“Tảng băng chìm” của biệt phái tại Hà Tĩnh

11/10/2018 06:18
Bài và ảnh: LÊ VĂN VỴ
(GDVN) - Biệt phái ở ngành giáo dục Hà Tĩnh có những "tảng băng chìm", khiến dư luận trong giáo viên có lúc gợn sóng.

Ai cũng biết, biệt phái là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm điều động cán bộ, giáo viên, công nhân viên đến với vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Nhờ lực lượng tăng cường ấy mà vùng sâu, vùng xa bớt đi nỗi nhọc nhằn.

Nhiều cán bộ, giáo viên, công nhân viên đã bám trụ với đồng bào các dân tộc, lặng lẽ hy sinh, chịu nhiều thiệt thòi về cuộc sống cá nhân của mình.

Những tấm gương ngời sáng ấy cần phải được biểu dương, động viên, khích lệ... và cần được giải quyết chế độ thỏa đáng sau khi họ hoàn thành nghĩa vụ trở về...

Tại ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, cán bộ, giáo viên biệt phái được cử đến vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Kỳ Anh, Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê đang giúp các cơ sở giáo dục ở đó hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Công tác biệt phái nếu thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì tạo nên được sự đồng thuận góp phần làm cho vùng sâu, vùng xa giảm tải khó khăn và nhất là thực hiện công bằng trong giáo dục.

Nhưng, biệt phái ở ngành giáo dục Hà Tĩnh có những "tảng băng chìm", khiến dư luận trong giáo viên có lúc gợn sóng.

Tại Hà Tĩnh, các trường phổ thông trung học (thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý) hầu hết nằm ở vùng trung tâm.

Tại thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, trừ Trường trung học phổ thông Kỳ Lâm, còn lại đều nằm gần Quốc lộ 1A. 

Tại Hương Khê, Trường trung học phổ thông Phúc Trạch xa trung tâm, còn phổ thông trung học Hương Khê nằm ở trung tâm thị trấn, phổ thông trung học Hàm Nghi nằm cạnh đường Hồ Chí Minh.

Tổ Vật lý Trường phổ thông trung học Lê Quý Đôn họp để cử người đi biệt phái.
Tổ Vật lý Trường phổ thông trung học Lê Quý Đôn họp để cử người đi biệt phái.

Những năm gần đây, do số học sinh tuyển sinh giảm, nên quy mô các trường phổ thông trung học cũng giảm.

Nhưng những trường trọng điểm (đóng ở Trung tâm Thành phố, Thị xã, Thị trấn) có nhiều điều kiện thuận lợi, giáo viên vẫn được chuyển về, nên các trường này khủng hoảng thừa giáo viên, trong khi một số trường vùng sâu, vùng xa thiếu giáo viên.

Giải pháp điều động giáo viên dôi dư ở các trường trọng điểm tăng cường vùng sâu, vùng xa là giải pháp hợp lý.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, để lộ ra "tảng băng chìm". Xin nêu vài dẫn chứng:

Trường phổ thông trung học Nguyễn Công Trứ đóng tại Thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, cách thành phố Vinh vài cây số.

Đây là điểm công tác lý tưởng cho những ai có gia đình ở Vinh (mà không thể nào xin được về Vinh).

Năm học 2018-2019, Trường phổ thông trung học Nguyễn Công Trứ được Sở Giáo dục và Đào tạo điều động biệt phái 7 giáo viên (trong đó có 3 giáo viên Toán, 1 giáo viên tiếng Anh, 2 giáo viên Hóa, 1 giáo viên Tin) và thuyên chuyển về 5 giáo viên trong đó có 3 giáo viên Toán và 2 giáo viên Tiếng Anh.

Trường phổ thông trung học Nguyễn Công Trứ (Nghi Xuân) nơi có 3 giáo viên Toán đi biệt phái để cho 3 giáo viên Toán nơi khác chuyển về.
Trường phổ thông trung học Nguyễn Công Trứ (Nghi Xuân) nơi có 3 giáo viên Toán đi biệt phái để cho 3 giáo viên Toán nơi khác chuyển về.

Một số giáo viên đã đặt những câu hỏi sau đây:

Câu hỏi 1: Toàn tỉnh có 10 giáo viên Toán đi biệt phái, tại sao Trường phổ thông trung học Nguyễn Công Trứ có 9 giáo viên Toán (không thừa) lại đi biệt phái đến 3 giáo viên, và cùng 1 điểm đến là Trường phổ thông trung học Hương Khê?

Câu hỏi 2: Vừa đi 3 giáo viên Toán, Sở chuyển về 3 giáo viên Toán khác. Đó là thầy Lê Văn Nhân (Tổ trưởng tổ Toán) chuyển từ Trường phổ thông trung học Nguyễn Văn Trỗi về; cô Phạm Thị Thanh Xuân chuyển từ Trường phổ thông trung học Phan Đình Phùng; cô Nguyễn Thị Như Quỳnh từ Trường phổ thông trung học Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Anh) về.          

Đi biệt phái chỉ 10 tháng, 3 giáo viên về theo Quyết định thuyên chuyển của Giám đốc Sở.

Vậy năm học 2019- 2020 những giáo viên đi biệt phái trở về, Trường phổ thông trung học Nguyễn Công Trứ dư thừa giáo viên Toán, sẽ giải quyết ra sao?

Ai biết được năm học tiếp theo các trường đó có cần giáo viên biệt phái nữa không? Vì đầu vào chắc gì đã tăng?

Thầy Lai (Trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh) sau khi hoàn tất điều động giáo viên biệt phái thì đã nghỉ hưu từ ngày 1/9/2018.

Thầy Lạc vài tháng nữa về hưu. Thầy Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở cũng 2 năm nữa là hết 2 nhiệm kỳ Giám đốc.

Ai sẽ “đứng mũi chịu sào” những hậu quả của biệt phái đây?

Câu hỏi 3: Cả 3 giáo viên Toán về Trường phổ thông trung học Nguyễn Công Trứ đều là giáo viên giỏi, nòng cốt của Tổ Toán các trường.

Tại sao công tác tổ chức cán bộ của Sở bất chấp chuyên môn?

Cho nên phát biểu của ông Nguyễn Ngọc Lạc - Trưởng phòng phổ thông trung học tại Hội nghị cán bộ, giáo viên, công nhân viên Trường phổ thông trung học Nghi Xuân không phải là không có lý. Sở đang phớt lờ chuyên môn trong công tác tổ chức cán bộ này.

“Tảng băng chìm” của biệt phái tại Hà Tĩnh ảnh 3Thực sự giáo viên đang thừa thiếu thế nào?

Câu hỏi 4: Hiện tượng điều động hàng loạt, tràn lan để tạo ra chỗ trống không chỉ 1 Trường Nguyễn Công Trứ mà ở nhiều trường như phổ thông trung học Hồng Lĩnh, Nguyễn Du, Phan Đình Phùng...

Vì vậy, có người đùa nhưng không phải là không có lý: Biệt phái hay chơi ô ăn quan đây?

Câu hỏi 5: Năm học 2018-2019, có 87 giáo viên từ 21 trường đến biệt phái 21 trường trên địa bàn tỉnh và có gần con số đó thuyên chuyển.

Như vậy, có gần 200 giáo viên tại các trường thuyên chuyển được thực hiện chóng vánh những ngày đầu khai giảng tạo nên một sự xáo trộn, khiến các trường phải có thời gian để ổn định công tác tổ chức.

Ông Hiệu trưởng Trường phổ thông trung học Thành Sen thẳng thắn:

"Đợt 1, trường tôi điều động 9 giáo viên biệt phái. Nhà trường đã làm công tác tổ chức xong, phân công giảng dạy xong, đùng cái Sở Quyết định điều mấy giáo viên đi Năng khiếu khiến nhà trường lúng túng vô cùng".

Câu hỏi 6: Biệt phái là chủ trương lớn, nên đề nghị Sở hoàn tất các quy trình, tiêu chí để làm sao đội ngũ giáo viên đã cắm ở vùng sâu vùng xa được trở về, ổn định cuộc sống gia đình mà không phải chạy chọt, gõ hết cửa này đến cửa khác và làm sao để những người đi biệt phái an tâm công tác.

Chế độ chính sách đối với giáo viên biệt phái cần được công bố rõ ràng. Một số giáo viên đi biệt phái năm học 207-2018, chưa nhận được tiền hỗ trợ vẫn thấy lòng áy náy, không tán thành cách làm thiếu minh bạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh.

Bài và ảnh: LÊ VĂN VỴ