Lá thư đẫm nước mắt của cựu sinh viên Cao đẳng Sư phạm Tây Nguyên

29/04/2012 06:20
(GDVN) - Ngay từ lúc con lên 3 tuổi, mẹ đã dạy con 2 thứ tiếng là tiếng Tày của dân tộc mình và tiếng Kinh là tiếng phổ thông. Lên 5 tuổi, cũng là mẹ dạy cho con nhận biết mặt chữ, ghép vần và cầm cây bút chì viết những nét đầu tiên.
Con còn nhớ như in những vần thơ có lẽ tự mẹ sáng tác và đọc trên đoạn đường cái thuở địu con đi học lớp 1:
"Đất Cao bằng mênh mông đồi, núi

Bản làng ta sông, suối bao quanh

Địu con, địu sách trên lưng

Mẹ đưa con đến trường chung học vần"...
Rồi chỉ hơn một năm sau, gia đình chuyển vào xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông (bây giờ) lập nghiệp. Mặc dù trường xa nhà tới hơn cây số, mẹ vẫn đồng hành đưa đón con hết cấp Tiểu học và tới nửa năm lớp 7, chứ không chịu để con đi một mình vì cũng phải leo đồi, vượt dốc. Mùa nắng đỡ vất vả, còn mùa mưa thì rất nhọc nhằn; có nhiều buổi trời thì lạnh căm căm, đường đất đỏ vừa trơn vừa dính, cõng con trên lưng nhưng tay mẹ phải cầm theo đoạn tre, cứ đi một đoạn mẹ nhấc chân không nổi lại cúi xuống gạt đất. Khi đưa con đến cửa lớp, mẹ phải đứng thở một chặp mới quay về. Đôi lúc nhìn mẹ mệt mà con muốn khóc. Ngày đầu tiên con vào lớp 10, mẹ cũng đi theo con đến cổng trường rồi dặn: “Lên đến cấp ba (Trung học Phổ thông) là con đã khôn lớn rồi, học cho giỏi nhé, sau này mẹ sẽ cho con đi làm cô giáo". Con gục đầu vào lòng mẹ hứa: "Con sẽ hết sức cố gắng, nghề nhà giáo con đã từng mơ ước lâu rồi". Và cái ngày con có giấy báo gọi đi học Cao đẳng Sư phạm Tây nguyên, mẹ khóc vì mừng, bảo: "Chỉ 3 năm nữa thôi con sẽ được toại nguyện, cố lên con, mẹ sẽ làm mọi thứ vì con".
Cả cuộc đời, mẹ luôn dõi theo những đứa con yêu dấu (Ảnh minh họa)
Cả cuộc đời, mẹ luôn dõi theo những đứa con yêu dấu (Ảnh minh họa)
Nửa năm đầu tiên học ở trường sư phạm, cuộc sống hàng ngày của con không có gì là thiếu thốn cho lắm, bởi đã có mẹ chu cấp tiền bạc hàng tuần. Bỗng một đêm gần cuối năm, nằm trong buồng, con nghe được câu chuyện của bố với mẹ: - Hay cho con Vân bỏ học, chứ mỗi tháng mất cả hơn ba trăm ngàn, tôi lại bị bệnh khớp, việc nặng không làm được, chỉ mỗi mình bà… Mẹ thì thào: - Không thể được, nghề giáo là ước mơ của nó, tôi sẽ cố được mà. - Bà cũng chẳng khoẻ gì, mỗi ngày tôi thấy bà gầy rộc đi.  - Nhưng nhờ trời mà tôi không đau bệnh, vẫn còn bươn trải được… Ngay sau đó, con nghe tiếng thở dài não ruột của bố. Bữa cơm sáng hôm sau, con bật khóc và thưa: - Bố mẹ ơi, từ hôm nay mỗi tuần con chỉ nhận nửa số tiền chu cấp so với mọi khi thôi, xin bố mẹ cho con tiếp tục học… Mẹ mếu máo: -Thấy gia cảnh thiếu thốn quá nên bố mới nói vậy thôi, bằng mọi giá mẹ sẽ cho con làm cô giáo. Rồi bước qua năm thứ hai được hơn một tháng, trưa chủ nhật hôm ấy, mẹ dắt về chiếc xe đạp đã cũ, bảo với cả nhà: "Tôi mua chịu cho con Vân nó đem lên trường để đi lại và cuối tuần đi về, chứ đi xe buýt tốn tiền lắm"’. Bố gãi đầu: "Mua chịu rồi lấy tiền đâu trả?". Mẹ trả lời: "Thì tôi cố đi làm mướn chứ biết làm sao, năm trăm ngàn mất mười ngày công…". Lúc ấy, con vội nói: "Con có 200 ngàn trong thẻ ATM, là số tiền con tiết kiệm từ năm ngoái". Mẹ trợn mắt nhìn: "Mỗi tháng mẹ đưa chưa tới 500 ngàn bạc, vậy hàng ngày trên trường con ăn gì?". "Dạ, chủ yếu là… mì tôm ạ’". Mẹ lắc đầu: "Không được, con phải ăn cơm, ăn rau nhiều để có sức mà học. Cà phê nhà mình năm nay đã có trái bói, mẹ cố lo thêm cho con…".
Chiếc xe đạp là phương tiện đi về của con, mặc dù trường xa nhà gần 40 cây số, nhưng nhờ nó mà chiều thứ bảy nào con cũng được về với mẹ, với cả nhà ăn bữa cơm ấm áp, rồi ngủ với mẹ một đêm. Mỗi lần như vậy mẹ đều vuốt tóc con và bảo: "Phận nghèo nó thua thiệt mọi đường, mẹ luôn mong muốn có sức khoẻ gấp đôi để làm thêm được tiền cho con mẹ bớt đói khổ". Rồi đầu năm 2007, vào một buổi trưa nọ đang ở trên trường con nhận được điện thoại của bố: "Về ngay, mẹ bị té sắp chết...". Con vội xin phép thầy chủ nhiệm đạp xe về thì mẹ đã vào bệnh viện huyện. Bố bảo: "Mẹ đi hái tiêu mướn và té từ trên cái thang cao hơn 3 mét cắm đầu xuống đất". Mẹ bất tỉnh tới 4 ngày không biết gì, khi mẹ mở được mắt nhìn thấy con, mẹ đã vội mấp máy đôi môi chứ không nói ra lời. Rồi nước mắt tuôn ra chảy ròng xuống hai bên thái dương. Hơn một tháng trời, chạy chữa hết bệnh viện huyện đến bệnh viện tỉnh, bệnh mẹ thuyên giảm không nhiều, chân tay cử động rất yếu ớt, nói rất khó khăn và đầu óc lúc thăng lúc giáng nên bố đành đưa mẹ về nhà cho uống thuốc nam. Bố bị căn bệnh đau khớp hành hạ thường ngày, nhưng vẫn nhiệt tình chăm sóc mẹ cả ngày lẫn đêm. Thế nhưng mỗi khi con bảo nghỉ học ở nhà chăm sóc mẹ, mẹ đều dàn dụa nước mắt, cái đầu lắc lia lịa và ú ớ nói: "Ông… ược… nỉ, on ải à ô gi… áo" (Không được nghỉ, con phải là cô giáo). Những lúc ấy, con chỉ biết khóc theo, vì con biết rằng đầu óc mẹ tuy không còn minh mẫn, nhưng luôn lo tương lai cho con, mong muốn con đạt được ước mơ. Và mẹ ơi, có lẽ mẹ không biết việc kể từ ngày mẹ bệnh cho tới hết năm học thứ 3, hầu như mỗi ngày con chỉ được ăn một dĩa chưa đầy một chén vào buổi tối, còn sáng nhịn và buổi trưa ăn sống nửa gói mì tôm rồi uống nước lạnh cho no. Suốt 3 năm học Cao đẳng sư phạm, con không có tiền để may nổi bộ quần áo mới mà chỉ mặc từ của bạn bè cùng phòng và bạn học cùng lớp 12 trước đó cho mà thôi. Con thi đỗ Cao đẳng loại khá ngành âm nhạc, khi mang tấm bằng về cả nhà đều mừng rỡ. Mẹ cầm và ngắm cái bằng có hình con mà nước mắt cứ tuôn ra. Mẹ mấp máy đôi môi, cố nói: "ẹ… ãn… uyện… ồi…, ó… ết… ũng… ui… ắm…" (mẹ mãn nguyện rồi, có chết mẹ cũng vui lắm). Đêm ấy nằm với mẹ, mẹ bỗng như tỉnh hẳn hỏi con: "ao… ờ con… i… ạy?" (bao giờ con đi dạy?). Con nói đại rằng: "Chỉ ba tháng nữa thôi mẹ ạ". Thế nhưng suốt 3 năm qua, con gửi hồ sơ xin việc đến nhiều nơi, rốt cuộc chẳng nơi nào họ gọi cả. Và thế là, cứ vào đầu các năm học kéo dài tới cả tháng trời, ngày nào mẹ cũng khóc. Rồi buổi sáng ngày 29 tháng 11 âm lịch năm 2011 vừa qua, trong cơn hấp hối, mẹ cứ trừng trừng nhìn con... và khi tắt thở đã lâu mà mắt mẹ vẫn không nhắm được, chắc hẳn mẹ thương con, tội nghiệp cho con khi sự nghiệp chưa đến đâu. Nhiều tháng ngày qua, con khóc vì thương nhớ mẹ. Khóc cho số phận hẩm hiu của con đến nỗi sức yếu sinh nhiều thứ bệnh. Thế nhưng mấy ngày hôm nay, con đã can đảm lên rồi. Mẹ của con ơi, con hứa sẽ sống tốt với đời, dù ước mơ đứng trên bục giảng như con và mẹ từng mơ ước chưa thành, song con cũng sẽ hết sức cố gắng trong mọi công việc khác để hướng tới tương lai tươi sáng. Dưới suối vàng, mẹ hãy tin ở con, mẹ nhé!
Bế Thị Vân (Thôn 10, xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông)