LTS: Mỗi dịp kết thúc năm học, đằng sau hình ảnh các em học sinh cầm trên tay những tấm giấy khen, vẻ mặt vui tươi hớn hở là bao điều trăn trở suy nghĩ của các bậc phụ huynh và nhà trường.
Cô giáo Phan Tuyết, một cây bút quen thuộc của Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã nêu lên những quan điểm của mình về vấn đề trên.
Tòa soạn xin trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Cuối năm học, nhìn tờ giấy khen của con (ở bậc tiểu học) nhiều phụ huynh than phiền “mỗi trường khen một kiểu không biết con mình được xếp loại học lực gì?”.
Bên cạnh đó, tình trạng học sinh tiểu học được khen quá nhiều dẫn đến việc tờ giấy khen đã bị “mất giá”.
Hiểu sai chỉ đạo của Thông tư
Điều 16, Thông tư 22 đã quy định việc khen thưởng cho học sinh tiểu học.
- Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên;
- Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận;
Qua đó, sẽ có hai nhóm học sinh được khen thưởng. Đó là nhóm học sinh xuất sắc và nhóm học sinh được khen thưởng nổi trội về các môn học hoặc năng lực, phẩm chất.
Với nhóm học sinh xuất sắc phải đạt được “…kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên”.
Bởi thế, có lớp chỉ có 1 em, lớp nhiều cũng chỉ có vài em đạt được tiêu chí này.
Nhóm thứ hai là khen thưởng “ vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất…”.
Cầm tờ giấy khen con đem về mà buồn hơn vui! (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Việc loạn khen xuất phát từ việc nhà trường và giáo viên mắc căn bệnh thành tích thích học sinh được khen nhiều nên đã lạm dụng về từ “vượt trội’ để phóng tay khen thưởng học sinh.
Theo từ điển tiếng Việt vượt trội là “trội hẳn lên, vượt hẳn lên mức bình thường”.
Nếu được khen “vượt trội về môn Toán” thì học sinh ấy học toán phải rất thông minh, từ những kiến thức căn bản đã học như các bạn, các em có thể vận dụng để giải được một số dạng toán nâng cao hơn mức bình thường.
Hoặc được khen “vượt trội về môn Thể dục” các em phải thật sự có năng khiếu như chạy nhanh, nhảy xa, nhảy cao, đánh bóng… hơn hẳn các bạn trong lớp. Hay vượt trội về môn tiếng Việt phải có năng khiếu hơn hẳn các bạn về viết văn…
Tràn lan vượt trội
Nếu khen đúng theo tinh thần của Thông tư chỉ đạo thì một lớp học cùng lắm chỉ chọn được thêm vài em ‘vượt trội” là nhiều.
Thế nhưng ở các trường tiểu học khi xét khen thưởng học sinh vượt trội về các môn học, giáo viên thường căn cứ nhiều vào điểm số khi học sinh kiểm tra cuối năm.
Thế mới có chuyện không ít em được khen “vượt trội về môn Toán” nhưng đôi khi làm các bài toán trong sách giáo khoa còn sai.
“Vượt trội về môn tiếng Việt” mà viết đoạn văn chỉ dăm ba dòng còn sai diễn đạt, sai cả lỗi chính tả.
Còn để xác định học sinh “vượt trội một năng lực, phẩm chất” nào đó lại rất mơ hồ lung tung.
Như nhiều giáo viên từng nói “khen về năng lực, phẩm chất muốn khen bao nhiêu, khen em nào mà chẳng được”, chẳng phải điều này không có lý.
Ai đủ sức chữa được những “bệnh” này ở nhà trường, giáo viên? |
Bởi, Thông tư quy định học sinh vượt trội ít nhất một năng lực, phẩm chất.
Mà năng lực và phẩm chất của học sinh tiểu học có hàng chục các tiêu chí như:
“Tự phục vụ, tự quản, giao tiếp hợp tác, tự học và tự giải quyết vấn đề…” hay các phẩm chất “Chăm học, chăm làm, tích cực tham gia hoạt động giáo dục;
Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; Trung thực, kỉ luật, đoàn kết: nói thật, nói đúng về sự việc; Yêu gia đình, bạn và những người khác”.
Do hiểu sai về từ “vượt trội” của Thông tư cùng với sự dễ dãi của giáo viên của nhà trường, nhiều địa phương một lớp học 40 học sinh có tới 38 em được khen là ‘vượt trội”.
Nơi ít hơn cũng chiếm 50% số học sinh trong lớp. Bởi thế mới xảy ra tình trạng “giấy khen như mưa” một số khu phố, cơ quan đoàn thể không đủ kinh phí để thưởng cho học sinh “vượt trội”.
Mới đây trên mạng còn lan truyền tờ giấy khen của một trường tiểu học huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình khen một học sinh lớp 4 với 7 môn vượt trội.
Đây cũng chính là bằng chứng về việc hiểu sai từ “vượt trội” của Thông tư 22 chỉ đạo.
Tình trạng loạn khen của bậc tiểu học hiện nay lỗi không thuộc về Thông tư như nhiều người kết luận. Lỗi lớn nhất vẫn thuộc về trường học, về giáo viên và chính cả phụ huynh.
Trường học vẫn nặng thành tích, còn nhiều người trong chúng ta vẫn còn nặng suy nghĩ “học sinh tiểu học cần được động viên, khuyến khích là chính”.
Cũng có không ít phụ huynh vẫn đang thích nở mặt nở mày với thiên hạ khi con mình được khen. Cứ mở facebook trong đợt này đâu đâu cũng tràn ngập giấy khen khoe con thì biết.