LTS: Viết về hiệu quả của phong trào Bình dân học vụ, thầy giáo Thanh An phân tích về tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nền giáo dục nước nhà.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến và hơn 80 năm trời nước ta bị thực dân Pháp đô hộ thì người dân Việt Nam chủ yếu là không biết chữ.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đất nước đã sang một trang sử hoàn toàn mới.
Tuy nhiên, nhà nước non trẻ của chúng ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thế nước ở trong tình trạng “nghìn cân treo sợi tóc”.
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 3 loại “giặc” phải đối mặt lúc bấy giờ là giặc đói, giặc ngoại xâm và giặc dốt.
Trong 3 loại giặc này thì giặc nào cũng nguy hiểm, đòi hỏi dân tộc ta cũng phải chiến thắng.
Vì thế, ngay từ buổi đầu độc lập, với tầm nhìn chiến lược của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” nên ngày 8/9/1945 Chính phủ đã ban hành sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ.
Phong trào Bình dân học vụ có phương pháp học tập rất đơn giản mà hiệu quả. Ảnh: Giaoducthoidai.vn |
Từ sắc lệnh này, phong trào Bình dân học vụ đã được Đảng, Nhà nước chú trọng, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng nên đã tạo thành một phong trào rộng khắp trên cả nước.
Từ chỗ có tới dân số có tới 95% mù chữ nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các cộng sự của mình đã làm nên những điều phi thường, lấy sức mạnh và sự ủng hộ của toàn dân để làm thay đổi vận nước.
Nhìn lại cách tổ chức lớp học, phương pháp học tập của phong trào Bình dân học vụ lúc đó rất đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả.
Lúc bấy giờ nhà nước chẳng cần phải hội thảo khoa học, cũng chẳng cần nhiều dự án giáo dục, chỉ là những câu văn vần, những câu vè nhưng nó đã đi vào đời sống nhân dân một cách tự nhiên, chủ động:
“i, t (tờ), có móc cả hai/i ngắn có chấm, t (tờ) dài có ngang/e, ê, l (lờ) cũng một loài/ê đội nón chóp, l (lờ) dài thân hơn/o tròn như quả trứng gà/ô thì đội mũ, ơ là thêm râu/o, a hai chữ khác nhau/vì a có cái móc câu bên mình/".
Chỉ mỗi chuyện đánh vần, bao năm rồi mà vẫn cứ rối tinh lên thế? |
Với cách học giản đơn như vậy nhưng hiệu quả thì vô cùng lớn lao, nhất là trong bối cảnh khó khăn lúc bấy giờ.
Khó khăn không chỉ là cơ sở vật chất mà ngay cả giáo viên cũng thiếu thốn.
Nhưng, sau 1 năm, phong trào Bình dân học vụ đã tổ chức được 75.000 lớp học với trên 95.000 giáo viên và đã có trên 2.500.000 người dân biết đọc, biết viết.
Tới năm 1948, có 6 triệu người đã thoát nạn mù chữ. Đến năm 1952 là 10 triệu người, chiến dịch xoá nạn mù chữ cơ bản được hoàn thành.
Không chỉ xóa nạn mù chữ mà ngành giáo dục lúc bấy giờ còn mở thêm các lớp bổ túc văn hoá để nâng cao trình độ văn hoá của cán bộ và nhân dân lao động nhằm phát triển hệ thống giáo dục nước nhà góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Phong trào Bình dân học vụ đã được lan tỏa rộng khắp và tạo nên những hiệu quả khả quan, vượt qua mọi mong đợi của mọi người.
Dân trí được nâng lên, lòng dân, lòng Đảng thống nhất cùng nhau xây dựng nhà nước mới, tiến lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến tới thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975, đưa non sông về một mối.
Sự thay đổi vận nước, có nhiều nguyên nhân nhưng có thể nói rằng việc dân trí được nâng cao đã dẫn đến sự thay đổi về nhận thức và hành động của mọi người khi cùng chung sức, chung lòng vượt qua mọi gian khó.
Và, đây cũng là lý tưởng, khát vọng suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Cả đời tôi, tôi chỉ có một ham muốn tột bậc, dân tộc tôi được độc lập, đồng bào tôi ai cũng có cơm no, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là khát vọng chung của dân tộc nhưng sự may mắn là dân tộc ta đã có một Đảng lãnh đạo sáng suốt, một vị lãnh tụ kiệt xuất.
Chính sự vĩ đại, cách thu phục hiền tài, cách dụng nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác động sâu rộng đến những nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước đã đem trí tuệ của mình cống hiến cho nhà nước ngay từ nhưng buổi đầu độc lập.
Dân phải bỏ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nuôi cách đánh vần lạ? |
Đặc biệt là sự trọng dụng tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên-một nhà giáo dục vô cùng xuất sắc, ông đã đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục (nay là Bộ giáo dục và Đào tạo) từ tháng 11 năm 1946 cho đến khi mất vào năm 1975.
Trong quãng thời gian tại vị của mình là gần 29 năm ấy, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên đã để lại những dấu ấn đặc biệt cho ngành giáo dục Việt Nam bằng những tài năng, đức độ của mình.
Ngoài ra, chúng ta còn thấy có rất nhiều nhân sĩ, trí thức từ nước ngoài đã cùng trở về với Chủ tịch Hồ Chí Minh sau chuyến sang Pháp của Người vào năm 1946.
Trong đó, phải kế đến những trí thức tiêu biểu như: kĩ sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, nhà giáo Phạm Huy Thông, nhà triết học Trần Đức Thảo, bác sĩ Đặng Văn Ngữ… những con người đã từ bỏ cuộc sống giàu sang ở một đất nước hoa lệ, nơi có môi trường làm việc thuận lợi, cộng thêm nhiều đãi ngộ.
Nhưng, họ đã trở về Việt Nam với Bác, với chiến khu Việt Bắc sống cuộc đời kham khổ, vất vả một cách tự nguyện và cống hiến đầy trách nhiệm.
Chính tư tưởng, uy tín, tấm lòng của Bác đã giúp những trí thức này được phát huy tối đa trí tuệ của mình để trở thành những nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam.
Hơn 70 năm kể từ ngày thành lập, phát động phong trào Bình dân học vụ, cho thấy sự đúng đắn và tầm nhìn chiến lược của Bác, của Chính phủ lúc bấy giờ.
Hơn ai hết, Bác cùng với Đảng luôn hiểu đất nước muốn phát triển phải thúc đẩy sự tiến bộ của giáo dục và cậy nhờ với giới trẻ.
Vì thế, ngay lá thư gửi ngày khai trường đầu tiên (1946) Người đã nhắn gửi đến học sinh:
“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Năm học này, cả nước có hơn 22 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới.
Đất nước đã sang trang, giáo dục nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu và đang từng bước khẳng định vị thế của mình.
Song, thành quả hôm nay có được, chúng ta không thể nào quên những ngày thuở ban đầu của nhà nước Việt Nam non trẻ.
Khó khăn là vậy, nhưng chính nhờ cách phát động, tổ chức phong trào Bình dân học vụ đã thay đổi được nền giáo dục nước nhà và cũng từ phong trào này đã tạo tiền đề cho sự phát triển giáo dục sau này.