Nghiêm ngặt quy trình đầu vào
Việc sử dụng giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh tại các cơ sở giáo dục phổ thông ở một số địa phương đang có nhiều ý kiến dư luận trái chiều. Một trong số đó là những băn khoăn về chuyên môn của giáo viên người Việt phải chăng không đủ để đáp ứng các đòi hỏi của môn học này?
Cô Hoàng Thị Thanh Xuyên, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Phú Thịnh (Yên Bái). (Ảnh NVCC) |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thị Thanh Xuyên, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Phú Thịnh (Yên Bái) cho biết: “Môn Tiếng Anh cũng như tất cả các môn học khác, đồng nghiệp của chúng tôi cũng có người chưa hoàn thiện đủ các kỹ năng nhưng số đó rất ít và không thể quy chụp được giáo viên người Việt không đủ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của môn học.
Xu hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay là xu hướng mở, dạy tiếng Anh theo hướng giao tiếp. Thế nhưng, chúng ta vẫn đang thi theo cách truyền thống. Chính vì vậy, nếu như chỉ có giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh thì chúng ta không đáp ứng được nhu cầu về từ vựng và ngữ pháp.
Tuy nhiên, trên thực tế, về kỹ năng dạy giao tiếp của giáo viên người Việt trong môn tiếng Anh còn gặp nhiều hạn chế”.
Theo cô Hoàng Thị Thanh Xuyên, chương trình học tại phổ thông và các đề thi của chúng ta trong môn Tiếng Anh hiện nay phần lớn nội dung là từ vựng và ngữ pháp. Điều đó cũng lí giải cho việc vì sao các thầy cô, học sinh vẫn có thiên hướng dạy và học về những nội dung đó. Vì thế khả năng giao tiếp của học sinh có hạn chế là thật.
Một số địa phương có chủ trương, chính sách mời các thầy cô người nước ngoài về dạy tiếng Anh chương trình phổ thông để học sinh tăng khả năng giao tiếp. Tuy nhiên, cô Xuyên cho rằng, giáo viên người nước ngoài không thể đáp ứng được những yêu cầu cho học sinh của chúng ta giao tiếp thành thạo.
“Về cơ bản, muốn giao tiếp bằng tiếng Anh phải có từ vựng và ngữ pháp. Nhiều người cứ cho rằng chỉ cần học giao tiếp, không cần học ngữ pháp với từ vựng quá nhiều. Nhưng tôi cũng muốn hỏi, nếu như không biết về ngữ pháp thì chúng ta nói một câu tiếng Anh người nghe có hiểu không? Hay đơn giản như trình bày một văn bản, diễn đạt một sự kiện mà sai ngữ pháp thì thông tin đó đến với mọi người cũng không trọn vẹn nội dung”, cô Xuyên chia sẻ.
Lấy ví dụ điển hình về các cuộc thi, cô Xuyên cho biết: “Thi IELTS là do quốc tế tổ chức, tại sao học sinh Việt Nam thi có số học sinh đỗ và đỗ cao rất nhiều?
Ngay tại Yên Bái là một tỉnh rất nghèo và khó khăn về nhiều điều kiện học tập nhưng kỳ thi IELTS năm ngoái có những học sinh đạt được mức điểm 8.5 tại Trường Trung học Phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành mà các em học sinh đó đâu được học giáo viên nước ngoài.
Giáo viên chưa tốt một vài kỹ năng là có nhưng đó không phải là đa số và không nên quy chụp, đổ lỗi cho giáo viên người Việt không đủ chuyên môn”, cô Xuyên nói.
Trong quá trình dạy học, cô Xuyên đã tiếp xúc với rất nhiều đồng nghiệp người nước ngoài và chính các giáo viên đó cũng nói với học sinh của mình là phải học ngữ pháp từ các giáo viên của mình, là cô giáo người Việt.
“Tôi nghĩ việc sử dụng giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh tại các trường giúp học sinh bạo dạn trong giao tiếp. Giao tiếp với các nền văn hóa, giao tiếp với phong cách nước ngoài để chúng ta hòa mình vào thế giới chứ không phải người nước ngoài đáp ứng được nhu cầu học tiếng Anh của người Việt Nam.
Người Việt của chúng ta có những nhận thức hạn chế nằm ở một số phụ huynh khi bị mác “thầy Tây” đánh lừa.
“Chúng ta phát triển kỹ năng giao tiếp của học sinh nên mới có nhu cầu học giáo viên nước ngoài. Tuy nhiên, không phải giáo viên nước ngoài nào cũng đủ kiến thức, kỹ năng để dạy giao tiếp cho học sinh. Thậm chí có một số phát âm của giáo viên nước ngoài không bằng giáo viên người Việt.
Vì vậy, quy trình tuyển dụng cần phải làm nghiêm ngặt, đặc biệt là bằng cấp của các giáo viên nước ngoài. Nếu giáo viên đó muốn dạy tại Việt Nam thì bắt buộc phải có chứng chỉ sư phạm”, cô Xuyên cho hay.
Cô Xuyên kể, đã có những trường hợp, người nước ngoài họ giao tiếp bằng tiếng Anh nhưng hỏi về ngữ pháp tiếng Anh thì không phải ai cũng biết. Cũng như tất cả chúng ta đều nói tiếng Việt nhưng không phải tất cả chúng ta đều có thể dạy ngữ pháp tiếng Việt, ngoài các cô giáo chuyên về ngành Ngữ văn và các giáo viên tiểu học.
Cô Hoàng Thị Thanh Xuyên nhận định: “Việc đưa người nước ngoài vào dạy tiếng Anh rất tốt, thế nhưng việc kiểm tra đầu vào phải thật chặt chẽ. Chứ không thể một ông ‘Tây ba lô’ sang Việt Nam vẫn được sử dụng dạy học trong hệ thống giáo dục phổ thông thông qua các trung tâm Anh ngữ. Một người thầy học phải chuẩn về trình độ, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp và lối sống phù hợp mới có thể đứng trên bục giảng trong hệ thống giáo dục phổ thông”.
Một phần đáp ứng tư tưởng “sính ngoại”
Cũng có ý kiến tương tự, cô Nguyễn Hồng Thuận, giáo viên IELTS tại Hà Nội cho rằng giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh tại các trường hiện nay đáp ứng được kỹ năng giao tiếp cho học sinh. Tuy nhiên cần phối hợp cùng giáo viên người Việt chứ nếu chỉ giáo viên nước ngoài thì không thể có kết quả như mong muốn.
Cô Nguyễn Hồng Thuận, giáo viên IELTS tại Hà Nội. (Ảnh NVCC) |
Cô Thuận chia sẻ: “Đối với giáo viên người nước ngoài có những lợi thế nhất định như kỹ năng phát âm của học sinh sẽ phát triển nhanh hơn nhờ việc bắt chước bởi không còn lựa chọn nào để giao tiếp nên phải cố gắng để giao tiếp bằng tiếng Anh. Điều đó sẽ tăng phản xạ ngôn ngữ tốt hơn ở học sinh trong quá trình học”.
Tuy nhiên, theo cô Thuận, giáo viên nước ngoài hầu như không đảm nhận được những mảng kiến thức dễ bị ảnh hưởng bởi rào cản ngôn ngữ như ngữ pháp, viết, từ vựng …
“Thế nhưng rất nhiều phụ huynh lầm tưởng rằng phải thầy ‘Tây’ mới tốt mà không biết được thế mạnh của từng giáo viên. Tư tưởng ‘sính ngoại’ của một bộ phận phụ huynh khiến chất lượng giảng dạy nhiều khi không được đảm bảo và không có kết quả tốt”, cô Thuận tâm sự.
Theo cô Nguyễn Hồng Thuận, chương trình giáo dục phổ thông mới đã có những thay đổi nhằm phát triển các kỹ năng cho học sinh. Tuy nhiên, việc phát triển kỹ năng giao tiếp chưa được chú trọng và ứng dụng nhiều do các đề thi hiện nay vẫn là thi viết.
Trong chương trình giáo dục, lý thuyết vẫn chiếm phần lớn, học sinh ít được thực hành, giao tiếp. Ngay cả các kỳ thi cũng không có đòi hỏi về giao tiếp nên càng học sâu hơn vào lý thuyết phục vụ thi cử mà kém về thực hành.
Bởi thi cử không có kỹ năng giao tiếp nên nhiều giáo viên chểnh mảng và không muốn bồi dưỡng các kỹ năng đó mà thay vào đó họ quan tâm vào một nhóm nội dung như viết, ngữ pháp, từ vựng… Điều này cũng chính là những hạn chế đang tồn tại trong một bộ phận đội ngũ giáo viên tiếng Anh hiện nay.
Việc sử dụng giáo viên nước ngoài dạy tại các trường ở một số địa phương đang triển khai có rất nhiều ưu điểm, tuy nhiên, cần phối hợp cùng giáo viên người Việt thì mới hoàn thiện được quá trình truyền đạt kiến thức cho học sinh.
Rất nhiều giáo viên người nước ngoài có chứng chỉ sư phạm truyền đạt cho học sinh rất tốt. Minh chứng là rất nhiều học sinh nếu phối hợp cả giáo viên người Việt và giáo viên người nước ngoài giảng dạy thì các kỹ năng phát triển đều và rõ rệt.
“Tuy nhiên, đó là đối với các giáo viên nước ngoài có kiến thức, bằng cấp, chứng chỉ sư phạm đầy đủ và điều quan trọng là có đạo đức nghề nghiệp. Có rất nhiều giáo viên nước ngoài đội mác “thầy Tây” nhưng thuộc nhóm tri thức kém thì không chỉ dạy sai chương trình đào tạo mà còn dạy các từ bậy, phát triển lệch lạc tư duy của học sinh. Hoặc đơn giản là không có khả năng trả lời những câu hỏi phát sinh trong tiết học.
Tôi đã từng gặp một giáo viên người Anh mà không phân biệt được thì Hiện tại đơn và thì Hiện tại tiếp diễn. Đã có những trường hợp thầy giáo có mác ‘thầy Tây’ mà lợi dụng sàm sỡ học sinh.
Chính vì vậy, là giáo viên thì xét ở phương diện nào cũng phải đủ. Đủ năng lực chuyên môn, đủ đạo đức nghề nghiệp và đủ kiến thức văn hóa ứng xử mới có thể giảng dạy học sinh hoàn thiện đầy đủ các kỹ năng tốt”, cô Nguyễn Hồng Thuận bày tỏ.