Nhiều giáo viên bậc trung học phổ thông cho biết, ở trường thầy cô đang công tác có nhiều giáo viên được thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II nhưng vẫn thực hiện nhiệm vụ cũ và được hưởng mức lương cao hơn.
Theo quy định tại Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT, giáo viên trung học phổ thông hạng II, mã số V.07.05.14, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38. [1]
Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: giaoduc.net.vn |
Nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông trước và sau khi thăng hạng theo quy định tại Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT
STT | Giáo viên hạng III | Giáo viên hạng II |
1 | - Xây dựng kế hoạch giáo dục của môn học được phân công và tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo mục tiêu, chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông | Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng III, giáo viên trung học phổ thông hạng II còn phải thực hiện các nhiệm vụ sau: - Làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên từ cấp trường trở lên hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp, công nghệ mới; chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn hoặc tham gia xây dựng học liệu điện tử |
2 | - Thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức | - Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp trường trở lên |
3 | - Thực hiện các hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh theo quy định | - Tham gia đánh giá ngoài hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp trường trở lên |
4 | - Tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh và cha mẹ học sinh của lớp được phân công | - Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên |
5 | - Tham gia phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém cấp trung học phổ thông hoặc hướng dẫn thực tập sư phạm, hoạt động công tác xã hội trường học cho học sinh trung học phổ thông | - Tham gia ra đề hoặc chấm thi học sinh giỏi trung học phổ thông từ cấp trường trở lên |
6 | - Tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn; tham gia nghiên cứu khoa học; hoàn thành hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục theo quy định; thực hiện công tác giáo dục hòa nhập trong phạm vi được phân công; tham gia tổ chức các hội thi (của giáo viên hoặc học sinh) từ cấp trường trở lên | - Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các hội thi hoặc các sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp trường trở lên |
7 | - Hoàn thành các khóa đào tạo, chương trình bồi dưỡng theo quy định; tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ | - Tham gia các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng; thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh |
8 | - Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công |
Vì sao giáo viên được thăng hạng nhưng vẫn làm nhiệm vụ cũ?
Nhiều giáo viên trung học phổ thông hạng III được thăng hạng II nhưng vẫn thực hiện nhiệm vụ cũ, theo người viết có một số nguyên nhân như sau.
Thứ nhất, Điều 69 Luật giáo dục 2019 quy định nhiệm vụ của nhà giáo:
1. Giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục.
2. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, điều lệ nhà trường, quy tắc ứng xử của nhà giáo.
3. Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.
4. Học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học. [2]
Cùng với đó, giáo viên trung học phổ thông hạng III, hạng II đều cùng thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Điều 27 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học [3] như sau:
STT | Đối với giáo viên bộ môn | Đối với giáo viên chủ nhiệm |
1 | - Dạy học và giáo dục theo chương trình, kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học của nhà trường theo chế độ làm việc của giáo viên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục; tham gia nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; | Ngoài các nhiệm vụ của giáo viên bộ môn (kể trên), giáo viên chủ nhiệm còn có những nhiệm vụ sau đây: - Xây dựng kế hoạch các hoạt động giáo dục thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục bảo đảm tính khả thi, phù hợp với đặc điểm học sinh, với hoàn cảnh và điều kiện thực tế nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của cả lớp và của từng học sinh |
2 | - Tham gia công tác phổ cập giáo dục ở địa phương | - Thực hiện các hoạt động giáo dục theo kế hoạch đã xây dựng |
3 | - Rèn luyện đạo đức, học tập văn hoá, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy và giáo dục; vận dụng các phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học của học sinh | - Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, với các giáo viên bộ môn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, các tổ chức xã hội có liên quan trong việc hỗ trợ, giám sát việc học tập, rèn luyện, hướng nghiệp của học sinh lớp mình chủ nhiệm và góp phần huy động các nguồn lực trong cộng đồng phát triển nhà trường |
4 | - Thực hiện Điều lệ nhà trường; thực hiện quyết định của Hiệu trưởng, chịu sự kiểm tra, đánh giá của Hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục | - Nhận xét, đánh giá và xếp loại học sinh cuối kỳ và cuối năm học; đề nghị khen thưởng và kỷ luật học sinh; đề nghị danh sách học sinh được lên lớp thẳng, phải kiểm tra lại, phải rèn luyện thêm về hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè, phải ở lại lớp; hoàn chỉnh việc ghi sổ điểm và học bạ học sinh |
5 | - Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo, gương mẫu trước học sinh; thương yêu, tôn trọng học sinh, đối xử công bằng với học sinh, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; tạo dựng môi trường học tập và làm việc dân chủ, thân thiện, hợp tác, an toàn và lành mạnh | - Báo cáo thường kỳ hoặc đột xuất về tình hình của lớp với Hiệu trưởng |
6 | - Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác, gia đình học sinh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong dạy học và giáo dục học sinh | |
7 | - Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. |
Như thế, giáo viên trung học phổ thông hạng III, hạng II đang làm đúng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật nên hiệu trưởng có thể không phân công thêm nhiệm vụ cho thầy cô - cho dù giáo viên đã được thăng hạng.
Thứ hai, hiện tại tổ trưởng/ tổ phó chuyên môn và giáo viên dạy giỏi/ chủ nhiệm giỏi (đã được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp tỉnh) đảm nhiệm công việc của giáo viên hạng II, đó là làm công tác chuyên môn; hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học; chấm thi học sinh giỏi...
Trong khi đó, nhiều giáo viên đã thăng hạng II nhưng thầy cô chưa bao giờ làm một số công việc như hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học; chấm thi học sinh giỏi... thì làm sao hiệu trưởng phân công nhiệm vụ cho họ theo quy định tại Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT.
Cần biết thêm, để thăng hạng, giáo viên phải thi (hoặc xét) 4 môn, gồm kiến thức chung, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học - trong đó chuyên môn nghiệp vụ là kiến thức về các văn bản quy phạm pháp luật, không liên quan đến việc giáo viên có giỏi chuyên môn, chủ nhiệm giỏi hay không.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://luatvietnam.vn/co-cau-to-chuc/thong-tu-04-2021-tieu-chuan-xep-luong-giao-vien-thpt-cong-lap-198083-d1.html
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-giao-duc-2019-367665.aspx
[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-32-2020-TT-BGDDT-Dieu-le-truong-trung-hoc-co-so-truong-trung-hoc-pho-thong-443627.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.