Đi về nơi mắt bão

16/02/2018 07:31
LÊ NHƯ TIẾN
(GDVN) - "Suốt đêm cho đến sáng, tôi như người họa sỹ đam mê phác họa chân dung vị Thủ tướng theo cảm nhận riêng của mình".

LTS: Trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân Mậu Tuất 2018, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết "Đi về nơi mắt bão" của ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Bài viết chia sẻ những cảm xúc cá nhân của ông đối với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về nỗ lực của người đứng đầu Chính phủ trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo, phát triển.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Tôi với anh Nguyễn Xuân Phúc có duyên với nhau, nên gặp nhau từ rất sớm, cách đây gần 30 năm. Hồi đó anh còn công tác ở tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tôi công tác tại Vụ Tổng hợp - Văn phòng Quốc hội.

Trong chuyến tháp tùng Chủ tịch Quốc hội đi thăm và làm việc tại Quảng Nam - Đà Nẵng, tôi và anh Nguyễn Xuân Phúc gặp nhau rồi “mê” nhau liền.

Vì tính cách và cá tính tương đồng, chúng tôi chuyện trò, chia sẻ với nhau từ công việc đến chuyện đời, nhân tình thế thái và gặp nhau ở nhiều điểm đồng cảm, sẻ chia.

Những lúc thân tình, anh và tôi thường gọi nhau bằng “chiến hữu”, “đồng đội” như thời trận mạc thuở nào.

Một số nhà báo gặp tôi đặt vấn đề: “Mời anh viết bài phác họa chân dung Thủ tướng đương nhiệm!”.

Tôi nhận lời và hình ảnh Thủ tướng của lòng dân hiện lên rõ nét trong tôi, suốt đêm cho đến sáng, tôi như người họa sỹ đam mê phác họa chân dung vị Thủ tướng theo cảm nhận riêng của mình.

Vì dân

Vừa phác họa, vừa đặc tả chân dung vị Thủ tướng đương nhiệm là điều rất khó và phải hiểu biết rất sâu sắc về anh cả thần thái lẫn phong cách.

Vốn thận trọng, viết xong bài “Đi về nơi mắt bão”, đúng tối Noel, 24/12/2017 tôi tới nhà riêng Thủ tướng như đã hẹn để anh xem và cho ý kiến trước khi gửi báo.

Phải chờ đến 8 giờ 15 phút tối mới gặp được anh, sau cái bắt tay rất chặt vốn có của Anh, Thủ tướng nói ngay:

“Mình vừa họp trực tuyến với 19 tỉnh dự báo sẽ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 16, cơn bão mạnh chưa từng có đổ vào Nam Bộ.

Các tỉnh thành, bộ ngành đang gồng mình lên để chống chọi với bão, trước hết và trên hết phải bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân…”.

Anh say sưa kể về cuộc họp trực tuyến vừa kết thúc và nhắc đi nhắc lại cụm từ: “Vì dân, an toàn cho người dân”. Chợt anh hỏi tôi: “Anh chờ tôi lâu chưa? Tôi cũng đã kịp ăn uống gì đâu!”.

Ông Lê Như Tiến (trái), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) chụp ảnh lưu niệm. Ảnh do tác giả cung cấp.
Ông Lê Như Tiến (trái), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) chụp ảnh lưu niệm. Ảnh do tác giả cung cấp.

Còn nhớ, cách đây 3 tháng vào giữa tháng 9 vừa qua, sau khi nghe Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai báo cáo về sức tàn phá của cơn bão số 10 ập vào các tỉnh miền Trung, Thủ tướng quyết định hủy hàng loạt cuộc làm việc tại các địa phương phía Nam để ra miền Trung trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả của bão, thị sát hiện trường và làm việc với lãnh đạo các tỉnh.

Cánh báo chí đi tháp tùng Thủ tướng nói rất hình ảnh: “Thủ tướng đi thẳng vào tâm bão để chống bão!”.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh: “Không để người dân vùng bão rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất, thiếu cơm, lạt muối, đứt bữa…!”.

Câu nói của người đứng đầu Chính phủ đã lay động tâm can, làm ấm lòng đồng bào nơi mắt bão.

Bà con tiểu thương chợ đầu mối Long Biên mãi không quên hình ảnh vị Thủ tướng Chính phủ dẫu bận trăm công nghìn việc, mới mờ sáng ngày 27/9/2016 cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và một số bộ, ngành không hề trống giong cờ mở, xe cộ rầm rập, tiền hô hậu ủng như nhiều đoàn kiểm tra khác, mà “bí mật” tiếp cận chợ Long Biên thăm hỏi và động viên bà con buôn bán rau quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội sáng 27/9/2016. Ảnh đăng trên Báo Điện tử Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội sáng 27/9/2016. Ảnh đăng trên Báo Điện tử Chính phủ.

Người đứng đầu Chính phủ ân cần chuyện trò với bà con và căn dặn các hộ kinh doanh phải mua bán rau quả, nông sản, thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, không vì lợi nhuận mà mua bán những loại hoa quả có ngâm tẩm, chứa chất bảo quản độc hại, để bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người tiêu dùng đồng thời cho chính bản thân mình.

Trước khi rời chợ đầu mối Long Biên, Thủ tướng còn nhắc lại: “Hãy nói không với thực phẩm bẩn, không bảo đảm chất lượng. Bà con nên nhớ sức khỏe của cộng đồng chính là tương lai của chúng ta, tương tai của con cháu chúng ta!”.

Sự việc đã qua đi hơn một năm mà cho đến nay nhiều người buôn bán trong chợ trực tiếp chứng kiến, vẫn còn nhớ như in hình ảnh của vị Thủ tướng gần gũi, quan tâm, gắn bó, sẻ chia với dân từ việc nhỏ.

Có người còn thốt lên: “Từ bé tới giờ tôi chưa được gặp ông Thủ tướng nào, không hề báo trước lại bí mật, bất ngờ vào tận chợ truyện trò thân mật với bà con như thế!”.

Rời chợ Long Biên, cũng rạng sáng hôm ấy, Thủ tướng đã có mặt tại cánh đồng rau của xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, Thủ tướng chuyện trò với một số người dân đi làm đồng sớm về quy trình sản xuất rau sạch, hỏi thăm về đời sống và thu nhập của từng nông dân.

Thủ tướng cũng căn dặn việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón phải phù hợp, làm sao để có rau an toàn phục vụ cộng đồng.

Lại một bất ngờ nữa, mười ngày, sau khi thị sát chợ đầu mối Long Biên và cánh đồng rau Văn Đức, sáng sớm ngày 8/10/2016, thành phố Hồ Chí Minh trời mưa như trút nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trở thành thực khách như tất cả thực khách khác của quán phở nhỏ trên đường Nguyễn Hậu, phường Tân Thành, quận Tân Phú.

Thủ tướng kiểm tra nguyên liệu, quy trình chế biến tại quán phở, thưởng thức phở rồi rảo bước đến một số hộ kinh doanh ăn uống trên cùng tuyến phố Nguyễn Hậu, Thủ tướng căn dặn bà con tuân thủ quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm, quyết không vì cái lợi trước mắt mà ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Đây tiếp tục là chuyến “vi hành” của Thủ tướng trong chuỗi các cuộc trực tiếp kiểm tra không báo trước việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại hai thành phố lớn ở hai đầu đất nước.

Sự có mặt của Thủ tướng với hai sự việc kể trên càng khẳng định thông điệp và quyết tâm mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ trong việc lập lại trật tự, kỷ cương về an toàn thực phẩm - nỗi lo thường trực của người dân cả nước, bức xúc đến mức trên diễn đàn Quốc hội, có đại biểu phải xót xa thốt lên: “Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại gần đến thế!”.

Đại tá Nguyễn Văn Quý (ảnh nhỏ) người ký quyết định khởi tố hình sự ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán Xin Chào tội “Kinh doanh trái phép” bị xử lý kỷ luật (Ảnh: sggp.org.vn).
Đại tá Nguyễn Văn Quý (ảnh nhỏ) người ký quyết định khởi tố hình sự ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán Xin Chào tội “Kinh doanh trái phép” bị xử lý kỷ luật (Ảnh: sggp.org.vn).

Khi dư luận “dậy sóng” về vụ quán cà phê Xin Chào ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh, sau khi nghe cơ quan bảo vệ pháp luật báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng dừng ngay việc hình sự hóa chủ quán cà phê Xin Chào chỉ vì lý do chậm đăng ký kinh doanh nên bị khởi tố hình sự.

Thủ tướng cũng đồng thời chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm nghiêm túc các cá nhân, tập thể, cơ quan chức năng trong việc vội vã khởi tố vụ án hình sự khi chưa có đủ căn cứ pháp luật.

Đi về nơi mắt bão ảnh 4

Cựu cán bộ công an muốn truy trách nhiệm hình sự Đại tá Quý và Viện phó Tòng 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, với sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng, kết quả là đại tá Nguyễn Văn Quý bị cách chức Trưởng Công an huyện Bình Chánh; một số sỹ quan công an huyện, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Bình Chánh cùng bị kỷ luật.

Qua vụ “quán cà phê Xin Chào”, dư luận và nhân dân cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ của Thủ tướng với những nhọc nhằn mưu sinh của người dân.

Họ có thể vì thiếu hiểu biết về pháp luật mà có những sai phạm nhất thời nhưng chưa có dấu hiệu tội phạm tới mức phải khởi tố vụ án hình sự.

Việc xuất hiện đúng lúc và quyết đoán của Thủ tướng Chính phủ đã giải oan cho người dân vô tội, lấy lại niềm tin của nhân dân với công lý.

Qua đó, cũng là lời cảnh báo đối với những người thi hành công vụ phải luôn thường trực ý thức vì dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân làm ăn lương thiện.

Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp

Ngày 15/7/2017 để lại những ấn tượng sâu sắc trong các doanh nghiệp, doanh nhân bởi cuộc gặp mặt với Thủ tướng Chính phủ.

Theo tôi, hiểu đúng nghĩa thì đây thực chất là cuộc đối thoại với các doanh nghiệp, doanh nhân để lắng nghe tâm tư, tình cảm và sự phản hồi của doanh nghiệp đối với Chính phủ thì đúng hơn.

Bởi khác với nhiều cuộc gặp mặt tại các nhiệm kỳ trước, phần đối thoại rất khiêm tốn thay bằng các tham luận dài dòng, chung chung mà cảm hứng chủ đạo là ca ngợi, lần đối thoại này Thủ thướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị nêu khó khăn, bất cập là chính để Chính phủ cũng “xắn tay” gỡ nút thắt cho doanh nghiệp.

Đi về nơi mắt bão ảnh 5

Ngồi mãi bàn giấy làm sao biết được thực tiễn cuộc sống?

Tư tưởng đó được các doanh nhân đón nhận thật hoan hỉ, mở ra cánh cửa nói thẳng, nói thật của các doanh nghiệp.

Ngay sau cuộc gặp mặt, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 20 chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra, không để doanh nghiệp bị gây khó, theo đó, không thanh tra doanh nghiệp một năm quá một lần.

Bế mạc cuộc gặp với doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ dùng hình ảnh tràn trề hi vọng, tràn đầy sức sống:

“Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sự chung tay, chung sức của các cơ quan, tôi nghĩ rằng bình minh đang đến với đất nước ta!”.

Đó là một dự báo rạng ngời đã và đang được hiện thực hóa. Chưa bao giờ tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp lại sôi động, mạnh mẽ, rộng khắp như năm 2017.

Lắng nghe

Tại lễ kỷ niệm 60 năm báo Văn Hóa, tháng 12 vừa qua, ngồi cạnh nhau, tôi tâm sự với đại biểu Quốc hội, nhà Sử học Dương Trung Quốc về chân dung vị Thủ tướng của lòng dân, anh Dương Trung Quốc rất đồng cảm với tôi, anh còn bổ sung thêm một ý tâm đắc của mình, đó là phẩm chất luôn lắng nghe của Thủ tướng đương nhiệm.

Anh Dương Trung Quốc kể chuyện anh gửi thư tới Thủ tướng với nội dung: “Tôi biết rằng sáng mai anh gặp gỡ doanh nghiệp, tôi muốn chia sẻ với anh một điều mà tôi đã suy nghĩ từ lâu để anh tham khảo.

Tôi nghĩ đã đến lúc phải thay đổi tâm thế, bên cạnh việc động viên người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì nên tự tin chuyển sang tâm thế hàng Việt Nam phải chinh phục người Việt Nam!

Hãy chiếm lĩnh trước tiên thị trường trong nước lớn thứ 13 thế giới, lại là đồng bào mình, từ đó sẽ đủ sức vươn ra chiếm lĩnh thị trường thiên hạ. Kính mong anh lưu tâm!”.

Đi về nơi mắt bão ảnh 6

"Thu nhập bình quân đầu người thấp là nỗi buồn của lãnh đạo"

Với phẩm chất biết lắng nghe, sáng hôm sau Thủ tướng Chính phủ đã truyền thông điệp này tới các doanh nghiệp và yêu cầu các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới công nghệ, đổi mới sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa để chinh phục ngay thị trường nội địa 90 triệu dân, ta phải thắng tại sân nhà!.

Tôi còn nhớ trong giờ giải lao của một kỳ họp cuối năm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, anh Nguyễn Xuân Phúc và tôi gặp nhau ở hành lang hội trường Quốc hội, anh bắt tay tôi rất chặt và thân mật nói:

“Chiến hữu” phát biểu rất hay, đúng là mời gọi đầu tư mà “trên rải thảm, dưới rải đinh” thì bao nhiêu chủ trương tốt đẹp của trên, bị dưới dựng “barie” vô hiệu hóa!

Và quả thực, tinh thần này được anh cảnh báo các địa phương tại nhiều hội nghị mời gọi đầu tư ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017.

Trước phiên chất vấn của kỳ họp giữa năm, nhiệm kỳ trước, khi đó anh còn là phó Thủ tướng, tôi hỏi anh: “Anh đang ngồi “ghế nóng” phụ trách những vấn đề nóng đó là phòng chống tham nhũng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, an toàn giao thông quốc gia, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, cải cách hành chính, cải cách tư pháp… anh có ngại tôi sẽ chất vấn nóng, làm nóng nghị trường không?”.

Anh trả lời rất ngắn gọn và quyết đoán: “Không ngại, “chiến hữu” cứ hỏi, tôi sẵn sàng!”.

Với việc nắm bắt vấn đề rất chắc lại tâm huyết với công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hôm sau với câu hỏi khá “hóc” của tôi, anh trả lời chất vấn rất tự tin, mạch lạc, kèm theo một hệ thống giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, khả thi đã làm hài lòng các vị đại biểu Quốc hội trên nghị trường, kể cả một số đại biểu Quốc hội được cho là “khó tính”, luôn có tư duy phản biện.

Tối hôm đó, tôi điện thoại tới anh hỏi thật lòng: “Hôm nay tôi có làm khó anh không?”, anh đáp rất vui: “Tôi thích trả lời những người phản biện!”.

Được biết, dẫu bận rộn với công việc chỉ đạo điều hành của người đứng đầu Chính phủ, tất cả các ý kiến, kiến nghị, chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội, anh đều trả lời cụ thể, chi tiết, thỏa đáng, đầy trách nhiệm.

Tôi rất chia sẻ và đồng cảm với anh Dương Trung Quốc, ngoài chân dung của vị Thủ tướng vì dân, vì sự phát triển của doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn có phẩm chất rất đáng quý của người lãnh đạo, quản lý đó là năng lực lắng nghe, tích tụ nhiều nguồn năng lượng tinh hoa khác nhau vào mình để đạt được đích đến là xây dựng một Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo, phát triển.

Hà Nội, Noel 2017.

"Tôi không sợ rắc rối vì bên cạnh mình có rất nhiều người tốt"

PV: Ông từng được biết đến là đại biểu có nhiều chất vấn gai góc, đụng chạm trên nghị trường Quốc hội về vấn đề tham nhũng, công tác cán bộ... Ông có gặp rắc rối về những phát ngôn đó của mình không?

Ông Lê Như Tiến: Thời điểm trước, tôi thường xuyên nhận được tin nhắn, điện thoại từ số lạ.

Có người chia sẻ, ủng hộ những phát biểu đó, nhưng cũng có những tin nhắn mang tính khuyên răn, cảnh báo: "Chống tham nhũng là nguy hiểm lắm! ông mà mạnh mẽ quá có khi ảnh hưởng đến chính bản thân ông đấy".

Có khi nào ông cảm thấy sợ hãi vì điều này?

Ông Lê Như Tiến :Tôi không sợ những lời đe dọa vì bên cạnh tôi có nhân dân và rất nhiều cán bộ là người tốt, chứ không phải ai cũng tiêu cực.

Tôi phát biểu vì dân, có lợi cho đất nước chứ không phải xỉa xói ai mà phải sợ.

QUỐC TOẢN (GHI)

LÊ NHƯ TIẾN