Học sinh đánh nhau thì đòi đuổi thầy khỏi ngành, vụ gian lận thi cử thì sao?

20/04/2019 07:18
NHẬT DUY
(GDVN) - Việc làm trong sạch bộ máy, thanh lọc, xử lý những nhà giáo chưa gương mẫu, nhà giáo vi phạm đạo đức là điều nên làm nhưng cần bình đẳng với nhau.

Những sự cố trong giáo dục ở thời gian qua đã xảy ra khá nhiều, đó là nỗi buồn cho ngành giáo dục nước nhà.

Việc làm trong sạch bộ máy, thanh lọc, xử lý những nhà giáo chưa gương mẫu, nhà giáo vi phạm đạo đức là điều nên làm nhưng cần bình đẳng với nhau.

Một người thầy dù trong hoàn cảnh nào cũng phải biết vượt qua mọi áp lực, cám dỗ để chung tay vào sự phát triển của nền giáo dục nước nhà mới là điều đáng trân trọng.

Tuy nhiên, sự cố vẫn xảy ra cả trong quá trình quản lý lớp của giáo viên, cả trong quản lý về nhân sự, hành chính, tài chính, thi cử...ở ngành giáo dục một số địa phương.

Nhiều thuộc cấp bị bắt, bị truy tố nhưng Giám đốc Sở vô can (Ảnh: Báo Lao động)
Nhiều thuộc cấp bị bắt, bị truy tố nhưng  Giám đốc Sở vô can (Ảnh: Báo Lao động)

Điều rất lạ là sau mỗi sự cố giáo dục có liên quan đến người thầy đang trực tiếp đứng lớp thì lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương vào cuộc tức thì nhưng liên quan đến đến lãnh đạo ngành thì hình như vẫn chậm, thậm chí nhiều người lãnh đạo trực tiếp còn đứng ngoài cuộc.

Câu chuyện học sinh đánh nhau, lãnh đạo đề nghị đuổi việc giáo viên ở Hưng Yên và vụ việc tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 là một trong những ví dụ điển hình như thế.

Học trò đánh nhau xử lý người quản lý trực tiếp

Cách đây mấy tuần, sự việc một nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị bạn học trong trường đánh hội đồng và lột đồ quay clip là một sự cố đáng buồn. Nó để lại một vết thương lòng khá lớn cho nữ sinh bị bạn hành hung.

Việc xử lý kỷ luật giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường cũng là điều hoàn toàn đúng.

Vì thế, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thì Chủ tịch tỉnh Hưng Yên đã đề nghị cách chức tất cả các thành viên Ban giám hiệu nhà trường và đuổi việc giáo viên chủ nhiệm.

Học sinh đánh nhau thì đòi đuổi thầy khỏi ngành, vụ gian lận thi cử thì sao? ảnh 2Sẽ cách chức Ban giám hiệu trường Phù Ủng

Tuy nhiên, dù dư luận rất bất bình trước hành động của một số nữ sinh đánh bạn, dù có nhiều ý kiến tán đồng mức kỷ luật Ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm thì vẫn còn rất nhiều ý kiến không đồng ý với đề nghị của Chủ tịch tỉnh Hưng Yên.

Bởi, vụ việc nữ sinh bị các bạn của mình đánh hội đồng diễn ra sau buổi học. Đề nghị đuổi khỏi ngành đối với giáo viên chủ nhiệm là quá nặng nề.

Hàng loạt cán bộ cấp dưới liên quan đến việc sửa điểm thi lẽ nào người đứng đầu không phải nhận trách nhiệm?

Tại Hà Giang, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bà Triệu Thị Chính, ông Phạm Văn Khuông (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo); Ông Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) và Vũ Trọng Lương (Phó Trưởng phòng)…

Tại Sơn La, đã có hàng loạt cán bộ liên quan đến tiêu cực của kì thi như ông Trần Xuân Yến (Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo); bà Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng); Bà Cầm Thị Bun Sọn (Phó Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng);

ông Đặng Hữu Thủy (Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Tô Hiệu); ông Lò Văn Huynh (Phó trưởng phòng Khảo thí)...

Tại Hòa Bình, Cơ quan An ninh cũng đã khởi tố các ông Nguyễn Quang Vinh (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục);

Đỗ Mạnh Tuấn (Hiệu phó Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lạc Thủy); Nguyễn Khắc Tuấn (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục)...

Vậy mà Giám đốc Sở Giáo dục và Trưởng ban tổ chức thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 của các địa phương này vẫn vô can thì thật là chẳng công bằng chút nào.

Học sinh đánh nhau thì đòi đuổi thầy khỏi ngành, vụ gian lận thi cử thì sao? ảnh 3Gian lận điểm thi ngày càng lộ ra sự hư hỏng, suy đồi của nhiều cán bộ

Thử hỏi Trưởng, Phó phòng khảo thí, Phó Giám đốc Sở Giáo dục... liên quan đến tiêu cực thì Giám đốc Sở có liên quan không?

Đặc biệt là vai trò Chủ tịch Hội đồng thi ở các địa phương này là những Phó Chủ tịch tỉnh? Tại sao họ vô sự, tại sao họ không phải chịu trách nhiệm?

Chỉ riêng tỉnh Sơn La có tới 12 nhà giáo, trong đó chủ yếu là những cán bộ quản lý giáo dục có con được nâng điểm, chưa kể là những nhà giáo tham gia sửa điểm đã bị bắt vậy mà Giám đốc Sở vẫn ung dung đứng ngoài cuộc sao?

Hay, trường hợp ông Bùi Văn Cửu - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Trưởng ban tổ chức thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình có cháu ruột cũng vướng vào danh sách 64 thí sinh được sửa điểm lẽ nào cũng không liên quan?

Vậy nhưng, đến thời điểm này thì ít nhất là các Chủ tịch tỉnh; Phó Chủ tịch tỉnh-Trưởng ban tổ chức thi Trung học phổ thông quốc gia của tỉnh; Giám đốc Sở giáo dục vẫn bình yên vô sự!

Từ 2 sự việc đã dẫn ở trên cho chúng ta thấy rằng có lẽ giáo viên là người dễ bị “bắt nạt” nhất.

Nhìn mấy sự việc học sinh đánh nhau gần đây ta đều thấy lãnh đạo địa phương đình chỉ công tác Ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm lớp.

Thế nhưng, vụ việc tiêu cực trong Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đã xảy ra lớn như vậy nhưng những người liên quan hình như vẫn vô sự suốt gần một năm qua.

Với 44 thí sinh ở Sơn La, 64 thí sinh ở Hòa Bình, 114 thí sinh ở Hà Giang được điểm tên, chỉ mặt là sửa điểm, đã có danh sách rõ ràng.

Nhiều cán bộ dưới quyền bị khởi tố hoặc liên quan đến việc nâng khống điểm mà lãnh đạo trực tiếp lẽ nào không liên quan?

NHẬT DUY