Chương trình "song bằng" của Hà Nội vẫn bình mới rượu cũ, thất bại ai sẽ chịu?

24/07/2018 07:51
Vũ Thái
(GDVN) - Sở Giáo dục Hà Nội đã từng tổ chức đưa Chương trình Cambridge vào một số trường từ 2009 và kết thúc không kèn không trống, nay dựng lại với tên mới: song bằng.

Trong buổi giao lưu trực tuyến “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng” do Báo Nhân Dân tổ chức ngày 10/7/2018, có bạn đọc đặt câu hỏi:

Bảy trường trung học cơ sở dạy thí điểm song bằng không hề được liệt kê trong danh sách Trường Cambridge đã được đăng ký thành công;

Vậy có thể hiểu là quy trình thực hiện hệ Cambridge của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chưa được Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge công nhận và kiểm định chất lượng?

Và như thế, thì ai sẽ là người bảo đảm chất lượng cho hệ Cambridge? Và bằng cách nào? Các trường thí điểm khi nào có chứng chỉ đạt tiêu chuẩn của Cambridge?

Chưa chuẩn bị xong các điều kiện cần thiết, Hà Nội đã vội vã tuyển sinh

Bà Bùi Thị Minh Nga – Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trả lời các câu hỏi trên, rằng:

Muốn đăng ký thành công vào hệ thống Trường Cambridge, tất cả các trường đào tạo cấp bằng Cambridge phải chứng minh được năng lực của mình. 

Bà Bùi Thị Minh Nga - Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại buổi giao lưu trực tuyến trên Báo Nhân Dân điện tử ngày 10/7/2018, ảnh: Báo Nhân Dân.
Bà Bùi Thị Minh Nga - Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại buổi giao lưu trực tuyến trên Báo Nhân Dân điện tử ngày 10/7/2018, ảnh: Báo Nhân Dân.

Đây là một quá trình giúp cho Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge hiểu hơn về giá trị cốt lõi và phương thức tiếp cận của mỗi nhà trường;

Qua đó thiết lập nên những quy chuẩn về chất lượng đăng ký mà các nhà trường cần phải đạt được, và đưa ra được sự hỗ trợ của Hội đồng đối với nhà trường. 

Có 4 giai đoạn cho nhà trường đăng ký trở thành trường Cambridge quốc tế.

Giai đoạn 1 là đăng ký nguyện vọng tham gia; Giai đoạn 2 là hoàn thiện đơn đăng ký này, sau năm ngày gửi đơn đăng ký đến Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge, tổ chức này sẽ trả lời và xếp lịch đến các nhà trường tư vấn.

Giai đoạn 3 (Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge) tiến hành việc xét duyệt tại các nhà trường. 

Hiện nay các nhà trường đang ở giai đoạn thứ 3, đang chuẩn bị các tài liệu gửi về nhân sự, chương trình, cơ sở vật chất cho các nhà trường.

Giai đoạn 4 là gì, chưa thấy bà Bùi Thị Minh Nga đề cập.

Chương trình "song bằng" của Hà Nội vẫn bình mới rượu cũ, thất bại ai sẽ chịu? ảnh 2

Tuyển sinh lớp 6 song bằng ở Hà Nội, bánh ngon Sở vẽ và những bất thường

Tuy nhiên, Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại khẳng định rất chắc chắn:

"Sau ba tháng hệ thống trường công lập của chúng tôi sẽ được công nhận trở thành International Cambridge (trường Cambirdge quốc tế)

Chúng tôi cũng muốn nói để các vị hoàn toàn yên tâm việc kiểm định không ảnh hưởng đến chất lượng trong chương trình song bằng, nhà trường có trách nhiệm." [1] 

Như vậy thủ tục để Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge xác nhận đăng ký thành công vào hệ thống trường quốc tế Cambridge của 7 trường trung học cơ sở công lập tại Hà Nội vẫn chưa hoàn thành.

Ấy vậy nhưng Hà Nội đã tuyển sinh xong "hệ song bằng" có phải là một sự liều lĩnh?

Bà Bùi Thị Minh Nga đã kêu gọi quý cha mẹ học sinh hãy "hoàn toàn yên tâm", sau 3 tháng (nữa?), 7 trường này sẽ đăng ký thành công, trở thành trường quốc tế Cambridge.

Tất nhiên câu trả lời nói trên của bà Bùi Thị Minh Nga vẫn chưa khiến các bậc cha mẹ học sinh yên tâm. Có mặt tại buổi giao lưu trực tuyến, một vị cha mẹ học sinh tiếp tục đặt câu hỏi:

"Nếu sau khi xét duyệt, trường chưa được (Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge) công nhận đạt chuẩn để tiến hành hệ song bằng thì khi đó việc học của các con sẽ được giải quyết như thế nào, vì khi đó các con đã vào học được một thời gian dài?"

Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Bùi Thị Minh Nga trả lời, rằng:

"Xin quý vị phụ huynh hãy yên tâm vì chúng tôi đã lựa chọn các trường hàng đầu của thành phố. Đề án này được Ủy ban nhân dân Thành phố đã duyệt và đã yêu cầu các quận đầu tư ở mức cao nhất cho nhà trường. 

Bà Bùi Thị Minh Nga và lãnh đạo các phòng giáo dục và đào tạo một số quận, lãnh đạo 7 trường trung học cơ sở tuyển sinh "song bằng" trong buổi giao lưu trực tuyến ngày 10/7. Ảnh: Báo Nhân Dân.
Bà Bùi Thị Minh Nga và lãnh đạo các phòng giáo dục và đào tạo một số quận, lãnh đạo 7 trường trung học cơ sở tuyển sinh "song bằng" trong buổi giao lưu trực tuyến ngày 10/7. Ảnh: Báo Nhân Dân.

Về mặt chất lượng, chúng tôi có đội ngũ giáo viên trẻ đầy năng lực, các em tham gia giảng dạy bằng tiếng Anh rất tốt, các em cũng đã từng tham gia chấm thi tiếng Anh đầu vào của các con. 

Tôi xin thông báo với các vị phụ huynh là lứa giáo viên mới của chúng ta đầy hứa hẹn, hoàn toàn sẵn sàng tham gia giảng dạy bộ môn khoa học bằng Tiếng Anh. 

Lứa giáo viên này hoàn toàn có thể đáp ứng được hương trình quốc tế, và tôi đều có chỉ đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo đầu tư những giáo viên có chất lượng tốt nhất. 

Chúng ta nên lạc quan và chắc chắn không có việc thiếu chuẩn." [1]

Cái mà cha mẹ học sinh quan tâm là quy trình kỹ thuật đăng ký gia nhập hệ thống Trường quốc tế Cambridge và kết quả, điều kiện cần và đủ để tuyển sinh, thì bà Bùi Thị Minh Nga không trả lời.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ có "niềm tin" và "hứa hẹn".

Nhưng có thể tìm thấy một phần câu trả lời từ "quy trình" bà Nga mô tả, 7 trường trung học cơ sở công lập Hà Nội mới đang trong giai đoạn 3 của quy trình đăng ký. Đăng ký thành công hay không vẫn còn ở phía trước, ở thì tương lai.

Sở Giáo dục Hà Nội đã từng triển khai Chương trình Cambridge và cái kết không kèn, không trống

Chương trình "song bằng" của Hà Nội vẫn bình mới rượu cũ, thất bại ai sẽ chịu? ảnh 4

Vì sao học sinh Hà Nội phải đến các lò học thêm tối ngày?

Cái tên "song bằng" nghe có vẻ mới, nhưng hợp tác giữa Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thì không có gì mới.

Từ năm 2009, Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge đã tiếp cận lãnh đạo thành phố cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để tiếp thị chương trình đào tạo của mình. [2]

Báo Hà Nội Mới ngày 10/11/2009 đưa tin, trong 2 năm 2009 và 2010, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge sẽ triển khai chương trình hợp tác nhằm tổ chức các khóa bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; 

Đồng thời Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge sẽ cung cấp một số chương trình giáo dục tại một số trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hội tụ đủ các điều kiện và được học sinh tự nguyện tham gia. [3]

Từ năm 2009, chương trình Cambridge đã được đưa vào một số trường có chọn lọc ở Hà Nội, trong đó có các trường:

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Trường Tiểu học Thái Thịnh; Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh, Trường Trung học cơ sở Giảng Võ, Trường Trung học cơ sở Ngô Sỹ Liên; Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng.

Giai đoạn này Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge giao cho một doanh nghiệp tư nhân có tên EMG Education độc quyền triển khai chương trình Cambridge tại Việt Nam theo hình thức nhượng quyền thương hiệu.

Tháng Tư 2014, Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng đối tác tại Việt Nam với EMG cho chương trình “Phổ thông quốc tế bằng tiếng Anh” vào tháng 7.

Các trường tại Hà Nội bị ngưng chương trình Cambridge vào tháng 7/2014 gồm

Vụ ngừng dạy chương trình Cambridge năm 2014 chỉ gây ồn ào tại thành phố Hồ Chí Minh, còn các trường ngoài Hà Nội tương đối êm ả. Ảnh chụp màn hình tìm kiếm của Google.
Vụ ngừng dạy chương trình Cambridge năm 2014 chỉ gây ồn ào tại thành phố Hồ Chí Minh, còn các trường ngoài Hà Nội tương đối êm ả. Ảnh chụp màn hình tìm kiếm của Google.

Trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên; Trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm; Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh; Trường Tiểu học Thái Thịnh; 

Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng; EMG Education Hà Nội, theo Báo Công Thương ngày 23/6/2014. [4]

Có điều việc dừng chương trình Cambridge chỉ gây ồn ào tại thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương này trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông, còn việc dừng "thí điểm" ở Thủ đô không gây chú ý như vậy.

Được biết thời điểm này EMG Education thu học phí chương trình Cambridge khoảng 150 USD / tháng cho 6 tiết / tuần.

Trong khi đó doanh nghiệp này hoàn toàn không phải trả phí cơ sở vật chất do khai thác các trường công lập, không cần quảng cáo tuyển sinh vì các sở giáo dục và đào tạo địa phương đã lo sẵn, lại không phải cạnh tranh với ai.

Nhưng đến khi dừng chương trình Cambridge "không kèn, không trống", thì không nghe nói ai phải chịu trách nhiệm với những tổn thất của các học sinh đã trót tham gia "thí điểm", cả ở thành phố Hồ Chí Minh lẫn Hà Nội và một số địa phương khác.

Lần này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trực tiếp đứng ra tổ chức cho 7 trường trung học cơ sở và 2 trường trung học phổ thông công lập của Hà Nội đăng ký tham gia hệ thống trường quốc tế Cambridge chứ không phải "qua cầu" như trước.

Quay trở lại câu hỏi, nếu việc "thí điểm song bằng" thất bại, ai sẽ phải là người chịu trách nhiệm? 

Chương trình "song bằng" của Hà Nội vẫn bình mới rượu cũ, thất bại ai sẽ chịu? ảnh 6

Học sinh thủ đô còn mệt vì trường chất lượng cao, tư duy bao cấp

Trong buổi giao lưu trực tuyến "Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng" ngày 10/7, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào cam kết "thí điểm" sẽ thành công, ngoài "niềm tin".

Mọi rủi ro dường như đã được Sở đẩy sẵn về phía cha mẹ học sinh với những nhấn mạnh, gia đình phải "hoàn toàn tự nguyện". Thậm chí Sở còn "cảnh báo":

Chương trình "song bằng" thực sự nặng, không phải học sinh nào cũng theo được. Các bậc cha mẹ cần cân nhắc kỹ!

Nhưng sau đó quý Sở không quên quảng bá sự tuyệt vời của "chương trình quốc tế, giá cả Việt Nam" mà Sở đang tổ chức, vô hình trung kích thích tâm lý một số người thích thể hiện đẳng cấp xã hội bằng việc học "song bằng" của con mình.

Tuy nhiên, từ ví dụ nhãn tiền những gì đã xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh (và có thể cả ở Hà Nội?) năm 2014 có thể thấy, chẳng cơ quan, tổ chức nào chịu trách nhiệm cả;

Một mai "song bằng" có thất bại, trách nhiệm chính sẽ thuộc về những bậc cha mẹ học sinh đã tự nguyện bỏ ra cả trăm triệu đồng cho con được "thí điểm" một chương trình các cháu hoàn toàn có thể học bên ngoài, thậm chí tự học.

Nguồn:

[1]http://www.nhandan.org.vn/antuong/item/36962102-giao-luu-truc-tuyen-%E2%80%9Choc-song-bang-tu-lop-6-ban-khoan-va-ky-vong%E2%80%9D.html

[2]https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/dh-cambridge-gioi-thieu-chuong-trinh-dao-tao-2127570.html

[3]https://baomoi.com/ha-noi-se-trien-khai-mot-so-chuong-trinh-giao-duc-cua-dai-hoc-cambridge/c/3464612.epi

[4]http://congthuong.vn/dung-chuong-trinh-cambridge-tiep-tuc-cho-hoc-sinh-thu-nghiem-chuong-trinh-moi.html

Vũ Thái