Lời thỉnh cầu đầu năm mới cho những giáo viên hợp đồng tại Hải Dương

17/02/2018 08:09
Thảo Ly
(GDVN) - Hãy cho giáo viên hợp đồng đi tập huấn về dạy kỹ năng sống. Họ có thể dạy tốt nội dung này. Đừng hất miếng cơm của họ, bởi đằng sau họ còn gia đình.

LTS: Sau lời thỉnh cầu của nhiều giáo viên hợp đồng đang công tác trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang đứng trước nguy cơ mất việc nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn thuê các trung tâm về dạy kĩ năng sống, tác giả Thảo Ly đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trước thềm năm mới nhiều gia đình đang tất bật, háo hức chào đón nàng xuân với bao niềm vui, niềm hy vọng, hàng ngàn giáo viên ở tỉnh Hải Dương như đang ngồi trên đống lửa trước nguy cơ thất nghiệp.

Họ đang tính từng ngày vì một ngày qua đi viễn cảnh rời khỏi bục giảng sẽ ở gần ngay trước mắt.

Lời thỉnh cầu đầu năm mới cho những giáo viên hợp đồng tại Hải Dương (Ảnh minh họa: phuonghong.edu.vn).
Lời thỉnh cầu đầu năm mới cho những giáo viên hợp đồng tại Hải Dương (Ảnh minh họa: phuonghong.edu.vn).

Tâm sự nhói lòng

Một giáo viên hợp đồng buồn rầu chia sẻ: “Tết còn ý nghĩa gì nữa đây, khi mà chỉ vài tháng nữa là chúng tôi bị đuổi việc? Con cái chúng tôi sẽ mất cái ăn, cái mặc.

Chỉ vì bài toán tính số % và bài toán tính số hoa hồng mà thuê trung tâm về dạy kĩ năng sống, móc tiền từ túi phụ huynh và đổ bát cơm của chúng tôi đi. Tại sao người đứng đầu ngành vẫn không lên tiếng xem bố trí sắp xếp công việc cho chúng tôi?”.

Có giáo viên nói rằng: “Đau lắm các bác ơi! Tối qua khi cả nhà ngồi quây quần, con tôi hỏi: mẹ ơi, mẹ sắp mất việc à?

Mẹ không làm cô giáo nữa thì mẹ làm gì? Mẹ làm không tốt nên mẹ bị đuổi việc à? Biết trả lời con sao đây khi nó còn quá bé để hiểu những uẩn khúc ẩn đằng sau đó.

Một giáo viên khác bức xúc “Vợ chồng tôi như ngồi trên đống lửa, ăn không ngon, ngủ không yên, vì sắp tới cả 2 vợ chồng sẽ bị chấm dứt hợp đồng. Nồi cơm nhà tôi đã bị đổ đi rồi.

Sao cấp trên không sắp xếp để chúng tôi được tiếp tục giảng dạy trong khi cơ hội vẫn ở ngay trước mắt?”.

Một thầy giáo nói rằng đứa con gái nhỏ đi học về thỏ thẻ: “Ba ơi! Ba sắp bị mất dạy à? Con nghe mấy cô chú bảo thế? Mà người ta đuổi ba hả? Mà sao ba bị đuổi? Ai bảo ba không dạy giỏi làm chi? Ôm con mà lòng nghẹn đắng chẳng biết phải trả lời nó ra sao."

Lời thỉnh cầu đầu năm mới cho những giáo viên hợp đồng tại Hải Dương ảnh 2Lợi lộc gì mà Hải Dương cấp phép cho 8 công ty dạy kỹ năng sống?

Gia đình có hai vợ chồng là giáo viên hợp đồng còn thảm hơn nhiều: “Từ tháng 6 chúng tôi ăn bằng gì? Gia đình chúng tôi sẽ sống bằng gì?

Con cái chúng tôi sẽ sống và học hành ra sao khi cha mẹ chúng bỗng nhiên bị quăng ra đường sau bao năm cống hiến cho ngành giáo dục?

Tại sao hơn 4000 giáo viên đang đứng trước nguy cơ mất việc mà các ông bà lại thuê công ty ngoài vào trường dạy chẳng khác nào giật lấy chén cơm đang đưa lên miệng của chúng tôi?”.

“Hơn chục năm gắn bó với bảng đen phấn trắng, công việc thành thạo nhất chỉ biết cầm phấn và dạy dỗ học sinh. Nay hất chúng tôi ra đường khi không còn trẻ nữa như thế liệu có công bằng không?

Và những khẩn khoản mong muốn của những thầy cô giáo

Nhiều giáo viên vẫn thiết tha: “Đề nghị ông giám đốc sở Giáo dục tỉnh Hải Dương, các ông bà trưởng phó các phòng giáo dục, các ông bà hiệu trưởng hãy cho chúng tôi một con đường sống.

Hãy cho chúng tôi đi tập huấn về dạy kỹ năng sống. Chúng tôi đảm bảo có thể dạy tốt nội dung này. Đừng hất miếng cơm của chúng tôi đi. Chúng tôi còn gia đình, còn phải nuôi con.

Dừng thuê công ty ngoài dạy kỹ năng sống là có thể cứu bao nhiêu thầy cô khỏi cảnh thất nghiệp, cứu bao nhiêu gia đình khỏi cảnh tan đàn xẻ nghé vì nguy cơ lục đục về kinh tế... Bao năm gắn bó với nghề, chúng tôi biết làm gì để kiếm sống đây?”.

“Rất mong các bác lãnh đạo nghĩ đến giáo viên hợp đồng chúng tôi, các con chúng tôi đang tuổi ăn tuổi lớn, đang rất cần sự nuôi dưỡng của cha mẹ.

Trước mắt bố trí cho chúng tôi dạy hoạt động ngoài giờ, dạy kĩ năng sống,...chúng tôi nghĩ chúng tôi sẽ dạy được và dạy tốt”.

“Những bài học về kĩ năng sống hàng ngày chúng tôi vẫn đang dạy học sinh. Thế nên lãnh đạo cho chúng tôi giảng dạy thì nhất định chúng tôi dạy được và sẽ dạy rất tốt”…

Có tiếp xúc trực tiếp để nghe giáo viên trải lòng mới thấu hiểu được những khó khăn vất vả mà những người giáo viên hợp đồng nơi đây đang phải đối mặt.

Giữa thời buổi “người khôn của khó” thì cơ hội kiếm được việc làm để có thu nhập nuôi sống gia đình (dù thấp) cho hàng ngàn giáo viên thất nghiệp trong một tỉnh như Hải Dương quả chẳng hề đơn giản.

Chẳng biết rồi những tâm sự từ đáy lòng, những khát khao đến cháy bỏng của các thầy cô giáo có làm mủi lòng những nhà quản lý giáo dục nơi đây?

Mong lắm thay!

Thảo Ly