GS Nguyễn Lân Dũng: Chương trình Sinh học phổ thông quá nặng, khó hiểu

19/08/2012 06:01
Kim Ngân (ghi)
(GDVN) - Theo GS.NGND Nguyễn Lân Dũng thì chương trình Sinh học phổ thông của nước ta rất nặng nhưng lại thấp và khó hiểu. Học sinh học quá nhiều kiến thức không cần thiết trong khi số giờ quá ít ỏi.
LTS: Chương trình phổ thông quá “nặng”, cần đổi mới không còn là vấn đề mới. Làm thế nào để thay đổi và thay đổi như thế nào cho phù hợp là bài toán không hề dễ đối với ngành giáo dục. Về vấn đề cải cách sách giáo khoa môn Sinh học, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS – NGND Nguyễn Lân Dũng - Chuyên gia cao cấp Viện VSV&CNSH ĐHQG HN, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam. Theo Giáo sư thì chương trình môn Sinh học phổ thông quá thấp và khó hiểu. Học sinh học quá nhiều kiến thức không cần nhớ, trong khi số giờ quá ít ỏi.

Theo GS Nguyễn Lân Dũng thì chương trình Sinh học phổ thông nước ta vừa nặng lại vừa thấp. (ảnh minh họa).
Theo GS Nguyễn Lân Dũng thì chương trình Sinh học phổ thông nước ta vừa nặng lại vừa thấp. (ảnh minh họa).


- Là một người giảng dạy môn Sinh học nhiều năm, ông có nhận xét như thế nào về chương trình Sinh học phổ thông của nước ta? 
GS - NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi tham gia giảng dạy về Vi sinh vật học ở Đại học Tổng hợp từ Khóa I nhưng có tham gia viết và thẩm định sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa Sinh học là cố gắng rất lớn của nhiều tác giả, nhưng rất tiếc là chương trình lại không hợp lý: Rõ ràng là rất nhiều vấn đề nhưng các vấn đề đưa ra ở đây rất "nông". Tôi đã mua trên 70 cuốn sách giáo khoa Sinh học ở bậc phổ thông ở các nước và thấy chương trình ở ta chẳng giống nước nào cả (!). Vừa nặng lại vừa thấp. Có lẽ đó là do chịu ảnh hưởng của sách giáo khoa Sinh học trước đây của Liên Xô. 
Hầu như tất cả các môn học ở Khoa Sinh Trường đại học Sư phạm đều có trong chương trình phổ thông. Như vậy có thể thấy trong cuốn Sinh học chương trình phổ thông có quá nhiều nội dung, quá nhiều chi tiết không cần thiết trong khi số giờ lại quá ít. Tôi đã thử hỏi nhiều em đang học cấp III và thấy các em hiểu biết rất mù mờ và hầu như chả mấy em thích thú. Em nào định thi vào Sinh, vào Y, vào Dược thì đi tìm sách Đại học để đọc thêm, vì phải cạnh tranh rất cao trong khi sách phổ thông quá sơ lược (nhiều vấn đề nhưng dàn trải, vấn đề nào cũng rất "nông").
Hơn nữa, ra đề thi Tốt nghiệp PTTH nếu theo nguyên tắc không được hỏi trùng các đề đã ra thì thật vô cùng khó, vì cuốn sách giáo khoa lớp 12 quá... mỏng! Vấn đề nào hay đã bị hỏi trong các kỳ thi trước hết rồi. 
GS Nguyễn Lân Dũng (giữa) trong một lần hướng dẫn làm thí nghiệm
GS Nguyễn Lân Dũng (giữa) trong một lần hướng dẫn làm thí nghiệm
- Theo GS thì tại sao một học sinh đã tốt nghiệp cấp 3 không thể hiểu và nhớ nổi hết kiến thức của môn Sinh học phổ thông?
GS – NGND Nguyễn Lân Dũng: Các em đã học quá nhiều chuyên ngành (động vật không xương, động vật có xương, thực vật bậc thấp, thực vật bậc cao, vi sinh vật học, giải phẫu và sinh lý người, di truyền học, tiến hóa học, sinh thái học...), trong khi số lượng giờ dạy quá ít ỏi mỗi tuần. Vừa khó hiểu, vừa khó nhớ, lại không muốn học (vì ít khi có trong số các môn thi tốt nghiệp) thì hiểu sao được? Đã không hiểu thì còn nói gì đến nhớ (thế là lại phải cầu cứu đến "phao"). Nội dung di truyền học là rất khó, nếu giáo viên không hiểu kỹ thì rất khó làm cho học sinh có thể hiểu được. Xem kết quả các bài thi thì thấy rất rõ chuyện này.
Và liệu rằng một cháu 12 tuổi ở nước ta có nhớ nổi sơ đồ cắt ngang của một thân cây trưởng thành với các thuật ngữ khó hiểu như vỏ, tầng sinh vỏ, thịt vỏ, mạch rây, tầng sinh trụ, mạch gỗ? Cháu 13 tuổi có thể nhớ các bộ phận thùy khứu giác, thùy thị giác, não trước, tiểu não, hành tủy, tủy sống của con thằn lằn?

- Nếu so sánh với các nước khác thì chương trình Sinh học nước ta cần đổi mới như thế nào thưa GS?
GS – NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi thấy cần tham khảo chương trình các nước. Tôi chú ý đến chương trình của hai nước: Pháp và Nepal. Pháp là một nước khoa học phát triển nhưng học sinh phổ thông không học Sinh học (Biologie) mà chỉ học môn Khoa học về sự sống và về Trái đất (Sciences de la Vie et de la Terre). Đó là cách dạy tích hợp những kiến thức về sự sống và về Trái đất nói chung. Về sự sống, học sinh sẽ hiểu khá sâu về tiêu hóa, tuần hoàn, thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, di truyền, tiến hóa... của thế giới sinh vật chứ không học sâu về bất kỳ nhóm sinh vật nào. Nhờ có thời gian nên có thể hiểu rất sâu cả những tiến bộ mới mẻ về di truyền, thậm chí về cả sinh học phân tử và công nghệ sinh học. 
Còn ở Nepal, một nước rất nghèo, họ lại coi kiến thức phổ thông hết lớp 10 là đủ rồi (thế hệ chúng tôi học hết phổ thông có 9 năm thôi). Họ dành hai lớp 11 và 12 để phân ban sâu. Chỉ có 4 phân ban: Quản trị & Kinh doanh, Xã hội & Nhân văn, Toán-Lý và Hóa- Sinh. Chỉ có ban Hóa-Sinh mới học Sinh học mà thôi.

Chính vì vậy tôi giật mình khi mua 2 cuốn sách giáo khoa Sinh học lớp 11 và lớp 12, mỗi cuốn trên 700 trang. Thế thì cần gì phải dạy thêm, học thêm nữa? Các nước Anh, Pháp, Australia... đều dạy môn Sinh học theo phương pháp tích hợp. Trước đây, ta đã mời chuyên gia Australia sang giúp xây dựng một chương trình sinh học theo hướng tích hợp. Không hiểu vì sao lại không được sử dụng!
- Từ thực tế như vậy, GS có kiến nghị gì đến Bộ GD & ĐT về cải cách bộ sách giáo khoa sinh học phổ thông? 
GS – NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi thấy cần sớm thay đổi chương trình Sinh học ở bậc phổ thông để không chênh lệch nhiều với các nước khác trên thế giới. Kiên quyết dạy theo phương pháp tích hợp. Không đi sâu vào từng nhóm sinh vật và càng không học phân loại (vừa khó nhớ lại vừa không cần thiết). Dạy sao cho học sinh có được hiểu biết chung về sự sống, kể cả những khám phá mới nhất về sự sống (tất nhiên bằng những khái niệm dễ hiểu và dễ nhớ). Chi tiết nào thầy không nhớ nổi thì đừng bắt học sinh phải nhớ. Đừng ngụy tạo ra quan điểm thay đổi như thế thì giáo viên không dạy được (!). 
Nếu thấy cần cho học sinh đa số rẽ ngang, không học tiếp đại học thì nên theo hướng phân ban sâu như Nepal. Chuyện này cần thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng. 
Còn việc in Sách Giáo khoa lại là chuyện của từng nhóm tác giả và từng nhà xuất bản. Bộ sách nào không theo sát chương trình thì không được in, nhưng trình bày có thể rất khác nhau (như nhiều nước khác). Lựa chọn bộ sách nào để dạy, để học là tùy thầy cô giáo và học sinh. Chỉ có cạnh tranh như vậy mới mong sớm có được những bộ sách giáo khoa tốt. Đây là một sự cạnh tranh rất khoa học, rất lành mạnh.
Tôi nghe nói đến năm 2015 mới bàn lại Chương trình giáo dục phổ thông. Sau đó là thí điểm chương trình. Rồi thí điểm viết lại bộ sách giáo khoa, sau đó lại thí điểm sử dụng sách giáo khoa. Có thể khi đó tôi không còn tồn tại nữa rồi.
- Theo Giáo sư, chúng ta sẽ thay đổi chương trình Sinh học phổ thông bằng cách nào?
GS – NGND Nguyễn Lân Dũng: Đâu cần nhiều tiền bạc như dự án vừa qua. Bộ nên dựa vào các Hội Khoa học chuyên ngành. Các Hội này sẽ lựa chọn ra các chuyên gia giỏi, kết hợp với các thầy cô giáo có kinh nghiệm lâu năm để biên soạn ngay một chương trình mới. Bộ chỉ cần xin các Sứ quán bạn các chương trình Sinh học phổ thông, hay lấy được từ trên Internet để tham khảo kinh nghiệm của một số nước đáng học hỏi. Tổ chức các cuộc Hội thảo sâu sắc về nên phân ban sâu hay không phân ban. Bỏ hẳn kiểu phân ban chênh nhau quá ít thời gian như hiện nay. 
Chương trình sau khi biên soạn xong cần đưa ra trưng cầu ý kiến rộng rãi trước khi thông qua một Hội đồng Quốc gia đầy đủ tín nhiệm. Sau đó để cho các nhà xuất bản và các nhóm tác giả cạnh tranh qua chất lượng các bộ sách giáo khoa khác nhau (nhà nước không cần tốn kinh phí gì về chuyện này). Bộ sách nào hay sẽ được tái bản nhiều lần (và ngược lại). Tôi mong có thể làm ngay mà không cần đợi đến tận năm 2015.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Sốc: Hot girl, nhà văn trẻ chửi bậy như hát hay

Những nữ sinh diện áo dài đẹp hơn cả Hoa hậu Mai Phương Thúy (P13)

Danh sách 265 trường công bố điểm chuẩn ĐH, CĐ 2012

Chùm ảnh: SV Trung Quốc tạo dáng "khó đỡ" trong ngày tốt nghiệp

Đại tá Chu Lai:Thế hệ trẻ sẽ mở cuộc hành binh nếu dân tộc bị xúc phạm

Sốc: 5 nữ sinh văng tục, lột áo, đánh nhau

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Kim Ngân (ghi)