LTS: Tác giả Sông Trà phản ánh những ý kiến trái chiều trong dư luận về việc bỏ biên chế trong ngành giáo dục.
Đồng thời, với tư cách là một một nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có hơn 20 năm trong nghề, tác giả cho rằng việc bỏ biên chế giáo viên vào thời điểm này là chưa phù hợp.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề xuất ý kiến thí điểm bỏ công chức, viên chức nhà giáo mà sẽ theo chế độ hợp đồng và có chế độ đãi ngộ lớn, đang nhận được nhiều sự quan tâm luồng ý kiến trái chiều của các nhà quản lý giáo dục, đội ngũ thầy, cô giáo và dư luận xã hội.
Bởi, nếu đề xuất trên được thực hiện sẽ tác động rất lớn đến hơn 1,2 triệu giáo viên, giảng viên ở các bậc học.
Luồng ý kiến đồng tình, ủng hộ với đề xuất trên vì làm như vậy loại bỏ được những giáo viên không thực sự say mê, tâm huyết với nghề, có biểu hiện sớm thỏa mãn, chây ỳ, trì trệ trong công việc khi đã vào biên chế;
Tạo một “sân chơi” công bằng, sòng phẳng mới mong tuyển dụng được nhiều người tài trong điều kiện cơ chế thị trường rộng mở hiện nay; khiến giáo viên năng động, trách nhiệm hơn nhờ đó chất lượng giáo dục mới thay đổi, phát triển.
Nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến việc bỏ biên chế trong ngành giáo dục. (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Luồng ý kiến băn khoăn, phản đối cũng không ít, bởi vì cho rằng nghề dạy học là một nghề đặc thù, đào tạo, giáo dục con người, không chỉ bằng kiến thức mà còn bằng cả nhân cách, tình thương lớn của người thầy, nghề giáo cần có sự ổn định lâu dài, nhất là dạy học ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, kinh tế - xã hội còn nhiều gian khó.
Nếu Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết tâm thực hiện chủ trương này thì một bộ phận nhà giáo sẽ bỏ nghề, nhiều học sinh phổ thông sẽ càng chẳng mặn mà với việc lựa chọn, theo học ngành sư phạm.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến, bài viết còn thể hiện sự quan ngại sâu sắc về tình trạng lạm quyền, lợi ích nhóm của các Hiệu trưởng sẽ nảy sinh phức tạp rất khó kiểm soát trong điều kiện chế tài, quy định của pháp luật, văn hóa làm việc của người Việt bộc lộ nhiều hạn chế, chưa thể sánh bằng với các nước khác ở khu vực và thế giới.
Lãnh đạo nhà trường hội đủ tâm - tài hãy tính đến bỏ biên chế giáo viên |
Trả lời Báo Phụ nữ Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo sư Phạm Minh Hạc không tán thành việc xóa biên chế giáo viên và cho rằng đây là nội dung vô bổ.
Theo Giáo sư Phạm Minh Hạc, các thầy cô giáo không nên quá lo lắng về điều này, bởi đây mới chỉ là đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Vấn đề này rất lớn, liên quan đến nhiều cơ quan khác như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ…
“Vấn đề này Bộ Giáo dục và Đào tạo không có quyền quyết định mà chỉ có Thủ tướng mới là người quyết, điều này vượt quá thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo” - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.
Bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội cho rằng:
“Nếu mục đích đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ dừng ở nâng cao chất lượng giáo viên, làm sao có cơ chế thông thoáng để tuyển giáo viên giỏi thay vào vị trí những giáo viên kém hiện nay thì chỉ cần thực hiện nghiêm chỉnh Luật Viên chức, những quy định về ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng với viên chức là đủ.
Ở phương diện khác, việc bỏ biên chế giáo viên theo hướng người dạy tốt sẽ được trả lương cao là biện pháp giúp phát huy tiềm năng các thầy cô giáo.
Nhưng đó cũng là con dao 2 lưỡi, phải tổ chức thực hiện công bằng, công khai, minh bạch”.
Một vấn đề hệ trọng, quá lớn như thế này, trong thời gian tới sẽ còn có nhiều ý kiến trao đổi, tranh luận nữa trên các hội nghị, diễn đàn, báo chí…
Ở góc nhìn và trải nghiệm của một nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có hơn 20 năm trong nghề, tôi cho rằng, vào thời này điểm này chưa phải lúc thích hợp, chín muồi để tính chuyện bỏ biên chế giáo viên chuyển sang hình thức lao động hợp đồng.
Bởi hiện tại ngành giáo dục đang ngổn ngang những việc lớn phải lo, phải làm, như Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, có nguy cơ bị lùi lại thời gian thực hiện so với dự kiến ban đầu.
Việc đổi mới nội dung, chương trình, sách giáo khoa mới chưa đâu vào đâu lại bồi thêm chủ trương bỏ biên chế ngành giáo dục chỉ khiến nhà trường, thầy cô giáo hoang mang, lo lắng, tìm kế sách để đối phó, thích nghi…
Các cấp quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục thừa biết, đang có một bộ phận giáo viên chây ì, thiếu động lực làm việc tại đơn vị, địa phương mình.
Tuy nhiên, tại sao cuối năm chúng ta lại bằng lòng “cho qua” hết, toàn xếp loại hoàn thành xuất sắc, hoàn toàn tốt nhiệm vụ, hiếm có trường hợp giáo viên bị xếp loại, phân loại: không hoàn thành nhiệm vụ.
Thiếu thừa giáo viên, bị động trong việc tuyển dụng, khó khăn trong phân loại cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên tồn tại lâu nay là do ai? Có phải tại chúng ta cả?
Nể nang, dễ dãi, tình cảm, thành tích… là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến các địa phương, đơn vị không hoặc hiếm loại, tinh giản được ai, một số giáo viên vốn lười biếng, ỳ ạch lại càng ỳ ạch, lười biếng, trở thành “lực cản” ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Hiện nay, các trường có nhu cầu tuyển dụng, biết giáo viên thừa thiếu như thế nào thì thường lại bị động trong khâu tuyển dụng giáo viên.
Do đó, sắp tới phải thực hiện nghiêm quy định trong hợp đồng làm việc của viên chức, nếu 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ thì cho nghỉ”.
Người đứng đầu ngành giáo dục thấy thực trạng cả rồi nhưng vấn đề còn lại là cả ngành giáo dục, mọi nơi, mọi người có quyết tâm, đồng lòng, nói đi đôi với việc làm hay không?
Câu hỏi xin gửi đến các cấp quản lý giáo dục, tất cả nhà trường, thầy cô giáo của ngành giáo dục nước nhà để tìm hướng trả lời, giải quyết thấu đáo, ngọn ngành.