Hôm nay, thầy cô đã đọc Báo Giáo dục chưa?

21/06/2017 08:39
Phan Tuyết
(GDVN) - Mỗi buổi sáng, mở máy tính lên, tờ báo đầu tiên được tôi chọn đọc là Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bởi đây là một trong rất ít tờ báo dám đăng tải sự thật.

LTS: Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tác giả Phan Tuyết một cây bút quen thuộc đã gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam những tâm tư, tình cảm của mình với Báo.

Tác giả mong muốn Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam sẽ góp phần làm lan tỏa những việc làm hay, những tấm gương sáng của ngành. Đồng thời, nêu lên những bất cập còn tồn tại và hướng khắc phục để môi trường giáo dục của ta ngày càng tốt đẹp hơn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Khi nghe người bạn nói (vốn là thầy dạy chữ nho): “mỗi buổi sáng, mở máy tính lên, tờ báo đầu tiên được chọn đọc là Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, bởi đây là một trong rất ít tờ báo dám đăng tải sự thật".

Báo có rất nhiều bài viết chất lượng được phản ánh một cách chân thực về muôn mặt của đời sống hiện nay.

Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân tới thăm Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhân dịp 21/6 năm 2017. Ảnh TL
Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân tới thăm Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhân dịp 21/6 năm 2017. Ảnh TL

Tôi đặc biệt ấn tượng với những bài viết của tác giả Xuân Dương và chuyên mục Giáo dục 24h, nhiều bài viết phản ánh rất đúng thực trạng của nền giáo dục hiện nay mà không có sự đánh bóng, tô hồng như một số tờ báo khác.

Có giáo viên ở tận vùng Kiên Giang xa xôi kể: nhiều hôm lên trường, một số thầy cô giáo bàn tán, tranh luận rồi hỏi nhau “hôm qua đọc bài …trên Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam chưa hay mở Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ra có nhiều bài này hay lắm…”.

Nếu như trước đây, những tâm tư, bức xúc của các thầy cô phải nén chặt trong lòng hoặc cùng hội nhóm chia sẻ một cách đầy bí mật.

Thì nay, nhờ những bài viết phản ánh về giáo dục trên báo mà chúng tôi đã mạnh dạn bàn luận về nó một cách công khai. Có giáo viên đã nhận xét: “người viết như đi guốc trong bụng tôi vậy”. 

Rồi, có cô ở tận Tây Nguyên kể rằng: những giờ ra chơi hay những khi nghỉ tiết, các thầy cô thường tập trung ở phòng giáo viên để đọc và cùng nhau thảo luận những bài báo trong chuyên mục giáo dục.

Nhờ đó, mỗi giáo viên thấy mình như trút bỏ được nỗi lòng bức xúc, trăn trở cũng như rút ra những kinh nghiệm thiết thực để làm tốt công việc giảng dạy. 

Có giáo viên còn tâm sự: “chúng tôi thấy như được an ủi phần nào khi đọc những bài báo ấy. Chúng tôi được nói hộ những điều mình biết, mình thấy nhưng lại không đủ can đảm để nói ra”. 

Không ít giáo viên khẳng định: 

“nhờ hàng loạt bài phản ánh về những bất cập của Thông tư 30, trường học theo mô hình mới, các phong trào thi học sinh giỏi trên mạng, áp lực của việc dự giờ, áp lực từ các cuộc thi… được đăng trên Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam thời gian gần đây mà môi trường giáo dục ở các địa phương đã có thay đổi tích cực”. 

Nhờ vậy, thầy cô chúng tôi đã thoát cảnh ngồi hàng buổi chỉ để ghi những lời nhận xét vô hồn vào vở của học sinh mà chẳng có tác dụng gì nhiều với các em. 

Hôm nay, thầy cô đã đọc Báo Giáo dục chưa? ảnh 2

Chủ tịch Trần Hồng Quân tới thăm và chúc mừng Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

Rồi chuyện học sinh ngồi nhầm lớp, loạn khen, học sinh giỏi vượt trội… cũng dần được các trường điều chỉnh một cách phù hợp. 

Ngoài ra, có nhiều sự biến chuyển ngay trong các trường, chẳng hạn, một số hiệu trưởng trước đây thường tỏ ra uy quyền để lấn át giáo viên thì nay thái độ đã thân thiện hơn, một số phong trào thi đua ở trường cũng đã được giảm bớt…

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Ninh Thuận nói: “với những bài viết về giáo dục hiện nay đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi phải mở xem đầu tiên. Ngoài việc thu thập tin tức của ngành, còn giúp ích cho công tác quản lý của chính mình”.

Có hiệu trưởng tiết lộ: những bài viết về các hội thi, chấm sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên hay việc thanh tra các trường học…cũng có tác động không ít đến các lãnh đạo cấp phòng, sở nên họ không gây áp lực nhiều cho trường như các năm về trước. 

Hằng ngày, đọc nhiều báo có chuyên mục giáo dục nhưng không tờ báo nào có những bài viết phản ánh vừa chân thực lại vừa mạnh mẽ đến thế. Hy vọng không xa nền giáo dục của chúng ta sẽ có sự thay đổi lớn (nguyên Hiệu trưởng một trường tiểu học đã về hưu nói).

Bản thân tôi vô cùng vui mừng khi được thấy những đồng nghiệp của mình dành rất nhiều tình cảm cho Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam. 

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi cùng nhiều đồng nghiệp của mình muốn gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam lời tri ân sâu sắc nhất.

Kính chúc quý báo mãi là tờ báo uy tín, xứng đáng với niềm tin yêu của nhiều độc giả trong cả nước.

Phan Tuyết