Tư vấn du học lừa đảo – liệu Việt Nam có đang “học” Trung Quốc?

19/04/2017 06:53
Đất Việt
(GDVN) - Liệu Việt Nam đang “học” Trung Quốc về những dịch vụ lừa đảo du học? Rất nhiều khả năng, khi nhìn kỹ lại thị trường.

LTS: Là người từng có 10 năm làm việc trong môi trường giáo dục quốc tế và 4 năm trải nghiệm cuộc sống "du học", tác giả Đất Việt chia sẻ câu chuyện về việc lừa đảo trong tư vấn du học.

Câu chuyện này được báo chí Mỹ phanh phui liên quan đến một Tập đoàn tư vấn du học của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tác giả cũng đặt ra nghi vấn liệu vấn đề này có xảy ra tại Việt Nam. Đặc biệt, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đang thông tin về một vụ việc gây tranh cãi tại ILA Đà Nẵng.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Việt Nam khá tương đồng với Trung Quốc ở nhiều khía cạnh, đặc biệt trong những vấn nạn xã hội như tham nhũng, lạm dụng quyền lực, quan hệ để “lừa đảo”.  

Như một việc hiển nhiên, điều này có hiện diện trong các hoạt động cung ứng du học, dù là từ nguồn tiền từ đâu.

Trong bài viết này, dựa trên 10 năm làm việc trong môi trường giáo dục quốc tế và 4 năm trực tiếp là người “du học”, tôi hiểu ra được tại sao nhiều “cửa sau”, kiểu lừa đảo, của cái gọi là tư vấn du học ở Việt Nam lại phát triển được.

Có lẽ phần lớn sự thật của nó được mô tả qua phóng sự điều tra của Reuters trong năm 2016 về vụ việc “lừa đảo trong tư vấn du học” của Tập đoàn tư vấn New Oriental (Trung Quốc).  

Tập đoàn Giáo dục và Công nghệ New Oriental của Trung Quốc bị cáo buộc lừa đảo. (Ảnh: Reuters)
Tập đoàn Giáo dục và Công nghệ New Oriental của Trung Quốc bị cáo buộc lừa đảo. (Ảnh: Reuters)

Xin được tóm tắt để chúng ta cùng biết thêm về thế giới tư vấn du học là như thế nào.

Tháng 12 năm 2016, cả nước Mỹ và giới học thuật, các đại học Mỹ, rúng động vì báo cáo điều tra do Reuters thực hiện.

Tư vấn du học lừa đảo – liệu Việt Nam có đang “học” Trung Quốc? ảnh 2

Những cuộc “ngã giá” giữa Công ty tư vấn du học và gia đình học viên

Báo cáo này đã cáo buộc Tập đoàn Giáo dục và Công nghệ New Oriental (Trung Quốc), một tập đoàn tư nhân lớn nhất ở Trung Quốc, đã lên sàn chứng khoán New York với doanh thu 1,5 tỷ đô la Mỹ hàng năm, gửi hàng chục nghìn học sinh của mình sang Mỹ mỗi năm trong gần 10 năm qua, về hành vi “lừa dối trong tư vấn tuyển sinh”.  

Hầu hết kế hoạch tuyển sinh học sinh của họ được thực hiện thông qua các mối liên hệ với giáo viên và quản lý ở các trường cấp 3 và đại học.  

Những đầu mối này đã tự nguyện trở thành “đại lý tuyển sinh thứ cấp” trong hệ thống công ty tư vấn.

Thông qua hai tư vấn du học người Mỹ có quyền lực ở hai trường khoa học xã hội nhỏ (Liberal arts) tại New York và Vermont, hai tư vấn người Mỹ đã hỗ trợ 2 công ty tư vấn du học Trung Quốc bằng việc mời chào và tổ chức chuyến đi thăm Trung Quốc, gặp gỡ trực tiếp các học sinh sinh viên Trung Quốc, cho hàng chục nhân viên tuyển sinh của nhiều đại học lớn của Mỹ (trong đó có cả đại học Cornell, Chicago, Stanford và đại học California, Berkeley).  

Tư vấn du học lừa đảo – liệu Việt Nam có đang “học” Trung Quốc? ảnh 3

Brexit và giáo dục

Phần lớn chi phí của đoàn tại Trung Quốc do New Oriental chịu. 

Hai công ty tư vấn du học mà những nhà tư vấn độc lập của Mỹ đứng đại diện là New Oriental Education & Technology Group Inc và Dipont Education Management Group, đã chào các dịch vụ vượt ra ngoài dịch vụ tuyển sinh thông thường.

Nhân viên của New Oriental và Dipont đã xác nhận với Reuters về những việc làm lừa dối (fraud) của hai công ty khi họ viết bài luận, lấy giấy xác nhận của giáo viên và cung cấp bảng điểm cấp ba được xếp hạng “một cách lừa dối” cho các đại học Mỹ.  

Theo chia sẻ từ nhân viên tư vấn du học, hầu hết học sinh Trung Quốc và khách hàng của họ đều thiếu các kỹ năng viết luận, viết những nhận xét cá nhân.

Và theo đó, nhân viên tư vấn sẽ làm hết hồ sơ, chỉ trừ một phần nhỏ các học sinh xuất sắc thì tự làm. 

Trong hợp đồng dịch vụ Reuters có được, dịch vụ tư vấn du học bao gồm cả việc viết và “đánh bóng” hồ sơ xin học vào Mỹ, mở tài khoản cá nhân cho học sinh nộp đơn vào các trường đại học, kiểm soát “mật khẩu”.

Như rất nhiều học sinh thú nhận, họ chả cần phải nhìn đến đơn xin học làm gì, vì đã có công ty tư vấn du học thực hiện.

Cứ theo đó, New Oriental đã cung cấp dịch vụ cho 2 triệu học sinh Trung Quốc mỗi năm và được quảng bá với những cơ hội vào đại học hàng đầu của Mỹ, dựa trên những quan hệ rất chặt chẽ và thân tình với những chuyên viên tuyển sinh của trường, thậm chí lại là những người gốc Trung Quốc. 

Họ dùng nhiều cách tiếp cận để lấy được sự tin tưởng của các chuyên viên tuyển sinh, và sau đó, việc gửi hồ sơ học sinh qua trường dễ dàng hơn nhiều.

Tư vấn du học lừa đảo – liệu Việt Nam có đang “học” Trung Quốc? ảnh 4

Hé lộ đường dây lừa đảo du học quốc tế từ một lá đơn tố cáo

Với mỗi học sinh, chi phí cho 1 hồ sơ sẽ khoảng từ 1.450 – 7.300 đô la Mỹ cho dịch vụ giới thiệu trường và chuẩn bị hồ sơ.  

Nhưng thực tế, theo điều tra tại Trung Quốc, các gia đình rất sẵn sàng chi đến 60.000 đô la Mỹ để “lo” cho con vào được trường “xịn” của Mỹ [2], trong đó bao gồm cả làm sao cho điểm SAT phải “đẹp” trong hồ sơ. 

Điều này có lẽ không lạ, khi những cảnh báo về tính minh bạch cho tổ chức thi SAT ở Trung Quốc, Hồng Kông và một số nước Châu Á luôn bị đặt dấu hỏi.  

Nhiều lần College Boards đã phải hủy việc tổ chức thi SAT ở Hồng Kông, Trung Quốc và Châu Á [3], nhưng thực ra, nếu đã là “gian dối có hệ thống” hoặc xuất phát từ chính ai đó trong ban tổ chức thi địa phương, thì hủy cũng giúp ích gì? 

Không chỉ dừng ở việc tổ chức tour cho chuyên gia tuyển sinh các trường sang Trung Quốc, các đại diện tuyển sinh đã mời học sinh và phụ huynh Trung Quốc sang tham gia chương trình mùa hè (Summer Camp) ở các đại học lớn.

Việc này nhằm làm tăng thêm thu nhập cho trường, đồng thời giúp cho trường có kế hoạch tuyển sinh phù hợp với từng loại đối tượng.

Một chiến lược kiếm tiền hoàn hảo được triển khai rộng khắp trên các tỉnh của Trung Quốc và dựa trên các công ty “không vì lợi nhuận” được dựng lên bởi các nhà tư vấn độc lập có tên tuổi của New York, Vermont, và sau này, cùng với danh sách ngày càng dài của các trường tham gia vào việc tuyển sinh học sinh Trung Quốc…. 

Dịch vụ tư vấn du học “lừa đảo” của các công ty Trung Quốc đã làm dấy lên quan ngại về sự trung thực, minh bạch, và công bằng khi xét hồ sơ vào đại học ở Mỹ.

Nó bao gồm cả những đại học có tên tuổi đến các đại học vùng, miền, cho những học sinh khác, trong đó có cả học sinh của Mỹ.

Có cơ sở để hiểu được, tại sao các nhà tuyển sinh đại học Mỹ lại có thể “mềm lòng” trước những “vi phạm về đạo đức trong xét tuyển” du học sinh nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc trong vòng 10 năm qua.  

Điều này phải quay về với thực tế rất phũ phàng là từ năm 2008, chính quyền bang đã cắt khá nhiều tiền trợ cấp cho đại học, bao gồm cả đại học nghiên cứu hay đại học dành cho những sinh viên thiểu số như Hispanic hay Latino (xin xem bảng cắt giảm ngân sách)

Ảnh chụp bảng cắt giảm ngân sách. (Ảnh: CBBP.org 2008-2016)
Ảnh chụp bảng cắt giảm ngân sách. (Ảnh: CBBP.org 2008-2016)

Theo đó, sinh viên nước ngoài, với việc chi trả tiền học thường là đắt gấp nhiều lần so với sinh viên Mỹ thực sự là nguồn “cân bằng” cho ngân sách các đại học Mỹ.  

Theo thống kê của IIE, Open Door, hiện có hơn 1 triệu sinh viên nước ngoài ở Mỹ.

Trong đó, riêng Trung Quốc đã chiếm hơn 35%, và nếu cộng với số của Ấn Độ thì đã lên đến hơn 60%, đóng góp khoảng 36 tỷ đô la Mỹ và 400.000 công việc cho người Mỹ.

Vụ việc này đã gây ra khủng hoảng “niềm tin” và buộc các đại học Mỹ phải xem xét lại chính sách sử dụng đại diện tuyển sinh ở nước ngoài có trả phí và những đòi hỏi về đạo đức với những chuyên gia tuyển sinh trong trường.

Đặc biệt là khi họ dùng những người gốc Trung Quốc để tuyển sinh cho thị trường Trung Quốc.  

Vấn đề được đánh giá nghiêm trọng hơn là việc sử dụng tư vấn mà họ đã chi trả phí đi lại hay các chi phí địa phương cho việc tổ chức gặp gỡ ở Trung Quốc, hay ở Mỹ với đại học Mỹ.

Tư vấn du học lừa đảo – liệu Việt Nam có đang “học” Trung Quốc? ảnh 6

Chương trình du học Nhật Bản năm 2017-2018 của Bộ Giáo dục

Nó đang “gióng” lên một hồi chuông báo động hệ thống giáo dục Mỹ rằng, “Liệu khi bị cắt giảm ngân sách, chúng ta còn giữ được đạo đức trong tuyển sinh được bao lâu?”.  

Nếu đạo đức trong tuyển sinh bị suy giảm, việc đại học Mỹ đi kêu gọi về “giáo dục toàn cầu” cho các nước khác có còn phù hợp hay đây là chính sách để “cân bằng ngân sách” cho giáo dục Mỹ đang bị cắt?

Vì lẽ này, khi nhìn lại thị trường tư vấn du học của Việt Nam và dự thảo Nghị định mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra gần đây, không khó để nhận ra những quy định nhằm làm cho các “cá mập” trong làng tư vấn du học.

Mà trong đó, kha khá đều là hoặc có quan hệ chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo (Cục Đào tạo với nước ngoài), hoặc là du học sinh từ nước ngoài về, được hưởng lợi rất nhiều và không hề chịu bất kỳ trách nhiệm gì. 

Khi du học sinh hoặc ở nước ngoài hoặc khi đã về Việt Nam, chuyển từ quan hệ học sinh sang quan hệ đối tác kinh doanh với trường mình học trước đây, mọi chuyện có vẻ không có vấn đề gì, cho đến khi những mâu thuẫn về lợi ích phát sinh do vị trí công việc đòi hỏi (có ai dám nói trung thực những điểm tệ về trường mà mình đang được nhận tiền tư vấn không?).

Và khi vì những khoản tiền tư vấn được hưởng từ trường mình giới thiệu chi trả, người ta sẵn sàng làm mọi cách biến học sinh Việt Nam thành “con mồi” để cùng “thịt”. 

Liệu có ai làm một khảo sát về việc có bao nhiêu du học sinh đi học ở nước ngoài đã phải chuyển trường sau 1 năm đầu sang học (tỷ lệ tiền hoa hồng thường được tính dựa trên tiền học đóng từng năm của học sinh), hoặc lang thang ất ơ đâu đó, không hề đi học, nhưng ở nhà, cha mẹ vẫn tự hào “cháu nó đi du học”?

Có bao nhiêu du học sinh Việt Nam bỏ học dở dang do sang học không phù hợp với tư vấn ban đầu, hay không đúng ngành, đúng năng lực? 

Hoặc sang học rồi dùng tiền mua kiến thức để tốt nghiệp? Liệu có ai đã điều tra xem, nghề thi hộ hay làm bài hộ đã trở thành việc kiếm cơm cho học sinh học giỏi nhưng nghèo ở nước ngoài hay chưa? 

Tư vấn du học lừa đảo – liệu Việt Nam có đang “học” Trung Quốc? ảnh 7

Hoa Kỳ là điểm đến du học được các bậc phụ huynh ưa thích nhất

Liệu có ai đã biết, đằng sau mỗi công ty tư vấn du học ở Việt Nam, là những ai? 

Họ làm gì để “chặt” được tiền tư vấn, thậm chí với những hứa hẹn về học bổng chính phủ mà có những yêu cầu “đặt cọc” lên tới 60.000 đô la Mỹ?

Liệu Việt Nam đang “học” Trung Quốc về những dịch vụ lừa đảo du học? Rất nhiều khả năng, khi nhìn kỹ lại thị trường.

Cũng xin nói rõ là tôi yêu nước Mỹ và tinh thần thượng tôn pháp luật của Mỹ, nên Reuters mới có thể công bố về những điều tra sai phạm như vậy lên mặt báo.  

Chúng ta không nên ngây thơ để tin là chỉ có nước Mỹ mới có tình trạng này. Nó đã có hệ thống “tư vấn” gian dối ở tất cả các nước mà có sinh viên nước ngoài đi học. Vấn đề là chỉ có ở Mỹ, mới có báo chí đi điều tra và đưa tin. 

Xin cảm ơn nước Mỹ và Reuters.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.reuters.com/investigates/special-report/college-charities/

[2] https://www.forbes.com/sites/zheyanni/2014/07/30/the-chinese-are-willing-to-pay-60000-for-a-college-application/#52e9c932319d

[3] https://www.theguardian.com/world/2016/nov/04/asia-pacific-students-have-test-results-cancelled-in-latest-cheating-episode; https://www.washingtonpost.com/news/answer-sheet/wp/2017/02/22/college-board-takes-robust-new-sat-security-steps-but-is-it-enough-to-stymie-cheating/?utm_term=.3a029cb23390

[4] http://www.cbpp.org/research/state-budget-and-tax/funding-down-tuition-up

Đất Việt