Đừng “ép” giáo viên đi thi dạy giỏi!

16/01/2015 07:03
TS. Nguyễn Tùng Lâm
(GDVN) - Nhiều quan điểm cho rằng, việc tổ chức thi giáo viên giỏi các cấp như lâu nay chúng vẫn làm chỉ là hình thức, là “đi diễn”, là sáo rỗng và đòi bỏ thi.

Hiện nay, có nhiều người đặt vấn đề không nên thi giáo viên giỏi các cấp vì nó hình thức “vô bổ” làm khổ nhiều người, khổ nhất là thầy và trò ở những nơi tổ chức thi đây lại là ý kiến của chính những người trong cuộc, những người thi giáo viên giỏi nhiều lần. 

Được biết đến là một nhà giáo uy tín lâu năm, đồng thời là nhà quả lý cơ sở giáo dục ngoài công lập, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội trong thời gian quan luôn cộng tác, viết bài góp ý cho sự nghiệp giáo dục trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. 

Nhân bàn về vấn đề thi giáo viên giỏi các cấp, ông có bài viết chia sẻ quan điểm của  mình về vấn đề thi giáo viên giỏi. Với góc nhìn riêng, ông đã vạch ra nhiều hướng giải quyết để có một “kỳ” thi giáo viên giỏi với đúng nghĩa của nó.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết này.

Không nên bỏ thi giáo viên giỏi nếu làm thực chất

TS. Nguyễn Tùng Lâm có góc nhìn khác khi ông cho rằng ở Hà Nội nhiều trường nhờ thi giáo viên giỏi đã bồi dưỡng được nhiều giáo viên tài năng, tâm huyết. 

Đừng “ép” giáo viên đi thi dạy giỏi! ảnh 1

Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh Quảng Ninh năm học 2013-2014. Ảnh Báo Quảng Ninh

Ông nói, nhiều giáo viên giỏi các nhà trường được các thế hệ học sinh, phụ huynh yêu quý tín nhiệm, học sinh nào cũng muốn vào trường là được các thầy cô đó dạy hoặc nhiều hiệu trưởng, hiệu phó, phó phòng, trưởng phòng, giám đốc Sở trưởng thành từ phong trào thi giáo viên giỏi, phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo dục cũng xuất phát từ những cuộc vận động thi giáo viên giỏi. Cần nhìn cả 2 mặt để ta xem có nên tiếp tục thi giáo viên giỏi nữa hay không?

Nỗi khổ của giáo viên và sự “vô bổ” mà các bạn nêu là hoàn toàn đúng với thực trạng thi giáo viên giỏi ở một số nơi tổ chức thi để chạy theo thành tích thi đua, để chí có ý nghĩa làm đẹp lí lịch “một ai đó” một tập thể trường học nào đó. Còn ở góc độ khác nếu chúng ta thực hiện đúng mục tiêu của thi giáo viên giỏi là để giáo viên các cấp khẳng định tài năng sáng tạo của mình trong nghề nghiệp, tham gia đổi mới căn bản toàn diện giáo dục bằng những phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiệu quả, nâng cao chất lượng đào tạo, được các thế hệ học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp tôn vinh. 

Cuộc thi giáo viên giỏi nào cũng nhằm đạt mục tiêu đó thì không nên bỏ mà phải làm để làm cho tốt hơn. Cuộc thi đó phải chống được triệt để bệnh hình thức, bệnh thành tích. Nó là sân chơi tự do sáng tạo của các nhà giáo, nó là nơi để khẳng định phẩm chất, tài năng của mỗi cá nhân nhà giáo. Sự hỗ trợ của tập thể tổ nhóm chuyên môn, của nhà trường chỉ là tham khảo, hỗ trợ: như thể việc duy trì thi giáo viên giỏi các cấp cần được khuyến khích nhưng phải thay đổi tất cả: mục đích, quy trình, tiêu chuẩn đánh giá và cả cách thức thi và công nhận giáo viên giỏi cũng phải thay đổi.

Có chế độ đãi ngộ riêng với giáo viên thực sự giỏi

Về mục đích thi giáo viên giỏi các cấp, chúng ta phải khẳng định đây là sân chơi để khẳng định tài năng, phẩm chất của mỗi nhà giáo; nhà giáo được chủ động sáng tạo thể hiện tài năng của mình để làm thay đổi, chuyển biến ở tất cả những đối tượng học sinh được thầy giáo dục trong một số năm. Thi giáo viên giỏi để khuyến khích giáo viên tự học tập, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi nhà trường.

Về quy trình có 4 bước cơ bản: Bước 1: căn cứ tiêu chuẩn giáo viên giỏi được công bố, giáo viên tự nguyện đăng ký tham gia và làm hồ sơ để trình Hội đồng xét tuyển.

Bước 2: Hội đồng xét tuyển căn cứ hồ sơ của giáo viên sẽ thẩm định, phỏng vấn và khảo sát học sinh, giáo viên nơi thầy giảng dạy.

Bước 3: Thao giảng 1 tiết và trong quá trình giảng dạy với tập thể giáo viên nhà trường, Hội đồng xét tuyển kết hợp thầy báo cáo kết quả học tập, rèn luyện và kinh nghiệm sư phạm. 

Bước 4: Hội đồng kết luận đánh giá công nhận.

Về cách tổ chức thi: không nên tốn kém tổ chức khai mạc, bế mạc hội thi mà mỗi phòng giáo dục đào tạo, mỗi quận huyện phải thành lập một hội đồng chấm thi gồm các đồng chí lãnh đạo phòng, các chuyên viên phụ trách cấp học và đặc biệt mời những giáo viên giỏi các bộ môn, các ngành học, mời các chuyên gia giáo dục tham gia. Bộ phận thường trực hội thi sẽ tập trung hồ sơ và lên lịch, kế hoạch hội đồng chấm từng giáo viên theo tiêu chuẩn, thang điểm đã quy định của mỗi Sở Giáo dục & Đào tạo.

Mỗi năm học, trong ngày tổng kết năm học của các Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố 1 lần và phát bằng cho giáo viên giỏi.

Đừng “ép” giáo viên đi thi dạy giỏi! ảnh 3Có bằng thạc sĩ, nhưng không biết làm việc, thất nghiệp còn kêu ai?

(GDVN) - Có bằng thạc sĩ rồi mà không biết phát huy chuyên môn để làm việc và kiếm sống, chứng tỏ năng lực, bằng cấp có “vấn đề”. Đây có là lỗi của người học?

Về tiêu chuẩn giáo viên giỏi: Sẽ tập trung đánh giá giáo viên ở 3 phương diện. Thứ nhất, sự chuyển biến của học sinh do giáo viên dạy trong vòng 2-3 năm, của tất cả các lớp đang dạy chứ không lấy 1 lớp tiêu biểu. Thứ hai, những kinh nghiệm cải tiến về phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục mà thầy đã vận dụng có hiệu quả trong các lớp đang dạy. Thứ ba, thao giảng 1 tiết và trao đổi với Hội đồng xét tuyển để khẳng định tài năng, sáng tạo của nhà giáo.

Như vậy tiêu chuẩn xét tặng nhà giáo là cả một quá trình 2 - 3 năm chứ không chỉ căn cứ vào 1 giờ dạy, căn cứ vào sự tiến bộ chuyển biến của số đông học sinh là chính.

Về chế độ đãi ngộ: Bộ Giáo dục & Đào tạo phải có chế độ đãi ngộ phù hợp công sức giáo viên, các Sở Giáo dục & Đào tạo các tỉnh ở mỗi địa phương được vận dụng chính sách khen thưởng địa phương khen thưởng ít nhất bằng tháng lương hoặc 2 tháng lương mỗi thầy cô mới thỏa đáng. Đồng thời được nâng ngay bậc lương sau khi được công nhận và quan trọng nếu cứ 2 lần dự thi giáo viên giỏi đạt tiêu chuẩn sẽ được xét nhà giáo ưu tú và chỉ có 1 loại giáo viên giỏi, không nên tổ chức thi giáo viên cấp tỉnh, cấp toàn quốc có điều kiện hàng năm hoặc 1 số năm giáo viên giỏi được gặp mặt giao lưu trao đổi kinh nghiệm ở cấp tỉnh hoặc toàn quốc là tốt nhất.

Chỉ có thi giáo viên giỏi với cách thức tổ chức thi tiêu chuẩn, quy trình thi được cải tiến chúng ta mới đi đúng quỹ đạo của giáo dục nhằm phát triển tài năng nhà giáo, khẳng định vị thế nhà giáo trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Và có vậy chúng ta mới chống bệnh thành tích trong giáo dục, trả cho giáo dục và nghề thầy giáo. Cái cốt lõi là tự do sáng tạo vì con người.

TS. Nguyễn Tùng Lâm