Bằng TS ở nước ngoài, trường ĐH cần yêu cầu công nhận văn bằng lúc tuyển dụng

20/01/2024 07:44
Phúc Khang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các chuyên gia cho rằng, việc yêu cầu tiến sĩ có bằng nước ngoài làm công nhận văn bằng là điều cần thiết và nên làm ngay từ đầu để tránh phiền toái về sau.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh về thực trạng giảng viên sử dụng bằng tiến sĩ của trường đại học ở nước ngoài cấp. Những người này tham gia vào công tác quản lý, giảng dạy tại các trường đại học trong nước. Tuy nhiên các văn bằng này lại chưa được công nhận ở Việt Nam.

Gần đây nhất, bài viết "Bằng TS của Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Phan Thiết chưa được công nhận ở VN" phản ánh về bằng Tiến sĩ Trường Đại học học Ifugao (Philippines) của ông Tạ Hoàng Giang đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo độc giả.

Được biết, hiện ông Giang cũng đã có có đơn xin thôi chức Trưởng Khoa Du lịch để không gây ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của nhà trường.

Trước đó, cũng tại trường đại học này, một phó hiệu trưởng cũng sử dụng bằng tiến sĩ nước ngoài và chưa được công nhận tại Việt Nam.

Lãnh đạo nhà trường phải có trách nhiệm giải trình

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu các trường coi nhẹ việc công nhận đối với bằng tiến sĩ nước ngoài, trong trường hợp sau này những văn bằng đó bị phát hiện là "có vấn đề" thì việc xử lý hậu quả là sẽ rất khó.

Theo thầy Tống, nếu quá trình giảng dạy của giảng viên đó đủ lâu, người đó tham gia ngồi ghế hội đồng chấm luận văn qua nhiều khóa học viên thì không dễ để "hồi tố" đối với kết quả học tập của người học.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Vị nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cũng nêu một thực tế, ngoài những trường hợp được báo chí khui ra thì hiện vẫn có rất nhiều giảng viên dù đã được bổ nhiệm và công tác lâu năm trong một trường đại học nhưng vẫn chưa nộp minh chứng về công nhận văn bằng cho nhà trường.

Theo thầy Tống, điều này một phần đến từ tâm lý nể nang, tin tưởng đồng nghiệp của chính người tiếp nhận và thực hiện công tác tuyển dụng.

Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống cho hay: "Trên thực tế, việc một trường đại học trong nước muốn thẩm định độ xác thực của văn bằng nước ngoài là điều nằm ngoài khả năng. Vì thế, trong hoàn cảnh thiếu giảng viên trình độ tiến sĩ, các trường thường chọn cách bổ nhiệm vị trí trước rồi bổ sung công nhận văn bằng sau cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, chính việc này sẽ có ảnh hưởng rất nhiều đến công tác tổ chức và giảng dạy của nhà trường, thậm chí là gây xáo trộn hoặc mất đoàn kết nội bộ nếu vấn đề về bằng cấp được đào bới lại".

Qua đó, Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống cũng cho rằng, trong việc này có phần trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường khi quá "nóng vội" bổ nhiệm giảng viên trình độ tiến sĩ có bằng nước ngoài nhưng chưa làm thủ tục công nhận khi nộp hồ sơ vào trường.

"Khi xảy ra các sự cố ngoài ý muốn, các trường thường lấy các lý do để bao biện. Nơi thì cho rằng đang thiếu nhân sự có trình độ tiến sĩ, nơi thì cho là do quá tin tưởng và hệ lụy nó để lại thì đối tượng bị ảnh trực tiếp lại chính là các sinh viên", thầy Tống chia sẻ.

Nên rõ ràng về công nhận văn bằng từ đầu để không ảnh hưởng uy tín nhà trường

Cùng chung quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, các trường đại học nên rõ ràng ngay từ đầu việc công nhận các văn bằng tiến sĩ nước ngoài để tránh những hệ lụy không đáng có về sau.

Qua đó, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh: “Theo tôi, trong việc này luật pháp không yêu cầu nhà trường phải xác nhận văn bằng, nhưng các trường cần phải có trách nhiệm giải trình rõ để tránh ảnh hưởng không chỉ danh dự của cá nhân người sử dụng văn bằng đó mà còn cả uy tín của nhà trường cũng như uy tín của sinh viên tốt nghiệp của trường đó.

Bởi lẽ, khi văn bằng tiến sĩ đó đã được các tổ chức uy tín công nhận cũng đồng nghĩa với việc nhà trường tuyển dụng đúng người, để đáp ứng điều kiện mở ngành cũng như giảng dạy, nghiên cứu hoặc làm các công việc quản lý. Làm như vậy uy tín của nhà trường cũng được nâng cao”.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: P.M
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: P.M

Cũng theo vị nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện nay vì để đáp ứng tiêu chí mở ngành, nhiều trường đại học đang tuyển dụng nhân sự có bằng tiến sĩ ở nước ngoài mà không yêu cầu giảng viên đó phải cung cấp minh chứng công nhận văn bằng ngay.

Tuy nhiên, rất nhiều trường lại không nghĩ đến việc xác thực về văn bằng vì nhiều lý do tế nhị hoặc ngại làm thủ tục xác nhận. Phạm vi kiểm tra không phải trong nước mà có yếu tố nước ngoài nên vấn đề xác thực càng khó hơn.

Bày tỏ quan điểm của mình, vị này cho rằng, các trường đại học cần phải có trách nhiệm khi quyết định sử dụng giảng viên có bằng tiến sĩ do trường đại học ở nước ngoài cấp.

Điều quan trọng hơn là sau khi tuyển dụng dù là bằng cấp chuẩn hay không chuẩn nhà trường cần có sự giám sát, đánh giá từ các đồng nghiệp trong bộ môn, trong khoa và của sinh viên.

Qua đó, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhận định: "Chủ sử dụng lao động phải có cơ chế giám sát đánh giá cán bộ thường xuyên để quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đi vào thực chất. Trong trường hợp có đơn thư tố cáo về giảng viên xài bằng kém chất lượng hoặc chưa được xác nhận cần nhanh chóng xử lý, giải trình cho xã hội để giành niềm tin của người học".

Phúc Khang