Tiền hoa hồng bảo hiểm đi đâu khi giáo viên phải thu mà không được đồng nào?

19/09/2016 07:40
Anh Quân
(GDVN) - Câu trả lời được thầy giáo Anh Quân chỉ ra là Hiệu trưởng và kế toán hưởng cả, giáo viên chả được xu nào hết...

LTS: Đầu năm học mới, không thiếu các cuộc vận động mua bảo hiểm cho học sinh tại các trường, tuy nhiên đằng sau những khoản thu này có tồn tại những bất cập?

Thầy giáo Anh Quân, từ góc độ một giáo viên có bài viết bộc bạch về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Sau bài viết “Bảo hiểm tự nguyện đang bị “bắt buộc” mua ở nhà trường” của tác giả Khánh Ngọc đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả.

Đáng lưu ý, có không ít ý kiến cho rằng: “Giáo viên bán bảo hiểm được nhận hoa hồng nên các trường mới nhiệt tình thế”.

Là giáo viên có hơn 20 năm thâm niên trong nghề, cũng đã từng ấy năm tư vấn, vận động và không ít lần tham gia “đòi” tiền học sinh buộc gia đình các em phải mua bảo hiểm, nhưng chưa bao giờ bản thân tôi nhận được một đồng hoa hồng nên cũng cảm thấy bức xúc, đành lên tiếng “rửa oan” cho đồng nghiệp.

Bảo hiểm là khoản tiền cần đóng quen thuộc với mỗi học sinh khi bắt đầu năm học mới (Ảnh: thanhnien.vn).
Bảo hiểm là khoản tiền cần đóng quen thuộc với mỗi học sinh khi bắt đầu năm học mới (Ảnh: thanhnien.vn).

Tiền bảo hiểm học sinh thường được bán vào đầu mỗi năm học nên phụ huynh thường gọi bằng cụm từ quen thuộc “tiền trường”.

Nhiều năm về trước, tiền bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn cũng chỉ khuyến khích gia đình phụ huynh tham gia.

Do một số Hiệu trưởng cũng muốn trường mình tham gia đầy đủ để được nhận thưởng (bảo hiểm thường treo thưởng cho những trường tham gia 100%).

Tiền hoa hồng bảo hiểm đi đâu khi giáo viên phải thu mà không được đồng nào? ảnh 2

Bảo hiểm tự nguyện đang bị “bắt buộc” mua ở nhà trường

Tiền thưởng thường được xung vào công quỹ hoặc mua sắm thêm một số trang thiết bị còn thiếu cho trường.

Bởi chỉ dăm ba triệu bạc được thưởng mà chia cho vài chục con người thì được mấy đồng?

Để học sinh tham gia đầy đủ việc mua bảo hiểm cũng chẳng dễ dàng gì, ngoài việc tư vấn cặn kẽ, giáo viên phải ra sức thuyết phục, thậm chí vào tận nhà học sinh để vận động.

Gặp Hiệu trưởng tâm lý chỉ động viên giáo viên cố gắng trong việc vận động phụ huynh mua bảo hiểm cho con.

Gặp Hiệu trưởng khó tính, thích thành tích lại đưa chỉ tiêu thu đủ bảo hiểm về các lớp và đây cũng là một trong những tiêu chí xét thi đua giáo viên vào cuối năm học.

Thế rồi, không ít giáo viên cũng vì thành tích cá nhân, vì không muốn tên mình bị nêu lên và càng không muốn “thua chị kém em”, nên ra sức vận động, nhắc nhở học sinh về “đòi” ba mẹ mua bảo hiểm đúng thời hạn.

Ngoài số tiền thưởng vì tham gia bảo hiểm 100%, phía bảo hiểm cũng trích lại khoảng 1,5% bảo hiểm y tế để mua thuốc, bông băng cho phòng y tế phục vụ chính các em học sinh.

Vài năm trở lại đây, nhiều trường học nhận được công văn nhắc nhở của các cấp chính quyền về việc bán bảo hiểm ở các trường học, họ nhấn mạnh:

Tiền hoa hồng bảo hiểm đi đâu khi giáo viên phải thu mà không được đồng nào? ảnh 3

Cay đắng buổi họp "tiền đâu" đầu năm học!

Đây là nhiệm vụ chính trị nên giáo viên phải toàn tâm, là bảo hiểm toàn dân nên bắt buộc học sinh phải tham gia đầy đủ”.

Đã là “nhiệm vụ chính trị” thầy cô giáo chủ nhiệm nào dám lơ là? Họ làm vì trách nhiệm cột trên đầu chứ hoàn toàn chẳng phải vì tiền hoa hồng nhiều hay ít, có hay không...

Viết giấy, gọi điện thoại nhắc nhở, dặn học sinh hàng ngày… Giáo viên vất vả là thế nhưng người được thụ hưởng lại là Hiệu trưởng và kế toán các trường.

Năm nào cũng vậy, cứ vào mỗi dịp hè, Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng) và kế toán các trường học đều được phía bảo hiểm tài trợ toàn phần một chuyến du lịch dã ngoại. Số tiền bỏ ra cho hai người trong mỗi chuyến đi đôi khi gần cả chục triệu đồng.

Nhiều giáo viên cũng tâm tư “cốc mò cò xơi”.

Thiết nghĩ, đừng tổ chức đi chơi cho hai người, phía bảo hiểm chi lại cho các trường số tiền này để mua lại bảo hiểm cho một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì đáng quý biết bao.

Anh Quân