Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Mỗi trường sẽ có quyền chọn riêng bộ sách giáo khoa

25/10/2017 06:45
Thùy Linh
(GDVN) - Rút kinh nghiệm từ VNEN, chương trình mới sẽ được triển khai từng bước, vững chắc và phù hợp với điều kiện, năng lực của từng địa phương, từng cơ sở giáo dục.

LTS: Thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh những ý kiến tán đồng, vẫn còn nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về các điều kiện để triển khai thực hiện như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.

Để giúp dư luận hiểu hơn về những việc ngành Giáo dục đã và đang làm để chuẩn bị cho lần đổi mới này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trao đổi này. 

Phóng viên: Thưa ông, chương trình giáo dục phổ thông mới có thêm một số môn học mới. Ban soạn thảo chương trình có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng như thế nào để đội ngũ giáo viên trên cả nước được tiếp cận với những thay đổi của chương trình cũng như đáp ứng yêu cầu triển khai trong thực tiễn?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Chương trình mới về cơ bản kế thừa chương trình hiện hành nhưng số lượng các môn học ở cả 3 cấp học đều giảm so với chương trình hiện hành. 

Về môn học mới thì chỉ có 2 môn tích hợp ở Trung học cơ sở là: Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên, và một môn ở Trung học phổ thông là môn Nghệ thuật (Mỹ thuật và Âm nhạc). 

Lãnh đạo Bộ đã giao cho Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục khảo sát đội ngũ cán bộ, giáo viên và phối hợp với Chương trình ETEP lên kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để chuẩn bị triển khai chương trình mới. 

Các chuyên gia trong Ban phát triển giáo dục phổ thông mới sẽ chịu trách nhiệm viết tài liệu tập huấn và tham gia tập huấn. 

Hiện kế hoạch, hình thức tập huấn đã có. Hình thức tập huấn bao gồm tập huấn trực tiếp và tập huấn trực tuyến. 

Thông qua hình thức tập huấn trực tuyến, cán bộ, giáo viên ở cơ sở sẽ được trực tiếp nghe, trao đổi với chuyên gia ở trung ương. 

Về vấn đề đào tạo giáo viên, trong thời gian tới, Bộ đã giao cho các trường sư phạm cụ thể là nhóm 8 trường sư phạm trọng điểm nghiên cứu để đổi mới chương trình đào tạo. 

Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, về vấn đề đào tạo giáo viên, trong thời gian tới, Bộ đã giao cho các trường sư phạm cụ thể là nhóm 8 trường sư phạm trọng điểm nghiên cứu để đổi mới chương trình đào tạo. (Ảnh: Giáo sư Thuyết cung cấp)
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, về vấn đề đào tạo giáo viên, trong thời gian tới, Bộ đã giao cho các trường sư phạm cụ thể là nhóm 8 trường sư phạm trọng điểm nghiên cứu để đổi mới chương trình đào tạo. (Ảnh: Giáo sư Thuyết cung cấp)

Theo tôi được biết, đến nay, chương trình của các trường đã sẵn sàng.

Khi chương trình giáo dục phổ thông được chính thức ban hành thì các trường sẽ bắt đầu đào tạo theo chương trình mới cho các lớp sinh viên mới và đào tạo văn bằng 2 cho đội ngũ giáo viên trẻ để dạy các môn học tích hợp. 

Nếu Quốc hội đồng ý điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình mới ở cấp Trung học cơ sở từ năm học 2020 – 2021 thì từ nay đến đó còn gần 3 năm, kịp đào tạo văn bằng 2 cho những giáo viên trẻ, có nguyện vọng đi học. 

Trường nào chưa có giáo viên đảm nhiệm được các môn tích hợp, mỗi môn học tích hợp sẽ do 2 hoặc 3 giáo viên phối hợp thực hiện, mỗi giáo viên dạy một học phần phù hợp với chuyên môn của mình. 

Tuy nhiên, ngay cả khi đã đào tạo được giáo viên dạy các môn tích hợp, việc phân công giáo viên vẫn do từng trường quyết định phù hợp với đội ngũ cụ thể của mình. 

Ngay ở Vương quốc Anh, cho đến năm 2014, nhiều trường vẫn phân công 2 hoặc 3 giáo viên phối hợp dạy các môn tích hợp

Ở cấp Trung học phổ thông, Nghệ thuật là môn học mới. Tuy nhiên, đây là môn học mà học sinh được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp, chứ không phải môn học bắt buộc đối với tất cả học sinh. 

Vì vậy, các trường sẽ bổ sung dần giáo viên, trường nào có điều kiện thì bổ sung trước, chưa đủ điều kiện thì bổ sung sau, không nhất thiết phải làm đồng loạt. 

Còn những môn học khác thì các trường đều đã có giáo viên. Chỉ có điều, sĩ số trong lớp học ở nhiều đô thị quá đông. 

Để bảo đảm sĩ số đúng như quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (không vượt quá 35 học sinh/lớp ở Tiểu học, 45 học sinh/lớp ở Trung học cơ sở, Trung học phổ thông), chắc chắn sẽ phải tăng số lượng giáo viên. 

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ báo cáo Chính phủ và làm việc với các Bộ có liên quan như Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để có hướng xử lý việc này. 

Sách giáo khoa của chương trình hiện hành (chương trình 2000) phải mất 3-4 năm thử nghiệm rồi mới đưa vào đại trà mà vẫn còn bất cập, vậy với những nội dung và yếu tố lần đầu xuất hiện trong chương trình mới, lấy gì đảm bảo việc áp dụng sách giáo khoa mới sẽ diễn ra thuận lợi?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết:
Thực ra, từ nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các trường dạy theo chủ đề tích hợp và vận dụng các phương pháp dạy học tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh. 

Những nội dung và phương pháp dạy học này phù hợp với định hướng của chương trình mới. Do đó, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và giáo viên đến với chương trình mới không phải từ số 0.  

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Mỗi trường sẽ có quyền chọn riêng bộ sách giáo khoa ảnh 2

Biên soạn sách giáo khoa mới có kinh phí là hơn 20 triệu USD

Về việc thực nghiệm chương trình thì ngay khi chuẩn bị các văn bản trình Quốc hội để Quốc hội ban hành Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo: 

Theo cách thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa hiện hành, có rất nhiều nội dung không khó, không mới vẫn được thực nghiệm, mất nhiều thời gian, công sức mà không tập trung được vào những vấn đề mới, vấn đề khó của chương trình mới. 

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị và được Quốc hội chấp thuận chỉ thực nghiệm những nội dung mới, phương pháp dạy học mới, không cần thời gian thực nghiệm đến 3-4 năm. 

Theo định hướng này, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được tiến hành thực nghiệm ngay trong quá trình xây dựng chương trình.

Mục đích thực nghiệm chương trình là để đánh giá tác động của chính sách, tức là tác động của những nội dung mới, phương pháp dạy học mới được đề xuất trong dự thảo chương trình.  

Điều này cũng phù hợp với vị trí của chương trình giáo dục phổ thông.

Bởi vì chương trình giáo dục phổ thông là một văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, phải được xây dựng theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có bước đánh giá tác động của chính sách. 

Nội dung thực nghiệm tập trung vào những nội dung mới, phương pháp dạy học mới so với chương trình hiện hành, đánh giá mức độ phù hợp của chương trình với trình độ nhận thức và điều kiện học tập của học sinh. 

Chương trình mới được thực nghiệm bằng các phương pháp sau: 

Thứ nhất, khảo sát thực tế trường phổ thông (đội ngũ giáo viên; nguyện vọng, khả năng và điều kiện của học sinh; cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học…). 

Thứ hai, sử dụng phiếu điều tra cán bộ quản lý giáo dục cấp cơ sở, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. 

Thứ ba, phỏng vấn sâu cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh và học sinh lớn. 

Thứ tư, lấy ý kiến một số chuyên gia giáo dục, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương thông qua hình thức hội thảo hoặc thư hỏi ý kiến. 

Thứ năm, lấy ý kiến rộng rãi chuyên gia giáo dục và các tầng lớp nhân dân. 

Thứ sáu, dạy thực nghiệm một số nội dung mới, phương pháp mới.

Do không thực nghiệm toàn bộ chương trình nên đối với một số môn học có nội dung mới hoặc áp dụng phương pháp dạy học mới thì các nhóm xây dựng chương trình môn học biên soạn thành bài để dạy thử nghiệm, xem giáo viên thực hiện thế nào, học sinh học đạt hiệu quả ra sao,...

Bài học từ việc tập huấn các nội dung mới cho giáo viên tham gia mô hình trường học mới VNEN cho thấy, có rất nhiều tồn tại trong công tác tập huấn hiện nay, đặc biệt là tính hiệu quả.

Với thời gian gấp rút còn lại, Ban soạn thảo làm thế nào đảm bảo công tác tập huấn cho giáo viên các nội dung mới một cách hiệu quả, tránh vết xe đổ của VNEN?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Mô hình dạy học VNEN phù hợp với xu hướng phát huy năng lực tự học, tự chủ  của học sinh nhưng cách triển khai có phần nôn nóng, cách chỉ đạo có lúc cực đoan nên ở một số địa phương không được hoan nghênh. 

Rút kinh nghiệm từ VNEN, chương trình mới sẽ được triển khai từng bước, vững chắc và phù hợp với điều kiện, năng lực của từng địa phương, từng cơ sở giáo dục. 

Trước hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình mới. 

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Mỗi trường sẽ có quyền chọn riêng bộ sách giáo khoa ảnh 3

Quốc hội thẩm tra sơ bộ tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Nếu được Quốc hội đồng ý thì chương trình mới sẽ được áp dụng theo hình thức cuốn chiếu ở tiểu học từ năm học 2019 – 2020, ở Trung học cơ sở từ năm học 2020 – 2021 và ở Trung học phổ thông từ năm học 2021 – 2022, chứ không áp dụng đồng thời ở cả ba cấp học từ năm học 2018 – 2019.  

Thứ hai, chương trình mới bảo đảm những nội dung cốt lõi được thực hiện thống nhất trong cả nước, đồng thời có độ mở để những địa phương, cơ sở còn gặp khó khăn vận dụng phù hợp với điều kiện của mình và những nơi có điều kiện thuận lợi được phát triển ở mức tương xứng. 

Ví dụ, chương trình tiểu học yêu cầu học 9 buổi/tuần (tức 2 buổi/ngày) nhưng những cơ sở giáo dục chỉ có điều kiện dạy 6 buổi/tuần cũng có thể thực hiện được nội dung giáo dục cốt lõi; còn những trường có điều kiện dạy hơn 6 buổi/tuần thì có thêm nhiều thời gian cho học sinh luyện tập thực hành, vui chơi giải trí. 

Về ngoại ngữ, quy định chung là học từ lớp 3 nhưng những trường tiểu học có đủ điều kiện có thể dạy từ lớp 1 nếu phụ huynh học sinh có nhu cầu.
 
Đối với các môn học tự chọn, cơ sở giáo dục nào có đủ điều kiện thì học sinh được lựa chọn nhiều môn, còn cơ sở nào chưa đủ thì sự lựa chọn học sinh phải kết hợp với khả năng đáp ứng của nhà trường. 

Cùng với chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều địa phương, nhiều trường còn phải tiếp tục tổ chức tập huấn phương pháp VNEN hay “công nghệ giáo dục” của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Theo ông, việc triển khai những “đổi mới” này có quá tải đối với giáo viên?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết:
Nghị quyết 88 của Quốc hội chủ trương thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa. 

Vì vậy, khi áp dụng chương trình mới thì tất cả cán bộ, giáo viên trong cả nước sẽ được tập huấn về chương trình mới; còn việc tập huấn dạy sách giáo khoa mới thì không phải tất cả các trường đều có nội dung giống nhau. 

Mỗi trường đều có quyền chọn sách giáo khoa phù hợp và giáo viên sẽ được tập huấn để dạy sách giáo khoa đó. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Thùy Linh