Hình như từ trước đến nay ở ngành Giáo dục chưa có Công văn nào mà Bộ Giáo dục ban hành xong thì giáo viên lại “quan tâm” và có phản ứng nhiều như Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 nhưng rồi cuối cùng thì mọi thứ vẫn không được điều chỉnh rõ ràng.
Sau rất nhiều bài viết, phản ánh những bất cập về Công văn 5512 thì ngày 23/6/2021, Bộ ban hành Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH nhằm xoa dịu dư luận bằng cách yêu cầu trong năm học tới chỉ thực hiện các kế hoạch giáo dục của nhà trường đối với lớp 6, các lớp còn lại thì vẫn thực hiện theo những hướng dẫn trước đây.
Nhưng, điều chúng tôi đặc biệt quan tâm là Bộ hướng dẫn: “Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch …” nhưng thực tế là không phải là để tham khảo mà giáo viên bắt buộc phải làm.
Bởi, nếu như Công văn 5512 không được điều chỉnh về nội dung, câu chữ thì câu hướng dẫn này hoàn toàn không có tác dụng gì và các nhà trường vẫn phải thực hiện 4 kế hoạch theo 4 phụ lục đã được hướng dẫn trước đây.
Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn |
Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo hay…bắt buộc?
Ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH- đây được xem là nội dung mới nhất của Bộ về việc thực hiện các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512.
Nếu giáo viên chỉ đọc qua Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH sẽ thấy có một chút vui mừng vì năm học tới Bộ chỉ giới hạn thực hiện theo Công văn 5512 ở lớp 6, nhất là khi Bộ kèm thêm một câu lệnh: “Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo…”.
Đó là: “Đối với lớp 6: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512);
Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, kế hoạch giáo dục của giáo viên, kế hoạch bài dạy (giáo án)".
Thế nhưng, đọc kĩ lại, nghiền ngẫm ra thì câu: “Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo …” là câu thừa, đánh lừa thị giác của người đọc mà thôi.
Vì sao chúng tôi nói vậy? Bởi, nếu đọc lại nội dung Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH sẽ thấy rất rõ điều này. Chúng tôi cho rằng các phụ lục kèm theo Công văn 5512 là bắt buộc phải thực hiện chứ không hề “được sử dụng tham khảo” như Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH đề cập.
Bởi vìnếu như: “Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo …” thì Bộ phải điều chỉnh nội dung Công văn này bởi trong Công văn 5512 đã nói rất rõ thực hiện các kế hoạch theo từng Phụ lục cụ thể.
Bộ không điều chỉnh nội dung thì tính hợp pháp của Công văn 5512 vẫn còn nguyên giá trị và các Sở Giáo dục sẽ chỉ đạo các nhà trường thực hiện các kế hoạch theo mẫu đã hướng dẫn ở các Phụ lục của Công văn 5512 và thực tế là hiện nay đã có những Sở ban hành văn bản dự thảo hướng dẫn các nhà trường phải thực hiện 4 kế hoạch theo các Phụ lục này.
Đọc chậm, đọc kĩ lại Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH thì chúng ta thấy rất rõ dụng ý chỉ đạo của Bộ.
Chẳng hạn, tại mục 2- Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (Phần II) của Công văn 5512 hướng dẫn như sau:
“Căn cứ vào kế hoạch thời gian thực hiện chương trình các môn học đã được Hiệu trưởng quyết định, các tổ chuyên môn xây dựng Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, bao gồm Kế hoạch dạy học các môn học (theo Khung kế hoạch dạy học môn học tại Phụ lục 1) và Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục (theo Khung kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục tại Phụ lục 2)”.
Đến mục 3. Kế hoạch giáo dục của giáo viên và Kế hoạch bài dạy (giáo án) thì Công văn 5512 hướng dẫn:
“Căn cứ vào Kế hoạch dạy học các môn học của tổ chuyên môn, giáo viên được phân công dạy học môn học ở các khối lớp xây dựng Kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học (theo Khung kế hoạch giáo dục của giáo viên tại Phụ lục 3);
Trên cơ sở đó xây dựng các Kế hoạch bài dạy (theo Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục 4) để tổ chức dạy học….”.
Như vậy, đọc kĩ Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH thì mọi người thấy rất rõ quan điểm chỉ đạo của Bộ. Cả 4 kế hoạch đều nêu rất cụ thể “theo khung….tại Phụ lục” thì sao có thể nói các Phụ lục này là tham khảo được?
Vì thế, những hướng dẫn trong Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH về việc thực hiện Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH chỉ là sự ỡm ờ về câu chữ mà thôi.
Nếu Bộ vẫn giữ quan điểm chỉ đạo…
Khoản 3 Điều 18 Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư quy định:
Văn bản đã phát hành nhưng có sai sót về nội dung phải được sửa đổi, thay thế bằng văn bản có hình thức tương đương. Văn bản đã phát hành nhưng có sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày, thủ tục ban hành phải được đính chính bằng công văn của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.
Thiết nghĩ, Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH lẽ ra cần sửa đổi, thay thế các nội dung liên quan đến 4 phụ lục là các mẫu kế hoạch, giáo án trong Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, cụ thể là thay các chữ "theo Khung kế hoạch...tại phụ lục..." thành "tham khảo Khung kế hoạch...tại phụ lục...", mới thực sự tường minh, đúng quy định.
Đằng này theo cá nhân người viết, Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH vẫn cho thấy sự mâu thuẫn trong chỉ đạo từ Bộ rất rõ ràng, đó là nhìn câu trên thì chúng ta thấy: “Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH” nhưng sang câu sau thì hướng dẫn: “Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo ...”.
Nhưng, nội dung Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH không hề được điều chỉnh một từ ngữ nào mà Công văn này lại yêu cầu, hướng các nhà trường, giáo viên thực hiện các kế hoạch giáo dục “theo khung….tại Phụ lục” mà Bộ hướng dẫn, ban hành.
Vì thế, nói gì thì nói, giáo viên lớp 6, các tổ trưởng chuyên môn trong năm học tới đây vẫn phải thực hiện đầy đủ các kế hoạch giáo dục theo 4 Phụ lục đã được hướng dẫn ở Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH.
Rồi những năm tiếp theo, có lẽ sẽ là các lớp còn lại của cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông sẽ phải đồng loạt thực hiện, vận dụng khi giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ đã hướng dẫn như vậy thì ắt giáo viên phải thực hiện theo nhưng những kế hoạch giáo dục này có thực sự cần thiết với giáo viên không, hay chỉ nhằm mục đích để đối phó với thanh, kiểm tra của cấp trên hoặc khi thao giảng, thi giáo viên giỏi mà thôi?
Còn khi giảng dạy một mình trên lớp thì giáo viên sẽ thực hiện theo một Kế hoạch bài dạy (giáo án) của riêng mình…45 phút trên lớp với vô vàn hoạt động mà thực hiện theo giáo án 5512 thì làm sao mà thực hiện được.
Nhưng, lãng phí là điều dễ thấy nhất, lãng phí về thời gian khi giáo viên phải đầu tư soạn các kế hoạch, giáo án hoặc là họ phải bỏ tiền mua của đồng nghiệp.
Bên cạnh đó, sẽ có những giáo án “nghìn trang” ra đời. Hàng triệu giáo viên trên cả nước sẽ tốn vài triệu ram giấy A4 cho việc in ấn giáo án, kế hoạch mỗi năm, rồi cuối năm cân phế liệu vì giáo án của giáo viên năm chỉ có giá trị sử dụng sử dụng trong từng năm học…
Lãng phí này lãnh đạo Bộ có lường trước được hay không?
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.