Có nhiều băn khoăn rằng, Bộ có tính toán phương án ngăn ngừa gian lận trong quá trình vận chuyển bài thi từ điểm thi đến nơi lưu trữ trước khi chấm?
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, việc truyền bài thi tại điểm thi được chuyển về nơi tập kết có sự giám sát của lực lượng an ninh.
Phòng lưu trữ cũng có camera 24/24 và cũng có lực lượng an ninh bảo vệ thường trực. Thậm chí, còn có cả lực lượng hỗ trợ, bảo vệ từ vòng ngoài.
Qúa trình vận chuyển bài thi từ điểm thi đến nơi lưu trữ trước khi chấm đều được lực lượng an ninh giám sát chặt chẽ, phòng lưu trữ có camera 24/24. (Ảnh minh họa: Dương Hà) |
Về mặt chấm thi, ông Mai Văn Trinh cho biết, năm nay sẽ có nhiều thay đổi về mặt kĩ thuật để hạn chế gian lận.
Theo đó, quy trình chấm thi trắc nghiệm năm nay với sự cải tiến của phần mềm, gồm nhiều bước. Sau khi mở niêm phong bài thi, phiếu trả lời trắc nghiệm được quét theo từng phòng thi. Quét xong phiếu trả lời trắc nghiệm của túi nào, phiếu trả lời trắc nghiệm được thư ký kiểm đếm, đóng lại túi đó và niêm phong theo quy định.
Đáp án các bài thi quốc gia sẽ được mã hóa và chỉ có thể giải mã bằng phần mềm |
Ngay sau khi quét, tất cả dữ liệu bài thi đều được mã hóa. Phần mềm có chức năng thông minh, không cho người dùng can thiệp sửa lỗi.
Sao lưu toàn bộ dữ liệu ảnh quét (đã được mã hóa) ra đĩa CD hoặc DVD (gọi là CD0) thành 3 bộ đĩa giống nhau, bàn giao 1 đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 1 bộ đĩa gửi về Bộ.
Quá trình chấm được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm với chu trình khép kín. Dữ liệu được sinh ra bởi phần mềm đều được mã hóa và chỉ có thể giải mã khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp khóa giải mã.
Ông Mai Văn Trinh cho biết thêm, các phòng bảo quản bài thi, chấm thi trung học phổ thông quốc gia năm nay đều được lắp camera giám sát nghiêm ngặt.
Ngay sau khi kết thúc công tác chấm thi, thiết bị lưu trữ của camera được niêm phong và lưu giữ ít nhất một năm.
“Việc chấm thi trắc nghiệm năm nay, theo quy trình kĩ thuật được tăng cường, không cho phép chỉnh sửa. Nếu người chấm thi có khâu nào sai trước đó, đều không thể quay lại chỉnh sửa mà phải được Bộ cấp một mã để truy cập, chỉnh sửa.
Với giải pháp kĩ thuật như vậy, nếu thực hiện tốt sẽ hạn chế được tiêu cực, tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, do vậy phải lựa chọn những người có đủ năng lực và phẩm chất thực hiện", ông Trinh nhấn mạnh.