Việc trường Newton, các sở giáo dục và đào tạo đã hợp tác với Trường George Washington International School (GWIS) gần đây đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là các bậc phụ huynh học sinh.
Là người đã hoạt động trong công tác lãnh sự ngoại giao đồng thời cũng là một phụ huynh đã từng cho con em mình theo học tại các trường theo mô hình hợp tác quốc tế, tôi muốn đóng góp một vài ý kiến mong nhận được chia sẻ thực sự của các cơ quan có trách nhiệm trong vấn đề này.
Nhiều học sinh tốt nghiệp chương trình GWIS đã vào các đại học danh tiếng của thế giới. ảnh: gwis. |
Thứ nhất, tôi cho rằng sự hợp tác của GWIS với các trường ở Việt Nam là phù hợp với nhu cầu của xã hội, với chủ trương mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế của giáo dục Việt Nam. Tính pháp lý của sự hợp tác này cũng đã được các cơ quan giáo dục của hai nước xác nhận và triển khai từ hơn 5 năm nay.
Về phía Hoa Kỳ, trường GWIS được đăng ký hoạt động và quản lý theo luật của sở tại, tức là Tiểu bang Florida, nơi trường đăng ký pháp nhân. Cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền thuộc chính quyền Tiểu bang Florida mới đây đã có văn bản tái xác nhận thực tế này.
Hồ sơ đăng ký hoạt động của trường và hồ sơ hợp tác đào tạo với các trường, các sở giáo dục và đào tạo đã được cơ quan lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam làm các thủ tục công nhận là hợp pháp.
Trên cơ sở đó, các trường đã triển khai chương trình hợp tác với GWIS đào tạo hệ phổ thông song ngữ Việt - Anh với sự tham gia giảng dạy của các thầy cô giáo nước ngoài và Việt Nam.
Như vậy các sở, các trường đã đưa ra được một sản phẩm giáo dục, thêm một sự lựa chọn cho các cháu học sinh phổ thông được dạy theo chương trình song ngữ quốc tế có chất lượng "ngoại" trong khi chỉ phải trả mức học phí "nội" chấp nhận được với nhiều gia đình.
Và điều quan trọng nhất là kết quả thực tế những năm gần đây cho thấy chất lượng đào tạo của các trường đã được khẳng định, chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của các nhà trường cũng ngày càng được nâng lên.
Thứ hai, điều lo ngại của dư luận là gần đây là trường GWIS có một số sự thay đổi, chuyển địa điểm từ bang Florida về bang California, thay đổi trụ sở, giáo viên, học sinh...
Theo người đứng đầu trường là ông Phillip Nguyen thì trong lúc này trường đang chuẩn bị tuyển sinh năm học tới ở địa điểm sở tại, đang chuẩn bị đầu tư xây cơ sở mới, nên chưa vận hành như một trường học truyền thống, tuy nhiên vẫn duy trì hình thức đào tạo từ xa và các chương trình hợp tác đào tạo.
Trong bối cảnh đó thì lại xuất hiện ý kiến cho rằng một đối tác như vậy là không có thật, một trường như vậy là trường không thật, thậm chí còn gọi là trường "ma". Khi thông tin thất thiệt tung ra đã gây cho dư luận sự nghi ngại, cũng khó tránh khỏi chuyện một số phụ huynh lo lắng cho việc học tập của con em mình tại các trường dạy chương trình hợp tác với GWIS.
Thiết nghĩ, tình thế này là khách quan do sự thay đổi của phía đối tác GWIS về địa điểm, nhưng nó không ảnh hưởng đến chương trình học - liên kết.
Đặc biệt, theo quan điểm "Chính phủ kiến tạo" mà Chính phủ đang dày công xây dựng thì các cơ quan quản lý giáo dục là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương - là các cơ quan đã thẩm định hồ sơ và cấp phép cho các nhà trường hợp tác đào tạo quốc tế, lúc này cần tiếp tục đồng hành để các trường yên tâm giảng dạy.
Việc liên kết nước ngoài tại thời điểm năm 2012 là một sự cố gắng của các trường đi đầu. Bộ, Sở Giáo dục các địa phương đã cố gắng tạo điều kiện mở cho liên kết và trên hết đó là các cháu học sinh của Việt Nam được tiếp cận với nền kiến thức quốc tế tiên tiến, chỉ có lợi chứ không có hại.
Chính phủ kiến tạo cũng có nghĩa là cơ quan hữu quan ta biết vận dụng luật lệ và trên cơ sở luật pháp chủ động bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà trường, doanh nghiệp ta trong hợp tác và hội nhập quốc tế, chừng nào sự hợp tác vẫn có lợi và trong khuôn khổ luật pháp.
Thiết nghĩ lúc này không nên vì định kiến với đối tác nước ngoài mà quyết định “dừng” hợp tác của các trường phía Việt Nam.
Các bậc phụ huynh học sinh cũng nên nhìn trực diện vào chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên và trên hết là vào kết quả và chất lượng đào tạo của nhà trường đối với con em mình để đánh giá về nơi mình gửi con em vào, từ đó yên tâm, ổn định tinh thần cho các cháu, giúp con em mình tiếp tục được học tập yên ổn.
Với 2.000 học sinh của trường Newton, tôi thấy nhà trường đã khẳng định được phần nào về chất lượng giảng dạy. Báo chí cũng cần có cách nhìn thận trọng, đúng mực về hiện tình, góp tiếng nói bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà trường phía ta, công bằng hơn đối với những nỗ lực của các thày cô và học sinh nhà trường.
Lúc này, đối tác phía Hoa Kỳ đang có sự thay đổi, muốn tiếp tục hợp tác đào tạo với phía Việt Nam thì họ có trách nhiệm tự chứng minh năng lực và khả năng hợp tác của mình, tiếp tục khẳng định mình, nếu không nhà trường phía Việt Nam sẽ xem xét tìm đối tác khác phù hợp hơn.
Hiện thời các cơ quan hữu trách phía Hoa Kỳ vẫn thể hiện thái độ tôn trọng, ủng hộ trường GWIS hoạt động và hợp tác với nước ngoài, tôn trọng các quy định hai bên cho phép, đồng thời tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. Chúng ta nên nhìn cái đã làm tốt, chứ không nên đưa ra quyết định dừng.
Rất mong nhà trường và các cháu học sinh của chúng ta luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của Bộ và các cơ quan Việt Nam, sự chia sẻ của xã hội nhất là khi gặp hoàn cảnh khó khăn, để giáo viên và học sinh nhà trường được động viên tiếp tục vươn lên “dạy tốt, học tốt”, đảm bảo được mục tiêu chương trình và chất lượng giảng dạy trong thời kỳ hội nhập quốc tế.