Nếu cứ chần chừ, thỏa hiệp thì Bộ Giáo dục rất dễ mất uy tín

04/04/2019 06:19
THANH AN
(GDVN) - Niềm tin của mọi người dành cho giáo dục đang là một dấu hỏi lớn mà chỉ có lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có đủ khả năng để trả lời!

Những sự việc có liên quan đến ngành giáo dục xảy ra trong thời gian gần đây thì có rất nhiều.

Nhưng, có lẽ chuyện chần chừ trong việc công bố danh sách thí sinh tiêu cực trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và thỏa hiệp để Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tăng giá sách giáo khoa trong năm học tới đang khiến dư luận nghi ngại.

Bởi, đây là những sự việc có ảnh hưởng đến nhiều người trong xã hội nên việc xử ký không khéo thì dễ khiến cho Bộ Giáo dục mất uy tín trước công chúng và tạo một tiền lệ xấu về sau.

Một số cán bộ ngành giáo dục đã bị bắt, bị truy tố vì tham gia sửa điểm cho thí sinh trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (Ảnh: Báo Lao động)

Một số cán bộ ngành giáo dục đã bị bắt, bị truy tố vì tham gia sửa điểm cho thí sinh trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (Ảnh: Báo Lao động)

Bộ đang chần chừ…?

Việc cơ quan điều tra đã tìm ra những thí sinh tiêu cực của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 ở Hòa Bình và Sơn La rõ mười mươi rồi.

Điều mà dư luận trông chờ là Bộ sẽ kết hợp với các địa phương để xảy ra tiêu cực công bố những danh sách công khai những thí sinh này nhưng có lẽ việc công bố sẽ không xảy ra.

Lãnh đạo của ngành giáo dục Hòa Bình và Sơn La thì giữ quan điểm sẽ không công bố vì sợ các thí sinh này còn trẻ, các em sẽ bị “tổn thương” vì họ cho rằng sự việc này là cha mẹ các em làm. Các thí sinh này không biết việc làm của cha mẹ mình.

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục lại đẩy việc công bố danh sách thí sinh tiêu cực sang cho…cơ quan điều tra.

Nếu như... ngành giáo dục công bố các thí sinh vướng vào vụ việc tiêu cực chạy điểm là dẫn đến tình trạng “cháy nhà ra mặt chuột” của nhiều phụ huynh.

Tất nhiên, phụ huynh có đủ khả năng để chạy điểm cho con phải là người có địa vị ở địa phương.

Con nông dân, con những người lao động phổ thông không đủ tiền để chạy, mà có đủ tiền cũng không biết chạy ai, chạy bằng cách nào bởi việc chạy ở kỳ thi này không giản đơn như chạy trường, chạy lớp hay chạy việc.

Ngành giáo dục không công bố danh sách cũng đồng nghĩa là che giấu cái sai, cái xấu và tự lấy đá ghè chân mình.

Khi tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia có phó Chủ tịch tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, có các lãnh đạo ngành giáo dục giám sát, có thanh tra của Bộ, của Sở túc trực, có công an bảo vệ vòng trong, vòng ngoài mà còn xảy ra tiêu cực.

Sơn La cập nhật 44 thí sinh được nâng điểm, nhưng quyết giấu danh tính

Bây giờ, cơ quan công an điều tra xong, đưa danh sách cho lãnh đạo Sở Giáo dục âm thầm xử lý xử sự việc.

Sau đó, Sở báo cáo cho Bộ thì e rằng dù có nghĩ tích cực đến bao nhiêu thì dư luận cũng không đủ niềm tin là sự việc sẽ được xử lý khách quan.

Đã có rất nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm của ngành giáo dục về cách xử lý vụ việc này, trong đó có cả đại biểu Quốc hội, những chuyên gia giáo dục và hàng trăm “tiếng lòng” của phụ huynh, dư luận cả nước.

Nhưng, trước cách giải quyết của ngành giáo dục cho thấy đây vẫn là hình thức bao che, và ngụy biện cho những cái sai, cái xấu.

Chỉ cần một sự việc giáo viên vi phạm đạo đức là hàng loạt lãnh đạo của ngành giáo dục lên tiếng đuổi việc giáo viên để “làm gương” cho ngành.

Vậy mà, sự việc tiêu cực gây chấn động dư luận cả nước trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 lại đang được bảo vệ?

Nhân văn, nhân đạo gì ở đây khi mà các thí sinh đã 18-19 tuổi rồi, khi mà tiêu cực diễn ra trên một diện rộng với nhiều thành phần tham gia vào đường dây này?

Và, thỏa hiệp…

Tối ngày 29/3/2019, thông tin của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chính thức phát ra thông điệp tăng giá sách giáo khoa phổ thông từ năm học 2019-2020.

Có điều, ngày 6/3/2019, Bộ cũng đã thông tin đến báo chí là yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chưa được tăng giá sách giáo khoa trong năm học 2019-2020.

Nhà xuất bản Giáo dục đã công bố những gì sau khi tăng giá sách giáo khoa?

Vì thế, dư luận rất mong chờ là Bộ có một lời giải thích cho sự việc này nhưng đến nay vẫn chưa thấy.

Phải chăng, đây là sự bất lực hay thỏa hiệp của Bộ Giáo dục?

Bởi, chúng ta đều hiểu rằng Bộ đang quản lý Nhà xuất bản Giáo dục nhưng Nhà xuất bản chủ động in giá mới, xuất bản sách xong rồi…mới báo cáo Bộ.

Bộ luống cuống, bị động nhưng đã “tuýt còi” và yêu cầu Nhà xuất bản không được tăng giá sách. Thế rồi, sách vẫn tăng bình thường như dự kiến của nhà xuất bản.

Điều tréo ngoe là sau cuộc họp ngày 6/3, Bộ Giáo dục- Đào tạo đã gửi công văn hỏa tốc tới Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam yêu cầu tạm thời chưa tăng giá bán sách giáo khoa trong năm học 2019-2020. 

Chính vì thế, nếu Bộ Giáo dục – Đào tạo cứ chần chừ, thỏa hiệp như thế này, chúng tôi cho rằng không chỉ 2 sự việc này mà sau này sẽ tạo nên một tiền lệ xấu cực kỳ nguy hiểm.

Uy tín, tiếng nói của Bộ đối với các cơ quan cấp dưới sẽ bị giảm, bị xem thường. Điều đáng sợ nhất là những tiêu cực sẽ tiếp tục xảy ra.

Lúc đó, Bộ Giáo dục sẽ giải quyết như thế nào khi đã có tiền lệ như bây giờ?

Niềm tin của mọi người dành cho giáo dục đang là một dấu hỏi lớn mà chỉ có lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có đủ khả năng để trả lời!

THANH AN