Bao giờ mới hết "điệp khúc" lạm thu tiền trường?

21/08/2022 06:48
Vũ Hoàng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm nay, nỗi lo tiền trường lại thường trực trong không ít gia đình phụ huynh vì thời gian dài bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nên kinh tế khó khăn.

Chưa bước vào năm học mới 2022-2023 nhưng điệp khúc buồn lạm thu tiền trường lại vang lên khiến phụ huynh đau đầu, chạy ngược chạy xuôi lo đủ các khoản tiền cho con ăn học. Bao giờ mới hết lạm thu tiền trường? Câu trả lời không phải là dễ với những ai quan tâm đến giáo dục.

Trăm dâu đổ đầu... phụ huynh

Năm nay, nỗi lo tiền trường lại thường trực trong không ít gia đình phụ huynh vì thời gian dài bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nên kinh tế khó khăn, thiếu trước hụt sau.

Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nào cũng chấn chỉnh, nhưng nó vẫn cứ tồn tại với nhiều hình thức khác nhau.

Nhìn vào bảng giá đồng phục của Trường Trung học cơ sở Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) với số tiền gần 2 triệu đồng được phụ huynh đăng trên mạng xã hội đã làm nhiều cha mẹ học sinh sửng sốt:

“Ngày 8/7, tài khoản V.T.H đã đăng tải bảng kê các loại đồ đồng phục của học sinh Trường Trung học cơ sở Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) với tổng số tiền ghi đến gần 2 triệu tiền. Tài khoản này cho biết, học sinh phải mua 4 loại đồng phục khác nhau và thêm 2 chiếc áo, cụ thể gồm: 1 bộ sơ mi dài, 1 bộ sơ mi cộc, 1 bộ thể dục dài, 1 bộ thể dục cộc, 1 áo khoác, 1 áo hoodie, tất. Tổng số tiền phụ huynh phải đóng là 1.850.000 đồng.”. [1]

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Nhìn vào bảng giá đồng phục người viết quá bất ngờ vì có con năm học 2022-2023 là học sinh lớp 10 mới mua đồng phục thể dục ngắn tay ở trường chỉ có giá 140 ngàn đồng/1 bộ.

Cái giá cao ngất ngưởng mà Trường Trung học cơ sở Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) đưa ra khiến phụ huynh bức xúc: “Bài viết sau khi đăng tải đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều phụ huynh bày tỏ sự bức xúc và cho rằng, trong bối cảnh người dân chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh trong suốt 2 năm qua, khoản chi phí mua đồng phục như nhà trường đưa ra là quá đắt đỏ và không hợp lí”. [2]

Lạm thu tiền trường đang diễn biến với muôn hình vạn trạng. Cơ bản có 3 khoản lạm thu tiền trường được gọi tên.

Đầu tiên là lạm thu từ những khoản phụ huynh buộc phải mua. Hiện nay, hầu như các trường đều “ép” phụ huynh trên tinh thần “tự nguyện” mua đồ dùng phục vụ cho học tập: bìa bao tập, phù hiệu, quần áo thể dục, đồng phục, cặp sách... Tất cả đều được “đồng phục hóa”.

Nói là ép bởi vì mẫu mã, logo là do trường quy định rồi đặt nhà sản xuất may, phụ huynh không thể mua ngoài thị trường, chỉ có nhà trường “độc quyền” bán.

Đáng nói nhất là đồng phục và đồ thể dục. Chất liệu vải, kĩ thuật may kém, kích cỡ không phù hợp đã gây ra ít nhiều phiền toái cho học sinh. Rồi chuyện các trường liên tục thay đổi mẫu mã, kiểu dáng...

Và đáng nói hơn là theo nhiều phụ huynh, giá cả cao hơn sản phẩm cùng loại ngoài thị trường từ 20 - 30%, có khi lên đến 40%.

Anh T. một người có thời gian sản xuất đồ thể dục để bán cho các trường học, giờ đã chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác.

Anh T. chia sẻ: “Hiệu trưởng các trường nơi tôi cung cấp đồng phục thể dục, ngoài khoản phần trăm hoa hồng còn "nhắn nhủ" nâng giá bán lên cao để hưởng lợi chênh lệch. Người chịu thiệt thòi nhất là phụ huynh”.

Tiếp theo là loại lạm thu từ phí tự nguyện mua như bảo hiểm thân thể được đưa vào các trường trực tiếp thu đã tốn không ít thời gian của giáo viên chủ nhiệm. Mặt khác nó đã vô tình chẳng còn là tự nguyện nữa vì các trường thu gộp vào các khoản đầu năm.

Một kiểu lạm thu thứ ba có sự hỗ trợ qua ban đại diện cha mẹ học sinh. Trong điều lệ hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của địa phương đều quy định các khoản thu đều là tự nguyện và phải được sự thống nhất của phụ huynh.

Thế nhưng, thường thì nhà trường chọn những phụ huynh giàu có, kinh tế khá giả vào ban đại diện.

Các vị đó chẳng khó khăn khi móc túi đóng một khoản tiền chẳng đáng là bao với mình nhưng so với phụ huynh nghèo thì là cả một vấn đề, một gánh nặng đè trên vai.

Thế nên với đa số phụ huynh, sự tự nguyện ấy chỉ là tự nguyện trên sự ép buộc. Ai cũng đóng số tiền bằng nhau.

Chỉ khổ cho gia đình có thu nhập thấp, nghèo khó phải oằn lưng đóng góp đủ loại tiền: tiền quét lớp, vệ sinh trường lớp, thuê mướn chăm sóc cây cảnh, mua sắm cơ sở vật chất, tiền khen thưởng, tiền hoạt động các phong trào, liên hoan, quỹ lớp, phụ đạo, mua đèn chiếu, laptop... và nhiều khoản thu phi lí khác.

Ban đại diện cha mẹ học sinh đâu chỉ lập ra để thu tiền và chi tiền của phụ huynh? Tiêu chí hoạt động là hỗ trợ công tác dạy - học, giáo dục trong nhà trường.

Để không còn lạm thu tiền trường

Là giáo viên, chúng tôi rất vất vả, “lao tâm khổ tứ” vì nạn lạm thu tiền trường. Thật lòng mà nói nếu các khoản thu tiền trường không có giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, đôn đốc, “hò hét” học sinh, phụ huynh đóng thì rất khó thu.

Dư luận lên tiếng, các cấp chỉ đạo kiên quyết chấm dứt lạm thu, nhưng nhiều trường vẫn cứ lờ đi hay kiếm chỗ nào hở là “lách”.

Khi thanh tra phát hiện lại điệp khúc phụ huynh tự nguyện, “bắn” những sai phạm sang cho ban đại diện cha mẹ học sinh. Sai phạm thì nhiều nhưng xử lí thì khá nhẹ nhàng, không khiến lãnh đạo trường biết sợ. Vì vậy, chống lạm thu tiền trường thực chất rất khó như nhiều người nghĩ.

Vậy thì, bao giờ mới hết lạm thu tiền trường? Là giáo viên, theo tôi muốn chữa dứt điểm căn bệnh nạn lạm thu tiền trường thì cần phải có những biện pháp cứng rắn của các cấp quản lý giáo dục, địa phương và ngay chính ở giáo viên làm công tác chủ nhiệm:

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định nhà trường không được bán đồng phục, đồ dùng học tập cho học sinh. Các địa phương cần thanh tra nghiêm túc vấn đề thu tiền trường của các cơ sở giáo dục. Xử lý thật nghiêm những sai phạm theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh cần quy định rõ mức thu các khoản phục vụ cho học sinh một cách minh bạch, phù hợp với thực tế, giá cả như: tiền vệ sinh trường lớp, tiền ăn và phục vụ học sinh bán trú...Thành phố Hải Phòng và tỉnh Hòa Bình đã làm được điều này.

Làm được như vậy sẽ khắc phục được tình trạng mỗi trường, mỗi địa bàn thu mỗi kiểu, mỗi giá, nơi phù hợp, nơi cao ngất trời.

Thứ ba, giáo viên phải kiên quyết nói không với việc “tiếp tay” cho nhà trường ép phụ huynh mua đồng phục, đồ dùng học tập, bảo hiểm tai nạn, đóng quỹ phụ huynh.

Thực tế cho thấy, giáo viên bị nhà trường đưa chỉ tiêu các khoản thu vào thi đua nên thầy cô giáo không muốn bị trừ điểm thi đua, hạ bậc hay cắt thi đua đã ra sức tìm đủ mọi cách thu đủ, thậm chí thu vượt chỉ tiêu của nhà trường.

Hãy để phụ huynh tự nguyện mua sắm đồng phục, đồ dùng học tập, tự nguyện tham gia bảo hiểm tai nạn, giao cho phụ huynh thu và tự nguyện đóng tiền quỹ hội, không nên tác động bằng mọi giá.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/truong-thcs-phuong-mai-cong-bo-gia-dong-phuc-de-phu-huynh-tham-khao-post227920.gd

[2]https://laodong.vn/giao-duc/truong-thcs-phuong-mai-tra-loi-viec-mua-dong-phuc-hoc-sinh-gan-2-trieu-dong-1080867.ldo

Vũ Hoàng