Bí thư đoàn trường trúng tuyển Phó HT với đề án về môi trường GD thân thiện

07/11/2022 06:59
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô Tạ Phương Thu chia sẻ về đề án đổi mới môi trường giáo dục thân thiện, giúp cô trúng tuyển kì thi tuyển Phó hiệu trưởng Trường THPT Xuân Vân.

Tham gia kì thi tuyển Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Vân (Yên Sơn, Tuyên Quang), ứng viên Tạ Phương Thu (giáo viên dạy môn Sinh học, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Trung học phổ thông Xuân Vân) đã trình bày đề án "Xây dựng môi trường giáo dục học tập thân thiện “kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, thầy cô hết lòng vì học sinh thân yêu”", với những mục tiêu như: xây dựng môi trường giáo dục tốt, tăng cường ứng xử trong trường học, ôn luyện học sinh giỏi...

Đề án trên đã giúp cô Tạ Phương Thu trúng tuyển vị trí Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Vân.

Chia sẻ về đề án của mình, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Tạ Phương Thu cho hay, trong đề án có nội dung về đổi mới chất lượng học sinh giỏi. Nếu như trước đây, các thầy cô phải lên trường để ôn luyện cho học sinh giỏi thì năm nay cô Thu quyết định đổi mới phương pháp giảng dạy bằng hình thức khác.

"Chúng tôi xây dựng sát sao kế hoạch cụ thể, rồi giao bài cho học sinh qua các kênh trực tuyến, các nhóm học tập được lập trên mạng xã hội. Việc này đã giúp tiết kiệm thời gian, được học sinh giỏi và giáo viên rất ủng hộ", cô Thu chia sẻ.

Về đội ngũ giáo viên ôn luyện, cô Thu cũng giao chỉ tiêu cụ thể với từng giáo viên, ví như trong năm học 2022-2023, giáo viên tham gia ôn luyện học sinh giỏi sẽ phải có bao nhiêu em đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Vân - Tạ Phương Thu (Ảnh: NVCC)

Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Vân - Tạ Phương Thu (Ảnh: NVCC)

"Đội ngũ ôn luyện cho các em học sinh giỏi cũng có sự thay đổi, các thầy cô bộ môn sẽ cùng tham gia ôn luyện cho học sinh. Từ đó, ai có điểm mạnh, yếu về mảng nào sẽ được bù đắp để ôn luyện cho các em", Phó hiệu trưởng nhà trường, cũng là giáo viên ôn luyện học sinh giỏi nói.

Cô Thu cũng chia sẻ thêm, nếu có học sinh giỏi đoạt giải, ngoài phần thưởng từ phía nhà trường, tổ chuyên môn cũng sẽ có những phần quà để khích lệ cho học sinh và giáo viên đã tham gia ôn luyện. Ngoài ra, đoàn thanh niên trường cũng sẽ khen thưởng "nóng" cho các thầy cô là đoàn viên.

Về định hướng nghề nghiệp, nhà trường cũng có sự đổi mới. Đó là đưa học sinh lớp 12 đến các công xưởng, nhà máy để tìm hiểu về nghề; cho học sinh đối thoại với Ban giám hiệu để được tư vấn, lựa chọn nghề; và đưa các em đi trải nghiệm những di tích lịch sử thực tế, vừa học tập, vừa có sự quan sát, cảm nhận thực tiễn.

Đề án trên nhằm xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, thu hút học sinh đến trường. Học sinh ngoài việc được học kiến thức, còn được giáo dục về kĩ năng sống để nâng cao chất lượng giáo dục.

Về việc tăng cường đạo đức, lối sống cho học sinh, nhà trường sẽ sử dụng nhiều hoạt động thực tế tại trường. Ví dụ như đối thoại giữa thế hệ trẻ với cấp ủy Đảng (Hiệu trưởng, Bí thư chi bộ, các giáo viên là ủy viên cấp ủy chi bộ) để cho học sinh nói lên tâm tư và nguyện vọng của các em. Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng cũng đưa ra các tình huống cho các em tập xử lý, tập nêu quan điểm, qua đó, cũng đưa ra gợi ý giải quyết thực tiễn cho thầy cô.

Ví dụ: "nếu trong lớp có mâu thuẫn giữa các bạn và sắp xảy ra đánh nhau, thì học sinh sẽ xử lý tình huống như thế nào? Sau khi học sinh đưa ra các ý tưởng, các thầy cô trong cấp ủy lắng nghe, góp ý, hướng dẫn cách xử lý cụ thể tình huống đó", cô Thu chia sẻ.

Nhà trường cũng quán triệt luôn về vấn đề bạo lực học đường bằng các câu hỏi cho học sinh: Nếu có mâu thuẫn thì có cần "đụng chân, đụng tay" hay không, và nếu xảy ra bạo lực thì học sinh sẽ bị xử lý những hình phạt nào?

Cô Thu giảng dạy trên lớp học. (Ảnh: NVCC)

Cô Thu giảng dạy trên lớp học. (Ảnh: NVCC)

Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Vân cho hay, để giáo dục đạo đức, lối sống cho các em, nhà trường cũng thường xuyên vinh danh và tuyên dương người tốt việc tốt, danh sách cá nhân được chi đoàn các lớp cung cấp - khoảng hai gương học sinh mỗi tuần.

Ví dụ như một bạn học sinh nhặt được một chiếc điện thoại, đưa lại cho thầy cô để trả cho người đánh rơi, hoặc một tuần được hai điểm 10 sẽ được nhà trường tuyên dương. Bên cạnh đó, học sinh làm được nhiều việc tốt sẽ được xem xét, cân nhắc giảm nhẹ nếu vi phạm các lỗi khác. Như hành vi nhìn bài bạn sẽ bị hạ hạnh kiểm nhưng nếu có 5 việc tốt, thì học sinh đó sẽ được xem xét miễn phạt.

Ngoài ra, trong mỗi năm học, nhà trường đều yêu cầu mỗi đoàn viên đăng kí, thực hiện một việc tốt theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, và sau đó báo cáo nhà trường.

"Việc tốt như đi dọn rác ở thôn, chợ; hay hỗ trợ các bạn học sinh trong lớp có hoàn cảnh khó khăn một ngày công như đi gặt, đào đót, đào sắn...; hay là tham gia vệ sinh khuôn viên trường; rồi có những bạn điều kiện khá giả hơn sẽ tiết kiệm tiền mua tặng áo rét cho bạn khác còn khó khăn...

Hoạt động này được học sinh rất yêu thích. Có chi đoàn lớp 11 đã tự lên kế hoạch thiện nguyện ở huyện Chiêm Hóa. Các em đi tặng quà là mỳ tôm, quần áo...cho những người có hoàn cảnh khó khăn, phải đến hai ngày sau chúng tôi mới biết tin. Rất xúc động về nghĩa cử cao đẹp của các em nhưng chúng tôi cũng nhắc nhở về việc cần rút kinh nghiệm để tránh xảy ra điều không mong muốn. Nếu các em có kế hoạch, cần mạnh dạn đề xuất với đoàn trường, thầy cô, để hoạt động được tổ chức quy củ, có sự chỉ đạo, hướng dẫn chặt chẽ hơn", cô Thu nói.

Cô Thu cũng cho hay, nhà trường còn chú trọng đến việc phát huy văn hóa chào hỏi cho đoàn viên, thanh niên, học sinh. Theo đó, sẽ có những câu hỏi dành riêng cho học sinh lớp 10 về những tình huống liên quan đến cách chào hỏi. Ví như nếu gặp giáo viên chủ nhiệm đi cùng các thầy cô khác, học sinh sẽ chào ai trước?

Cô Thu (thứ ba từ phải sang) chụp ảnh cùng giáo viên và học sinh tại giải bóng chuyền hơi do nhà trường tổ chức (Ảnh: NVCC)

Cô Thu (thứ ba từ phải sang) chụp ảnh cùng giáo viên và học sinh tại giải bóng chuyền hơi do nhà trường tổ chức (Ảnh: NVCC)

Về nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, hàng tuần vào thứ tư và thứ sáu, nhà trường mở loa phát thanh để tuyên truyền, chia sẻ những câu chuyện về Bác, những bài phân tích của các diễn giả về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

"Đến những ngày lễ lớn của năm, tôi thường cho học sinh và tổ chuyên môn sinh hoạt theo chủ đề. Ví dụ như chuẩn bị đến 20/11 - ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh sẽ tự xây dựng nội dung chương trình sinh hoạt và chúng tôi sẽ duyệt.

Hoặc khách mời vào dịp 22/12 sẽ là các bác thương binh đến trò chuyện với học sinh, sau đó chúng tôi sẽ hỏi học sinh những câu hỏi liên quan về lịch sử, về thời sự, về bài học rút ra từ chính những câu chuyện mà các em nghe...", cô Thu chia sẻ.

Cô Tạ Phương Thu cho hay, ngoài việc tổ chức các sự kiện tại trường, cô còn tổ chức cho học sinh đi phát quà tặng các em nhỏ ở vùng đặc biệt khó khăn, để các em biết lan tỏa sự chia sẻ, yêu thương.

Hằng năm, nhà trường cũng tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật thể thao để cho các em gắn kết. Trong trường có các câu lạc bộ nghệ thuật từ cổ điển đến hiện đại như câu lạc bộ hát then - sáo - nhảy hiện đại, về câu lạc bộ thể thao có bóng chuyền, bóng đá.

"Những nội dung, giải pháp được tôi nêu trong đề án, có lẽ đã chạm đến suy nghĩ, tình cảm của các lãnh đạo tham gia hội đồng tuyển chọn tôi khi đó", cô Thu nói.

Mạnh Đoàn