Thiếu 688 giáo viên, sắp xếp, điều chuyển để đảm bảo định mức
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ đã chia sẻ về công tác chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024 trên địa bàn.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ thông tin, về cơ sở vật chất trường lớp: Ngay từ khi kết thúc năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, đặc biệt đảm bảo cho ít nhất là mỗi lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 có 01 phòng học riêng, được học 2 buổi/ngày (ít nhất 09 buổi/tuần) nhằm đáp ứng việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Để đảm bảo thực hiện kế hoạch giáo dục năm học, Sở đã chỉ đạo các trường trung học bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu như phòng chức năng để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học, tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm chất lượng việc dạy học.
Toàn thành phố hiện có 7.097 phòng học và phòng chức năng, trong đó: Mầm non 1.731 phòng, tiểu học 3.140 phòng, trung học cơ sở 1.346, trung học phổ thông 880 phòng. Việc đầu tư, nâng cấp sửa chữa trường lớp được quan tâm thực hiện.
Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ. Ảnh: NVCC. |
Trong năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo khởi công đầu tư xây dựng 05 dự án với tổng mức đầu tư vốn ngân sách nhà nước là 193.828 triệu đồng gồm: dự án Trường Trung học phổ thông chuyên Lý Tự Trọng 79.992 triệu đồng, dự án Trường Dạy trẻ khuyết tật 8.853 triệu đồng, dự án Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Tân Lộc 39.995 triệu đồng, dự án Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Thới Thuận 39.999 triệu đồng, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú 24.989 triệu đồng. Hiện tại đang hoàn thiện thủ tục phê duyệt, chuẩn bị triển khai thi công vào cuối quý III năm 2023 và hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2024.
Trong năm học, Sở đã phối hợp với các đơn vị có liên quan, các đơn vị trực thuộc thực hiện nâng cấp, sửa chữa 08 trường trung học phổ thông với kinh phí 14,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục năm 2022; tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất chủ trương nâng cấp, sửa chữa 13 trường trung học phổ thông từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục năm 2023 với tổng mức đầu tư trên 18 tỷ đồng. Đối với các cơ sở giáo dục thuộc quận, huyện quản lý, trong năm 2023, cũng đã lập kế hoạch thực hiện nâng cấp, cải tạo 94 trường và xây dựng mới 14 trường từ nguồn kinh phí thành phố bố trí.
Sở và Ủy ban nhân dân quận, huyện đã bố trí kinh phí thực hiện cung cấp trang thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm bảo triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Với hiện trạng cơ sở vật chất nêu trên, cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông.
Về chuẩn bị nhân sự cho năm học mới: Để chuẩn bị cho năm học 2023-2024, đối với các đơn vị trực thuộc, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 1777/SGDĐT-TCCB ngày 23/6/2023 về việc rà soát, sắp xếp, bố trí số lượng học sinh trên lớp, nhóm lớp và cơ cấu lại viên chức, giáo viên theo đúng định mức quy định; thống kê số lớp, số học sinh và dự kiến số lượng người làm việc năm học 2023-2024; trong đó yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị rà soát, sắp xếp số lượng học sinh/lớp, đặc biệt là có phương án sắp xếp, điều chuyển đối với những trường hợp dôi dư cục bộ.
Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét, điều chuyển nội bộ 20 giáo viên; đồng thời phối hợp với Sở Nội vụ đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố điều chuyển số lượng người làm việc ở 16 đơn vị (08 đơn vị giảm, 08 đơn vị tăng số lượng người làm việc).
Dự kiến sau khi sắp xếp, đội ngũ giáo viên tại các đơn vị đảm bảo định mức đúng quy định; đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Đối với các đơn vị thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân quận, huyện; Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục đề nghị Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo các cơ quan tham mưu đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác tuyển dụng; chuẩn bị đầy đủ nhân sự cho năm học mới.
Tính đến tháng 6/2023, số giáo viên còn thiếu trên địa bàn thành phố Cần Thơ là 688 giáo viên.
Cụ thể như sau:
Nhìn chung, tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn thành phố Cần Thơ xảy ra ở tất cả các cấp học, bậc học nhưng bức xúc nhất là thiếu giáo viên ở cấp tiểu học.
Theo khảo sát, nếu tính theo nhu cầu để dạy các môn tự chọn, số lượng giáo viên thiếu ở cấp tiểu học là 313 giáo viên, trong đó, nhiều nhất là giáo viên giảng dạy các môn cơ bản (162 giáo viên), tiếp đến là giáo viên môn Tin học (46 giáo viên), môn Tiếng Anh (44 giáo viên), môn Âm nhạc (24 giáo viên).
Nếu tính theo nhu cầu để dạy các môn bắt buộc, số giáo viên thiếu là 269 giáo viên (môn cơ bản thiếu 162 giáo viên, môn Tin học thiếu 39 giáo viên, môn Tiếng Anh thiếu 28 giáo viên, môn Âm nhạc thiếu 24 giáo viên).
Đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, ngoài các môn chưa có giáo viên có chuyên ngành đào tạo đúng với môn học (môn Lịch sử và Địa lý và môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Giáo dục địa phương ở cấp trung học phổ thông); số lượng giáo viên thiếu nhiều tập trung ở các môn Âm nhạc (36 giáo viên), Mỹ thuật (32 giáo viên), Tiếng Anh (25 giáo viên), Tin học (24 giáo viên).
Theo Giám đốc Sở chia sẻ, tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn thành phố Cần Thơ xảy ra ở tất cả các cấp học, bậc học nhưng bức xúc nhất là thiếu giáo viên ở cấp tiểu học. Ảnh: NVCC. |
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc nghỉ hưu, tinh giản biên chế, thiếu nguồn tuyển
Lý giải nguyên nhân của việc thiếu giáo viên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cho biết: “Nguyên nhân bắt nguồn từ: Năm học 2022-2023, một số quận, huyện chưa thực hiện tuyển dụng giáo viên (quận Cái Răng, quận Ninh Kiều, quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh).
Các đơn vị đã thực hiện tuyển dụng nhưng số lượng người dự tuyển không đủ so với chỉ tiêu, dẫn đến tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu (các đơn vị trực thuộc Sở tuyển được 73/106 chỉ tiêu, quận Bình Thủy chỉ tuyển được 41/78 chỉ tiêu, quận Ô Môn tuyển được 30 người và huyện Thới Lai tuyển 29 người).
Số lượng giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc, nghỉ theo chế độ tinh giản biên chế ở các trường trong thời gian qua tương đương với số lượng giáo viên tuyển được.
Việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới có thêm một số môn học mới trong khi chưa có ngành đào tạo theo môn học mới, dẫn đến việc giáo viên cùng lúc giảng dạy nhiều nội dung, tạo thêm áp lực cho giáo viên”.
Ông Trần Thanh Bình cũng đề cập đến một số giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên: “Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, thực hiện việc tuyển dụng để bổ sung giáo viên: Đối với các đơn vị trực thuộc Sở: Sở sẽ tiếp tục phê duyệt Kế hoạch tuyển dụng của các đơn vị để bổ sung giáo viên giảng dạy; Đối với các quận, huyện: đề nghị Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo sớm thực hiện việc tuyển dụng viên chức bổ sung cho số lượng giáo viên còn thiếu.
Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện hợp đồng đối với giáo viên trong thời gian chờ tuyển dụng; phối hợp với Ủy ban nhân dân quận huyện hướng dẫn các đơn vị hợp đồng giáo viên, giải quyết kịp thời tình trạng thiếu giáo viên tại các đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện.
Thứ ba, tiếp tục đầu tư kinh phí mua sắm thiết bị dạy học đảm bảo thực hiện đổi mới giáo dục.
Thứ tư, phối hợp với các cơ sở đào tạo để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên bằng các hình thức khác nhau như: bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học mới, đào tạo văn bằng 2,…
Thứ năm, phối hợp với Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét cho hợp đồng giáo viên có trình độ cao đẳng sư phạm đối với những môn học còn thiếu giáo viên trong thời gian chờ tuyển dụng”.
Học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền (thành phố Cần Thơ) hào hứng thiết kế sản phẩm trong bài học STEM. Ảnh: NVCC. |
Cải thiện chính sách cho nhà giáo, xây dựng môi trường sư phạm tích cực
Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho năm học 2023-2024, nhất là đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao, ông Trần Thanh Bình cho biết, trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo thành phố sẽ tập trung thực hiện những nội dung sau: “Tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xem đào tạo, bồi dưỡng là nhiệm vụ chiến lược trong việc phát triển đội ngũ nhà giáo.
Trong đào tạo phải gắn với nhu cầu, đạo tạo theo địa chỉ; kết hợp đồng thời đào tạo với việc nâng cao chất lượng tuyển sinh sư phạm.
Bên cạnh đó, cần đa dạng các loại hình bồi dưỡng: bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo chuyên đề,… gắn việc bồi dưỡng lý thuyết với tham quan các mô hình tốt, cách làm hay, những hoạt động chia sẻ kinh nghiệm,…
Đổi mới công tác đánh giá, xếp loại nhà giáo, lấy kết quả đánh giá làm căn cứ để đề bạt, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ quản lý đối với nhà giáo.
Cải thiện chính sách đối với nhà giáo. Xây dựng môi trường sư phạm tích cực để nhà giáo yên tâm cống hiến”.
Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả đáng kể.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về quá trình đổi mới giáo dục phổ thông, tăng cường công tác truyền thông giúp xã hội, Nhân dân hiểu và đồng thuận, đồng hành với ngành giáo dục trong quá trình triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Hai là, tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách phù hợp để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tạo tiền đề dịch chuyển chất lượng dạy và học tiến theo sự đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Ba là, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường, lớp, quy mô học sinh để tạo điều kiện thuận lợi nhất, công bằng nhất cho các đối tượng người học được thụ hưởng nền giáo dục tốt nhất, toàn diện nhất.
Bốn là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đảm bảo về trình độ đào tạo, kỹ năng nghề nghiệp.
Năm là, tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Lãnh đạo Sở cùng huyện ủy Thới Lai tham quan phòng học thông minh tại Trường Trung học cơ sở Thị trấn Thới Lai (thành phố Cần Thơ). Ảnh: NVCC. |
Theo Giám đốc Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2023-2024, Sở sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục bám sát văn bản chỉ đạo, điều hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố; tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của các cấp ủy đảng, chính quyền; phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận huyện chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn; cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về lĩnh vực giáo dục và đào tạo phù hợp với đặc điểm tình hình của ngành và tình hình kinh tế - xã hội của thành phố.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục. Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ nhà giáo; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thực sự gương mẫu, là tấm gương cho học sinh noi theo. Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Thứ ba, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng văn hóa học đường, đảm bảo môi trường giáo dục thật sự an toàn, lành mạnh, thân thiện; chủ động ngăn ngừa bạo lực học đường và các tệ nạn xâm nhập học đường. Tăng cường công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường trên địa bàn thành phố.
Thứ tư, tiếp tục rà soát, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng hiện đại, đồng bộ và chuẩn hoá, bảo đảm đạt mức tối thiểu về cơ sở vật chất theo quy định đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân thành phố. Đồng thời, tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục góp phần vào sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo thành phố.
Thứ năm, đặc biệt, quan tâm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đảm bảo chất lượng triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non; chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thứ sáu, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh; các nhà trường phải đi đầu trong việc khai thác, sử dụng hiệu quả các phương tiện dạy học hiện đại, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác dạy học và công tác quản lý để thực sự là nơi đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ; thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh diện chính sách xã hội, quan tâm tạo cơ hội học tập cho học sinh khuyết tật.
“Với sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo thành phố; sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban, ngành, địa phương; sự chung tay góp sức của Nhân dân thành phố đối với sự phát triển giáo dục thành phố và sự nỗ lực quyết tâm của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo toàn ngành, tôi tin tưởng rằng, ngành giáo dục và đào tạo thành phố sẽ tiếp tục duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về giáo dục được giao; hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2023-2024 góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố” - Giám đốc Trần Thanh Bình bày tỏ.
Cần Thơ tạm thời chưa thu học phí
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ, trong năm học mới 2023-2024, thành phố chưa ban hành mức thu học phí mới. Lý do, đang chờ Chính phủ sửa đổi hoặc ban hành nghị định thay thế Nghị định số 81/2021. Vì vậy, tạm thời năm học mới các trường sẽ chưa thu học phí. Dự kiến mức thu học phí sẽ chờ trình Hội đồng nhân dân vào kỳ họp cuối năm 2023, sau khi Chính phủ ban hành nghị định mới.
Trước đó, trong thời điểm ảnh hưởng dịch Covid-19, Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ đã thông qua nghị quyết hỗ trợ 100% mức thu học phí đối với học sinh thuộc cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023.