Khi đi lại, ăn uống là chuyện quốc gia đại sự

25/12/2016 07:00
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Chuyện ăn uống, đi lại được coi là nhu cầu tối thiểu này của một số ít người trong xã hội lại ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng chục triệu người dân.

LTS: Nhìn lại năm 2016, nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận cũng xuất phát từ chuyện lạm dụng xe công, ăn uống nhậu nhẹt của các cán bộ nhà nước.

Tác giả Trương Khắc Trà cùng điểm lại những vụ việc nổi bật khiến nhiều chính khách "ngã ngựa" và đưa ra nhiều suy ngẫm.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Năm 2016 sắp hết, nhiều điều vui và sự buồn đã diễn ra như một lẽ đương nhiên của cuộc sống, một trong những điều chẳng mấy vui vì suốt năm nay có hai chuyện trong “tứ đại nhu cầu” của con người trở thành đề tài nóng hổi, đó là chuyện đi lại và chuyện ăn uống.

Dĩ nhiên, chuyện đi lại của hàng chục triệu người dân dù có ra sao thì cũng không thể làm báo chí phải xoắn tít lại, bởi những cây cầu siêu tạm bợ, những con đường bằng cái sống dao, hay đoạn đường đắt nhất hành tinh… là chuyện không lạ ở xứ ta.

Đây chính là chuyện đi lại của đội ngũ “công bộc” xứ ta - chuyện xe công, một thời làm hao giấy tốn mực.

Những chiếc xe được gắn biển xanh chẳng lạ gì đối với người dân nhưng có lẽ lần đầu tiên thiên hạ được biết con số 40.000 chiếc và kinh phí vận hàng hàng năm ngốn gần 13.000 tỷ đồng!

Ông Trịnh Xuân Thanh gây ồn ào dư luận với chiếc xe Lexus biển xanh. (Ảnh: Báo Đất Việt)
Ông Trịnh Xuân Thanh gây ồn ào dư luận với chiếc xe Lexus biển xanh. (Ảnh: Báo Đất Việt)

Không dừng lại ở đó, người ta còn cho hay rằng hiện còn 7.000 chiếc dư thừa đang trùm mền ở đâu đó trong khắp cả nước!

Cũng là câu chuyện liên quan đến xe cộ, đi lại, chiếc Lexus biển xanh lăn bánh trên đường phố Hậu Giang giờ đây trở thành hình ảnh không thể quên, bởi vì sau đó chủ nhân của nó – Trịnh Xuân Thanh đã "ngã ngựa", kéo theo một loạt các sự việc kinh thiên động địa tại Bộ Công thương.

Cần phải nói thêm rằng, đằng sau hình ảnh chiếc Lexus biển xanh gây nhức mắt, cơ quan chức năng đã vào cuộc rà soát, tính toán thiệt hơn việc “nuôi” mấy chục ngàn xe công để rồi sau đó một quyết sách đúng đắn đã được đưa ra - khoán xe công.

Chủ trương này đã được thực hiện ở các Bộ, tiếp theo là các doanh nghiệp nhà nước.

Sau hàng loạt sự việc chướng tai gai mắt liên quan đến việc đi lại của các Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến công cán nước ngoài bằng máy bay thương mại, đây là phát súng lệnh tuyên bố thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc đi lại.

Khi đi lại, ăn uống là chuyện quốc gia đại sự ảnh 2

Lãnh đạo mượn xe biển xanh, sao không nhìn gương Trịnh Xuân Thanh?

Sau đó Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo “Thành phần tham gia đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ về địa phương, về phía tỉnh, thành phố không đi quá 3 xe ô tô, bao gồm xe chung của Bí thư, Chủ tịch và các sở, cơ quan, ban ngành theo yêu cầu.

Về phía các bộ, trừ bộ trưởng đi xe riêng, các thành phần khác đều đi xe chung với VPCP.

Khi lãnh đạo Chính phủ đi thăm, khảo sát các địa điểm, chỉ có lãnh đạo tỉnh, thành phố và lãnh đạo bộ, VPCP đi theo. Khi đoàn đi thăm đối tượng chính sách thì có thêm lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
”[1].

Thực tế, đối với người dân chuyện đi lại như là một nhu cầu tối thiểu, nhưng với những người được xem là “công bộc” thì chuyện đi lại đã không còn đơn giản, mà nó làm thâm thủng ngân khố quốc gia, nguy hại cho nền kinh tế.

Nhiều người băn khoăn một cách ngây thơ rằng, chẳng hiểu đã dư 7.000 chiếc rồi mà vẫn còn muốn mua thêm làm gì? Nhưng sau hàng loạt sự việc vỡ lở giờ đây thiên hạ đã biết rằng mua xe không nhất thiết là… cần xe!

Cũng vẫn là chuyện đi lại, nhưng lần này chẳng biết tại dân hay tại quan, đó câu chuyện tắc đường ở hai thành phố lớn nhất nước, chẳng có ngôn từ nào để diễn tả Lexus.

Đây là mô tả của một bạn trẻ “Hôm nay ngày gì mà tắc đường ghê thế? Em đi làm 5km mất hết 60 phút.

Đường Trường Chinh nút thắt bé xíu, ô tô đi dạng 2 hàng, xe máy tạt lên vỉa hè. 6h45 đi vẫn dính tắc, 7h vẫn cứ tắc, 7h15 thì đừng nhúc nhích” [2]. 

Vâng! Đường vẫn tắc cho đến khi chúng ta còn loay hoay với các giải pháp chống tắc và vẫn tồn tại những đường cong mềm mại.

Thời gian qua những giải pháp chống tắc bắt đầu bằng từ “cấm” đã không phát huy tác dụng.

Khi đi lại, ăn uống là chuyện quốc gia đại sự ảnh 3

Giảm ùn tắc giao thông, TP.Hồ Chí Minh có 10 giải pháp

Một trong những dự án gây ồn ào nhất là xe buýt nhanh (BRT) trị giá 55 triệu USD, sau nhiều lần suýt phát sản, ngày 20/12 buýt nhanh đã được vận hành và kết quả chỉ nhanh hơn… 5 phút! 

Đến đây, người ta có thể thấy rõ hơn rằng, vấn đề không nằm ở chiếc xe mà nằm ở con đường, mấu chốt không phải là buýt nhanh hay tàu điện mà nằm ở tư duy quản lý và tầm nhìn quy hoạch đô thị.

Lại nói đến chuyện ăn, mới đây, ngày 19/12, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 55 - QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Trong đó nội dung cơ bản là “cấm cán bộ đảng viên lợi dụng bổ nhiệm, kỷ niệm…để tiệc tùng, chè chén, biếu xén…”[3].

Dù muộn còn hơn không, lại thêm một chủ trương đúng đắn được đưa ra, chuyện tiệc tùng, chè chén trong giờ hành chính và cả giờ nghỉ trưa lâu nay như một thói quen khó bỏ trong bộ máy nhà nước.

Và đương nhiên chẳng ai móc tiền túi ra để chi trả cho những bữa tiệc mang tên “hóa đơn đỏ” như thế!

Có lắm chuyện mất mặt xấu hổ trên bàn nhậu, đừng tưởng chỉ có dân đen mới thô lỗ với nhau khi rượu vào, mà cả quan chức cũng không ngoại lệ:

“Nguyễn Văn Dũng, Phó phòng Bảo vệ chính trị nội bộ thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy đánh ông Huỳnh Nhật Khánh, nguyên cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy ở bàn nhậu”[4]; bất đồng chuyện uống bia, Bí thư xã đánh bầm dập cán bộ [5]…

UBND huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh từng có công văn yêu các cơ quan ban ngành, địa phương... lúc tổ chức hội nghị, tiếp khách phải ưu tiên sử dụng bia của Nhà máy bia Sài Gòn đóng trên địa bàn Hà Tĩnh.

Nhiệt tình hơn UBND tỉnh Nghệ An còn có văn bản yêu cầu các Sở, ngành, đoàn thể và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức và người dân sử dụng các sản phẩm đồ uống sản xuất trong tỉnh như bia Sài Gòn, bia Hà Nội, bia Vida.

Không biết động lực nào từ Công ty Bia khiến lãnh đạo các địa phương sốt sắng ra chỉ đạo như vậy, giá như việc gì cũng được chỉ đạo rõ ràng cấp tập như uống bia thì hay biết mấy!

Và chuyện “ăn” ở đây không còn đơn thuần là miếng ăn để duy trì sự sống, mà là đục khoét ngân sách, lợi dụng để biếu xén cho động cơ cá nhân.

Chẳng biết sau Quyết định 55 của Bộ Chính trị thì những văn bản “khuyến khích uống bia” có được thu lại hay không!?

Chuyện ăn uống, đi lại tưởng nhỏ mà hóa ra chẳng nhỏ chút nào, nhu cầu được coi là tối thiểu này của một số ít người trong xã hội vô hình trung ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng chục triệu người dân đầu tắt mặt tối, giờ đây đã trở thành chuyện quốc gia đại sự.

Tài liệu tham khảo
[1] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/thu-tuong-di-tinh-khong-qua-3-oto-thap-tung-323705.html
[2] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/ha-noi-tac-cung-ca-duong-lon-lan-ngo-nho-324975.html
[3] http://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/bo-chinh-tri-nghiem-cam-can-bo-dang-vien-loi-dung-ky-niem-bo-nhiem-de-tiec-tung-n20161219170101930.htm
[4] http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/can-bo-binh-thuan-danh-nhau-tren-ban-nhau-hoa-giai-ngay-3318590/
[5] http://nld.com.vn/phap-luat/bat-dong-chuyen-uong-bia-bi-thu-xa-danh-bam-dap-can-bo-20161020161809331.htm

Trương Khắc Trà