Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng thì chúng tôi thấy có quá nhiều những bài viết phản ánh về chuyện giáo viên ngao ngán chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp sau khi các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT được ban hành.
Nhiều thầy cô lo lắng bị cắt phụ cấp thâm niên nhà giáo bởi theo Luật Giáo dục 2019 thì phụ cấp này sẽ bị cắt đi. Những chỉ trích, bức xúc, những nỗi lo thường được đẩy về lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong lúc này, chúng tôi lại nhớ đến đề xuất bỏ biên chế giáo viên để chuyển sang hợp đồng lao động của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cách nay mấy năm. Lúc đó, nhiều người cũng đã từng phản đối dữ lắm….
Thế nhưng, nếu giáo viên chuyển sang hợp đồng lao động thì không phải chịu chi phối bởi Luật Viên chức và tất nhiên chế độ tiền lương cũng sẽ khác đi rất nhiều.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (ảnh: moet.gov.vn) |
Biên chế suốt đời và chế độ tiền lương của giáo viên
Nếu cứ thực hiện chế độ “biên chế suốt đời” như hiện nay thì bài toán thu nhập của giáo viên sẽ khó có được những bước cải thiện mạnh mẽ trong những năm tới đây, bởi lẽ cách trả lương dựa vào bằng cấp chứng chỉ hay vị trí việc làm đều không căn cứ vào khối lượng và hiệu quả công việc, nên khó tránh khỏi sự cào bằng.
Tăng lương đồng loạt cho hàng triệu nhà giáo, ngân sách lấy đâu ra? Quan trọng hơn là, giả sử có tăng như vậy cũng không tạo được động lực cho giáo viên, mà ngược lại sẽ tạo nên sức ỳ với tâm lý sống lâu lên lão làng!
Bởi lẽ lâu nay một khi được tuyển dụng vào biên chế hay hợp đồng không xác định thời hạn là gần như chắc suất để giáo viên có thể làm việc cho đến khi về hưu. Người giỏi cũng chừng ấy lương, người không giỏi cùng chừng ấy thu nhập nếu như cùng năm công tác, cùng giảng dạy một cấp học.
Nhiều trường học, nhiều địa phương dù giáo viên thừa do sự biến động về số lượng học sinh cũng không thể chuyển giáo viên đi đâu được. Nếu điều động giáo viên đi trường khác thì liên tục có đơn thư, khiếu nại lên cấp trên.
Vì thế, dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, lãng phí nhân lực trong từng trường học, trong từng địa phương mà rất khó giải quyết.
Chính vì vậy, ngày 25/5/2017, bên hành lang Quốc hội thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi với báo chí rằng :"Đã tới lúc phải đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh giá cán bộ, và tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên".
Khi đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã từng trăn trở: “Lâu nay, dư luận xã hội vẫn đề cập tới vấn đề thu nhập của giáo viên thấp, đời sống giáo viên khó khăn. Đó là sự thật, cũng là món nợ mà người đứng đầu ngành như tôi cảm thấy day dứt khi chưa trả được.
Nhưng sẽ rất khó có thể tạo ra sự thay đổi nếu cứ mãi bó buộc trong đồng lương công chức, viên chức”.
Về lộ trình thực hiện thì Bộ trưởng cho biết: “Trước mắt, ngành giáo dục cần làm thật tốt việc quản lý giáo viên theo Luật Viên chức. Sau đó từng bước có lộ trình thí điểm việc chuyển giáo viên từ biên chế sang hợp đồng, làm đến đâu chắc đến đấy, phù hợp với tình hình của từng địa phương.
Không dùng hành chính để áp đặt, nhất là vùng sâu vùng xa cũng phải có lộ trình riêng để phù hợp với tình hình thực tế”.
Mục đích của việc chuyển từ biên chế sang hợp đồng lao động cũng được Bộ trưởng Nhạ giải thích: "Để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, muốn thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn.
Nếu chúng ta cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được "đột phá" cho quá trình đổi mới giáo dục”.
Chỉ tiếc rằng tầm nhìn xa, ý tưởng cải cách táo bạo và căn bản mà người viết cho là rất chính xác của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi ấy bị dư luận phản đối mạnh mẽ, thậm chí là hiểu chưa đúng nên đề xuất này nên đã nhanh chóng đi vào quên lãng, không thể thực hiện được đối với đội ngũ nhà giáo đã được tuyển dụng.
Động đến "nồi cơm" của hàng triệu giáo viên chưa bao giờ là việc dễ dàng, dù đấy là điều cần thiết để thay đổi căn bản diện mạo giáo dục từ cơ chế trả lương cào bằng sang cơ chế trả lương theo hiệu quả.
Giá như các cơ quan tham mưu Bộ Giáo dục và Đào tạo lường trước được các tình huống này để chuẩn bị đầy đủ thông tin, phương án tuyên truyền và giải thích, lộ trình kế hoạch thí điểm rõ ràng, biết đâu tầm nhìn ấy có cơ hội trở thành hiện thực?
Cái lợi của việc bỏ biên chế, thực hiện hợp đồng đối với giáo viên
Chúng ta đều biết, thực hiện chính sách biên chế suốt đời hay hợp đồng lao động có thời gian đều có những thuận lợi, khó khăn, có những ưu điểm, hạn chế riêng.
Nhiều giáo viên lo rằng nếu như chuyển sang chế độ hợp đồng lao động thì hiệu trưởng các nhà trường sẽ thành “vua một cõi”, họ có quyền hạch sách, có quyền cắt hợp đồng những người không cùng phe cánh.
Tuy nhiên, một khi thực hiện chế hộ hợp đồng lao động thì các cơ quan chức năng sẽ có những văn bản hướng dẫn sự ràng buộc trong việc tuyển dụng và sử dụng nhân lực chứ đâu có thể thích là cắt, thích là tuyển được.
Hơn nữa, nếu làm tốt công việc của mình thì ai nỡ cắt hợp đồng của mình để nhận một người khác thay thế. Cơ chế ràng buộc trách nhiệm phải được cụ thể hóa chứ?
Điều đặc biệt là khi thực hiện chế độ hợp đồng lao động thì giáo viên sẽ không bị ràng buộc, chi phối bởi Luật Viên chức, những “giấy phép con” như lâu nay mà giáo viên đang phải chịu sẽ không còn nữa.
Đồng lương giáo viên cũng sẽ được cải thiện hơn theo năng lực của từng người. Người làm nhiều, người giỏi tất nhiên sẽ được trả lương xứng đáng chứ không phải cào bằng như bấy lâu nay.
Cái lợi nhất là các vị trí công việc sẽ có những cạnh tranh với nhau để cùng phát triển và tồn tại. Giáo viên mà bằng lòng, mà chững lại đương nhiên sẽ khó có cơ hội được duy trì công việc cũng như được trả lương cao.
Người trẻ ra trường cũng có một môi trường làm việc thuận lợi, không phải e dè giữa những thầy cô biên chế với thầy cô hợp đồng, không phải hẫng hụt khi cùng làm một công việc như nhau, thậm chí người trẻ làm nhiều hơn nhưng đồng lương được hưởng chưa bằng 1/3 giáo viên có thâm niên.
Chưa kể thực tế có khá nhiều địa phương ký hợp đồng thời vụ với giáo viên theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tuyển dụng ồ ạt rồi lại sa thải hàng loạt.
Tình trạng này dẫn đến sự phân chia tầng lớp giáo viên biên chế với giáo viên hợp đồng trong chính môi trường chung - giáo dục công lập, tạo ra những vòng xoáy và cuộc đua không hồi kết để tranh lấy 1 suất biên chế, tạo ra vô vàn hệ lụy cho chính giáo dục và những thầy cô trong cuộc.
Nên chăng, ngành giáo dục cần nghiên cứu nghiêm túc chủ trương bỏ biên chế, thí điểm thực hiện chế độ hợp đồng ở những trường có điều kiện, sau đó sẽ mở rộng dần dần như đề xuất của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước đây.
Bởi, thực hiện chế độ hợp đồng lao động sẽ là giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, trả lương xứng đáng, loại bỏ các giấy phép con như hiện nay.
Những lời trăn trở của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước đây không phải là không có lý bởi nếu như cứ giữ chế độ “biên chế suốt đời” thì:“rất khó có thể tạo ra sự thay đổi nếu cứ mãi bó buộc trong đồng lương công chức, viên chức” và điệp khúc: “bao giờ giáo viên sống được bằng lương?” vẫn sẽ mãi là tiếng lòng của hàng triệu nhà giáo.
Tài liệu tham khảo:
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/bo-truong-phung-xuan-nha-thi-diem-xoa-bo-cong-chuc-vien-chuc-o-nhung-noi-co-dieu-kien-20170526073246976.htm
https://anninhthudo.vn/bo-truong-phung-xuan-nha-ly-giai-viec-se-chuyen-giao-vien-tu-bien-che-sang-hop-dong-post317872.antd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.