Băn khoăn về hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục phổ thông mới

16/01/2019 06:08
THANH AN
(GDVN) - Chương trình giáo dục phổ thông mới đã dành một thời lượng rất lớn cho hoạt động trải nghiệm ở các nhà trường, với 3 tiết/ tuần/lớp.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm được bố trí xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Đây thực tế là một hoạt động bổ ích cho học sinh ngoài những hoạt động dạy và học văn hóa ở trên lớp.

Tuy nhiên, điều mà dư luận băn khoăn nhất là ai sẽ là người hướng dẫn hoạt động này?

Bởi, thực tế hoạt động trải nghiệm đã được áp dụng thực hiện ở cấp Trung học cơ sở trong thời gan gần đây chủ yếu là thông qua các môn học.

Nên, nếu so sánh với chương trình môn học vừa thông qua thì nó có nhiều những điểm không đồng nhất với nhau.

Sách Trải nghiệm sáng tạo đang được triển khai ở cấp Trung học cơ sở ( Ảnh: T.A)
Sách Trải nghiệm sáng tạo đang được triển khai ở cấp Trung học cơ sở ( Ảnh: T.A)

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã dành một thời lượng rất lớn cho hoạt động trải nghiệm ở các nhà trường, với 3 tiết/ tuần/lớp.

Đối với cấp Tiểu học và Trung học cơ sở thì thời lượng cho hoạt động trải nghiệm là 105 tiết/ năm học, chỉ đứng sau môn Tiếng Việt, Toán và Ngoại ngữ 1.

Đến cấp Trung học phổ thông được gọi tên là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và số tiết cũng là 105 tiết/ năm học, số tiết bằng với môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

Như vậy, Ban soạn thảo chương trình đã định hướng thời lượng cho hoạt động này khá cao. Điều này cũng đồng nghĩa là đề cao hoạt động trải nghiệm cho học sinh ở các nhà trường phổ thông trong những năm tới.

Tuy nhiên, theo hướng về nội dung hoạt động trải nghiệm sẽ bao gồm bốn nội dung: “Hoạt động phát triển cá nhân, Hoạt động lao động, Hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng, Hoạt động giáo dục hướng nghiệp.

Nội dung này được thực hiện thông qua sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và câu lạc bộ. Sinh hoạt Sao Nhi đồng, Đội Thiếu niên, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên được tích hợp trong hoạt động trên”.

Nếu như vậy thì hoạt động trải nghiệm sẽ thiên về những hoạt động tập thể ngoài giờ học chính khóa nhiều hơn và người hướng dẫn chủ yếu là các thầy cô Tổng phụ trách Đội (đối với cấp Tiểu học và Trung học cơ sở), Bí thư Đoàn trường (cấp Trung học phổ thông) và các giáo viên chủ nhiệm lớp.

Bởi, cũng theo hướng dẫn của chương trình giáo dục phổ thông mới thì Hình thức tổ chức Hoạt động trải nghiệm sẽ được thực hiện như sau:

Hình thức có tính khám phá (Thực địa – thực tế, Tham quan, Cắm trại, Trò chơi...); Hình thức có tính thể nghiệm, tương tác (Diễn đàn, Giao lưu, Hội thảo, Sân khấu hoá...); Hình thức có tính cống hiến (Thực hành lao động; Hoạt động tình nguyện, nhân đạo...); Hình thức có tính nghiên cứu (Dự án và nghiên cứu khoa học, Hoạt động theo nhóm sở thích)”.

Về thực tế thì bắt đầu từ năm học 2018-2019 này, ngành giáo dục một số địa phương đã tập huấn, triển khai hoạt động trải nghiệm trong các nhà trường và đã tổ chức một số tiết thao giảng chuyên đề cấp Hội đồng bộ môn và các trường cũng đã thực hiện.

Địa phương nơi chúng tôi đang công tác đã yêu cầu là mỗi năm thì từng tổ chuyên môn ít nhất phải thực hiện một chuyên đề về hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Vì thế, các hoạt động trải nghiệm đang được triển khai thiên về đặc trưng của từng môn học nhiều hơn.

Mỗi khối lớp có một cuốn sách được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành vào tháng 5/ 2018 (thời điểm đã thông qua dự thảo chương trình môn học) và bán cho các trường học để hướng dẫn các chủ đề cho hoạt động trải nghiệm của từng môn học.

Bìa bộ sách Trải nghiệm sáng tạo của cấp Trung học cơ sở hiện nay ( Ảnh: T.A)
Bìa bộ sách Trải nghiệm sáng tạo của cấp Trung học cơ sở hiện nay ( Ảnh: T.A)

Các tổ bộ môn căn cứ vào nội dung cuốn sách này để xây dựng chủ đề cho hoạt động trải nghiệm của môn học của mình.

Các chủ đề mà sách Hoạt động trải nghiệm sáng tạo đang triển khai ở các nhà trường được bố trí cho 9 môn học ở khối lớp 6-7 là Toán, Lí, Sinh, Tin, Văn, Sử, Địa, Giáo dục Công dân, tiếng Anh.

Lên khối 8-9 thì có thêm môn Hóa nữa là 10 môn học. Mỗi môn học được bố trí 1-2 chủ đề khác nhau.

Như vậy, sách và hướng dẫn hiện hành là giáo viên môn nào thì phụ trách hoạt động trải nghiệm sáng tạo môn đó.

Như vậy, nếu so sánh với nội dung chương trình môn học chính thức vừa thông qua thì nó có những độ vênh nhất định.

Thực tế, trên các diễn đàn thông tin đại chúng cũng đã có nhiều ý kiến thắc mắc về ai sẽ là người đảm nhận hoạt động trải nghiệm sáng tạo khi áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới nhưng xem ra những câu trả lời của những người có trách nhiệm cũng chưa được thỏa đáng.

Ngay cả trong chương trình môn học thì cách định hướng cũng chưa rõ ràng là ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính về các hoạt động trải nghiệm này.

Bởi, chương trình môn học định hướng như sau: “Hoạt động trải nghiệm có thể được tổ chức tại nhiều thời điểm, địa điểm khác nhau với nhiều nội dung và quy mô khác nhau, bởi vậy, tuỳ theo cách tổ chức để huy động sự tham gia, phối hợp của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường như: giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn, cán bộ Đoàn, tổng phụ trách Đội, Ban Giám hiệu nhà trường, cha mẹ học sinh.

Nhà trường cần tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hoạt động xã hội, nghệ nhân, người lao động tiêu biểu ở địa phương,... cho các hoạt động giáo dục này”.

Nếu, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong chương trình mới mà hướng tới các hoạt động ngoài giờ lên lớp hiện nay thì có phần sẽ khó khăn.

Bởi, thực tế các tiết chào cờ, sinh hoạt lớp thì chủ yếu là thầy cô dành thời gian để giáo dục, kỷ luật học sinh vi phạm.

Các hoạt động lớn như tổ chức văn nghệ, thể thao, đi tham quan, dã ngoại thì đa phần các trường rất ít dám tổ chức vì nó liên quan đến kinh phí và quản lý học sinh.

Để lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương và giáo viên dưới cơ sở có cái nhìn toàn diện về hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong những năm tới có lẽ Bộ Giáo dục cần phải đưa ra những định hướng rõ ràng.

Bởi vì, cách định hướng hiện nay chưa rõ mà lại đang triển khai hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho từng môn học thì rất khó có cái nhìn rõ nét cho giáo viên về môn học này.

THANH AN