Chạy trốn nghề giáo?

05/06/2017 07:21
Jenna An
(GDVN) - Hãy tử tế với giáo viên, nếu không, chúng ta chỉ là một xã hội “mù lòa” với tri thức và đạo đức mà thôi.

LTS: Chia sẻ góc nhìn của mình về hình ảnh người giáo viên trong xã hội hiện nay, tác giả Jenna An bày tỏ những băn khoăn về việc ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường đến những giá trị đạo đức trong nghề giáo hiện nay.

Qua đó, tác giả nhắn nhủ với xã hội về việc hãy đối xử tử tế với giáo viên và hướng đến một xã hội phát triển.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tháng 3 vừa rồi, tổ chức Varkey đã vinh danh cô Maggie MacDonnell, giáo viên người Canada là Nhà giáo Toàn cầu trong năm 2017 vì những đóng góp thiết thực của cô trong lớp học và trong cộng đồng mà cô đang sống cùng.

Trong đó, chủ yếu tập trung vào những hoạt động khích lệ “sự tử tế” giữa con người với con người, nhằm giảm thiểu nguy cơ tự sát trong nhóm người ở độ tuổi thanh thiếu niên, tăng cường tình yêu thương và quan tâm giữa cô và học trò, với nhóm cộng đồng thiểu số nơi cô đang dạy ở vùng Bắc cực.

Cô giáo Maggie MacDonnell – Canada đoạt giải Giáo Viên Toàn Cầu 2017, Global Education and Skills
Cô giáo Maggie MacDonnell – Canada đoạt giải Giáo Viên Toàn Cầu 2017, Global Education and Skills

Cô Maggie được tặng thưởng 1 triệu đô la Mỹ cho giải thưởng này của mình, và cô hứa sử dụng tiền thưởng này tiếp tục những hoạt động “tử tế” trong cộng đồng mà cô đang dạy học.

Tại sao càng ngày chúng ta càng phải trân quý những cô giáo và con người “tử tế” như Maggie? 

Có lẽ nhiều người chưa biết rằng, trong hơn 15 năm qua, số lượng người tham gia làm nghề giáo và duy trì hoạt động giảng dạy của mình như một nghề suốt đời đã sụt giảm nghiêm trọng.  

Cùng với việc gia tăng dân số, cùng với việc giáo viên luôn là một trong các nghề có thu nhập thấp nhất xã hội và ít được quan tâm, ưu đãi, con số thiếu hụt giáo viên trên toàn cầu đã ở mức báo động đỏ.  

Xin hãy nhìn bảng thông tin dưới đây để có thêm dữ kiện.

Báo cáo UNESCO 2016 [1]
Báo cáo UNESCO 2016 [1]

Theo nghiên cứu của UNESCO, chúng ta hiện đang thiếu 69 triệu giáo viên trên toàn cầu, để đạt được mục tiêu giáo dục cho phát triển bền vững năm 2030 [2].  

Vậy, chỉ còn có 12 năm, một thế hệ (nếu tính 12 năm là đủ cho 1 thế hệ hoặc có thể là 2 thế hệ nếu vòng thế hệ trong thế giới hiện đại được tính ngắn lại) để chuẩn bị lực lượng cho 69 triệu giáo viên, mà phần nhiều sẽ tập trung vào giáo viên cấp 1 và cấp 2.  

Chúng ta liệu có đủ thời gian không? Có đủ nhân lực không? Khi ở hầu hết các châu lục trên thế giới (trừ một số ít các nước đã ý thức giá trị của giáo viên như một nền tảng của giáo dục), giáo viên giống như một đối tượng nằm ở đáy của nghề nghiệp xã hội? 

Hãy nhìn thử từ góc nhìn của nước Mỹ.

Nguồn USA TODAY COLLEGE [3]
Nguồn USA TODAY COLLEGE [3]

Theo tổng kết năm 2014, nghề giáo viên với bằng tốt nghiệp đại học, khi bắt đầu tham gia giảng dạy, bạn có thể kiếm được 33.000 đô la Mỹ mỗi năm, ứng với chưa đến 3.000 đô la Mỹ/tháng và sẽ rất khó khăn cho người làm giáo viên để có thể trả được tiền nợ đại học hàng tháng với mức thu nhập này [4].  

Đây là lý do chính mà khoảng hơn 20% những giáo viên mới đi làm đã bỏ làm việc sau 1 năm đầu tiên đi dạy, và con số này tăng lên gần 40%-50% sau 5 năm đầu tiên đi dạy [5].  

Theo Bộ Giáo dục Mỹ, hàng năm có khoảng nửa triệu (500.000) giáo viên rời bỏ công việc giảng dạy của mình.

Điều này đã tạo ra rất nhiều khó khăn cho hệ thống trường, đặc biệt cho trường công lập, về việc thu xếp giáo viên trợ giảng hoặc giáo viên bổ sung cho lớp học.  

Có lẽ sẽ không khó khăn khi lý giải tại sao chất lượng giáo dục được cảnh báo ở mức cao với tình trạng giáo viên không còn tha thiết với nghề của mình. 

Còn nếu chúng ta nhìn đến Việt Nam, bức tranh có lẽ được vẽ theo những màu sắc rất khó xác định. 

Về lý thuyết và theo lịch sử, Việt Nam là nước "tôn sư trọng đạo" và nghề giáo là một nghề cao quý, khi được gọi là “Thầy”. 

Chạy trốn nghề giáo? ảnh 4

Lương tâm không bằng lương thực, hay điều gì làm thầy cô tổn thương nhất?

Trong khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, với cơ chế kinh tế thị trường, nghề giáo cũng được coi như một nghề “buôn chữ”.  

Mọi thứ có thể mua bán được, thì tại sao tinh thần “kinh doanh” đó không được phản ánh trong hệ thống giáo dục? 

Nói vậy, không có nghĩa là phủ nhận những con người, những nhà giáo chân chính, vẫn liêm khiết, vẫn cần mẫn và vẫn tận tụy với nghề và nghiệp của mình, vì con trẻ và vì tương lai của những thế hệ tiếp nối sau này.  

Nhưng có lẽ, phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy rằng, tư duy kinh tế thị trường có lẽ đã làm “hỏng” khá nhiều con người làm nghề giáo và tinh thần giáo dục nhân bản trong hệ thống giáo dục của Việt Nam. 

Chưa khi nào, báo động đỏ về đạo đức người làm thầy, cách ứng xử trong nhà trường giữa thầy cô và học sinh, trách nhiệm dạy đủ và đúng kiến thức đều có thể được “mua” như bây giờ. 

Điều này chắc chắn không phải do thầy cô, mà do xã hội, môi trường đã đẩy thầy cô và học sinh thành những “nạn nhân” bất đắc dĩ.

Chỉ cần sử dụng những căn bệnh thế kỷ như bệnh nói dối, bệnh hình thức mà Giáo sư Hoàng Tụy hay Giáo sư Trần Ngọc Thêm nêu ra [6], chúng ta có thể hiểu được tại sao giáo viên ở Việt Nam lại “bết bát” thế.  

Chỉ tiêu học sinh lên lớp có phải do giáo viên đưa ra? Thi học sinh giỏi hay giáo viên dạy giỏi có phải do giáo viên đưa ra? Thừa hay thiếu giáo viên, có phải do giáo viên làm nên? 

Chạy trốn nghề giáo? ảnh 5

Vì trò mà nhiều lúc thầy phải hạ mình!

Tuyển sinh và chất lượng dạy cho những người sắp làm thầy có phải do giáo viên làm nên? Lương và thưởng của giáo viên, ai sắp đặt? 

Các chuẩn cho giáo viên dạy học, mà phần nhiều đều không ích gì cho chất lượng dạy và học, ai đưa ra?

Ôi, Việt Nam chỉ khác Mỹ ở chỗ, với Mỹ, họ có đủ các dữ liệu được đo lường đầy đủ và chính xác, từ các quận lên tới liên bang, để đảm bảo họ biết điều gì đang xảy ra, cách ứng xử như thế nào, từ các góc nhìn khác nhau.

Qua đó, những tổ chức bảo đảm chất lượng dạy và học phải lên tiếng để cảnh báo chính phủ.  

Còn ở Việt Nam, chúng ta không tìm ra được gì, chúng ta không thấy được dữ liệu gì về giáo viên Việt Nam, về lý do tại sao thừa và thiếu, tại sao tuyển sinh không đi cùng với thực trạng yêu cầu đào tạo từ cấp quận hay thành phố, tỉnh và lên đến toàn quốc. 

Tất cả các dữ liệu về giáo dục, bao gồm cả dữ liệu về giáo viên, đều được Bộ Giáo dục và Đào tạo, thay mặt Nhà nước nắm giữ, và họ chỉ đưa ra con số nào khi cần mà thôi. 

Vậy làm sao có thể giải thích tình trạng bát nháo về giáo viên như hiện nay?  

Tại sao chỉ hôm trước vừa bảo sẽ là thừa 70.000 giáo viên [7], thì sau đó rồi sẽ lại có ý kiến, chúng ta sẽ thiếu nếu chúng ta chia nhỏ lớp học và bổ sung các môn học mới mà trước giờ học sinh Việt Nam chưa được học [8]? 

Tất cả đều trong một màn “bí mật” thông tin mà tôi không rõ, đến khi nào, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể công khai và minh bạch tất cả các nguồn thông tin về học sinh, về giáo viên, về tình trạng thiếu thừa giáo viên với từng bộ môn, từng chuyên ngành, như một điều kiện tiên quyết cho đề án cải cách giáo dục 2020 và đổi mới chương trình dạy sư phạm ở Việt Nam?

Chạy trốn nghề giáo? ảnh 6

Mỏng manh thân phận người thầy!

Cả thế giới thiếu 69 triệu giáo viên như UNESCO tuyên bố, riêng Việt Nam đang thừa… 

Có lẽ vì vậy, một số tổ chức giáo dục ở Việt Nam đang tranh thủ đẩy các chuyện “thối nát” về nhà giáo ra mặt báo hàng ngày, tìm cách chuyển đổi giáo viên từ dạy phổ thông xuống dạy mầm non (thực chất là đi rửa bát), nhấn mạnh việc giáo viên rồi sẽ bị thay thế bởi công nghệ giáo dục…vân vân và vân vân, để tìm cách “bán” chương trình dạy học, dạy tiếng nước ngoài và xây dựng một hệ thống xuất khẩu giáo viên Việt Nam ra thế giới, như một cứu cánh cho nghề giáo Việt Nam.

Ôi, có khi nào, những tư tưởng về kinh doanh giáo dục có thể hiểu ra được một nguyên lý cơ bản trong giáo dục và trong mọi hành xử của xã hội loài người:  

Nếu bạn không thể tử tế với tôi, như một con người, thì dù là nghề giáo hay nghề rửa bát, bạn cũng đâu có được một người làm nghề tận tụy?

Đó có lẽ là lý do vì sao mà cô giáo Maggie được vinh danh và được tặng thưởng 1 triệu đô la Mỹ, để gửi đi một thông điệp rất rõ cho xã hội kim tiền với nghề giáo là: Hãy tử tế với giáo viên, nếu không, chúng ta chỉ là một xã hội “mù lòa” với tri thức và đạo đức mà thôi.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://tellmaps.com/uis/teachers/#!/tellmap/873758989

[2] http://www.uis.unesco.org/Education/Documents/FS39-teachers-2016-en.pdf

[3] http://college.usatoday.com/2014/08/13/the-top-10-lowest-paying-college-majors/

[4] http://www.businessinsider.com/states-where-teachers-earn-the-lowest-salaries-2016-9

[5] http://www.npr.org/sections/ed/2014/07/18/332343240/the-teacher-dropout-crisis

[6] https://www.diendan.org/viet-nam/hoang-tuy-noi-thang-ve-giao-duc-1; http://giaoduc.net.vn/Van-hoa/Nguoi-Viet-noi-doi-Con-so-va-vien-canh-post173179.gd

[7] http://cafef.vn/thua-70000-giao-vien-bo-gddt-noi-gi-20160530065105314.chn; http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/GS-Pham-Minh-Hac-Nuoc-ta-muon-phat-trien-thi-phai-dua-tre-len-lop-day-ca-ngay-post174012.gd

Jenna An