Tại Hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 8/5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã thông tin về một số vấn đề trong lĩnh vực giáo dục đang được dư luận quan tâm.
Trong đó, ông cho biết hiện có 51 thí sinh (12 thí sinh của Hòa Bình, Sơn La và 39 thí sinh Hà Giang) được nâng điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 vẫn đang học tại các trường đại học, cao đẳng khiến cho nhiều người bất ngờ.
Có lẽ, việc xử lý 39 thí sinh ở Hà Giang bây giờ không hề dễ dàng chút nào bởi sau khi bị phát hiện, Bộ đã tổ chức chấm thẩm định thì những thí sinh đủ điểm chuẩn vẫn được nộp hồ sơ để xét tuyển đại học.
Ảnh minh họa: Xuân Trung / GDVN. |
Gần một năm học trôi qua, bây giờ dù cơ quan điều tra đang làm rõ có hay không việc “đưa và nhận hối lộ” thì xử lý những thí sinh này vẫn khó hơn rất nhiều so với 12 thí sinh còn lại ở Hòa Bình và Sơn La.
Xét về cả lý và tình thì 39 thí sinh ở Hà Giang khác hơn rất nhiều 12 thí sinh của Hòa Bình và Sơn La đang theo học ở các trường đại học và cao đẳng trong cả nước.
Bởi 12 thí sinh ở Hòa Bình, Sơn La là mới phát hiện ra và được công bố vào tháng 3 năm 2019 vừa qua. Vì thế, trước mắt thì các em đủ điểm chuẩn nên đang được "tạm thời" tiếp tục học tại các trường.
Việc xử lý các em này đơn giản hơn nhiều so với các em ở Hà Giang bởi sự việc đang trong giai đoạn điều tra. Và, khi kết thúc vào ngày 25/5 tới đây thì việc "giữ" hay "đuổi học" 12 thí sinh này sẽ dễ như trở bàn tay.
Các thí sinh và phụ huynh ở Sơn La và Hòa Bình cũng chỉ biết chấp hành mệnh lệnh chứ không thể làm được điều gì trong quyết định cuối cùng từ Bộ và các trường đại học.
39 thí sinh ở Hà Giang đang học đại học, cao đẳng là không sai.
Ở chiều ngược lại, xử lý 39 thí sinh ở Hà Giang bây giờ phức tạp hơn rất nhiều. Nếu làm không khéo, các em có thể oán trách lãnh đạo Bộ Giáo dục trong quá trình xử lý sự việc.
Theo chúng tôi đây là vấn đề không đơn gian chút nào bởi những cái sai của thí sinh, phụ huynh đã "vô tình" được Bộ Giáo dục và các trường đại học công nhận khi cho các em được tốt nghiệp Trung học phổ thông và được xét tuyển vào các trường đại học.
Nếu cứ chần chừ, thỏa hiệp thì Bộ Giáo dục rất dễ mất uy tín |
Xét về nguồn gốc sâu xa của sự việc thì 39 thí sinh này sai bởi điểm số của các em đã được can thiệp, sửa chữa trong các bài thi của mình.
Nhưng xét ở thời điểm hiện tại thì các thí sinh này đúng bởi điểm bài thi của các em đã được chấm thẩm định để trả về điểm thật.
Các em xét tuyển đại học bằng điểm thật của mình và lúc đó không hề có sự ngăn cản, hay một lệnh cấm nào được phát ra từ lãnh đạo của Bộ, Sở Giáo dục, các trường đại học và các cơ quan chức năng.
Điều này cũng đồng nghĩa là sự việc nộp hồ sơ xét tuyển và nhập học vào các trường đại học của 39 thí sinh này hoàn toàn hợp lệ, được công nhận và được cho phép từ những người có trách nhiệm.
Bộ Giáo dục đã không quyết liệt từ đầu
Nếu như, lúc phát hiện ra 114 thí sinh ở Hà Giang có dấu hiệu sửa và nâng điểm sau khi đã được chấm thẩm định thì Bộ có động thái dứt khoát.
Đặc biệt, khi cơ quan điều tra vào cuộc để khởi tố, bắt giam một số cán bộ ngành giáo dục ở Hà Giang thì Bộ Giáo dục nên tạm thời chưa công nhận tốt nghiệp cho các thí sinh này.
Hoặc, ít nhất là không cho phép các thí sinh đã được xác định là gian lận điểm thi lấy kết quả kỳ thi năm 2018 để xét tuyển vào các trường đại học. Cho dù là thí sinh “né” bằng việc xét tuyển khối thi khác.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục đã im lặng và đồng tình để các thí sinh này xét tuyển vào đại học bình thường như những thí sinh không vi phạm!
Vì thế, nếu bây giờ mà 39 thí sinh ở Hà Giang bị đuổi học, lỗi không thuộc về 39 thí sinh này mà lỗi là do…Bộ Giáo dục đã không cương quyết ngay từ đầu.
Giá như lúc đó, Bộ không cho phép các thí sinh gian lận điểm ở Hà Giang nộp hồ sơ xét tuyển đại học thì 39 chỉ tiêu này sẽ được trao cơ hội cho 39 thí sinh "thi thật" bằng sức lực của mình.
Tiêu cực kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 là vết nhơ đến muôn đời |
Đuổi học bây giờ, các trường đại học mất sinh viên, tốn tiền đào tạo suốt một năm qua và các thí sinh này cũng đã mất kinh phí học tập.
Vì thế, chắc chắn nếu bị đuổi học thì 39 thí sinh này cũng…không phục cách giải quyết của Bộ.
Việc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ sáng 8/5 là: “Tới đây những trường hợp như phụ huynh, học sinh và những người liên quan đến vi phạm thi cử thì tội danh đến đâu xử lý nghiêm đến đấy. Phải làm nghiêm túc”.
Nhưng, giá như Bộ trưởng truyền một thông điệp xử lý “nghiêm túc” ngay từ đầu thì hậu quả sẽ không rắc rối như bây giờ. Làm sao 39 thí sinh ở Hà Giang có được cơ hội ngồi trên giảng đường đại học?
Bây giờ, đuổi số thí sinh này lãnh đạo Bộ có thấy... “băn khoăn”?
Bộ trưởng Nhạ còn chia sẻ thêm: “Đối với những người làm trong ngành ngành giáo dục nếu có liên quan đến vi phạm thì phải xử lý nghiêm để làm gương.
Khi cơ quan an ninh điều tra có kết luận thì căn cứ vào đó sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, trước hết phải đưa ra khỏi ngành”.
Thế nhưng, trường hợp ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La đang là minh chứng rõ nhất.
Dù cho ông Yến được xác định là đã “gửi gắm” 13 thí sinh để nâng điểm, ông cũng là người đã đem tài liệu của kỳ thi đi tiêu hủy mà sau khi bị khởi tố vẫn đang làm việc ở Sở một cách bình thường thì dư luận còn đặt nhiều dấu hỏi về việc “xử lý nghiêm để làm gương”!.
Tại sao lại không "tạm đình chỉ" công tác ngay với những người như ông Yến?
Bài học rút ra cho ngành giáo dục rất nhiều sau sự việc tiêu cực của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018.
Hy vọng, đây sẽ là bài học đắt giá giúp cho Bộ xử lý sự việc nhanh chóng hơn, triệt để hơn những trường hợp tương tự sau này nhằm tránh những cái sai này chồng lấn cái sai khác.
Tài liệu tham khảo:
https://www.tienphong.vn/giao-duc/51-thi-sinh-duoc-nang-diem-van-dang-hoc-tai-cac-truong-dhcd-1412561.tpo