Bộ trưởng Thăng: Tôi trân trọng ý kiến của PGS.Văn Như Cương, nhưng...

06/04/2012 05:45
Ngọc Quang
(GDVN) - "Tôi rất trân trọng ý kiến của các chuyên gia, nhất là ý kiến của những người như PGS.Văn Như Cương, nhưng...".

Sau hơn hai tháng đổi giờ học, giờ làm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã dành cho Báo Giáo dục Việt Nam những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Thăng, kể từ khi TP Hà Nội áp dụng thí điểm thay đổi giờ học, giờ làm từ đầu tháng 2 vừa qua, ghi nhận ban đầu cho thấy có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều nút giao thông của Hà Nội thường xuyên bị tắc kéo dài thì nay đã giảm đi trông thấy. “Đây mới là giai đoạn thí điểm, sau đó sẽ có tổng kết đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp, tất nhiên đây cũng chỉ là một giải pháp trong số rất nhiều giải pháp đồng bộ để nhằm chống ùn tắc đô thị và giảm tai nạn giao thông trên cả nước. Ùn tắc đô thị mà chủ yếu là Hà Nội và TP.HCM đang làm hạn chế sự phát tiển kinh tế xã hội, mỗi năm lãng phí nhiều tỷ đồng. Hàng ngày, tôi đi làm mà nghe thấy chỗ này ùn tắc, chỗ kia tai nạn, cảm thấy rất buồn”, Bộ trưởng Thăng chia sẻ.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp báo chiều 3/4 tại Bộ GTVT
Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp báo chiều 3/4 tại Bộ GTVT

Cũng theo Bộ trưởng Thăng, dự thảo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua cũng đã nêu rõ, giao cho Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan khác tiếp tục thực hiện, theo dõi và đánh giá các giải pháp chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM… và phương án đổi giờ học, giờ làm chỉ là một trong nhiều biện pháp, cần phải thực hiện quyết liệt thì mới chống được ùn tắc, nhất là khi số dân ở Hà Nội và TP.HCM vẫn đang tăng nhanh, kéo theo mật độ phương tiện tham gia giao thông cũng tăng đáng kể.

Tuy nhiên, kể từ khi Hà Nội áp dụng thí điểm thay đổi giờ học, giờ làm tới nay vẫn có hai luồng ý kiến khác nhau: đồng tình và phản đối. Những người đồng tình thì cho rằng, mỗi người, mỗi gia đình cần chia sẻ vì lợi ích chung của cộng đồng. TS. Nguyễn Xuân Thủy – một chuyên gia có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị (từng có nhiều phản biện sắc sảo gửi tới Bộ trưởng Thăng) cũng nói: “Tôi cũng hiểu là người dân bức xúc trong việc đưa đón con đi học, nhưng người dân cũng cần thông cảm với ngành giao thông vận tải. Hiện nay cả Hà Nội và TP.HCM đều là những thành phố đứng đầu thế giới về ùn tắc… Các vụ ùn tắc gây thiệt hại vô cùng to lớn về kinh tế, xã hội, mỗi năm lãng phí hàng chục ngàn tỷ đồng”.

Ở chiều ngược lại, những người phản đối cho rằng, việc đổi giờ này không có tác dụng lớn nhưng lại làm đảo lộn sinh hoạt gia đình. Học sinh đi học về muộn hơn, giờ giấc bị thay đổi nên cũng làm ảnh hưởng tới đồng hồ sinh học vốn cần phải được tuân theo sự vận động của tự nhiên. Nhiều người cũng cho rằng, trên thực tế, đường vẫn tắc, thậm chí tắc ở nhiều thời điểm trong ngày.

Trong số những người chưa đồng tình với phương án đổi giờ học giờ làm có nhiều chuyên gia giáo dục, trong đó có PGS.Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh.

Theo PGS.Văn Như Cương, mục đích của đổi giờ học, giờ làm là để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay. Tuy nhiên, phương án này không tối ưu và đã bộ lộ những khiếm khuyết, bất ổn và những điều không hợp lý. Giờ học mới đã ảnh hưởng nhiều đến việc học tập của học sinh, việc giảng dạy của giáo viên, công việc của phụ huynh… và việc quản lý trường của Ban giám hiệu các trường học.

PGS.Cương đặt ra câu hỏi: Không hiểu sao lại có phương án này? Các nhà quản lý phải nghiên cứu đi. Phương án này có giúp làm giảm tắc đường không? Giảm được bao nhiêu %? Ảnh hưởng xã hội thế nào? Chi phí xã hội tăng lên thế nào? Một quyết định làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm nghìn người mà không được nghiên cứu, thăm dò kỹ càng thì làm sao quyết định đó đúng được với mong muốn của người dân.

Sau khi TP Hà Nội quyết định đổi giờ học cho khối THPT kết thúc lúc 18h (phương án ban đầu kết thúc lúc 19h), PGS.Văn Như Cương vẫn nhận định: "Đó là vấn đề tôi đang băn khoăn, lo lắng và thấy chưa hài lòng, chưa yên tâm. Không cần nói ai cũng biết, 18 giờ là khung giờ cao điểm về ùn tắc giao thông trong địa bàn Hà Nội. Do đó, cho học sinh khối THPT tan vào thời điểm đó thì vô tình chúng ta lại đóng góp một số lượng lớn người tham gia giao thông ở mọi ngóc ngách trên đường phố Hà Nội. Đường đã tắc, nay lại càng thêm ùn tắc và sẽ còn hơn một lần nữa phải điều chỉnh giờ học".

Báo Giáo dục Việt Nam đã mang những ý kiến của PGS.Văn Như Cương tới gặp Tư lệnh thứ 13 của ngành GTVT. Bộ trưởng Thăng nói: “Tôi rất trân trọng ý kiến của các chuyên gia, nhất là ý kiến của những người như PGS.Văn Như Cương. Tuy nhiên, những ý kiến như của PGS.Cương cũng chỉ là quan điểm cá nhân, còn việc đổi giờ học giờ làm là quyết tâm của cả Chính phủ, nhiều Bộ ngành, các cơ quan của TP Hà Nội… chứ không phải vì ý kiến của một cá nhân nào. Sau một thời gian triển khai, những người có trách nhiệm sẽ tổng kết đánh giá những tác động khác nhau, nhiều chiều, nhiều khía cạnh, căn cứ vào tình hình thực tế để điều chỉnh cho phù hợp”.

Trả lời câu hỏi của PV: Nếu giờ học hiện nay thực sự không phù hợp, Bộ trưởng có đề xuất điều chỉnh lại không? Bộ trưởng Thăng cho hay: “Việc phản hồi của dư luận xã hội sẽ do các cơ quan của địa phương là Hà Nội và TP.HCM xem xét, bởi quyết định điều chỉnh giờ học, giờ làm như thế nào thuộc quyền của các thành phố này”.

Trước đó, vào trung tuần tháng 3, tại buổi làm việc với TP.HCM về công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu TP.HCM nên nghiên cứu lại việc đổi giờ học, giờ làm để tránh kẹt xe. Lý do Phó thủ tướng yêu cầu TP.HCM nghiên cứu lại việc đổi giờ học, giờ làm vì trước đó, trong phương án trình Chính phủ, địa phương này vẫn giữ nguyên quan điểm không đổi giờ làm. Thành phố đã đưa ra phương án đổi giờ học nhưng cũng chỉ điều chỉnh muộn hơn 15 phút đối với học sinh các trường tiểu học và các trường THCS.

Phó Thủ tướng nói: "Tôi đồng ý với quan điểm của thành phố là khác Hà Nội vì có những đặc thù riêng và ít cơ quan trung ương, nhưng chúng ta điều chỉnh cục bộ thì việc giảm ùn tắc rất hạn chế. Hà Nội đã làm rất tốt điều này. Trước đây tôi đi đến cơ quan làm việc mất 30 phút thì giờ chỉ còn 20 phút. Với TP.HCM, tuy thành phố đã nghiên cứu lệch ca, lệch giờ từ nhiều năm nay nhưng tôi cho rằng, trong phạm vi liên khu vực, liên vùng miền nên nghiên cứu lại một cách khoa học và có hệ thống để có cách điều chỉnh cho phù hợp".

Ngọc Quang