Gặp cô em gái hiện là giáo viên dạy Văn một trường trung học của thị xã. Chị em hàn huyên đủ chuyện nhưng chủ đề vẫn xoay quanh chuyện học sinh, chuyện trường lớp.
Cô em nói rằng: “Ước gì năm nay, em không phải đi chấm thi!”.
Lần lượt 3 đối tượng bị khởi tố (từ trái qua phải): Nguyễn Thị Thu Loan, Nguyễn Thị Hồng Chung, Bùi Thanh Trà. Ảnh: Bộ Công An. |
Nghe tôi nói: “Có tên danh sách đi chấm thi quốc gia (một kỳ thi quan trọng nhất) thường là giáo viên có chuyên môn tốt em ạ.
Đi chấm thi còn học hỏi được nhiều kinh nghiệm của đồng nghiệp. Khối thầy cô mơ ước mà không được, sao em lại ước mình không có tên? Phải tự hào đó chính là niềm vinh dự chứ?”.
Cô em giãy nảy: "Là chị không biết nên mới nói thế thôi. Áp lực vô cùng mà lại nguy hiểm nữa."
Nghe em nói nguy hiểm, tôi hỏi lại “Chỉ chấm thi thôi mà nguy hiểm hả trời? Có nói vống lên không ấy chứ?”
Rồi cô em kể:
"Giám khảo như tụi em chỉ là con tốt bị sai khiến, nghe lời chỉ đạo. Khổ nỗi chỉ là chỉ đạo miệng nên tội vạ gì mình chịu hết.
Mà không nghe chỉ đạo chắc chẳng có đất dung thân”.
Câu chuyện của người em đồng nghiệp đã vén lên tấm màn bí mật trong việc chấm thi ở địa phương.
Có lãnh đạo ngành thường nói một đằng, làm một nẻo
"Tôi cũng băn khoăn ai nhờ hay chạy chọt nâng điểm, xử lý họ thế nào?" |
Vào cuộc họp Hội đồng thi, lãnh đạo hội đồng luôn quán triệt giám khảo chấm thi phải khách quan, minh bạch, phải làm việc nghiêm túc, đúng quy định.
Họ nhấn mạnh, ai vi phạm sẽ bị kỉ luật thẳng tay.
Thế nhưng khi vào chấm, hết ông này, bà nọ truyền đạt lưu ý “con” của sếp A, đến “con” của sếp B…Người ta cho kí hiệu nhận biết “gà nhà”…
Thế là, chấm đến những bài ấy, thầy cô phải vận dụng triệt để những “thủ thuật” có thể để giúp bài làm ấy đạt điểm càng cao càng tốt.
Phần lớn khi nhận lệnh, chẳng giáo viên nào vui mừng. Tâm trạng thường thấy là khó chịu và mang đầy nỗi âu lo.
Thầy cô cũng sợ có chuyện gì sơ sẩy thì bản thân mình chịu vì chẳng thể chứng minh người nào chỉ đạo làm việc ấy.
Có giáo viên còn chia sẻ thẳng: “Thà mình được ăn uống gì trong đó, ngộ bị phát hiện cũng đáng. Nhưng khốn khổ nhất chỉ là kẻ đổ vỏ không công quả là đau xót lắm”.
Dù biết sai vẫn phải cắn răng làm. Có người sẽ nói sao thầy cô không phản ứng? Sao không biết chối từ? Thậm chí sao không mạnh dạn tố cáo?
Phản ứng và chối từ ư? Mình chỉ là giáo viên thường họ toàn là lãnh đạo ít nhất từ cấp phòng rồi cấp sở.
Chối từ chắc chắn sẽ nếm đủ mùi như chuyển trường xa nhà (vài ba chục cây số trở lên), hay làm khó trong công tác giảng dạy…
Tố cáo ư? Ai tin mình? Mà bằng chứng đâu để tố cáo? Họ ra ý chỉ bằng cách rỉ tai từng người làm sao có được bằng chứng?
Mà chuyện tố cáo xưa nay ai chẳng biết, có gửi đơn đi đâu cũng quay về nơi mình tố cáo để điều tra, xác minh.
Khởi tố thêm 3 đối tượng gian lận điểm thi tại Hòa Bình |
Mà người điều tra, xác minh lại chính là những người đã từng chỉ đạo miệng, không khéo người tố cáo lại trở thành kẻ vu khống cán bộ thì toi.
Nhẫn nhịn chấp hành
Bao điều bất lợi như thế nên suy ngẫm, tính trước tính sau chẳng giáo viên nào dám hé răng. Người nhẫn nhịn làm theo, người cẩn thận hơn làm dò chừng.
Cô em bảo, chấm thi xong đợi công bố kết quả một thời gian mới thấy nhẹ cả người.
Nói rồi, em kết luận: “Lơ ngơ mất cả sự nghiệp và đi tù như chơi. Thế không gọi là nguy hiểm thì gọi là gì hả chị?”
Chẳng riêng gì cô em sợ đi chấm thi mà khá nhiều thầy cô giáo hiện nay rất sợ điều đó.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Mai Văn Trinh thanh tra đột xuất điểm chấm thi tại kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình, ảnh minh họa: Báo Đại biểu Nhân dân. |
Họ sợ nhất là những chỉ đạo miệng chăm sóc “gà” của sếp gửi gắm.
Tình trạng này không hiếm ở địa phương. Bởi vậy, muốn có những kỳ thi trung thực, công bằng phải có những người lãnh đạo thật sự gương mẫu và nghiêm túc.
Nhưng nhìn vào những vị lãnh đạo ngành giáo dục ở các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình vừa qua thì buồn lắm thay.