Bước vào năm học mới, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn đã có những chia sẻ liên quan đến kế hoạch phát triển năm học 2023-2024.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn, trong năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 281 trường mầm non, phổ thông, trong đó có: 106 trường mầm non, 65 trường tiểu học, 47 trường tiểu học và trung học cơ sở, 49 trường trung học cơ sở, 04 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, 10 trường trung học phổ thông (giảm 06 trường so với năm học 2022-2023, trong đó giảm 02 trường mầm non, giảm 03 trường tiểu học, tăng 01 trường tiểu học và trung học cơ sở, giảm 02 trường trung học cơ sở); thực hiện dồn, ghép và xoá 36 điểm trường (trong đó 16 điểm mầm non, 20 điểm tiểu học).
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: NVCC. |
Thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 1678/QĐ-UBND ngày 10/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh).
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện xây mới, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học cho các nhà trường từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn đầu tư công, ngân sách địa phương.
Trong đó, chú trọng thực hiện kiên cố hóa phòng học, xây dựng phòng học bộ môn, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Tổng số kinh phí đã bố trí thực hiện là hơn 750 tỷ đồng để thực hiện đầu tư cơ sở vật chất trong giai đoạn 2021-2025.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã bố trí hơn 200 tỷ đồng cho Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện mua sắm bổ sung thiết bị dạy học cho các trường học.
Hiện nay, các đơn vị đã và đang thực hiện thủ tục mua sắm thiết bị cho các nhà trường. Nhìn chung, các nhà trường đủ phòng học để tổ chức dạy và học trong năm học 2023-2024; sau khi hoàn thành việc mua sắm thiết bị, các trường cơ bản có thiết bị tối thiểu để phục vụ dạy và học đối với các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Tuy nhiên, Bắc Kạn là tỉnh còn nhiều khó khăn nên nhiều trường chưa đủ phòng học bộ môn, thiết bị dạy học chưa đầy đủ theo danh mục tối thiểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường Trung học cơ sở Bắc Kạn (thành phố Bắc Kạn) đón năm học mới. Ảnh: NVCC. |
Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện từng bước bổ sung phòng học bộ môn, thiết bị dạy học tối thiểu cho các nhà trường.
Để tháo gỡ những khó khăn về thiết bị dạy học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường tiếp tục khai thác sử dụng thiết bị đã có, tăng cường tự làm thiết bị dạy học, khai thác, sử dụng học liệu điện tử, trên Internet,… phục vụ dạy học.
Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xem xét hỗ trợ đối với tỉnh Bắc Kạn trong thời gian tới.
Về đội ngũ, tính đến thời điểm hiện tại, ngành Giáo dục và Đào tạo được cấp có thẩm quyền giao 7.219 (trong đó có 5.708 biên chế giáo viên và Tổng phụ trách Đội) người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp.
Về đội ngũ giáo viên tại các cơ sở giáo dục: Các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập từ cấp mầm non đến trung học phổ thông và các trung tâm có 5.242 giáo viên.
So với kế hoạch phát triển năm học 2023-2024, số biên chế giáo viên đang tạm giao của các đơn vị đảm bảo định mức theo quy định (Số giáo viên theo nhu cầu: 5.672)
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, mới có mặt 5.279 giáo viên nên so với nhu cầu còn thiếu 393 giáo viên.
Về khó khăn trong vấn đề đội ngũ, hiện, vẫn còn một số ít đơn vị đang thực hiện Kế hoạch tuyển dụng viên chức năm 2022 (huyện Chợ Đồn, huyện Bạch Thông).
Số hồ sơ nộp có những môn không có hoặc không đủ số lượng hồ sơ theo chỉ tiêu tuyển dụng (Nguồn tuyển hạn chế ở một số môn học mới: Đại học Sư phạm liên môn ở cấp trung học cơ sở (môn Lịch sử và Địa lý; môn Khoa học tự nhiên), môn Tiếng Anh, Tin học - Công nghệ cấp tiểu học,…).
Điều này, một phần do tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên các cấp từ mầm non đến trung học cơ sở nâng lên theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.
Kết quả tổ chức thi tuyển: Có những vị trí việc làm, chất lượng của một số ứng viên làm bài ở một số môn học còn hạn chế, không đủ điểm nên không tuyển đủ so với chỉ tiêu thông báo tuyển dụng.
Chính vì vậy, sau khi có kết quả tuyển dụng ở một số đơn vị, vẫn xảy ra tình trạng số giáo viên biên chế chưa đủ theo số biên chế được giao. Dẫn đến, ở tất cả các cấp học vẫn còn thiếu giáo viên.
Đặc biệt, còn thiếu giáo viên ở một số môn học như: Tiếng Anh, Lịch sử và Địa lý; Khoa học - Tự nhiên; Ngữ văn; Tin học.
Để đảm bảo số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên cho năm học 2023-2024, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện những nội dung sau:
Thứ nhất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện rà soát, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ theo hướng: Ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học; linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có, những khối lớp triển khai thực hiện trước thì ưu tiên đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo quy định, thực hiện bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp; điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu...
Đồng thời, rà soát nhu cầu tuyển dụng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2021-2022 đến năm học 2024-2025 của các cấp học để tiếp tục bố trí, bổ sung biên chế, chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên. Thực hiện rà soát, xây dựng phương án đối với giáo viên Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), trong đó, xây dựng lộ trình cụ thể, phù hợp với địa phương đến hết năm 2030, đặc biệt quan tâm đến năm học 2022-2023 để bố trí đủ giáo viên cho những trường còn thiếu (như: thực hiện tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, ký hợp đồng thỉnh giảng, biệt phái giáo viên) nhằm đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy, không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên khi thực hiện chương trình mới.
Thứ hai, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các trường đại học thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ ba, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan để:
Tăng cường công tác tuyển dụng nhằm đảm bảo đủ giáo viên theo đúng số biên chế đã được giao, đáp ứng việc dạy và học tại các cơ sở giáo dục theo từng cấp học, môn học.
Tiến hành rà soát đội ngũ, thông báo hợp đồng giáo viên trong chỉ tiêu biên chế được giao để thực hiện nhiệm vụ trong khi đợi thực hiện tuyển dụng đảm bảo giáo viên năm học 2023-2024.
Vị Giám đốc Sở cũng thông tin thêm: "Những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn chú trọng, quan tâm chỉ đạo các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình; các chính sách khuyến khích, ưu đãi về chế độ phụ cấp và các chính sách khác đối với nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (phụ cấp thâm niên nhà giáo, phụ cấp ưu đãi nhà giáo)...
Tuy nhiên, vẫn có nhiều cán bộ quản lý, giáo viên xin nghỉ việc với một số lý do chủ yếu như: Do sức khỏe yếu, không đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ được giao (mắc bệnh nan y, đi chữa bệnh,...); do tìm được công việc khác có thu nhập cao hơn so với lương, chế độ của giáo viên; hoặc để hợp lý hóa gia đình (ra nước ngoài sinh sống cùng gia đình hoặc chuyển nơi sinh sống ra ngoài tỉnh Bắc Kạn sau hôn nhân); do nguyện vọng của cá nhân không muốn tham gia công tác và các lý do khác.
Ngoài ra, đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, lý do cơ bản là thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, nhất là do ảnh hưởng từ đợt dịch Covid-19, nhiều nhóm trẻ không hoạt động do không có trẻ theo học, xin giải thể.
Số liệu cán bộ quản lý, giáo viên xin thôi việc trong giai đoạn 2020-2023, cụ thể như sau: Có 51 cán bộ quản lý, giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục công lập từ cấp mầm non đến cấp trung học phổ thông; có 77 giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập".
"Để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương, chúng tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đáp ứng các điều kiện (về kinh phí, nội dung, tài liệu…) để tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên Ngoại ngữ, Tin học" - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh bắc Kạn bày tỏ.
Trường Trung học cơ sở Bắc Kạn bảo dưỡng phòng máy học Tin học. Ảnh: NVCC. |
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, ở một số xã vùng sâu, vùng xa, trong những năm qua vẫn còn xảy ra tình trạng học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông không trở lại trường sau những kỳ nghỉ dài (nghỉ hè, nghỉ Tết Nguyên đán...).
Nguyên nhân chính được lý giải: Một số nhà trường và giáo viên chưa thật sự quan tâm sâu sát đến các học sinh có khó khăn trong học tập để giúp đỡ, động viên kịp thời; học sinh có kết quả học tập yếu kém, chưa đạt yêu cầu của chương trình; một số học sinh không có ý chí vươn lên trong học tập, ngại khó, ham chơi; nhận thức của một bộ phận người dân về việc học tập của con còn hạn chế, chưa quan tâm tạo điều kiện đi học; một số học sinh không xác định được mục tiêu học tập, nghỉ học để đi làm...
Để hạn chế tình trạng học sinh nghỉ học, ngay từ thời điểm trước thềm năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, cụ thể:
Chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho địa phương rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp; những trường đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất thì chuyển thành trường bán trú để tạo điều kiện cho học sinh đến trường. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa, từ các nhà hảo tâm để tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường, hỗ trợ giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Các nhà trường xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp, tạo hứng thú cho học sinh mỗi ngày đến trường. Tạo môi trường thân thiện, gần gũi, tâm sự với học sinh, lắng nghe học sinh chia sẻ nhiều hơn, không tạo áp lực cho học sinh khi đến trường. Học sinh đến trường được tham gia các hoạt động tập thể, được hiểu biết nhiều kiến thức mới cần thiết cho cuộc sống như: kỹ năng chăm sóc sức khỏe giới tính, nấu ăn, chống xâm hại, chống tệ nạn tảo hôn...
Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học, phụ đạo, giúp đỡ học sinh yếu kém để hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học do học lực yếu, kém.
Các trường học chỉ đạo giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp phải nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của từng học sinh để động viên, chia sẻ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong học tập và sinh hoạt của học sinh.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời những chính sách của nhà nước ưu tiên, hỗ trợ học sinh như: miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ tiền ăn, nhà ở và hỗ trợ gạo cho các đối tượng học sinh dân tộc thiểu số ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn...
Các trường học phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc quản lý học sinh, tuyên truyền, vận động học sinh trở lại trường học sau các kỳ nghỉ dài ngày nhằm duy trì tốt sĩ số học sinh.
Để triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn cho biết, toàn ngành đã xác định 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, tiếp tục chỉ đạo toàn ngành thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII; Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 5 năm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025 và các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo gắn với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị.
Hai là, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Tăng cường công tác quản lý đội ngũ giáo viên, coi trọng việc nâng cao đạo đức, tinh thần trách nhiệm của nhà giáo; thực hiện đúng quy chế làm việc và văn hóa công sở. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tiếp tục thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phục vụ cho triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ba là, thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Tăng cường sinh hoạt chuyên môn đảm bảo hiệu quả; tổ chức bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh; tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo quy định; quan tâm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông; quan tâm công tác ôn luyện đội tuyển tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi trung học phổ thông quốc gia… để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
Bốn là, tiếp tục tích cực, chủ động trong công tác tham mưu, chỉ đạo, phối hợp để thực hiện và chuẩn bị các điều kiện (về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương...) thực hiện chương trình, sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 cấp tiểu học; lớp 6, lớp 7, lớp 8 cấp trung học cơ sở và lớp 10, lớp 11 cấp trung học phổ thông.
Năm là, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời, có hiệu quả các dự thảo Tờ trình đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, ban hành các chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Sáu là, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó tập trung thực hiện xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia năm 2023 và 2024 theo chỉ tiêu Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Bảy là, thực hiện tốt công tác quản lý tài chính, tài sản; làm tốt việc khai thác sử dụng tài sản công, thực hiện nghiêm túc công tác bảo trì các công trình theo quy định. Thực hiện nghiêm túc công tác công khai tài chính, tài sản và công khai trong các cơ sở giáo dục theo quy định và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Tám là, đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo; thực hiện nghiêm túc lề lối làm việc và việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh hiện tốt công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, quản lý giáo dục và thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua; tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
Chín là, tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra (thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành) ở các cấp học và công tác kiểm tra nội bộ của cơ sở giáo dục. Thực hiện có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng.
Mười là, tiếp tục tham mưu, thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Mười một là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; chú trọng xây dựng cảnh quan, môi trường trong các nhà trường; thực hiện tốt công tác y tế trường học, phòng chống dịch bệnh để đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên.