Nội dung giáo dục địa phương là môn học rối nhất chương trình 2018

23/12/2022 06:37
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có lẽ, chưa bao giờ, một môn học chỉ có 35 tiết/ năm nhưng nhà trường phải phân công đến 6 giáo viên cùng giảng dạy, cùng vào điểm, nhận xét cho học trò.

Thời gian qua, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có rất nhiều bài viết phản ánh về những bất cập của môn Nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những bất cập này sẽ nhiều hơn khi ngành giáo dục thực hiện xong lộ trình cuốn chiếu đối với tất cả các khối lớp.

Có lẽ, chưa bao giờ, một môn học phổ thông chỉ có 35 tiết/ năm nhưng nhà trường phải phân công đến 6 giáo viên cùng giảng dạy, cùng vào điểm, nhận xét cho học trò. Trong khi, số tiết giữa các phân môn được phân bổ không đều nhau, có phân môn 9 tiết nhưng có những phân môn chỉ 4 tiết/ năm.

Một số địa phương vẫn lúng túng trong việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa, trong chỉ đạo thực hiện phân công, giảng dạy ở các nhà trường. Bộ thì “giao quyền chủ động” cho các nhà trường, trường giao cho các tổ chuyên môn “chủ động” nhưng vì môn học liên quan đến nhiều tổ chuyên môn nên một số tổ trưởng chuyên môn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Tình trạng “chung môn” nhưng không chung tổ, không rõ người cầm cái, hoặc được giao quyền cầm cái nhưng chức vụ không có nên nhiều thầy cô gặp rất nhiều phiền muộn trong quá trình thực hiện xây dựng các kế hoạch giáo dục, phân công giảng dạy, ra đề, vào điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ đối với môn Nội dung giáo dục địa phương.

Đây là những tồn tại lớn nhất đối với môn Nội dung giáo dục địa phương mà cơ sở đang còn khá lúng túng, bị động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Dịch vụ soạn giáo án, soạn đề kiểm tra đang nở rộ (Ảnh: Nguyên Khang)

Dịch vụ soạn giáo án, soạn đề kiểm tra đang nở rộ (Ảnh: Nguyên Khang)

Nội dung giáo dục địa phương là môn học rối nhất chương trình 2018

Nếu so sánh với các môn học khác của cả 3 cấp học phổ thông khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì môn Nội dung giáo dục địa phương là một trong những môn có số tiết ít nhất/ năm học. Mỗi năm học, môn học này chỉ có 35 tiết học.

Trong 35 tiết này, nhà trường bắt buộc phải trừ lại 4 tiết cho kiểm tra định kỳ (2 bài giữa kỳ, 2 bài cuối kỳ). Còn lại 31 tiết, phải phân bổ thêm 4 bài kiểm tra thường xuyên theo hướng dẫn của Thông tư 22/ 2021/ TT- BGDĐT.

Thế nhưng, việc phân chia số tiết cũng rất rối rắm vì phân môn Ngữ văn được bố trí 9 tiết; phân môn Âm nhạc 4 tiết; phân môn Mĩ thuật 4 tiết; các phân môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý mỗi phân môn 6 tiết.

Chính vì thế, các trường bắt buộc phải sắp xếp mỗi học kỳ dạy 3 phân môn. Nhưng, nhiều khi phân công cho những phân môn ít tiết thực hiện 1 bài kiểm tra thường xuyên giáo viên họ lên tiếng vì cho rằng môn của họ ít tiết hơn. Trong khi, theo Thông tư 22/ 2021/ TT- BGDĐT thì những môn dưới 35 tiết/ năm sẽ thực hiện mỗi kỳ 2 bài kiểm tra thường xuyên nên bắt buộc các trường phải thực hiện theo chỉ đạo.

Khổ nỗi, những việc này đáng lẽ ra Ban giám hiệu nhà trường phải có những chỉ đạo, hoặc đứng ra phân công nhưng vì họ ngại, hay nói đúng hơn là họ cũng mơ hồ nên một số quản lý nhà trường “nhờ” một tổ trưởng chuyên môn đứng ra làm kế hoạch môn học, khung phân phối chương trình, lịch kiểm tra và sắp xếp thời điểm dạy cho môn học này.

Trong khi, một tổ trưởng chuyên môn được giao nhiệm vụ làm kế hoạch thì bắt buộc họ phải liên hệ và cần sự phối hợp của các tổ chuyên môn khác. Vì thế, mỗi lần thực hiện một kế hoạch liên quan đến môn học là mỗi lần chờ đợi và gặp rất nhiều phiền toái.

Theo hướng dẫn hiện hành, các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đang được hướng dẫn việc đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng điểm số và nhận xét. Các môn Âm nhạc, Mĩ thuật đánh giá kế quả bằng nhận xét (Đạt; Chưa đạt) nhưng hướng dẫn của môn Nội dung giáo dục địa phương là đánh giá bằng nhận xét.

Vì thế, kiểm tra thường xuyên, định kỳ tất cả các phân môn đều quy về đánh giá, xếp loại theo mức Đạt; Chưa đạt. Nhưng, có giáo viên nào lại xếp cho học sinh Chưa đạt vì môn học có tới 3 phân môn/ học kỳ. Vậy nên, tất cả học sinh đều xếp ở mức Đạt.

Nhưng, hiệu quả môn học không được như trước đây. Vì học sinh thừa hiểu rằng đây là môn học không được xem trọng (trong thực tế là môn học bắt buộc) nên học sinh cũng thờ ơ và chính giáo viên họ cũng không xem trọng môn học này. Họ dạy cho hết tiết của phân môn mình là hoàn thành nhiệm vụ.

Việc nhập đánh giá và nhận xét chủ yếu là theo cảm tính. Vì tất cả các cột điểm đều dừng lại với chữ “Đ” (mức Đạt). Còn việc nhận xét thì chung chung, na ná như nhau vì có những phân môn giáo viên chỉ dạy 4 tiết/ năm thì đến cái tên học sinh còn chưa biết, làm sao biết “năng lực, phẩm chất” của học trò ở ngưỡng nào mà nhận xét cho chính xác.

Bộ cần đánh giá đúng thực trạng việc triển khai, thực hiện Nội dung giáo dục địa phương ở các tỉnh, thành

Ngày 13/12 vừa qua, tại Hội nghị đánh giá triển khai việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023 thì đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Tính đến tháng 2-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 2 và lớp 6 để tổ chức dạy học.

Đối với lớp 7 và lớp 10, hiện còn một số tỉnh, thành phố chưa đề nghị bộ phê duyệt, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại các nhà trường.

Nguyên nhân, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, là do một số tỉnh, thành phố chưa có kinh nghiệm trong việc biên soạn và thẩm định tài liệu; hội đồng cấp tỉnh xin ý kiến và nhận được nhiều ý kiến trái chiều dẫn đến thời gian hoàn thành chậm so với dự kiến”. [1]

Đối với các địa phương, việc biên soạn sách giáo khoa Nội dung đến thời điểm hiện nay cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Chẳng hạn, ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai cho biết: “Ở Gia Lai, tài liệu giáo dục địa phương viết xong rồi nhưng chưa có cuốn nào xuất bản. Sắp tới lớp 10 không có sách này để học sinh học thì rất khó khăn”. [2]

Ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng, thông tin: "Chúng tôi đã tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương rất sớm nhưng vướng ở khâu đấu thầu, in ấn. Vì chưa thể in ấn nên hiện chúng tôi phải đưa file tài liệu giáo dục địa phương xuống cho các trường giảng dạy. Cũng may tác giả là người quen nên chưa có ý kiến về bản quyền". [1]

Nhiều địa phương cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Nhưng, đây chỉ là những khó khăn về sách giáo khoa, về tài liệu giảng dạy môn Nội dung giáo dục địa phương. Những khó khăn khi thực hiện ở cơ sở còn có rất nhiều và khó có giải pháp tốt cho môn học này nếu như những năm học tới đây ngành giáo dục vẫn thực hiện môn học này như hiện nay.

Bởi lẽ, khi mỗi cấp học triển khai xong cũng đồng nghĩa những khó khăn sẽ nhiều hơn. Nếu vẫn tiếp tục phân công giáo viên dạy theo phân môn sẽ rất khó khăn vì môn học liên quan đến 3 tổ chuyên môn khác nhau.

Trong khi, việc viết sách giáo khoa địa phương hiện nay không có tính liền mạch và không phải dạy lúc nào cũng được vì nhiều địa phương đang bám vào các chủ đề của môn học chính nên một số Sở Giáo dục chỉ đạo dạy sau khi dạy các chủ đề sách giáo khoa các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục công dân.

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo mà đặc biệt là Vụ Giáo dục Trung học cùng với các Phòng Giáo dục Trung học của các Sở Giáo dục cần có những tính toán cho phù hợp nhằm nâng hiệu quả giảng dạy và thuận lợi nhất cho giáo viên và học sinh trong những năm học tới đây chứ không thể để như hiện nay được.

Chúng tôi rất tâm đắc với phát biểu kết luận tại Hội nghị đánh giá triển khai việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023 của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khi Bộ trưởng nói: “Không có chuyện giữa đường đứt gánh, không có đường lui, chỉ có tiến về phía trước. Không có chuyện khó lắm hay là thôi” .[3]

Nhưng, “tiến về phía trước” như thế nào, giáo viên và các nhà trường không thể quyết định được vì chương trình, sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương do các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Sở Giáo dục chủ trì biên soạn, thiết kế.

Giáo viên ở các nhà trường chỉ là những người thực hiện phần việc của mình nhưng họ đang gặp rất nhiều rắc rối khi 35 tiết học/ năm có tới 6 giáo viên giảng dạy thì làm sao có thể ra một kết quả tốt cho học trò?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-gan-het-hoc-ky-1-van-chua-co-tai-lieu-giao-duc-dia-phuong-20221213110128001.htm

[2] https://giaoduc.net.vn/dia-phuong-keu-troi-viec-hs-muon-doi-to-hop-vu-truong-thanh-len-tieng-post231831.gd

[3] https://giaoduc.net.vn/bo-truong-bo-giao-duc-chuong-trinh-gdpt-2018-khong-co-chuyen-kho-la-thoi-post231833.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG