Người thầy phải nâng tầm mình lên, việc rất khó nhưng phải làm!

23/01/2018 07:00
Trinh Phúc
(GDVN) - "Muốn dạy môn văn mới hay là một vấn đề khó đòi hỏi mỗi một cô thầy giáo đứng lớp phải luôn tự hoàn thiện mình, tự đổi mới mình để cập nhật được".

Ngày 15/1, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và trường Trung học phổ thông Quang Hà huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0”.

Bên lề sự kiện này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Nguyễn Khánh Toàn, giáo viên dạy văn về nội dung liên quan đến chương trình môn văn học trong chương trình phổ thông mới.

Qua trao đổi, có thể thấy thầy Khánh Toàn tỏ ra thích thú với sự thay đổi nội dung của môn văn trong chương trình phổ thông mới.

Thầy giáo Nguyễn Khánh Toàn (ảnh Trinh Phúc).
Thầy giáo Nguyễn Khánh Toàn (ảnh Trinh Phúc).

Việc môn ngữ văn được dạy từ lớp 1 đến lớp 12 và chú trọng vào đào tạo các kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) được chọn làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học thầy Khánh Toàn đã rất tán đồng.

Bàn về việc cả chương trình chỉ còn 6 tác phẩm văn học bắt buộc (Nam quốc sơn hà tương truyền của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh) thầy Toàn cho rằng, đây là 6 kiệt tác trong văn học dân tộc, là mốc son chói lọi trong văn hiến dân tộc.

Người thầy phải nâng tầm mình lên, việc rất khó nhưng phải làm! ảnh 2Cô giáo dạy giỏi kể về những thách thức gặp phải khi dạy tích hợp liên môn

Lý giải thêm về việc này, thầy Nguyễn Khánh Toàn cho rằng: “Đối với dân tộc nào trên thế giới thì những tác phẩm văn học lớn như thế, hội tụ tất các vẻ đẹp tinh thần của một dân tộc đều được đem vào chương trình giảng dạy ở trường phổ thông.

Đặc biệt, đối với dân tộc ta, một dân tộc luôn đấu tranh chống ngoại xâm thì bất kỳ thời kỳ nào giáo dục tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm, giáo dục tinh thần yêu nước của học sinh đều rất quan trọng.

Do đó, việc chọn 6 tác phẩm bắt buộc là phù hợp, tôi đồng tình và ủng hộ”.

Trước ý kiến cho rằng, 6 tác phẩm này nghiêng về chủ nghĩa yêu nước và tự hào dân tộc trong khi còn rất nhiều tác phẩm văn học là nhân học, hướng về giáo dục phẩm chất của con người trong đó có tình thương, có những nỗi nhọc nhằn đa đoan, bộn bề cuộc sống để dạy các em những cách ứng xử khác tại sao không bắt buộc …thầy Toàn đưa ra quan điểm:

“Tôi nhận thức vấn đề, đây là 6 tác phẩm văn học bắt buộc còn lại trong mỗi chủ đề, lĩnh vực thì người soạn sách, giáo viên phải lựa chọn tác phẩm khác để dạy học sinh.

Như dạy cổ tích chẳng hạn thì người ta có thể đưa ra vài tác phẩm như  “Thạch Sanh”, “Tấm Cám”, “Sọ Dừa”… giáo viên có thể lựa chon tác phẩm tâm đắc nhất để đi sâu.

Hay là, văn học thời kỳ 1930 – 1945 có thể đưa vào tác giả Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố để mở rộng quyền lựa chọn của giáo viên và học sinh.

Chương trình giáo dục tổng thể phù hợp với triết lý giáo dục hiện đại 4.0. Trước chúng ta học nặng nề về văn - cảm thụ tác phẩm, bây giờ định hướng trọng tâm dạy cho các em kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Tức là nghe là để cảm thụ, nói là để thể hiện trình độ (tạo lập văn bản nói, thuyết trình), viết để tạo lập văn bản viết… đây là những kỹ năng rất cần thiết cho con người mà học sinh Việt Nam đang thua kém so với học sinh các nước trên thế giới về khả năng này".

Người thầy phải nâng tầm mình lên, việc rất khó nhưng phải làm! ảnh 3Học trò lớp 12 hiểu gì về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Thầy Toàn cũng cho rằng: “Chúng ta có thể viết chữ rất đẹp, chúng ta có thể viết văn hay, là khuôn mẫu nhưng khi tự giới thiệu về mình, giới thiệu về quê hương đất nước mình hay công trình mình đang theo đuổi thì lại lúng túng.

Tôi nghĩ rằng việc định hướng môn văn song song với việc dạy các tác phẩm văn học thì nhấn mạnh các kỹ năng cho học sinh, đọc hiểu các vấn đề, trình bày vấn đề vô cùng quan trọng”.

Nói về những thách thức giáo viên gặp phải khi phải giảng dạy chương trình văn học mới thầy Nguyễn Khánh Toàn chia sẻ: “Công tác giáo dục bây giờ đứng trước thay đổi vừa là cơ hội, vừa là thách thức mới.

Thấy rằng đây là một vấn đề khó cần đòi hỏi mỗi một cô thầy giáo đứng lớp phải luôn tự hoàn thiện mình, tự đổi mới mình để cập nhật được các kiến thức, kỹ năng.

Người thầy phải nâng tầm mình lên. Việc này rất là khó nhưng phải làm và phải làm được”.

Đóng góp để chương trình môn văn mới khi đi vào áp dụng thực tiễn được thành công hơn, thầy giáo Toàn cho rằng: “Tôi thấy nên dành nhiều thời gian hơn cho việc học sinh trao đổi và bộc lộ thì việc học đó có tác dụng hơn.

Ví dụ, với một chủ đề có 3 tiết để dạy văn trong khi việc rèn luyện các kỹ năng nay chưa có đến 1 tiết để thực hiện các kỹ năng đó. Tức học sinh được thảo luận, được trình bày nhiều hơn.

Như khi học tác giả Nam Cao, học sinh có thể có số lượng tiết tương đương với tiết học tác phẩm để các em có thể chọn cái gì đó tự trình bày, giới thiệu những gì thích nhất chứ không phải những cái có trong sách vở được học.

Học sinh có ý thức tìm hiểu và xây dựng cách tiếp cận riêng theo giá trị và thấy hay, thích thú qua đó rèn luyện được các kỹ năng theo đuổi”.

Cuối cùng thầy Nguyễn Khánh Toàn nhấn mạnh: “Theo tôi, giáo dục tổng thể của chúng ta đã có sự thay đổi lớn rồi nhưng chúng ta vẫn nghiêng về thầy đào tạo.

Do đó, cần thiết phải để học sinh tự bộc lộ và có những tiết thực hành luyện tập nhiều hơn, thiết thực hơn”.

Trinh Phúc