không ít trường tư thục cho rằng phù hợp thực tiễn và tránh được những tranh chấp không đáng có, ảnh minh họa, nguồn: Tạp chí Mặt trận (tapchimattran.vn). |
Tuy nhiên, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bản 12/4/2019, Điều 49. Nhà Đầu tư, không có nội dung nào đề cập đến “quyền sở hữu” của Nhà đầu tư, trong khi “quyền sở hữu” lại được đưa vào Điều 100, theo đó:
"1. Tài sản trường dân lập, tư thục thuộc sở hữu của pháp nhân nhà trường.
Tài sản của trường dân lập, tư thục được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật.
2. Tài sản thuộc sở hữu của trường tư thục được hình thành từ vốn góp của các thành viên, được xác định bằng biên bản góp vốn của các nhà đầu tư và ghi trong điều lệ nhà trường.
Các nhà đầu tư có trách nhiệm chuyển quyền sở hữu phần tài sản góp vốn cho nhà trường theo quy định.
3. Việc chuyển nhượng vốn đối với trường dân lập, tư thục được thực hiện theo quy định của Chính phủ, bảo đảm sự ổn định và phát triển của nhà trường."
“Pháp nhân nhà trường” là ai thì Dự thảo Luật Giáo dục không giải thích, trong khi các nhà đầu tư "có trách nhiệm chuyển quyền sở hữu phần tài sản góp vốn cho nhà trường theo quy định".
Học phí trường tư thục, điểm sáng của Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi |
"Nhà trường", "pháp nhân nhà trường" ở đây là ai? Trong trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư thành lập trường tư thục, họ phải "chuyển quyền sở hữu phần tài sản góp vốn" cho ai?
Đồng tiền đi liền khúc ruột, các nhà đầu tư lo lắng khi không biết quyền sở hữu của mình phải chuyển cho "nhà trường" do "pháp nhân nhà trường" làm chủ sở hữu, họ là ai.
Điều 49. Nhà đầu tư, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bản 12/9/2019 không có “quyền sở hữu”.
Quy định như vậy khiến các trường tư thục, các nhà đầu tư vô cùng lo lắng băn khoăn về những rủi ro đối với khối tài sản, tâm huyết, sức lực, trí tuệ đã đầu tư vào trường tư thục và xây dựng nên những thương hiệu có chỗ đứng trong xã hội.
Xin được chuyển những băn khoăn, lo lắng này của nhà đầu tư, trường tư thục đến Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi cùng kiến nghị giữ nguyên Điều 67 Luật Giáo dục hiện hành, thay thế cho Điều 49 và Điều 100 Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.
Có hay không định kiến với giáo dục tư thục?
Về Hội đồng trường tư thục quy định tại Khoản 3 Điều 56 Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bản 12/4/2019, có ý kiến cho rằng phải quy định như vậy thay cho Hội đồng quản trị trong Luật Giáo dục hiện hành là vì băn khoăn:
Nếu hội đồng quản trị trường tư thục (theo Luật Giáo dục hiện hành) bị chi phối bởi nhà đầu tư, thì liệu ở Việt Nam trường tư thục có đảm bảo vì giáo dục, hay vì lợi nhuận?
Ảnh minh họa, chụp màn hình bài viết trên Báo Nhân Dân. |
Chúng tôi cho rằng, sở dĩ có băn khoăn này là do quan niệm xem giáo dục như một phúc lợi (giáo dục công lập, chi phí rẻ) còn chiếm ưu thế.
Trong khi đó, giáo dục tư thục là dịch vụ đáp ứng nhu cầu rất đa dạng của người dân, dựa trên sự thỏa thuận tự nguyện giữa người sử dụng dịch vụ với bên cung cấp dịch vụ, vẫn chưa được coi trọng đúng mức và đối xử công bằng.
Bởi vậy cho nên một số quan điểm vẫn xem các hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục tư thục là như kinh doanh giáo dục, thậm chí có quan điểm cho rằng "vụ lợi", rất nặng nề.
Trước 2000, nói về kinh tế tư nhân rất bị kỳ thị, nhưng đến nay kinh tế tư nhân đã trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, theo Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban chấp hành Trung ương. [1]
Theo Tiến sĩ Phạm Thị Lương Diệu, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trong một bài viết đăng trên trang tuyengiao.vn ngày 28/7/2018:
Cho đến cuối năm 2017, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 39% - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế. [2]
Nhà đầu tư lo bị tước quyền điều hành nhà trường vì dự thảo Luật giáo dục |
Không có các trường tư thục, thì không có cơ hội cho hàng ngàn giáo viên, chỉ dựa nguồn lực nhà nước không thể xây dựng trường sở để tạo chỗ ngồi học cho hàng trăm ngàn học sinh sinh viên.
Phát triển trường tư thục là phát huy các nguồn lực ngoài nhà nước, không phát triển trường tư thục thì không có cạnh tranh, bởi trường công bị ràng buộc bởi cơ chế, làm tốt - trung bình - dưới trung bình cũng hưởng lương như nhau, không thể tạo ra động lực.
Trường tư thục tạo dựng được uy tín, thương hiệu, cha mẹ học sinh sẵn sàng bỏ ra khoản chi phí lớn gấp nhiều lần học phí trường công lập để cho con theo học, là một điều mừng.
Nhà trường làm ăn có lãi, thì thu nhập giáo viên, cán bộ công nhân viên mới được nâng cao. Nhà đầu tư bỏ ra cả khối tài sản lớn, họ được hưởng lợi tức từ cung cấp dịch vụ giáo dục là một lẽ hiển nhiên, có gì phải "băn khoăn"?
Đó là quan hệ cung - cầu trên tinh thần thỏa thuận, tự nguyện.
Muốn vậy, các trường tư thục phải rất năng động và liên tục điều chỉnh chiến lược, sách lược, nâng cao dịch vụ, chất lượng đào tạo để thu hút học sinh đến trường mình. Giáo dục tư thục đâu phải lĩnh vực dễ ăn xổi?
Tất nhiên, trong thực tế không phải không có nhà đầu tư cho rằng giáo dục là lĩnh vực dễ kiếm tiền và đặt lợi nhuận lên hàng đầu, nhưng nhìn lại có ai làm nên thương hiệu trong giáo dục nhờ quan điểm ăn xổi ấy?
Hãy để thị trường tự điều tiết, cha mẹ học sinh tự lựa chọn dịch vụ và quyết định chọn trường cho con em, không có gì phải băn khoăn.
Vì thế nên chăng cần xem lại Khoản 2 Điều 21 trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bản 12/4/2019: "Cấm hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi" chỉ nên quy định với trường công lập, bởi giáo dục tư thục là hoạt động có lợi tức, không có lợi tức ai bỏ cả khối tài sản cả đời tích lũy đầu tư vào giáo dục làm chi?
Trong khi đó, ở môi trường phổ thông công lập hiện nay, học sinh đang là "khách hàng" bất đắc dĩ của không ít loại hình dịch vụ nhân danh các cuộc thi, các hoạt động giáo dục, thiết nghĩ đây mới là điều Luật Giáo dục sửa đổi cần phải cấm.
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi có nhiều nội dung quan trọng, ảnh hưởng đến sự sống còn của hệ thống các trường phổ thông tư thục. Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, để các trường tư thục, các nhà đầu tư trình bày tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất đến Ban soạn thảo cũng như Cơ quan thẩm tra Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Thời gian: 13h30 phút đến 17h ngày 8/5/2019. Địa điểm: Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11, Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội. Trân trọng kính mời lãnh đạo các trường tư thục, các nhà đầu tư, cha mẹ học sinh quan tâm tham dự. Thông tin về Hội thảo vui lòng liên hệ với Tòa soạn theo địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn. |
Tài liệu tham khảo:
[1]http://nhandan.com.vn/kinhte/item/39194302-dau-an-kinh-te-tu-nhan.html
[2]http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/phat-trien-kinh-te-tu-nhan-o-viet-nam-duoi-tac-dong-cua-viec-cai-thien-moi-truong-phap-ly-113810