Bộ GDĐT biên soạn SGK: Lo ngại độc quyền, địa phương sẽ có áp lực khi chọn sách

25/10/2023 09:02
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-“Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, xã hội hóa biên soạn SGK giúp giảm áp lực ngân sách nhà nước.

Chúng ta đã bước sang năm thứ tư triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, thế nhưng, đến nay vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc có nên hay không để Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa.

Có ý kiến đề xuất nên có một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, thế nhưng cũng không ít quan điểm lo ngại rằng việc này sẽ gây lãng phí, gây lúng túng khó khăn trong quá trình chọn lựa sách giáo khoa, thậm chí là nguy cơ trở lại tình trạng độc quyền như trước đây.

Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là chủ trương đúng

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An) khẳng định “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Việc thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa cũng giúp giảm bớt áp lực ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới, đáng chú ý, chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa không phải là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là học liệu, là phương tiện tham khảo cho đội ngũ giáo viên. Các thầy cô giáo thiết kế bài giảng có thể tham khảo nhiều học liệu khác nhau, không riêng gì sách giáo khoa.

Đại biểu Thái Văn Thành cho rằng cần nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá những tác động ảnh hưởng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sách giáo khoa. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Thái Văn Thành cho rằng cần nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá những tác động ảnh hưởng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sách giáo khoa. Ảnh: Quochoi.vn

Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội và Luật Giáo dục cũng đã quy định việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Năm 2020, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 122, trong đó nêu rõ: "Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó".

Theo Đại biểu Thái Văn Thành, dư luận đang lo ngại nếu để Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa sẽ dẫn tới tình trạng độc quyền, đây là điều dễ hiểu.

Bởi khi có một bộ sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, phát hành, các địa phương sẽ có áp lực trong lựa chọn sách giáo khoa, điều này có thể ảnh hưởng tới các đơn vị tư nhân tham gia thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa.

Do đó, trước khi tính đến việc có cần một bộ sách do Bộ biên soạn hay không, cần nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này và đánh giá những tác động có thể xảy ra, cùng với đó, nghiên cứu thêm các tác động, ảnh hưởng khác.

“Thực tế, các bộ sách hiện nay cũng đã đáp ứng được yêu cầu của học sinh, nhu cầu của giáo viên.

Đặc biệt, phải tính đến lộ trình thực hiện chương trình mới, chỉ còn một năm sau nữa là chúng ta đã hoàn tất chu trình đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Những kết quả bước đầu đã cho thấy sự đồng thuận của đội ngũ giáo viên khi lựa chọn, sử dụng các bộ sách. Liệu thời điểm này biên soạn thêm một bộ sách có gây xáo trộn, khó khăn không?”, Đại biểu Thái Văn Thành đặt vấn đề.

Nên chờ thực hiện hết chu trình đầu tiên triển khai chương trình mới để đánh giá

Cũng theo thầy Thái Văn Thành, trước yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa, về phía Bộ cũng cần nghiêm túc nghiên cứu việc triển khai thực hiện, và nếu triển khai thực hiện thì phải xem triển khai ở mức độ nào, ở những môn học nào, và vào thời điểm nào.

Thứ nhất, chỉ nên xem xét việc để Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sách giáo khoa khi ngành giáo dục đã thực hiện hết chu trình đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, tức là sau năm học 2024 – 2025. Đến thời điểm đó, cần phải có đánh giá, phân tích sâu sắc những tác động ảnh hưởng từ nhiều mặt, căn cứ vào các kết luận khoa học và thực tiễn triển khai để điều chỉnh, rà soát, hoàn thiện lại chương trình, sách giáo khoa.

Thứ hai, cần đặt ra câu hỏi: Bộ có nên biên soạn sách cho tất cả các môn học hay không? Thực tế, không cần thiết Bộ tham gia biên soạn tất cả các môn học, mà với một số môn học đặc thù, Bộ mới cần giữ vai trò chủ đạo.

Cụ thể, với các môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, tri thức, kiến thức môn học là chân lý của nhân loại, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể không tham gia biên soạn sách giáo khoa những môn học này.

Bộ có thể cân nhắc biên soạn với một số môn học như Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, tiếng Dân tộc,…

Vì như môn tiếng dân tộc, tính đến lợi ích đầu tư, có thể những nhà xuất bản tư nhân ít tham gia biên soạn tài liệu này. Quá trình biên soạn cũng khó khăn hơn các môn học khác. Do đó, cần sự tham gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lúc này, Bộ tham gia biên soạn để giữ vai trò định hướng.

Còn với các môn như Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tham gia biên soạn để đảm bảo định hướng lý tưởng, đạo đức cách mạng, giáo dục truyền thống cách mạng mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng, giáo dục đạo đức, bản sắc văn hóa, lối sống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nhằm bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đào tạo thế hệ trẻ là những con người của cách mạng để tiếp tục duy trì, phát huy những thành quả cách mạng của Đảng ta.

Muốn làm tốt công tác định hướng tư tưởng, sách giáo khoa cũng cần phải thực sự chuẩn mực. Chính vì vậy, Bộ có thể cân nhắc để tham gia biên soạn ở những môn học này.

Bộ không biên soạn bộ sách giáo khoa nào là may mắn cho tất cả

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng: “Theo tôi biết, cho đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa biên soạn cuốn sách giáo khoa nào. Dù với lý do gì chăng nữa, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không biên soạn bộ sách giáo khoa nào là may mắn cho tất cả”.

Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội)

Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội)

Thầy Khang đặt giả thiết, nếu giờ Bộ viết sách, đương nhiên không có nguồn kinh phí do Ngân hàng thế giới (WB) cho vay. Vì vào năm 2020 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Chính phủ phê duyệt dự án đổi mới chương trình sách giáo khoa tổng thể 80 triệu USD, gồm 77 triệu USD vay từ nguồn vốn ODA và 3 triệu USD vốn đối ứng.Trong cấu phần dành cho biên soạn một bộ sách giáo khoa như thiết kế ban đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã báo cáo Quốc hội là không sử dụng khoản tiền này nữa. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lại 16,5 triệu USD xây dựng bộ sách giáo khoa, để trong tài khoản của WB và chưa sử dụng khoản tiền này.

Ngoài ra, giả sử Bộ tập hợp nhân sự để viết ra một bộ sách giáo khoa, rồi Bộ lại xem xét và phê duyệt bộ sách giáo khoa đó thì chẳng khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Và đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm in ấn, phát hành (chỉ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mới đủ điều kiện nhưng hiện nay họ đã có 2 bộ sách).

Giả sử có bộ sách do Bộ biên soạn thì các địa phương sẽ chọn bộ nào. Đương nhiên chọn bộ của nhà nước cho yên tâm, như vậy tức là xóa mất xã hội hóa.

Chưa kể việc này không phù hợp với Nghị quyết số 122/2020/QH14 ngày 19/6/2020 Quốc hội đã cho phép khi thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó.

Tóm lại, theo thầy Khang: “Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo viết thêm 1 bộ sách là tốn kém, không phù hợp với thực tế và Nghị quyết 122/2020/QH14”.

Linh Trang