Xin điểm, chạy điểm thói quen từ dưới

23/04/2019 06:22
Đỗ Quyên
(GDVN) - Hy vọng lần này, tiêu cực sẽ bị giải quyết triệt để như lời Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: “Đưa ra khỏi ngành cán bộ, giáo viên liên quan đến gian lận thi cử”.

Có một thời khi kiểm tra bài cũ, hay khi làm bài tập, bài thi người ta không cho giáo viên nói “Cô (thầy) cho em 9 điểm…” mà phải nói là “Em đạt được điểm 9”.

Ngành Giáo dục quyết tâm xử lý sai phạm để tránh lặp lại (Ảnh: Vietnamnet)
Ngành Giáo dục quyết tâm xử lý sai phạm để tránh lặp lại  (Ảnh: Vietnamnet)

Chẳng phải là không có nguyên nhân, điều quan trọng chỉ muốn cho giáo viên xác định “điểm” chính là thành quả của sự nỗ lực, sự phấn đấu của học trò xứng đáng đạt được.

Điểm cao hay thấp tùy vào sự nỗ lực, cố gắng của các em, chứ hoàn toàn điểm không phải “tài sản” riêng của thầy, cô mà có thể tùy tiện dùng chữ “cho” theo kiểu ban phát.

Quả thật, nhiều giáo viên vẫn nhập nhằng xem như “điểm” là của mình nên thích cho học sinh nào bao nhiêu điểm cũng được.

Thầy cô đó "vui" thì có thể sửa điểm thấp thành điểm cao, thầy cô đó "không vui" là có thể tìm cách biến điểm cao của học trò thành điểm thấp.

Không ít có phụ huynh vì muốn cải thiện điểm cho con (không phải lưu ban, không phải thi lại hay để đạt một danh hiệu gì đó làm đẹp cho học bạ) đã tìm mọi cách tiếp cận thầy cô để xin điểm.

Có giáo viên vô cùng nghiêm khắc, một phẩy cũng không cho phép mình đồng ý vì những thầy cô giáo này luôn đề cao sự công bằng.

Tiêu cực kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 là vết nhơ đến muôn đời

Ngược lại, cũng có thầy cô cho điểm theo kiểu “có đi, có lại”.

Con điểm được tung hô trên bàn nhậu, trong các cuộc vui với những lời hứa hẹn kiểu:

“Anh (chị) cứ yên tâm mọi chuyện sẽ đâu vào đấy”…và “đâu vào đấy” chính là biến điểm xấu thành điểm đẹp, điểm thấp thành điểm cao.

Đã từng có những vụ sửa điểm trên bài kiểm tra, hay cho khống điểm miệng, cho làm lại bài 15 phút, 1 tiết để hợp thức hóa việc nâng điểm cho một học sinh nào đó…

Điểm đã trở thành “tài sản” riêng mà một số thầy cô thực dụng muốn dựa vào đó để tư lợi riêng cho bản thân mình.

Có thầy cô đã dùng con điểm để “khống chế”, để dẫn dụ học sinh tới lớp học thêm của mình.

Ai có thể lên tiếng trong suốt quãng đời đi dạy chưa khi nào nhận được lời đề nghị nâng điểm cho học sinh?

Là phụ huynh đặt vấn đề còn có thể chối từ nhưng chính đồng nghiệp nhất là người đó lại chính cấp trên, là Ban Giám hiệu giáo viên nào nỡ hoặc dám chối từ không cho?

Bố mẹ có con gian lận điểm thi không xứng đáng làm cán bộ

Chuyện nâng điểm cho học sinh vì thế cũng trở thành chuyện bình thường ở nhiều trường học nhất là vào thời kỳ cuối năm như hiện nay.

Nếu gặp thầy cô cứng rắn không nâng điểm, sẽ có tiếng bấc tiếng chì “vài con điểm gì mà ki bo thế?”

Nhiều người mặc nhiên chuyện nâng điểm cho học sinh là chuyện bình thường.

Cha ông ta từng nói “cái sảy nảy cái ung” quả chẳng sai bao giờ.

Cái nhỏ lúc mới nảy sinh không bị lên án, không chấn chỉnh kịp thời ắt sẽ phát triển thành cái lớn và phức tạp hơn.

Điển hình như việc mua bán điểm trong kỳ thi tốt nghiệp quốc gia vừa qua.

Đáng buồn và xấu hổ thay, người vi phạm trong việc mua bán điểm chủ yếu là các quan chức giáo dục của địa phương, nhỏ nhất là cấp trường và lớn nhất là cấp sở.

Một số người tham gia trực tiếp việc nâng, sửa điểm đang ngồi bóc lịch.

Dư luận đang rất quan tâm đến những cán bộ bỏ tiền mua điểm. Nhiều người đang trông chờ vào cách giải quyết hậu quả của ngành giáo dục tới đây.

Nếu những quan chức này vẫn còn tồn tại trong ngành thì sẽ lãnh đạo ai? Sẽ chỉ đạo thế nào với những quy định của ngành?

Hy vọng lần này tiêu cực sẽ bị giải quyết triệt để như lời Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: “Đưa ra khỏi ngành cán bộ, giáo viên liên quan đến gian lận thi cử”.

Nếu được thế, ngành giáo dục sẽ tránh được tình trạng lập lại “cái sảy nảy cái ung” như trước đây.

Đỗ Quyên