Sợ mất vị trí trung tâm, nhiều trường chưa muốn vào quy hoạch

08/04/2017 06:55
Diệu Thuần
(GDVN) - Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nói vậy khi chủ trì buổi họp báo thường kỳ tháng 3/2017 ngày 31/3.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2006 - 2020, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ quy hoạch các trường đại học, cao đẳng thành từng khu tập trung ở ngoại thành để tránh tình trạng kẹt xe, tắc đường trong nội thành. Từ đó, tạo điều kiện cho các trường xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật theo chuẩn trường quốc tế. 

Cụ thể, thành phố sẽ quy hoạch các trường thành từng khu tập trung ở các quận như: quận 9, quận 7, huyện Hóc Môn.... Thế nhưng, cho đến nay, đã hơn 10 năm mà kế hoạch vẫn chưa thực hiện xong khâu đền bù, giải tỏa mặt bằng...

Nhiều trường chưa muốn đi vì sợ mất vị trí trung tâm?

Trả lời những câu hỏi của báo chí, vì sao đến nay kế hoạch vẫn chưa được thực hiện. Tại sao nhiều trường phải đi thuê mặt bằng làm cơ sở, mà các khu đất nằm trong dự án lại để cho... cỏ mọc.

Đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, kế hoạch đang thực hiện nhưng còn chậm. Lý do là chưa giải quyết xong khâu giải tỏa, đền bù mặt bằng. Một lý do khác là nhiều trường cho rằng chưa có kinh phí để dời đến vị trí mới.​

Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố HỒ Chí Minh khẳng định với báo chí rằng, các trường không muốn vào khu quy hoạch là vì muốn giữ chỗ để làm thương hiệu - ảnh: T.A
Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố HỒ Chí Minh khẳng định với báo chí rằng, các trường không muốn vào khu quy hoạch là vì muốn giữ chỗ để làm thương hiệu - ảnh: T.A

Còn ông Hoan thì cho biết, thành phố đã có hơn 10 năm hình thành quy hoạch các trường đại học, các cơ sở giáo dục thành từng khu, phía Đông thành phố một khu, phía Tây thành phố một khu, phía Nam thành phố một khu và phía Bắc thành phố một khu. 

Vốn dĩ, thành phố quy hoạch như vậy là để tránh tình trạng kẹt xe, tắc đường và giúp các trường có diện tích để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật theo chuẩn trường quốc tế.

Thế nhưng, đến nay kế hoạch thực hiện còn chậm một phần là do ở các trường. ''Các trường cứ nói không có kinh phí nên chưa thể di dời.

Không phải đâu. Trước đây, các trường lấy cơ sở vật chất hiện có trong trung tâm sử dụng vào mục đích khác để lấy vốn xây dựng đó. Sao giờ các trường không làm theo cách đó để có kinh phí'', ông Hoan đặt giả thiết.

Ông cho rằng, việc các trường vừa muốn đi, vừa muốn không đã làm khó cho thành phố khi thực hiện kế hoạch. ''Trường nào cũng muốn giữ vị trí ở trung tâm để làm thương hiệu và để thu hút sinh viên về trường mình thì e rằng không có hiệu quả trong thời gian dài.

Các trường phải biết rằng, trong tương lai, trường học là phải có diện tích rộng, có sân chơi, có các khu tích hợp... thì mới thu hút được sinh viên theo học ở trường mình. Đó cũng là tiền đề để trường mình phát triển lâu dài được.

Đại học Quốc gia họ đã xây dựng thành làng đại học ở Thủ Đức rất thành công. Thành phố cũng đang xây dựng kế hoạch, xây dựng thành phố thành bốn thành phố vệ tinh, trung tâm là các quận Bình Tân, quận Thủ Đức, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn.

Các trường nên tìm cách chuyển vào khu quy hoạch của thành phố nhanh lên để không bị tụt hậu so với sự phát triển của xã hội'', ông Hoan nhắn gửi các trường. 

Các trường gặp khó về tài chính

Bàn về vấn đề trên trong một cuộc hội thảo mới đây, Tiến sĩ Mai Hồng Qùy, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, năm 2007, thành phố đã giao 40 héc-ta đất cho trường xây dựng cơ sở mới tại phường Long Phước, quận 9, nhưng qua nhiều giai đoạn thỏa thuận quy hoạch đến nay vẫn chưa giải quyết xong. 

Hơn nữa, để đền bù giải tỏa và xây dựng cơ sở mới phải tốn rất nhiều kinh phí. Kinh phí của trường lại đang hạn hẹp. Vì thế, việc bỏ cơ sở cũ, chuyển đến cơ sở mới là một vấn đề nan giải của nhà trường

Trả lời Báo Đầu tư, Phó giáo sư Nguyễn Văn Hiến, Phó hiệu trưởng Trường đại học Tài chính Marketing cho biết, trường được thành phố giao đất trong khu dự án của Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng, tuy nhiên, trường phải tự chủ tài chính để mua lại đất của chủ đầu tư. 

''Chủ đầu tư họ đang cần tiền nên đề nghị trường phải giao tiền ngay khi nhận đất. Trường không thu xếp được tài chính nên trường không thể mua được đất. Chủ đầu tư đã bán đất cho trường khác. Vậy là trường không thể chuyển đến cơ sở mới'', phó giáo sư Hiến nói.

Ông cũng cho biết, việc các trường phải tự đền bù giải tỏa đất mà thành phố giao cho để xây dựng cơ sở mới gặp nhiều khó khăn, vì nó không phải là dự án thương mại. Từ đó, chủ đầu tư không thể thỏa thuận được giá đền bù với người dân. 

Người dân có đất trong dự án lại không chịu giá đền bù mà Nhà nước áp đặt, nên họ không chịu giao đất cho các trường. Vì thế, việc xây dựng cơ sở mới để chuyển đến của các trường chưa thể thực hiện.

Diệu Thuần