Bộ GD&ĐT biên soạn thêm một bộ sách là không cần thiết và lãng phí

11/08/2023 06:40
Mộc Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo ĐBQH, đổi mới chương trình, SGK đi được hơn nửa chặng đường, việc Bộ GD&ĐT biên soạn thêm một bộ sách là không cần thiết và lãng phí nguồn lực.

Biên soạn thêm một bộ sách là không cần thiết, lãng phí nguồn lực

Theo lộ trình, hè năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định các bộ sách giáo khoa cuối cùng của lớp 5, 9, 12, để đến năm 2025, sẽ kết thúc việc thay sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, lại có ý kiến về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, khiến dư luận có nhiều băn khoăn.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) cho rằng: “Hiện nay, học sinh cả nước học chủ yếu 3 bộ sách gồm: Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống. Đến thời điểm hiện tại, việc giảng dạy với cả 3 bộ sách này theo tôi là phù hợp và đang dần ổn định.

Mặc dù, trong quá trình biên soạn, thẩm định, vẫn còn “sạn”, nhưng các tác giả cần nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp và nhà xuất bản có thể chỉnh sửa, tái bản các cuốn sách này để ngày càng hoàn thiện hơn.

Theo đại biểu Quốc hội, đến thời điểm hiện tại, việc giảng dạy với cả 3 bộ sách Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống là phù hợp và đang dần ổn định. Ảnh minh họa: Mộc Hương.

Theo đại biểu Quốc hội, đến thời điểm hiện tại, việc giảng dạy với cả 3 bộ sách Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống là phù hợp và đang dần ổn định. Ảnh minh họa: Mộc Hương.

Sự đổi mới nào cũng sẽ đứng trước những khó khăn, hạn chế nhất định, và theo tôi, phải cần khoảng thời gian ít nhất là 5 năm để hoàn thiện.

Vì vậy, thời điểm này, không cần thiết yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa”.

Đại biểu Hồ Thị Minh lý giải: “Nếu bây giờ tiếp tục biên soạn, thẩm định thêm một bộ sách giáo khoa mới, thì đến khi nào “guồng quay đổi mới” mới có thể đi vào ổn định?

Chưa kể, để bộ sách giáo khoa mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn có thể khắc phục hết những tồn tại đang đặt ra trong thực tiễn, thì cần điều kiện rất quan trọng là các địa phương cùng chọn bộ sách này, đồng thời, bộ sách phải thực sự hoàn hảo, chất lượng. Trong khi trước đó, Bộ cũng đã thừa nhận không thể tìm được chuyên gia làm sách vì những người giỏi đã “bắt tay” với xã hội hóa.

Đặc biệt, nếu các địa phương cùng chọn duy nhất sách giáo khoa do Bộ biên soạn, phải chăng lại quay lại tình trạng “độc quyền” trong sử dụng sách giáo khoa như vẫn lo ngại bao lâu nay?

Bởi thế, việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa vào thời điểm này hoàn toàn là không cần thiết và dẫn đến nguy cơ tốn kém, lãng phí nguồn lực”.

“Mà liệu có chuẩn hơn các bộ sách đang sử dụng hay không? Ai dám cam đoan ngân sách bỏ nhiều tỷ ra để làm một bộ sách mới mà chất lượng tốt hơn 3 bộ sách hiện hành?” - đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị đặt câu hỏi.

Đồng tình với quan điểm đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) cũng bày tỏ: “Theo tôi, nên xem xét, cân nhắc bỏ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải biên soạn một bộ sách giáo khoa bằng kinh phí của Nhà nước vì tốn kém, không cần thiết và có thể dẫn đến “lợi bất cập hại”.

Tôi cho rằng, hiện tại, việc thay sách đã đi gần hết chặng đường, việc có một bộ sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào lúc này có thể sẽ là một cuộc điều chỉnh chính sách giữa chừng rất lớn và có thể gây tốn kém không cần thiết”.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh). Ảnh: NVCC.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh). Ảnh: NVCC.

Cụ thể, Đại biểu Nguyễn Thị Hà phân tích: “Theo tôi, chủ trương “một chương trình - nhiều sách giáo khoa” đang đi giữa chặng đường thực hiện, vẫn nên được duy trì tại thời điểm hiện tại. Tuy trong quá trình triển khai đã bộc lộ những hạn chế và nhận được những phản hồi trái chiều từ dư luận nhưng việc thực hiện đã dần ổn định hơn. Nhiều địa phương cũng đã chọn lựa sách đưa vào giảng dạy một cách ổn định, nhiều giáo viên cũng đã quen với việc có nhiều bộ sách.

Về chương trình dạy và học: Khi chương trình của mỗi cấp học, lớp học đã là chuẩn thống nhất, thì sách giáo khoa đa dạng sẽ tăng sự lựa chọn học liệu cho phù hợp với điều kiện học tập của từng địa phương.

Trong thực tiễn giảng dạy, điều mà tôi thấy nhiều giáo viên băn khoăn khi triển khai nhiều bộ sách giáo khoa là việc kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là đối với các kỳ thi lớn, có đảm bảo được sự thống nhất chương trình giữa các bộ sách hay không? Có thiên vị bộ sách nào không? Vì vậy, các cơ quan chuyên môn cần xem xét, cân nhắc thật thận trọng trong khâu thiết kế các bài kiểm tra, các bài thi đảm bảo công bằng cho học sinh sử dụng các bộ sách khác nhau”.

Tập trung nguồn lực trang bị cơ sở vật chất, thiết bị

Để nâng cao hiệu quả triển khai chương trình mới và đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại biểu Hồ Thị Minh kiến nghị: “Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có một cuộc tổng rà soát để kịp thời nắm bắt và trao quyền lựa chọn sách giáo khoa về phía những “người trong cuộc” - những thầy cô trực tiếp giảng dạy.

Một ý nữa, giá như, khi ban hành Nghị quyết 29, chúng ta có khoảng thời gian độ 4-5 năm để chuẩn bị đội ngũ, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và chuẩn bị chương trình - sách giáo khoa một cách hoàn thiện rồi mới triển khai trong thực tiễn, thì sẽ không gặp phải nhiều thách thức như thời gian qua. Hiện tại, theo tôi thấy, các trường đại học cũng chưa thực sự chủ động “vào cuộc” để đào tạo đội ngũ giáo viên các bộ môn theo chương trình mới.

Đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị). Ảnh: NVCC.

Đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị). Ảnh: NVCC.

Những lúng túng, khó khăn mà ngành đã và đang gặp phải, chủ yếu trong cơ sở vật chất và đội ngũ; còn sách giáo khoa hiện nay đã bắt đầu vào guồng, nên giữ như vậy sẽ có tính cạnh tranh hơn. Bộ sách nào bị phát hiện có “sạn”, nhà xuất bản phải chỉnh sửa, còn nếu không sửa, thì chắc chắn năm sau sẽ mất chỗ đứng trên thị trường.

Thay vì đầu tư kinh phí để biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa, Nhà nước có thể tập trung đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồng thời, đẩy mạnh đào tạo và đào tạo lại đội ngũ để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018” - nữ đại biểu nhấn mạnh.

Mộc Hương