Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, thời gian gần đây, một số phương tiện truyền thông đã phản ánh thông tin không đúng bản chất sự việc về George Washington International School (GWIS) liên kết đào tạo tại Việt Nam.
Từ năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn chỉ đạo cho phép các địa phương như Hà Nội, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Quảng Ngãi, Bình Định, ĐăkLăk... triển khai chương trình hợp tác đạo tạo với GWIS.
Theo đề án liên kết của chương trình này, học sinh tham gia sẽ được tiếp cận với chương trình giáo dục tiến tiến của Hoa Kỳ do giáo viên bản ngữ giảng dạy với mức học phí vô cùng hợp lí, tạo cơ hội tốt giúp học sinh Việt Nam hội nhập quốc tế ngay từ khi học phổ thông.
Trên cơ sở cho phép của Bộ, các địa phương đã xúc tiến thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật.
Nhiều học sinh tốt nghiệp chương trình GWIS đã vào các đại học danh tiếng của thế giới. Ảnh: GWIS. |
Tại Hà Nội, căn cứ vào Công văn số 7212/BGDĐT-HTQT ngày 29/10/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường THCS-THPT Newton và GWIS đã triển khai chương trình theo đúng quy trình, thủ tục được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hướng dẫn và phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam về hợp tác, liên kết nước ngoài.
Thực tế, trong quá trình liên kết giảng dạy chương trình GWIS, trường THCS-THPT Newton đã đạt được nhiều kết quả tốt đáng ghi nhận, có nhiều học sinh tốt nghiệp và nhập học tại các trường đại học quốc tế.
Tuy nhiên, ngày 13/4/2018, GWIS nhận được văn bản số 1458/BGDĐT-GDTrH và văn bản số 1457/BGDĐ-HTQT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện rà soát và báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh/thành phố về việc dừng chương trình liên kết, hợp tác đào tạo với GWIS.
Sau khi có chỉ đạo từ Bộ thì Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương cũng đã yêu cầu các trường trên địa bàn tạm dừng hợp tác với GWIS.
Điều đáng nói là trước khi ban hành chính thức công văn chỉ đạo này, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại chưa xác minh cụ thể các nguồn thông tin trên, cũng không yêu cầu GWIS báo cáo, giải trình về vấn đề liên quan, mặc dù trước đó ngày 11/4/2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có công văn báo cáo số 1322/SGDĐT-GDPT về việc triển khai chương trình hợp tác đào tạo với GWIS. Trong báo cáo nêu rõ:
Trường GWIS là tổ chức được thành lập theo Luật pháp của Bang Floria ngày 8/8/2011, mã số P11000070598. Ngày 12/8/2011, trường GWIS được Cục Giáo dục bang Floria (Shool Choice) công nhận là trường tư thục, hoạt động tại quận Orange, Florida (Hoa Kỳ), mã trường 6137, được xác nhận ở tình trạng đang hoạt động và được ghi vào danh bạ trường tư thục. Hiệu trưởng của trường GWIS là Tiến sĩ Larry Frazier.
Các trường ở Việt Nam hợp tác với GWIS là phù hợp với giáo dục hiện đại |
Trường GWIS cũng đãbáo cáo kết quả hoạt động 3 năm học liên tiếp gần đây nhất (từ 2013-2016) đến Cục Giáo dục bang Floria theo quy định của Cục gồm các thông tin: pháp lý, chương trình, học sinh, phụ huynh và kết quả tốt nghiệp phù hợp với pháp luật của bang Florida, Hoa Kỳ
Ngày 16/6/2017, Cục Giáo dục ban California có văn bản xác nhận việc trường GWIS đã hoàn tất các thủ tục đăng ký pháp lý, hoạt động theo quy chế của trường tư thục tại địa chỉ 1125 Central Ave, Ontario, California, Hoa Kỳ.
Cần nói thêm, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn này cũng hoàn toàn không lấy ý kiến của Ủy ban Nhân dân các tỉnh và Sở Giáo dục – Đào tạo các địa phương đang thực hiện chương trình liên kết với GWIS. Vậy công văn 1458 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có đảm bảo phù hợp với tính chất khách quan của vụ việc cũng như phản ánh chính xác tư cách pháp lý của GWIS tại Hoa Kỳ và Việt Nam?
Điều này đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, quyền và lợi ích hợp pháp của học sinh, phụ huynh và các trường đã triển khai liên kết đào tạo với GWIS trên toàn quốc, đặc biệt là những khó khăn cho học sinh khi không có bảng điểm cuối năm, không thể đi du học dù đã làm xong các thủ tục.
Ngay khi nhận được các văn bản nêu trên, đại diện của GWIS và Newton đã có buổi làm việc trực tiếp để làm rõ vấn đề. Ngày 3/5/2018, GWIS đã gửi báo cáo và bộ hồ sơ chi tiết kèm theo tới Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các cơ quan có liên quan để giải trình về việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật trong việc hợp tác, liên kết thực hiện chương trình GWIS tại Việt Nam.
Đến nay, sau công văn 1458, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có hướng dẫn chỉ đạo gì thêm để Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương có cơ sở rõ ràng tiếp tục hay không tiếp tục triển khai hợp tác với GWIS.
Về căn cứ pháp lý, việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học quy định tại Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/09/2012.
Tuy nhiên, việc liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục nước ngoài trong cơ sở giáo dục tiểu học, phổ thông không thuộc phạm vi điều chỉnh bởi Nghị định số 73/2012/NĐ-CP.
Nếu cơ sở giáo dục nước ngoài không vi phạm pháp luật Việt Nam thì Bộ Giáo dục và Đào tạo không có căn cứ để yêu cầu hay buộc chấm dứt hoạt động liên kết đào tạo.
Do sự khác nhau về hệ thống pháp luật giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nên không thể yêu cầu áp dụng các quy định của Việt Nam là trường phải có cơ sở vật chất thế nào, có số lượng giáo viên ra sao… để áp dụng với trường ở Hoa Kỳ.
Pháp luật của các tiểu bang ở Hoa Kỳ không bắt buộc trường tư thục phải được kiểm định hay phải được công nhận.
Việc kiểm định hay công nhận hoàn toàn dựa trên sự lựa chọn và sự tự nguyện của trường. Các trường tư thục tự chọn và cung cấp tất cả các chương trình giảng dạy, hướng dẫn và tài liệu giảng dạy cho phù hợp với học sinh của họ.
Cơ quan nhà nước không quản lý chương trình giảng dạy của các trường tư thục. Đây cũng là xu hướng giáo dục hiện đại mà Việt Nam đang phải học tập.
Nói tóm lại, trường George Washington International School ra đời và hoạt động hoàn toàn hợp pháp tại Hoa Kỳ và việc hợp tác với các địa phương, các trường ở Việt Nam cũng hoàn toàn phù hợp với nhu cầu liên kết đào tạo, nhu cầu học tập của học sinh và phụ huynh, không gây hại mà chỉ có lợi.
Cho đến nay, phía trường George Washington International School đã gửi văn bản tới Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu làm rõ vấn đề trên.
Để đảm bảo quyền lợi học sinh, đúng nguyên tắc pháp lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét lại công văn 1458 đã ban hành và có những chỉ đạo kịp thời để các địa phương và các trường hợp tác yên tâm tiếp tục triển khai chương trình hợp tác.