Bác sĩ Đoàn Tiến Dương: "Nghiên cứu khoa học phải phục vụ lợi ích người bệnh"

14/09/2024 06:21
Trần Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Tiến Dương là một trong 135 nhà khoa học được xướng tên tại lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Tiến Dương (sinh năm 1984), là một trong những người trẻ tuổi nhất vinh dự được tôn vinh là trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024.

Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Tiến Dương là Trưởng khoa Ngoại thận - Tiết niệu - Nam học của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang và Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Bắc Giang.

Trở thành bác sĩ vì mong muốn chăm sóc cho mẹ

Nhận bằng khen tại lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024, bác sĩ Đoàn Tiến Dương chia sẻ: "Tôi cảm thấy mình rất may mắn, vinh dự và tự hào khi được tôn vinh cùng các thầy cô, các nhà khoa học tiền bối trong nhiều lĩnh vực, "các cây đa, cây đề" về khoa học và công nghệ.

Được tôn vinh trong buổi lễ trang trọng là động lực to lớn để thôi thúc bản thân cố gắng hơn nữa trong sự nghiệp còn rất dài ở phía trước, đó là chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân".

doan-tien-duong-tk-ngoai-than-0d965bb998-7939.jpg
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Tiến Dương - Trưởng Khoa Ngoại thận - Tiết niệu - Nam học của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NVCC.

Về lý do chọn khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, bác sĩ Dương tâm sự: "Ngày nhỏ, mẹ tôi làm nghề nông, gia đình có 3 anh em trai, gia đình khó khăn. Mẹ thường xuyên đau ốm, nên tôi thầm tự nhủ, nếu mình trở thành bác sĩ, sẽ có thể quan tâm, chăm lo sức khoẻ cho mẹ và gia đình tốt hơn".

Tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên), năm 2008, bác sĩ trẻ về công tác tại Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.

Năm 2015, sau khi học xong cao học chuyên ngành Ngoại khoa tại Trường Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Đoàn Tiến Dương được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.

Năm 2019, bác sĩ Dương đi học lớp nâng cao trình độ chuyên khoa II (chuyên ngành Ngoại khoa) tại Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên).

Từ năm 2022 đến nay, Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Tiến Dương đảm nhận vai trò Trưởng khoa Ngoại thận - Tiết niệu - Nam học của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.

Nam bác sĩ nhớ lại: "Năm 2018, khi tôi làm việc ở Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, chuyên ngành Ngoại - Tiết niệu còn nhiều kỹ thuật mới chưa được áp dụng, với rất nhiều bệnh nhân có bệnh lý cần can thiệp ngoại khoa.

Ông ngoại của vợ tôi khi đó là Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Đinh Đăng Bảng đã có nhiều động viên, khích lệ tôi quyết tâm đi sâu vào kỹ thuật ngoại khoa, chuyên ngành Ngoại thận - Tiết niệu - Nam học".

Theo bác sĩ Dương, đây là chuyên khoa đặc thù, có nhiều phương pháp điều trị từ Tây y đến Đông y, bác sĩ cần giải thích, tư vấn cho người bệnh lựa chọn phương pháp điều trị khoa học, chính xác. Bác sĩ phải có chuyên môn giỏi, nhiệt tình, khéo léo, nắm bắt tâm lý từng bệnh nhân để có thể điều trị tốt và dự phòng tái phát bệnh.

Nghiên cứu khoa học để người bệnh bớt đau đớn, tốn kém

Với cương vị Trưởng Khoa Ngoại thận - Tiết niệu - Nam học, Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Tiến Dương luôn tích cực tìm tòi, áp dụng một số kỹ thuật y học mới, chuyên sâu, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.

Đến nay, vị Trưởng khoa đã làm chủ nhiều kỹ thuật khó như: Phẫu thuật nội soi lấy sỏi niệu quản, tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng bằng laser, tán sỏi qua da, phẫu thuật nội soi cắt thận, phẫu thuật nội soi cắt u xơ tiền liệt tuyến…

z5784280299695-3c96b978775f14ce83b1faef395e7f5c-2137.jpg
Bác sĩ Đoàn Tiến Dương (đứng giữa) được trao bằng khen tại lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024. Ảnh: NVCC.

Năm 2015, bác sĩ Dương có đề tài nghiên cứu khoa học gây tiếng vang đầu tiên là “Kết quả tán sỏi nội soi niệu quản 1/3 dưới bằng Holmium Laser tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang năm 2013-2014”.

Phương pháp phẫu thuật cũ được áp dụng là mổ mở, khiến bệnh nhân đau đớn do phải trải qua đại phẫu. Sau hơn một tháng, người bệnh mới có thể sinh hoạt bình thường, mà khi tái phát, vẫn buộc phải can thiệp lần hai, chi phí tốn kém.

Trước những nhược điểm ấy, bác sĩ Dương mạnh dạn xây dựng đề tài nghiên cứu trên. Đến nay, kỹ thuật này được áp dụng, thay thế hoàn toàn phương pháp cũ, giúp người bệnh giảm bớt tổn hại về sức khỏe, thời gian điều trị và viện phí.

Chia sẻ về thành quả này, Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Tiến Dương cho biết: “Ban đầu khi mới triển khai, tôi cũng gặp không ít trở ngại, do đây là kỹ thuật mới, đòi hỏi người thực hiện ngoài trình độ chuyên môn còn phải thao tác khéo léo để đạt hiệu quả tốt nhất. Tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu các tài liệu y khoa liên quan, đồng thời, thường xuyên tham khảo ý kiến của các bác sĩ đầu ngành”.

z5783912781035_e3b691a7360173f32e7f2a47ed74e838.jpg
Bác sĩ Dương cùng ekip thực hiện một ca mổ nội soi. Ảnh: NVCC.

Từ đó đến nay, anh cùng đồng nghiệp có 9 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở được áp dụng thành công trong thực tiễn; có 3 đề tài đoạt giải Nhì, 1 đề tài đoạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang vào các năm 2017, 2019, 2021 và 2023.

Bác sĩ Dương tâm huyết và dành nhiều thời gian với đề tài "Đánh giá kết quả phương pháp tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang". Kỹ thuật này được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang từ năm 2017, là một trong các bệnh viện tuyến tỉnh sớm áp dụng kỹ thuật ít xâm lấn này.

Vị bác sĩ chia sẻ về các công trình khoa học của mình: "Kỹ thuật phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý ngoại tiết niệu là phương pháp điều trị "xâm lấn tối thiểu với hiệu quả tối đa". Đây là kỹ thuật chủ yếu của hiện tại và tương lai, cũng là nhu cầu của người bệnh hiện tại và tương lai.

Trong quá trình áp dụng các phương pháp điều trị ít xâm lấn này, thử thách khó khăn nhất là áp dụng được những kỹ thuật của các bệnh viện tuyến Trung ương tại tỉnh Bắc Giang, làm sao cho người bệnh, người nhà tin tưởng để bác sĩ có thể tự tin thực hiện độc lập kỹ thuật này tại địa phương.

Do đó, cần có thời gian nghiên cứu lý thuyết, thực hành tại bệnh viện tuyến Trung ương và thực tiễn "cầm tay chỉ việc" của các thầy ở bệnh viện tuyến Trung ương tại địa phương".

IMG_2971.jpg
Bác sĩ Dương đi thăm hỏi tình hình sức khỏe một bệnh nhân. Ảnh: NVCC.

Theo bác sĩ Dương, "chìa khoá" để có một nghiên cứu khoa học hoàn thiện và áp dụng thành công trong thực tiễn là nghiên cứu đó phải xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn của người bệnh và kết quả quay lại phục vụ lợi ích cho người bệnh.

Anh cũng cho biết, nghiên cứu trong Y học là nghiên cứu mang tính đặc thù riêng, liên quan đến sức khoẻ con người, nên thiết kế nghiên cứu khó khăn, phức tạp hơn với chi phí cao hơn các lĩnh vực khác.

Mỗi cá nhân có phản ứng, tác động khác nhau với thuốc, phương pháp điều trị khác nhau, nên phiên giải kết quả khó khăn. Đặc biệt, phải xét đến yếu tố đạo đức, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, an toàn, quy trình nghiên cứu nghiêm ngặt...

Bác sĩ Ngoại khoa cần "trái tim ấm, cái đầu lạnh" cùng với đôi bàn tay khéo léo

Với vai trò Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Bắc Giang, Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Tiến Dương tích cực tổ chức, vận động nhiều nguồn lực xây dựng Hội ngày càng phát triển; tập hợp trí thức, thầy thuốc trẻ trong toàn tỉnh tham gia khám, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho người dân.

Nam bác sĩ nhớ lại: "Chuyến công tác về với xã Cấm Sơn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) năm 2009 là kỷ niệm khó quên với bản thân tôi. Số lượng người đến khám bệnh vượt hơn nhiều so với dự kiến, do trùng vào ngày chợ phiên. Mặc dù rất đói và mệt, nhưng đội ngũ thầy thuốc chúng tôi vẫn cố gắng khám, tư vấn bệnh cho bà con đến 2 giờ chiều".

Nghề bác sĩ ngoại khoa vất vả và gần như không có ngày nghỉ. Dù vậy, anh vẫn tranh thủ cho những sở thích cá nhân. Anh chia sẻ, rất đam mê chạy bộ và từng tham gia nhiều giải marathon.

z5790909842750_34502b6633b775deaaf2c30324c0977d.jpg
Bác sĩ Dương tham gia một cuộc thi marathon cự ly 10km. Ảnh: NVCC.

"Cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân là tìm niềm vui trong công việc, cố gắng sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý, dành thời gian cho gia đình, tranh thủ tham gia thể dục, thể thao. Chạy bộ cũng là cách giúp bản thân tôi giải toả căng thẳng trong công việc và cuộc sống" - anh bày tỏ.

Việc được vinh dự trở thành 1 trong 135 trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024, chắc chắn sẽ là động lực to lớn để Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Tiến Dương cố gắng hơn nữa trong quá trình công tác sắp tới. Vị bác sĩ cũng rất mong mỏi, những dấu ấn của mình sẽ truyền cảm hứng cho các thế hệ sinh viên quyết tâm theo đuổi Ngoại khoa.

"Bác sĩ Ngoại khoa cần "trái tim ấm, cái đầu lạnh" với đôi bàn tay khéo léo, nên cần có niềm đam mê theo đuổi nghề nghiệp, không ngại khó, không ngại vất vả... vì tình trạng cấp cứu của người bệnh rất đột xuất, không kể sớm tối, ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Đặc biệt, cần có kiến thức vững vàng, ham học hỏi, sáng tạo trong khoa học, kỹ thuật" - nam bác sĩ nhắn nhủ.

Những thành tích của Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Tiến Dương:

- Giải Nhì Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ 7 năm 2016 - 2017 và lần 8 năm 2018-2019, giải Ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần 9 năm 2020-2021.

- Giải B Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang lần thứ 2, năm 2020.

- Danh hiệu Trí thức Bắc Giang tiêu biểu lần thứ Nhất năm 2021.

- Bằng khen của: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, Hội liên hiệp thanh niên tỉnh Bắc Giang, Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Giang.

- Giấy khen của: Ban chấp hành Đảng ủy Các cơ quan tỉnh Bắc Giang, Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Các cơ quan tỉnh Bắc Giang, Ban chấp hành Công đoàn ngành Y tế Bắc Giang, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Động, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lạng Giang (Bắc Giang).

Trần Trang