Chừng nào Bộ chưa bỏ Công văn 5512, chừng đó giáo viên vẫn còn mệt mỏi

01/07/2021 06:42
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo giới cả nước mong Bộ Giáo dục bỏ hẳn các mẫu kế hoạch theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH nhằm tránh bệnh hình thức, góp phần hướng giáo dục đi vào thực chất hơn.

Ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học cho năm học 2021-2022.

Theo đó, về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường đối với lớp 6, công văn này ghi rõ: việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512).

Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng Kế hoạch dạy học các môn học, Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, Kế hoạch giáo dục của giáo viên, Kế hoạch bài dạy (giáo án).

Đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12: xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh;

Phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên (hoàn thiện kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy (giáo án) đã được xây dựng và thực hiện từ các năm học trước).

Như vậy, theo Công văn này, chỉ giáo viên dạy lớp 6 mới áp dụng hướng dẫn của Công văn 5512 từ năm học 2021-2022. Đồng thời, mẫu kế hoạch bài dạy (giáo án) mới ban hành kèm Công văn 5512 cũng chỉ mang tính tham khảo với giáo viên thay vì “bắt buộc” phải thực hiện đã từng yêu cầu.

Nhiều nhóm giáo viên viết mẫu giáo án 5512 để rao bán cho đồng nghiệp qua mạng xã hội Facebook, ảnh chụp màn hình.

Nhiều nhóm giáo viên viết mẫu giáo án 5512 để rao bán cho đồng nghiệp qua mạng xã hội Facebook, ảnh chụp màn hình.

Thế nhưng, nhiều giáo viên vẫn chưa yên tâm vì Kế hoạch bài dạy (giáo án) vẫn được sử dụng tham khảo cho lớp 6 vào năm học tới. Tương tự, từ năm học 2022-2023 trở đi, Kế hoạch bài dạy (giáo án) này vẫn tiếp tục được sử dụng tham khảo cho các khối lớp còn lại.

Vì sao Bộ cần bãi bỏ hoàn toàn mẫu Kế hoạch bài dạy (giáo án) theo Công văn 5512?

Thứ nhất, Kế hoạch bài dạy (giáo án) theo Công văn 5512 dài dòng, rối rắm, lại được áp chung cho tất các các môn học ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông là thiếu khoa học, bởi mỗi môn học có những đặc thù riêng - môn tự nhiên khác môn xã hội, lại càng khác xa so với những môn như Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật.

Điều này đã được chứng minh qua nhiều bài viết đăng trên Giáo dục Việt Nam như: “Giáo viên kêu Trời với mẫu giáo án 5512, Vụ trưởng Thành có thấu?” ngày 16/6/2021; “Bộ nên có chỉ đạo cụ thể về mẫu giáo án 5512 trước năm học mới” ngày 22/6; “Soạn giáo án bài Vợ chồng A Phủ theo mẫu 5512 dài 23 trang, có cách nào rút gọn?” ngày 23/6.

Thứ hai, giáo viên không đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Kịch bản” tổ chức các hoạt động trong bài học là rất ngắn gọn. Nếu giáo viên xác định trúng vấn đề thì chỉ cần khoảng 2-3 trang/tiết; một bài 2 tiết thì Kế hoạch bài dạy chỉ khoảng 3-5 trang; không thể dài hàng chục trang như một số thầy, cô đã làm, phản ánh.”

Minh chứng là, các đề mục, tiểu mục phần I, II và các hoạt động của mục “Tiến trình hoạt động” đã chiếm khoảng 02 trang giấy A4. Chưa kể, phần ghi chú của Phụ lục IV cũng được Công văn 5512 “cầm tay chỉ việc” rất rối rắm.

Ví dụ: “Thực hiện nhiệm vụ (học sinh thực hiện; giáo viên theo dõi, hỗ trợ): trình bày cụ thể nhiệm vụ học sinh phải thực hiện (đọc/nghe/nhìn/làm) theo yêu cầu của giáo viên; dự kiến những khó khăn mà học sinh có thể gặp phải kèm theo biện pháp hỗ trợ; dự kiến các mức độ cần phải hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu.”

Thứ ba, nếu giáo viên lớp 6 dựa vào Kế hoạch bài dạy (giáo án) theo Công văn 5512 để soạn bài thì nội dung rất dài dòng (cho dù đã được rút gọn những phần không cần thiết).

Người viết tham khảo một giáo án lớp 6 bài Bài học đường đời đầu tiên - (2 tiết, trích Dế Mèn phiêu lưu kí, Tô Hoài, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) của một cô giáo ở Quảng Bình thì thấy bài soạn dài 19 trang (xem tại đây).

Nếu giáo viên (nhất là giáo viên trẻ, ít kinh nghiệm) lên lớp cứ bám theo giáo án này thì càng khiến học trò chỉ mới 12 tuổi quá tải.

Vì sao như vậy? Vì mẫu giáo án này yêu cầu học sinh thực hiện rất nhiều hoạt động, trong khi các em phải học hàng loạt môn. Vậy thì thời gian đâu để học sinh chuẩn bị bài theo yêu cầu giáo viên, chưa bàn đến chuyện các em có tiếp thu được hết kiến thức hay không.

Thứ tư, hiện nay chợ giáo án lớp 6 theo Công văn 5512 đang nhộn nhịp ở trên mạng xã hội. Nếu người mua chỉ để tham khảo, học hỏi thì không nói làm gì. Đằng này, rất nhiều giáo viên mua giáo án chủ yếu nhằm đối phó với lãnh đạo khi kiểm tra hồ sơ sổ sách, dẫn đến chất lượng dạy học bị giảm sút.

Một Fanpage của giáo viên Ngữ văn có hơn 155.000 thành viên đang rao bán mẫu giáo án theo Công văn 5512 rất tấp nập. Người mua chỉ việc thỏa thuận chi phí, sau đó chuyển khoản cho người bán thì sẽ nhận được mail gửi “hàng”.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều nội dung thay đổi, giáo viên ít nhất phải tự thân soạn giảng trên 3 năm mới có thể nắm vững kiến thức. Nếu giáo viên chây lười, mua giáo án không nhằm mục đích học hỏi thì việc đổi mới là câu chuyện xa vời.

Đề xuất mẫu giáo án chung cho bậc trung học phổ thông

Cá nhân người viết khẳng định, mọi giáo viên lên lớp dạy học đều phải có giáo án. Khâu soạn giáo án đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng và hiệu quả giờ dạy. Do vậy, giáo viên cần dành nhiều thời gian, công sức (tùy theo kinh nghiệm) cho khâu soạn bài.

Giáo viên có thâm niên, việc soạn giáo án có thể ngắn gọn, còn giáo viên mới ra trường, giáo viên trẻ thì nhất thiết phải soạn bài bản, chu đáo mới có thể nâng cao tay nghề.

Tùy theo đặc thù bộ môn và khả năng của từng giáo viên mà có thể soạn giáo án theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, cá nhân người viết mạn phép đề xuất hình thức và nội dung của một giáo chuẩn như sau.

1. Ngày soạn, ngày giảng.

2. Tiết dạy, tên bài dạy (chủ đề, chuyên đề).

3. Mục tiêu: kiến thức, kĩ năng, thái độ - cần lượng hóa được nội dung, tránh ghi chung chung, mơ hồ.

4. Chuẩn bị của giáo viên và học sinh: giáo viên chuẩn bị các thiết bị, phương tiện dạy học, tài liệu tham khảo. Học sinh soạn bài theo yêu cầu giáo viên, chuẩn bị dụng cụ học tập phục vụ cho việc học bài mới.

5. Phương pháp: tùy theo đặc thù bộ môn, bài học, giáo viên sử dụng các phương pháp sao cho phù hợp với diễn tiến bài học.

6. Tiến trình giờ dạy: ổn định lớp; bài cũ; khởi động; giảng bài mới; luyện tập; củng cố, dặn dò.

7. Rút kinh nghiệm: ưu, khuyết của giờ dạy, phương án khắc phục cho lần sau.

Nói thẳng, giáo án theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH khiến đội ngũ giáo viên trên cả nước phải khổ sở, vất vả ở năm học 2020-2021 bởi quá nhiều bất cập như đã phân tích.

Hoặc nếu Bộ Giáo dục muốn giáo viên cả nước tham khảo giáo án 5512 cho Chương trình giáo dục phổ thông mới thì hãy rà soát lại những hạn chế đã được phản ánh rất nhiều trên các diễn đàn báo chí, đặc biệt là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Từ đó, Vụ giáo dục Trung học xây dựng lại giáo án mới theo góp ý của giáo viên sao cho khoa học, phổ quát với các môn học và dễ sử dụng. Trước khi áp dụng đại trà, Bộ Giáo dục công khai giáo án cho giáo viên phản biện thì chắc chắn sẽ có được một giáo án tốt nhất.

Một cách làm thiết thực, hiệu quả cũng không kém đó là Bộ Giáo dục tổ chức thi thiết kế mẫu giáo án cho Chương trình mới. Cá nhân tôi khẳng định, rất nhiều giáo viên hào hứng tham dự, khi đó Bộ Giáo dục sẽ lựa chọn được một số mẫu giáo án hợp lí.

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục nên kiên quyết bãi bỏ mẫu giáo án 5512, cũng là một cách góp phần “loại bỏ bệnh hình thức để hướng tới đời sống giáo dục thực chất nhất, tạo sức sống mới, tinh thần mới trong giáo dục” như lời Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu tại Hà Giang ngày 25, 26/6/2021.

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-huong-dan-giao-an-ke-hoach-mau-5512-chi-de-tham-khao-post218817.gd?

[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-keu-troi-voi-mau-giao-an-5512-vu-truong-thanh-co-thau-post218602.gd?

[3] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vu-truong-vu-giao-duc-trung-hoc-giai-thich-mau-giao-an-5512-va-thu-cong-tac-post218343.gd

[4] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-truong-giao-duc-loai-bo-nhung-gi-hinh-thuc-de-huong-toi-giao-duc-thuc-chat-post218910.gd

[5] //thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-5512-BGDDT-GDTrH-2020-xay-dung-va-to-chuc-thuc-hien-ke-hoach-giao-duc-cua-nha-truong-462988.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên