Sĩ số học sinh hiện nay, ở một số địa phương (thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Biên Hòa, Hà Nội…) đang giao động ở mức 50, 60 thậm chí 70 em/lớp (trong khi, chuẩn là 35 em/lớp).
Thế nhưng, không ít thầy cô giáo nơi đây khi được hỏi lại nói rằng" không thấy áp lực và việc dạy học vẫn diễn ra rất tốt".
Người viết bài cũng là giáo viên nên thấy khá bất ngờ.
Học sinh đông chỉ có thể giảng dạy theo kiểu truyền thống mà khó áp dụng việc đổi mới phương pháp giáo dục (Ảnh minh họa: Vũ Phương) |
Bởi, bản thân hiểu rất rõ, lớp học quá đông thầy cô sẽ rất khó khăn khi giữ trật tự, sẽ không thể tổ chức cho các em học theo phương pháp tích cực và sẽ không thể dạy học phân hóa theo từng đối tượng (học sinh yếu phải kèm, học sinh giỏi phải bồi dưỡng).
Nếu giáo viên dạy theo đúng yêu cầu của việc đổi mới phương pháp dạy học và làm đúng trách nhiệm thì với sĩ số học sinh như thế, người thầy sẽ vô cùng mệt mỏi, học sinh học sẽ vô cùng vất vả và chất lượng học tập của các em vẫn không cao.
Nghi ngờ với những điều đồng nghiệp chia sẻ, sĩ số học sinh đông không ảnh hưởng gì đến việc giảng dạy và tổ chức học tập, chúng tôi đã tìm hiểu và vô cùng bất ngờ với những lý do đằng sau ấy.
Sì số đông, nhà trường và giáo viên đều tăng thu nhập
Học trò càng đông, nhiều khoản tiền rót về trường càng lớn.
Lớp học quá đông, sáng trẻ phải mang chăn, gối đến trường, tối lại mang về |
Chưa nói tiền ngân sách nhà nước, tiền học phí (bậc trung học), tiền hội phí, quỹ lớp của học sinh, tiền học buổi 2, tiền học phụ đạo, tiền học tăng cường, phần trăm các loại tiền bảo hiểm, tiền bán áo quần, sách vở, văn phòng phẩm…
Sĩ số đông, nhà trường sẽ thu vào với số tiền khủng.
Còn giáo viên?
Lớp học càng đông thì thu nhập trong tháng của thầy cô càng tăng, có rất nhiều khoản tăng trong tháng.
Một giáo viên ở quận Bình Tân thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lớp 3 do cô chủ nhiệm có 55 em, tiền thu buổi chiều 150 ngàn/tháng.
Nhà trường trả theo sĩ số học sinh của lớp. Thế nên, nhờ sĩ số đông, số tiền một tháng cô nhận được hơn 6 triệu đồng.
Một giáo viên ở Bình Dương cho biết, lớp 4 của thầy giảng dạy có tới 60 học sinh. Nhờ thế, tiền nhận buổi chiều của thầy cũng cao hơn nhiều lớp có sĩ số ít hơn.
Đây mới là khoản tiền phụ huynh buộc phải đóng cho con vào buổi chiều.
Ngoài ra, còn khá nhiều khoản tiền khác, giáo viên sẽ nhận được nhờ học sinh đông.
Ví như vào các ngày lễ, Tết, ngày sinh nhật của giáo viên…vào những ngày này, phụ huynh nơi đây thường có thói quen tặng quà, phong bì cho thầy cô.
Một số đồng nghiệp bật mí “Em ít nhất ba trăm ngàn đồng, em nhiều (gia đình có điều kiện) sẽ tặng phong bì từ năm trăm đến một triệu đồng”.
Chỉ làm phép tính nhẩm đơn giản, lớp có sĩ số đông, giáo viên sẽ có một khoản tiền phụ huynh biếu khá lớn.
Nhưng điều quan trọng nhất chính là, lớp càng đông, học sinh đi học thêm càng nhiều và số tiền giáo viên thu được hàng tháng sẽ là con số khủng.
Một giáo viên ở Đồng Nai nói rằng, lớp học sĩ số 55 em phải có tới 50 em đi học thêm ở nhà thầy, cô.
Nơi đây, phụ huynh phần lớn làm trong các công ty, nhà máy, thế nên họ phải buộc gửi con cái cả ngày nhà giáo viên.
Thầy cô sẽ lo ăn buổi trưa và chuẩn bị bài cho các em. Tiền phí một tháng lên đến 1.200.000 ngàn đồng/em.
Sĩ số lớp 1 đến 69 học sinh thì giáo viên phải dạy làm sao đây? |
Lớp 50 em, giáo viên thu vào 60 triệu, còn 60 em thu vào 72 triệu.
Sau khi trừ chi phí ăn uống và công thuê người chăm sóc, giáo viên vẫn còn vài ba chục triệu/tháng.
Vì những lý do trên, có giáo viên còn bật mí nhiều thầy cô lại thích dạy lớp có sĩ số đông hơn những lớp sĩ số ít.
Có thể nói, sĩ số học sinh đông đã mang lại nhiều điều lợi về tài chính cho giáo viên, cho nhà trường.
Nhưng còn phía học sinh thì sao? Đương nhiên sĩ số đông, lớp học ngồi chen chút nhau, các em sẽ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Học trò chịu thiệt
Những giáo viên giảng dạy trong lớp có sĩ số học sinh cao ngất ngưỡng kia cho biết, chỉ có thể tổ chức cho các em học theo kiểu truyền thống (khoanh tay lên bàn, nghe thầy cô giảng và ghi chép bài, về nhà học thuộc).
Nhiều giáo viên khẳng định, không thể dạy học theo phương pháp tích cực vì học sinh đông quá, học thế sẽ rất ồn và thầy cô không thể kiểm soát nổi.
Việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực chỉ được thực hiện trong các tiết dự giờ, thao giảng và các tiết dạy hội thi.
Các lãnh đạo ơi, lớp vẫn còn đông lắm! |
Lớp quá đông, giáo viên cũng không thể dạy theo nhận thức của từng đối tượng học sinh (dạy dưới chuẩn cho học sinh yếu, kém, dạy trên chuẩn cho học sinh giỏi).
Kiến thức dạy chỉ ở tầm trung bình và hơn một chút. Bởi thế, trò yếu cứ yếu, trò khá cũng khó mà lên giỏi vì các em ít nhận được sự chăm sóc riêng của thầy cô.
Có thể thấy, việc nhiều trường học có sĩ số học sinh quá cao như hiện nay chỉ mang đến nguồn lợi riêng cho nhà trường và cho từng giáo viên.
Riêng chất lượng dạy và học của ngành giáo dục lại có chiều hướng thụt lùi.
Bởi thế, trước thềm thay đổi chương trình mới, muốn đạt được những mục tiêu, những kì vọng từ chương trình mang lại như chúng ta đang kì vọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải áp dụng sĩ số chuẩn (35 học sinh/lớp) như đã từng quy định.