Liên quan đến việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên bậc trung học phổ thông, tôi đã từng chứng kiến nhiều chuyện bi hài xảy ra nơi đơn vị tôi đang công tác và cả một số trường bạn.
Tôi xin chia sẻ một số câu chuyện dưới đây những mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có thêm thông tin về thực trạng thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non và phổ thông công lập hiện nay.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: baochinhphu.vn |
Học văn bằng 2 tiếng Anh chỉ để miễn thi thăng hạng
Một số giáo viên trường tôi có học vị thạc sĩ, dĩ nhiên họ có chứng chỉ trình độ tiếng Anh B1 (theo Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT. Từ 30/8/2021, chuẩn đầu ra thạc sĩ áp dụng theo Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT, trình độ tiếng Anh B2) nhưng vẫn thi hỏng môn thi kiến thức chung phần tiếng Anh chỉ ở mức A2.
Cần biết thêm, trình độ tiếng Anh B1 là tiếng Anh bậc 3 trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam. Trình độ B1 tương đương các chứng chỉ C cũ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chứng chỉ PET của Cambridge, 3.0/9.0 IELTS, 450/990 TOEIC.
Còn trình độ tiếng Anh A2 là trình độ tiếng Anh bậc 2 theo khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam (khung tham chiếu châu Âu về ngôn ngữ). Bằng A2 tiếng Anh tương đương với bằng B cũ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tương đương TOEIC 150, IELTS 3.0 hoặc chứng chỉ KET của Cambridge.
Nhưng có lẽ câu chuyện bi hài nhất đó là, một số giáo viên trường tôi không dạy ngoại ngữ nhưng họ vẫn có văn bằng 2 cử nhân tiếng Anh, loại hình đào tạo vừa làm vừa học, trên bằng tốt nghiệp ghi loại khá hẳn hoi.
Họ tiết lộ với tôi rằng, để có văn bằng 2 cử nhân tiếng Anh, họ phải bỏ ra 40 triệu đồng đóng học phí cho 2 năm học online (trực tuyến). Họ sẵn sàng bỏ ra 6 tháng lương của giáo viên bậc 5 để có bằng đại học và được miễn thi môn tiếng Anh theo quy định.
Làm hiệu trưởng, hiệu phó vẫn rớt như thường phần kiến thức chung
Một số đồng nghiệp của tôi làm hiệu trưởng, hiệu phó cũng thi rớt thăng hạng chức danh nghề nghiệp năm 2022 ngay từ vòng đầu chỉ vì làm bài môn kiến thức chung không đạt.
Đáng nói, môn thi kiến thức chung hỏi về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật về ngành, lĩnh vực sự nghiệp, pháp luật về viên chức theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi, nhưng các vị lãnh đạo trường học vẫn không thể làm đúng 50% số câu hỏi trắc nghiệm (60 câu).
Hay nói cách khác, chính người đứng đầu trường học cũng vẫn "mù mờ" về các văn bản quy phạm pháp luật mà họ phải thường xuyên "va chạm" như Luật Viên chức, Nghị định của Chính phủ về lĩnh vực giáo dục hay các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo...
Vậy nên mới có chuyện bi hài, có hiệu trưởng đọc văn bản quy định về nâng lương trước thời hạn của giáo viên cũng không hiểu. Và cuối cùng giáo viên là người bị thiệt thòi về quyền lợi mà lẽ ra họ phải được hưởng.
Một vị hiệu trưởng nhiều lần khẳng định thời sinh viên chỉ được học tiếng Nga. Riêng tiếng Anh, qua nhiều dịp, anh em đồng nghiệp đều biết vị này chỉ nói được vài từ xã giao như "xin chào", "tạm biệt", "chúc mừng sinh nhật", "chúc mừng năm mới"...nhưng lại thi đỗ tiếng Anh "ngon lành" trong sự trầm trồ của giáo viên.
Cũng có giáo viên thi rớt thăng hạng chức danh nghề nghiệp về lòng đầy ấm ức, không hiểu sao lãnh đạo mình tài giỏi thế. Trong khi, bản thân họ ôn thi tiếng Anh hàng tháng vẫn không đỗ.
Nhiều giáo viên giỏi nghề, giữ chức tổ trưởng, tổ phó chuyên môn nhưng vẫn không muốn thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp một phần vì phải học luật và tiếng Anh rất phức tạp, phần nữa là bậc lương cao (từ bậc 6), có "thăng" cũng chẳng được lợi ích gì thêm nhiều.
Giáo viên được thăng hạng chưa chắc đã giỏi
Một giáo viên ở trường tôi sau khi thi đỗ thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì được hiệu trưởng ra quyết định phân công chấm một số đề tài khoa học kĩ thuật của học sinh do tôi và đồng nghiệp hướng dẫn.
Giáo viên này nói rằng, cô chưa bao giờ hướng dẫn học sinh thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật thì biết gì mà chấm và mong chúng tôi thông cảm.
Cuối cùng, chúng tôi cũng nhận được bản nhận xét từ cô nhưng đáng nói, cô không có bất cứ góp ý nào cho học sinh vì tiêu chí nào cũng ghi "đạt". Thầy trò chúng tôi chỉ còn cách nhờ giáo viên khác có kinh nghiệm góp ý thêm cho dự án khoa học kĩ thuật.
Đầu học kì 2 năm học này, hiệu trưởng một trường bạn mời tôi làm giám khảo chấm thi giáo viên dạy giỏi cấp trường mặc dù tôi chỉ là giáo viên hạng III. Oái oăm thay, trường bạn cũng có giáo viên hạng II nhưng hiệu trưởng không cử làm giám khảo vì họ chưa thi giáo viên dạy giỏi bao giờ.
Thay lời kết
Theo Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập, giáo viên hạng II phải làm 7 nhiệm vụ.
Đơn vị tôi đang công tác có một số giáo viên hạng II nhưng họ vẫn không hề được hiệu trưởng phân công các nhiệm vụ theo quy định như: làm báo cáo viên; dạy minh họa; dạy thử nghiệm; chủ trì các nội dung bồi dưỡng; sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn; xây dựng học liệu điện tử...
Điều này dễ hiểu, tôi lấy ví dụ, nếu giáo viên hạng II tham gia sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn thì tổ trưởng, tổ phó chuyên môn làm gì?
Hay giáo viên hạng II chưa bao giờ đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, làm sao hiệu trưởng dám phân công họ "tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên" như quy định tại điểm 1, khoản 1, Điều 4 Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT.
Giáo viên hạng II không làm bất cứ nhiệm vụ nào theo quy định nhưng lại được hưởng mức lương cao hơn đồng nghiệp ở hạng III, liệu có xứng? Như thế, họ thăng hạng để làm gì? Vì lương hay vì mục đích nâng cao chất lượng chuyên môn ở nhà trường?
Qua bài viết này, tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng II, kể cả hạng I, để có sự điều chỉnh sao cho hợp tình, hợp lí.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.