Áp lực sổ sách vẫn đè nặng thầy cô, mong Bộ Giáo dục sớm sửa đổi quy định

27/01/2021 06:51
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chương trình mới hướng tới việc phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò thì đầu tiên Bộ phải "giải phóng” cho người thầy những kiểu đồng phục không cần thiết.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai ở lớp 1 từ năm học 2020-2021 và theo lộ trình thì năm học 2021-2022 tới đây sẽ thực hiện ở lớp 2 và lớp 6.

Song hành với việc triển khai chương trình mới thì thời gian qua, Bộ đã ban hành một số văn bản để đánh giá, xếp loại học sinh như: cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông là Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT; cấp tiểu học là Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT.

Ngoài ra, giáo viên phổ thông đang được tập huấn các modul đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông 2018 để tiếp cận nội dung chương trình tổng thể, chương trình môn học về mục tiêu, phương pháp, các hoạt động và tiến trình dạy học…

Tuy nhiên, cứ nhìn vào việc giáo viên phải nhận xét cuối kỳ, nhìn vào những kế hoạch bài dạy (giáo án) mà giáo viên đang phải thực hiện qua mỗi đợt tập huấn thì ai cũng thấy choáng ngợp bởi chỉ riêng mảng hồ sơ sổ sách về chuyên môn đã đang “tăng tải” chứ không hề “giảm tải” như cách nói của một số lãnh đạo ngành giáo dục.

Mẫu tổng hợp về phẩm chất, năng lực, nhận xét của môn Âm nhạc cấp tiểu học (Ảnh chụp từ phầm mềm nhập điểm)

Mẫu tổng hợp về phẩm chất, năng lực, nhận xét của môn Âm nhạc cấp tiểu học

(Ảnh chụp từ phầm mềm nhập điểm)

Giáo viên đang phải nhận xét, tổng hợp kết quả giảng dạy cho học sinh một cách hình thức, máy móc

Những này qua, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh về việc quá tải mà lại thừa thãi, không có tác dụng của những lời nhận xét theo Thông tư 26 vào dịp cuối học kỳ.

Tuy nhiên, nếu so với những gì mà giáo viên các môn Âm nhạc, Mĩ Thuật, Thể dục ở cấp tiểu học thì thực ra chưa thấm tháp gì vì các môn học này còn phải đánh giá từng phẩm chất, năng lực cụ thể của học trò. Ngoài ra cũng phải nhận xét từng học sinh.

Trong khi, những giáo viên dạy ở tiểu học đang là 23 tiết/ tuần, điều này cũng đồng nghĩa với việc mỗi giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật phải đánh giá, nhận xét 23 lớp học với số lượng khoảng 700-800 học sinh (lớp 35 em). Đó là chưa nói đến một số lớp học ở những khu vực đô thị có sĩ số lớp học đông hơn quy định.

Chúng ta thử hình dung mỗi tiết học ở tiểu học có 35 phút, mỗi lớp có 35 học sinh, mỗi tuần có 1 tiết, giáo viên thì dạy 23 tiết/ tuần thì làm sao thầy cô nhớ được tên học sinh mà nhận xét tất cả các phẩm chất, năng lực của học trò?

Thế nhưng, tại Điều 4 của Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT yêu cầu đánh giá học sinh tiểu học như sau:

“1. Đánh giá học sinh thông qua đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục và những biểu hiện phẩm chất, năng lực của học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

2. Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.

3. Đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh”.[1]

Chính vì quy định như vậy, phần mềm được các nhà mạng thiết kế khá nhiều các ô tương ứng với phẩm chất, năng lực mà giáo viên phải thực hiện. Chẳng hạn như môn Âm nhạc ở tiểu học đang được thiết kế mỗi học sinh đến 16 ô mà giáo viên bắt buộc phải điền thông tin cho 13 ô.

Vào thời điểm giữa học kỳ, cuối học kỳ thì Ban giám hiệu yêu cầu giáo viên các môn học này phải đánh giá, xếp loại vào phần mềm.

Để điền được các thông tin này, rõ ràng giáo viên đang mất quá nhiều thời gian nhưng thử hỏi làm sao giáo viên môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục có thể nhớ tên học sinh, nhớ được các em có những phẩm chất, năng lực chung, năng lực đặc thù để đánh giá chính xác?

Kế hoạch giáo dục của giáo viên và Kế hoạch bài dạy (giáo án) mẫu dài lê thê

Ngày 18/12/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Trong công văn này, yêu cầu bắt buộc giáo viên phải làm Kế hoạch giáo dục của giáo viên và Kế hoạch bài dạy (giáo án) cụ thể từng mục tiêu, phương pháp, sản phẩm dự kiến, các bước thực hiện của từng hoạt động...

Nhưng, giáo án mỗi tiết cũng gần chục trang giấy và điều này giáo viên đang được hướng dẫn thực hiện, nhất là trong nội dung bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các modul đầu tiên.

Khi ban hành công văn này, chắc Bộ cũng đã nghiên cứu, xây dựng và qua khâu thẩm định mới ban hành…Nhưng, thử hỏi với những mẫu kế hoạch bài dạy dài lê thê như vậy thì giáo viên lấy thời gian đâu để ngồi soạn?

Chẳng hạn như giáo viên môn Ngữ văn luôn được phân công giảng dạy 2 khối. Đối với cấp Trung học cơ sở thì các khối lớp 6, 7, 8 có 4 tiết/ tuần/ lớp; khối lớp 9 có 5 tiết/tuần/lớp, khi chương trình 2018 thực hiện thì lớp 9 còn 4 tiết/tuần.

Điều này cũng đồng nghĩa mỗi tuần thì giáo viên phải soạn với 8 tiết giáo án, mỗi tiết soạn theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH lên đến gần chục trang giấy A4. Và, 8 tiết sẽ có khoảng 70-80 trang, đó là chưa kể giáo án chủ nhiệm, giáo án ngoài giờ lên lớp đối với giáo viên chủ nhiệm.

Vì thế, nếu giáo viên tự soạn thì suốt tuần ngồi đánh máy cũng chưa chắc đã xong vì vừa đọc tài liệu, vừa soạn hàng chục trang giấy bởi chương trình mới sẽ có nhiều bài mới, không thể lấy từ giáo án cũ để chỉnh sửa.

Trong khi, Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ra đời- có nghĩa nó sẽ là căn cứ để tổ trưởng chuyên môn, Ban giám hiệu, hội đồng bộ môn khi kiểm tra, duyệt giáo án sẽ so sánh, đối chiếu các mục xem giáo viên soạn đúng hướng dẫn của Bộ hay chưa.

Nếu chưa, chắc chắn sẽ bị góp ý, bị ghi biên bản là thực hiện không đúng hướng dẫn…

Nhưng, thử hỏi một tuần thì giáo viên tiểu học dạy trên lớp 23 tiết, trung học cơ sở dạy 19 tiết, trung học phổ thông 17 tiết trên lớp mà thời khóa biểu thường được rải đều các buổi trong tuần thì những giáo viên dạy những môn nhiều tiết lấy đâu thời gian ngồi soạn cả gần 100 trang giáo án đây?

Đó là chưa kể những công việc khác mà các nhà trường đang yêu cầu thực hiện như dự giờ bắt buộc theo số tiết quy định, dạy cho giáo viên khác dự, xây dựng, thao giảng chuyên đề, tập huấn, họp hành, hồ sơ số sách khác?

Thực hiện chương trình mới phải giảm tải cho giáo viên?

Ngày 211/12021, đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đã kiểm tra công tác triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm học 2020 - 2021 tại Hà Nam.

Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ có chia sẻ rằng: “việc giảm áp lực và tạo động lực cho giáo viên khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là rất cần thiết". [2]

Thế nhưng, chỉ nhìn Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT; Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT về hướng dẫn đánh giá, xếp loại học sinh và Công văn Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường cũng khiến giáo viên nghi ngại về cụm từ “giảm áp lực” mà Thứ trưởng đã nói.

Giáo viên không ngại khổ, không ngại phiền nhưng có lẽ nhiều thầy cô giáo sẽ không tán đồng những áp lực về hồ sơ sổ sách mà ngành giáo dục đang triển khai.

Bởi, họ đã nghe nhiều về cụm từ “giảm áp lực cho giáo viên” nhưng thực tế thì hoàn toàn không phải vậy. Cái thì Bộ thêm, cái thì trường quy định, khiến giáo viên cứ mải miết chạy theo những mớ bòng bong mà nhiều khi nó chẳng có tác dụng gì.

VTV.vn - Thông tư 32 có hiệu lực từ đầu tháng 11/2020 của Bộ GD&ĐT, đã đưa ra những thay đổi đáng kể, đặc biệt trong vấn đề giảm tải hồ sơ, sổ sách cho giáo viên. Thảm khảo tại:

Tinh giản sổ sách gỡ gánh nặng giấy tờ cho giáo viên

Thiết nghĩ, chương trình mới hướng tới việc phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò thì việc đầu tiên Bộ phải “giải phóng” cho người thầy những kiểu “đồng phục” không cần thiết.

Đánh giá học sinh bằng điểm số và nhận xét nhưng đừng máy móc bắt phẩm chất nào, năng lực nào cũng phải nhận xét, nó hình thức và máy móc quá.

Hãy quy định những giáo viên chủ nhiệm nhận xét phần này và xếp loại hạnh kiểm sẽ chính xác hơn, hoặc giáo viên bộ môn chỉ ghi những em thật sự tiến bộ vượt bậc về năng lực, phẩm chất, còn những em học tập đều đêu suốt năm học thì đừng bắt giáo viên bộ môn nhận xét vì thực ra không có tác dụng và nó giả dối quá.

Giáo án cũng nên ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, không nhất thiết phải "đồng phục" vì muốn “phát triển năng lực” cho học trò thì trước hết hãy để thầy cô phát triển năng lực trước đã.

Lẽ nào thầy dạy cho trò phát triển năng lực, dạy cho học trò phẩm chất trung thực mà thầy lại bị ràng buộc giáo án theo một khuôn mẫu cứng nhắc! Một khi giáo viên quá tải họ sẽ phải làm đối phó và tất nhiên những tiêu cực cũng sẽ xảy ra nhiều hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-27-2020-tt-bgddt-quy-dinh-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-190364-d1.html

[2]https://thanhnien.vn/giao-duc/thu-truong-bo-gd-dt-giao-vien-can-duoc-tao-dong-luc-giam-ap-luc-de-doi-moi-1332820.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, câu chuyện của tác giả.

Tinh giản sổ sách gỡ gánh nặng giấy tờ cho giáo viên

THANH AN