Ai tập huấn, bồi dưỡng môn Nội dung giáo dục địa phương cho giáo viên?

16/07/2023 08:13
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu không được thực hiện khoa học, cố định sẽ dẫn đến muôn vàn khó khăn cho các tổ chuyên môn và giáo viên giảng dạy.

Những tuần vừa qua, các đơn vị chủ quản của 3 bộ sách giáo khoa: Cánh Diều; Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống đã tiến hành tập huấn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 cho đội ngũ nhà giáo nhằm chuẩn bị cho năm học 2023-2024 tới đây.

Điều mà giáo viên dạy môn Nội dung giáo dục địa phương ở một số tỉnh, thành băn khoăn là môn học này họ không được được đơn vị nào triển khai việc tập huấn như các môn học khác.

Trong khi, chương trình, sách giáo khoa (tài liệu) Nội dung giáo dục địa phương do các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn. Sách giáo khoa được nhà xuất bản in ấn, phát hành hàng năm.

Thế nhưng, không chỉ ở năm học tới đây mà các năm học vừa qua giáo viên cũng chưa thấy đơn vị nào, cấp nào tập huấn, hướng dẫn dạy môn Nội dung giáo dục địa phương một cách cụ thể ra sao. Vì thế, khi các trường giảng dạy gặp không ít những khó khăn.

Học sinh học Nội dung giáo dục địa phương (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Học sinh học Nội dung giáo dục địa phương (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Mục tiêu môn Nội dung giáo dục địa phương được đề cao nhưng thực tế thì sao?

Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Bộ đã ban hành trước đây đã đề cập đến vị thế môn Nội dung giáo dục địa phương như sau:

“Nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương.

Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm. Ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác.

Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương; chỉ đạo việc tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và báo cáo để Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt”.

Như vậy, chúng ta thấy rõ một điều là chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đề cao vị thế, vai trò của môn Nội dung giáo dục địa phương vì thông qua môn học này, nhà trường sẽ “trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương”.

Hơn nữa, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác và thực tế môn học này đang là môn học bắt buộc ở 2 cấp học này.

Thế nhưng, 2 năm thực hiện giảng dạy ở cấp trung học cơ sở và 1 năm thực hiện ở cấp trung học phổ thông, môn Nội dung giáo dục địa phương đã thực sự được xem trọng hay chưa?

Đối với sách giáo khoa thì năm thực hiện đầu tiên đa phần các tỉnh, thành phát hành chậm trễ, nhiều khi sang học kỳ II mới có nên giáo viên và học sinh phải dạy và học trên file PDF. Giáo viên giảng dạy thì gần như không được tập huấn, bồi dưỡng.

Trong các kế hoạch triển khai đầu năm học về chuyên môn, sở, phòng chỉ liệt kê vài dòng hướng dẫn chung chung được coppy từ Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ mà thôi.

Vì thế, có những trường trung học cơ sở phân công 1 giáo viên giảng dạy, có trường thì phân công 6 giáo viên giảng dạy. Cấp trung học phổ thông đa phần chưa có giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật nên gần như 2 phân môn này đang bị bỏ trống mà chỉ dạy các phân môn còn lại.

Một môn học được biên chế 35 tiết/ năm nhưng có tới 6 phân môn khác nhau nên nhà trường phân công 1 giáo viên dạy cũng bất cập mà phân công 6 giáo viên cho 6 phân môn cũng khó khăn không kém bởi số tiết mỗi phân môn khác nhau.

Thời điểm giảng dạy mỗi phân môn cũng khác nhau vì một số địa phương yêu cầu kiến thức nền của môn học phải dạy trước mới dạy đến nội dung địa phương. Chẳng hạn, chương trình môn Ngữ văn lớp 7 hiện nay có chủ đề Tục ngữ, ca dao thì khi nào môn Ngữ văn học xong phần này phân môn Ngữ văn của Nội dung giáo dục địa phương mới được dạy.

Từ đó, dẫn đến có thời điểm Nội dung giáo dục địa phương không dạy phân môn nào nhưng có lúc lại dồn ép lại đối với một số phân môn khác nhau. Điều này không chỉ khó cho nhà trường, giáo viên và ngay cả học sinh cũng vậy.

Những rắc rối không chỉ trong quá trình phân công giáo viên mà ngay cả khi kiểm tra định kỳ, chấm bài, vào điểm, nhập nhận xét cho học trò cũng rối rắm không kém khi nó có quá nhiều các phân môn khác nhau.

Giải pháp nào cho môn Nội dung giáo dục địa phương

Hiện nay, cấp tiểu học đã thực hiện giảng chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các lớp 1,2,3; cấp trung học cơ sở đã thực hiện ở lớp 6, lớp 7; cấp trung học phổ thông đã thực hiện ở lớp 10- cũng đồng nghĩa một nửa chương trình mới đã được triển khai ở các cấp học.

Năm học tới đây là lớp 4, lớp 8 và lớp 10 và đến năm học 2024-2025 là chương trình 2018 sẽ thực hiện cuốn chiếu xong. Thế nhưng, Nội dung giáo dục địa phương vẫn chưa được định hình rõ nét và cách thực hiện cũng rất manh mún, tự phát.

Vì thế, cũng giống như những môn học khác, muốn triển khai, giảng dạy được tốt thì việc tập huấn, bồi dưỡng về chương trình, sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương cũng cần được triển khai đến đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học này.

Bởi vì, chương trình tổng thể đã xác định “nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác” nên điều mà giáo viên mong muốn là họ cũng cần được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn một cách cụ thể, rõ ràng thì mới có thể giảng dạy tốt cho học trò.

Việc chuẩn bị cho 1 giáo viên dạy tất cả các phân môn như một số môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở, hoặc phân môn nào, giáo viên môn đó dạy cũng cần phải được chuẩn bị kĩ vì một vòng đời chương trình giáo dục phổ thông kéo dài hàng chục năm trời nên không thể để thực hiện theo kiểu tự phát ở một số trường học hiện nay.

Bên cạnh đó, cấp trung học phổ thông cần chuẩn bị tốt về nhân lực chứ khi có môn học, có chương trình và sách giáo khoa nhưng không có giáo viên dạy thì việc đánh giá, xếp loại môn học cho học trò sẽ gặp những bất cập.

Đặc biệt, việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương vào thời điểm đầu năm học cũng cần phải được tính đến. Bởi lẽ, 2 năm học qua nhiều địa phương mãi đến học kỳ II mới có sách giáo khoa sẽ khiến thầy và trò gặp khó.

Muốn “trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương” thì cần rất nhiều yếu tố cộng hưởng chứ vẫn manh mún, tự phát như hiện nay thì mục tiêu môn học sẽ chưa đạt được.

Một hai năm đầu, số tiết, lớp lớp học Nội dung giáo dục địa phương còn ít nhưng khi thực hiện cuốn chiếu xong thì số tiết cho cả cấp học sẽ nhiều. Nếu không được thực hiện khoa học, cố định sẽ dẫn đến muôn vàn khó khăn cho các tổ chuyên môn và giáo viên giảng dạy.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY