Giáo dục - “bú tí” mãi bao giờ mới lớn?

01/12/2017 06:16
Xuân Dương
(GDVN) - Vậy điều này có mâu thuẫn gì với chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến tới miễn học phí cả cấp trung học cơ sở?

Trong bài “Bộ Giáo dục muốn tăng lương nhà giáo thì phải làm được những việc dưới đây” [1] người viết nêu ý tưởng về xã hội hóa giáo dục qua một ví dụ cụ thể là xóa bỏ các Trung tâm giáo dục thường xuyên tại hơn 700 quận huyện cả nước.

Bên cạnh ý kiến ủng hộ, một số bạn bè tâm huyết gửi thư nói thẳng: “Ông nêu ý tưởng ấy là dồn gánh nặng lên vai người dân bởi học sinh ngoài công lập phải đóng học phí rất cao”.

Xin được thông qua bài viết này để trả lời câu hỏi, có thật xã hội hóa giáo dục là dồn gánh nặng lên vai người dân?

Mong muốn của người viết không chỉ là với cấp trung học phổ thông mà tất cả các cấp, từ mầm non đến đại học.

Vậy điều này có mâu thuẫn gì với chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến tới miễn học phí cả cấp trung học cơ sở?

Nhận xét sau đây có thể chỉ là suy nghĩ cá nhân nhưng xuất phát từ kinh nghiệm suốt chặng đường hơn 40 năm đi dạy:

Hình như lãnh đạo ngành Giáo dục qua các thời kỳ đều chưa thoát khỏi tư tưởng bao cấp, nói đến giáo dục là nói đến ngân sách.

Không ít người cho rằng giáo dục không thể phát triển nếu không được “chu cấp” đầy đủ”?

Có thật xã hội hóa giáo dục là dồn gánh nặng lên vai người dân? Ảnh minh họa: VTV.vn
Có thật xã hội hóa giáo dục là dồn gánh nặng lên vai người dân? Ảnh minh họa: VTV.vn

Khoản 1 Điều 105 Luật Giáo dục hiện hành quy định:

Học phí, lệ phí tuyển sinh là khoản tiền của gia đình người học hoặc người học phải nộp để góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục.

Học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí.

Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác”.

Thực tế hiện nay, đối với học sinh tiểu học công lập, cứ đầu năm học là đầy rẫy các khoản thu dưới chiêu bài tự nguyện mà cha mẹ học sinh buộc phải chấp nhận, có nơi số tiền phải nộp lên đến cả chục triệu đồng.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2016-2017:

Các trường khai giảng vào ngày 5/9/2016. Kết thúc học kỳ II (hoàn thành kế hoạch giảng dạy và học tập) trước ngày 25/5/2017. Kết thúc năm học trước ngày 31/5/2017”.

Như vậy một năm học diễn ra trong gần 9 tháng, với số tiền phải nộp mà báo chí đề cập, chia bình quân mỗi tháng phụ huynh phải “tự nguyện” đóng góp trên dưới một triệu đồng.

Giáo dục - “bú tí” mãi bao giờ mới lớn? ảnh 2Bộ Giáo dục muốn tăng lương nhà giáo thì phải làm được những việc dưới đây

Số tiền này không khác mấy so với học phí phải đóng cho trường ngoài công lập.

Rõ ràng là nếu cho con em học trường tư thục hoặc dân lập, các khoản đóng góp không chênh lệch nhiều so với công lập trong khi phụ huynh có toàn quyền chọn trường cho con em mà không phải “chạy” vì trái tuyến;

Họ có quyền đề nghị thay giáo viên nếu chất lượng giảng dạy không đảm bảo và quan trọng là không phải “tự nguyện” đóng góp nếu thấy bất hợp lý mà không sợ con em bị “ảnh hưởng”.

Xu hướng của cư dân tại các thành phố, thị xã, thị trấn là chọn trường chất lượng cao cho con em chứ không phải là trường học phí thấp.

Trong hoàn cảnh ngân sách còn hạn hẹp, việc xã hội hóa ngay từ cấp tiểu học tại các địa bàn nói trên sẽ tạo điều kiện tập trung đầu tư cho vùng sâu, vùng xa và nâng cao thu nhập cho nhà giáo.

Đối với các Trung tâm giáo dục thường xuyên, việc duy trì các trung tâm này tạo nên nhiều hệ lụy cả về chất lượng đào tạo lẫn ngân sách nhà nước:

Báo Nld.com.vn viết: “Kinh phí xây mới cho một trung tâm là 10,8 tỉ đồng. Riêng Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Nhà Bè được duyệt 16 tỉ đồng để xây một trung tâm đa chức năng gồm dạy bổ túc văn hóa, hướng nghiệp nghề, dạy ngoại ngữ - tin học”. [2]

Giả thiết tất cả hơn 700 đơn vị hành chính cấp huyện đều có Trung tâm giáo dục thường xuyên và giả thiết mức đầu tư cho mỗi trung tâm là 10 tỷ đồng thì nguồn vốn ngân sách phải đầu tư không dưới 7.000 tỷ đồng.

Mỗi Trung tâm giáo dục thường xuyên đều có Giám đốc, Phó Giám đốc, kế toán, văn thư, giáo viên và giả thiết mỗi trung tâm bình quân có 10 biên chế thì số viên chức, công chức tại đây sẽ vào khoảng 7.000 người.

Vậy sẽ mất bao nhiêu tiền trả lương cho đội ngũ này?

Cứ cho lương bình quân là 5 triệu đồng một người một tháng thì ít nhất mỗi năm ngân sách phải bỏ ra hơn 400 tỷ đồng để trả lương.

Giáo dục - “bú tí” mãi bao giờ mới lớn? ảnh 35 vấn đề và kiến nghị liên quan đến ngành Giáo dục

Trong khi phải đầu tư một nguồn kinh phí rất lớn như vậy thì chất lượng đào tạo tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên ra sao?

Báo Nhandan.com.vn viết: "không ít học sinh hệ giáo dục thường xuyên cho rằng, để vượt qua được kỳ thi “hai trong một” này là điều không dễ dàng vì lượng kiến thức của các em quá “mỏng” trong khi đó lại thi chung đề với học sinh trung học phổ thông…

Khác học sinh trung học phổ thông, phần lớn học sinh hệ giáo dục thường xuyên vừa đi học, vừa đi làm”. [3]

“Lượng kiến thức của các em quá “mỏng” là lỗi chủ yếu của người học hay cũng còn do chất lượng giảng dạy?

Mặt khác, vì “phần lớn học sinh hệ giáo dục thường xuyên vừa đi học, vừa đi làm” nên nhà nước có nhất thiết phải “ôm” hệ đào tạo này?

Sự tồn tại của các trung tâm giáo dục thường xuyên tạo nên bất bình đẳng xã hội.

Bởi học sinh các trung tâm này thi tốt nghiệp ít môn hơn so với các trường công lập và ngoài công lập song vẫn nhận được bằng tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển hoặc thi đại học, cao đẳng.

Nhìn nhận trên mọi phương diện, bán đấu giá các Trung tâm giáo dục thường xuyên là điều không nên bàn cãi.

Nếu chấp nhận phương án bán các Trung tâm giáo dục thường xuyên cho tư nhân, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có kế hoạch chuyển đổi các trung tâm này thành trường trước khi mời thầu.

Mặt khác cần có chế tài để giải quyết việc làm cho nhân sự tại các trung tâm, tránh việc mua trường rồi biến thành cơ sở kinh doanh các lĩnh vực khác bởi không ít trung tâm tại thành phố lớn có vị trí đắc địa.

Với chủ trương tiến tới bãi bỏ học phí cấp trung học cơ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét phương hướng quản trị nhà nước với khối trung học phổ thông, cao đẳng và đại học.

Giáo dục - “bú tí” mãi bao giờ mới lớn? ảnh 4Những mánh khóe né tinh giản biên chế trong ngành giáo dục

Nên chăng tập trung nhân tài vật lực vào mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, từng bước thực hiện xã hội hóa các bậc học còn lại.

Một báo cáo cho thấy: “Chính phủ Hàn Quốc chi khoảng 4% GDP cho giáo dục, nếu tính cả phần đóng góp của người dân thì tổng chi cho giáo dục của Hàn Quốc khoảng trên 10% GDP” [4]

Tỷ lệ này của Việt Nam là khoảng 20% nhưng chất lượng giáo dục, đào tạo khó có thể nói là tương đương Hàn Quốc.

Nếu cứ đầu tư dàn trải như hiện nay, nếu cứ bám lấy “bầu sữa ngân sách” thì giáo dục Việt Nam mãi mãi vẫn là đứa trẻ cần “bú tí”.

Thời phong kiến, hầu như không có hệ thống giáo dục công lập, chính quyền chỉ tập trung tổ chức các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình để chọn nhân tài, việc học và dạy do dân tự tổ chức.

Tư tưởng ỷ lại vào “quốc sách hàng đầu” đã khiến không ít người chịu trách nhiệm lãnh đạo ngành Giáo dục đánh mất sự sáng tạo, công việc chiếm nhiều thời gian là ngồi phòng lạnh để cho ra các “văn bản trên trời”.

Khá hơn một chút là “ban hành thử” để nghe ngóng phản ứng của dư luận sau đó đúc kết lại thành văn bản chính thức.

Xin dẫn chứng về chủ trương sửa Luật Giáo dục để tăng lương nhà giáo, đến năm 2017 này Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đề xuất xếp lương nhà giáo cao nhất khối hành chính sự nghiệp.

Sau bao nhiêu năm chịu cảnh “chuột chạy cùng sào”, sau bao nhiêu bài báo nói đến sự bất cập, Bộ mới “nhận thấy”, mới “tự đề xuất” cái việc mà ai cũng biết từ vài chục năm trước.

Đề xuất tăng lương nhà giáo nhưng Bộ lại không nghĩ đến chuyện ngân sách lấy đâu ra tiền?

Từ xưa đến nay, đã có vị tư lệnh ngành nào hứa trước Quốc hội khi nhậm chức rằng sẽ phấn đấu giảm tỷ lệ ngân sách chi cho giáo dục xuống còn 15%?

Đã có vị nào dám hứa trong nhiệm kỳ của mình sẽ hoàn thành việc tổ chức lại mạng lưới giáo dục đại học theo hướng giao quyền tự chủ và xã hội hóa triệt để?

Hình như những người được giao trọng trách lãnh đạo ngành Giáo dục (không riêng tại Bộ Giáo dục và Đào tạo) đều có “niềm tin mãnh liệt” rằng Giáo dục phải nhận được 20% ngân sách;

Và giờ đây, qua đề xuất mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo có lẽ sẽ phải là hơn 20%.

Thế thì chẳng lẽ việc san sẻ gánh nặng ngân sách không phải trách nhiệm của ngành Giáo dục?

Báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trang 9 có nêu:

Rà soát, sắp xếp lại các trường tiểu học, trung học cơ sở có quy mô nhỏ theo hướng sáp nhập, thành lập trường liên cấp, liên xã phù hợp với tình hình thực tế và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục”.

Số lượng trường năm học 2016-2017 so với năm học 2015-2016 (nguồn Vụ Kế hoạch - Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Số lượng trường năm học 2016-2017 so với năm học 2015-2016 (nguồn Vụ Kế hoạch - Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Người viết cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa mạnh dạn bởi đề xuất chỉ mới dừng ở các trường “quy mô nhỏ”.

Khi Bộ đã đề xuất cấp trung học cơ sở cũng được miễn giảm học phí như cấp tiểu học thì có nghĩa là hai cấp này sẽ bị chi phối bởi cùng một chế tài, một chính sách và do đó việc sáp nhập là hợp lý.

Tại một huyện ngoại thành Hà Nội, có xã có hai trường tiểu học và trung học cơ sở cách nhau chỉ một hàng rào.

Ba trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông một xã khác cũng cùng nằm trên một mảnh đất quay lưng vào nhau.

Giáo dục - “bú tí” mãi bao giờ mới lớn? ảnh 6Giáo dục và quy luật … "Tít mù”

Ghép hai cụm này lại thành trường liên cấp sẽ giảm bớt được 3 ban giám hiệu và lực lượng phục vụ.

Vấn đề là vì sao chưa ai, cơ quan nào dám quyết?

Nếu kiên quyết sáp nhập 15.032 trường tiểu học với 10.155 trường trung học cơ sở thì ít nhất cũng sẽ giảm được khoảng trên 10 nghìn ban giám hiệu, nghĩa là khoảng vài chục nghìn biên chế quản lý và phục vụ.

Thông tin (chưa được kiểm chứng) cho biết, tính đến ngày 18/8/2017, Việt Nam có 11.164 đơn vị hành chính cấp xã, (bao gồm 1.587 phường, 589 thị trấn và 9038 xã). [5]

Nếu mỗi đơn vị hành chính cấp xã thành lập một trường liên cấp thì số lượng trường sẽ là 11.164, con số này gần khớp với việc ghép hai cấp học như đã nêu trên.

Tính chính xác thì số trường giảm bớt là 15.032 + 10.155 - 11.164 = 14.023.

Nếu mỗi trường chỉ có 01 hiệu trưởng, 01 hiệu phó, 01 kế toán và 01 văn thư thì số biên chế dôi dư sẽ là 56.092 người.

Bạn đọc có thể dễ dàng tính mỗi năm ngân sách sẽ dôi ra bao nhiêu nghìn tỷ đồng?

Với các địa bàn bị chia cắt như miền núi, vùng sông nước thì nên duy trì các điểm trường (tiểu học) hợp lý để trẻ em bớt phải đi xa, nhưng mỗi xã dứt khoát chỉ nên có một trường liên cấp.

Cũng nên biết số cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ hiện nay (theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Cục Nhà giáo) là 426.318 người, số giáo viên là 1.246.188 người, bình quân cứ 2.9 nhà giáo có một người quản lý và phục vụ.

Đây là tỷ lệ hiếm thấy trên thế giới.

Nếu giảm được 30% những người không làm được việc mà con “tham nhũng vặt” - như ý kiến một vị lãnh đạo -  Giáo dục sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tỷ đồng?

Ở các bậc học cao hơn, người viết cho rằng Nhà nước chỉ cần tập trung đầu tư cho khoảng hơn một chục đại học gồm hai Đại học Quốc gia, ba Đại học Bách Khoa, ba Đại học Y, chừng 3-5 Đại học Sư phạm, hai Đại học Nông nghiệp.

Các cơ sở này đảm nhận vai trò trung tâm nghiên cứu, đào tạo, các trường còn lại để cho các tập đoàn kinh tế hoặc tư nhân quản lý, điều hành và đương nhiên không sử dụng ngân sách nhà nước.

Hy vọng nếu thực hiện những kiến nghị đã nêu, ngành Giáo dục sẽ có một nguồn kinh phí đủ để nâng lương cho nhà giáo mà không cần xin tăng từ ngân sách, thậm chí còn dôi dư để đầu tư cho cơ sở vật chất, cải thiện tình trạng trường tạm, lớp tạm như hiện nay tại một số địa phương

Cũng cần nói thêm, nâng lương phải đi kèm nâng cao chất lượng dạy học của nhà giáo, sự minh bạch về tuyển dụng, luân chuyển và tài chính,… điều này xin được đề cập trong các bài viết khác.

Tài liệu tham khảo

[1]http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Bo-Giao-duc-muon-tang-luong-nha-giao-thi-phai-lam-duoc-nhung-viec-duoi-day-post181691.gd

[2]http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/giao-duc-thuong-xuyen-chat-luong-di-ve-dau-49309.htm

[3]http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/dien-dan/item/26480002-hoc-sinh-he-giao-duc-thuong-xuyen-lo-truot-tot-nghiep-thpt.html

[4]http://lib.hcmup.edu.vn:8080/eFileMgr/Baibaokhoahoc/trongnuoc/mlfolder.2017-08-09.4004318886/mlfolder.2017-08-09.4200250053/htu.2017-08-09.5293040811

[5]https://vi.wikipedia.org/wiki/X%C3%A3_(Vi%E1%BB%87t_Nam)

Xuân Dương